Home Chuyên Đề Sứ Mạng Trong Kinh Thánh: Khách Kiều Ngụ Hay Dân Định Cư?

Sứ Mạng Trong Kinh Thánh: Khách Kiều Ngụ Hay Dân Định Cư?

by thetravelingteam.org
30 đọc
HỌC CÁCH SỐNG TRONG CÂU CHUYỆN VĨ ĐẠI CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
Ngay từ thuở sơ khai, bắt đầu từ thời A-đam và Ê-va, nhân loại đã khao khát được sống yên ôn ở một nơi cố định. Trong Sáng-thế Ký 1:28, mệnh lệnh đầu tiên của Đức Chúa Trời dành cho nhân loại là, “Hãy sanh sản, thêm nhiều, làm cho đầy dẫy đất.” Trong Sáng-thế ký 9:1, khi Nô-ê và gia đình ông ra khỏi tàu, Đức Chúa Trời phán với họ rằng “Hãy sanh sản, thêm nhiều, làm cho đầy dẫy trên mặt đất.” Rõ ràng mong muốn của Đấng Tạo Hóa chúng ta là làm cho đất này đầy dẫy những người thờ phượng Ngài.

Khi chúng ta đọc tiếp trong câu chuyện của Đức Chúa Trời, bạn sẽ thấy rằng dòng dõi của Nô-ê, tất cả họ đều chung sống với nhau trong cùng một thành phố với cùng một ngôn ngữ, họ nói với nhau trong Sángthế Ký 11:4 rằng, “Nào! chúng ta hãy xây một cái thành và dựng lên một cái tháp, chót cao đến tận trời; ta hãy lo làm cho rạng danh, e khi phải tản lạc khắp trên mặt đất. Rõ ràng là hậu duệ của Nô-ê cũng biết kế hoạch và mục đích của Đức Chúa Trời là gì. Họ được định là những khách kiều ngụ chứ không phải những người định cư, nhưng họ đã chọn chống nghịch lại ý muốn của Đức Chúa Trời một cách trực tiếp. Trong Sáng-thế Ký 11:8, chúng ta thấy rằng Đức Chúa Trời vẫn có được những gì Ngài muốn, cho dù loài người có vâng lời hay không. Vì ngay lập tức, Đức Chúa Trời đã khiến cho dân này tản lạc ra khắp đất, qua việc làm xáo trộn ngôn ngữ của họ và họ phải dừng việc xây dựng thành phố. Chúng ta thấy rằng chính Đức Chúa Trời đã tạo nên các quốc gia, sự đa dạng của các nền văn hóa, ngôn ngữ và sắc tộc chứ không phải con người.

Chúng ta càng học biết về Đức Chúa Trời và câu chuyện của Ngài, chúng ta càng nhận ra rằng câu chuyện của Đức Chúa Trời là một bản thiên hùng ca. Một bản thiên hùng ca (hay sử thi) là một câu chuyện có quy mô đủ lớn để cả nhân loại có thể sống trong đó. Tất cả những gì về việc sống như một khách kiều ngụ trên đất là học cách để sống trong bối cảnh câu chuyện của Đức Chúa Trời, chứ không phải cố gắng tạo ra câu chuyện nhỏ bé của riêng chúng ta. Sự tìm kiếm và phấn đấu của nhân loại để sống tự lập tách biệt khỏi Đức Chúa Trời, Đấng Tạo Hóa của mình được thể hiện rõ qua các câu chuyện trong Kinh Thánh và thậm chí ngay tại nước Mỹ ngày nay. Việc tìm kiếm và theo đuổi Giấc Mơ Mỹ là tất cả những gì mà người dân Hoa Kỳ luôn hướng tới, và họ đang làm mẫu để phô ra cho cả thế giới đều thấy. Tại tháp Ba-bên, con người muốn có danh tiếng, quyền lực, và một chỗ để định cư. Điều đó hoàn toàn trái ngược với kế hoạch của Đức Chúa Trời, Đấng Tạo Hóa của họ. Giấc Mơ Mỹ đề xuất xây dựng nên một thế giới giàu có của riêng họ, để họ có thể sống suốt phần đời còn lại mà không phải phụ thuộc vào bất kỳ ai hay bất kỳ điều gì khác. Được sở hữu đất đai và nhà cửa cho riêng mình là niềm mơ ước của tất cả mọi người. Tinh thần của Giấc Mơ Mỹ khiến chúng ta không còn nhìn thấy Đức Chúa Trời hành động xung quanh chúng ta nữa.

MỘT KHÁCH KIỀU NGỤ LÀ MỘT NGƯỜI XA LẠ VỚI THẾ GIAN NÀY

Trong thư Hê-bơ-rơ chương 11, một chương đặc biệt nói về đức tin chia sẻ những câu chuyện về những anh hùng đức tin vốn là khách lạ trên đất, họ đã bước đi theo Đức Chúa Trời dù sống hay chết. “Tất cả những người ấy đều chết trong đức tin, chưa nhận lãnh những điều đã hứa cho mình; chỉ trông thấy và chào mừng những điều ấy từ đằng xa, xưng mình là kiều dân và lữ khách trên đất” (Hê-bơ-rơ 11:13). Tất cả những con người của đức tin này đã định hình một lối sống cho thấy họ hiểu mình chỉ là những người tạm trú trên đất này mà thôi. Họ hiểu rằng thế gian chỉ là cõi tạm chẳng phải quê hương. Những con người của đức tin này  biết rằng họ chỉ bộ hành ngang qua đời này với tư cách là một môn đồ của Đấng Christ, Đấng đang sắm sẵn cho họ một nơi ở đời đời trên thiên quốc. Những người này đã đưa ra quyết định khiến họ phải trả giá bằng chính mạng sống của mình, nhưng cái giá đó là để đầu tư vào Vương-quốc đời đời của Đức Chúa Trời của họ.

Chúa Giê-xu cầu nguyện cho các môn đồ Ngài như những người khách lạ và kiều dân trên đất:

“Con chẳng cầu Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ cho khỏi điều ác. Họ không thuộc về thế gian, cũng như Con không thuộc về thế gian.” (Giăng 17:15-16)

Chúa Giê-xu không cầu nguyện cho các môn đồ được thoát khỏi những hiểm nguy của đời này, nhưng được bảo vệ trước những nguy hiểm. Chúa Giê-xu đã không cầu nguyện rằng tất cả sẽ được sống cùng nhau trong một nơi an toàn, nhưng phải sống giữa những nơi nguy hiểm và xây dựng mối quan hệ với những người chưa được tiếp cận bởi Tin Lành.

Một khách kiều ngụ là một cư dân chọn sống trong xứ như một người ngoại quốc, vì họ biết rằng quê hương thật của mình ở trên thiên đàng với Đấng Tạo Hóa của mình. Lối sống của họ phản ánh rằng họ là những người tạm trú, một kiều dân nơi xứ lạ, họ chỉ ở lại đây một thời gian, và liên tục tiến về phía trước, để luôn tăng trưởng. Một khách kiều ngụ liên tục thay đổi chỗ ở, tìm kiếm những vùng đất mới, mở đường và men theo con đường mòn được mở ra bởi những khách lữ hành đi trước như một phần trong cuộc cách mạng của Đấng Christ. Một khách kiều ngụ là một người ở tạm, làm ăn, sinh sống và ở lại trong xứ như một người ngoại quốc. Kiều ngụ có nghĩa là đang trong một chuyến hành hương, là người xem cuộc sống mình không phải là đích đến nhưng là một quá trình, một hành trình liên tục.

Trong câu chuyện của Áp-ram, sức mạnh của câu chuyện không nằm ở những điều lớn lao mà Áp-ram đã làm. Áp-ram, là hậu duệ của một trong 70 nhóm dân tộc mà Đức Chúa Trời đã tạo ra tại Tháp Ba-bên. Khi bạn so sánh những gì con người muốn đạt được tại Tháp Ba-bên với những gì mà Đức Chúa Trời đã hứa cho Áp-ram, bạn sẽ thấy rằng những điều này hoàn toàn giống nhau:

“Vả, Đức Giê-hô-va có phán cùng Áp-ram rằng: Ngươi hãy ra khỏi quê hương, vòng bà con và nhà cha ngươi, mà đi đến xứ Ta sẽ chỉ cho. Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân lớn; Ta sẽ ban phước cho ngươi, cùng làm nổi danh ngươi, và ngươi sẽ thành một nguồn phước. Ta sẽ ban phước cho người nào chúc phước ngươi, rủa sả kẻ nào rủa sả ngươi; và các chi tộc nơi thế gian sẽ nhờ ngươi mà được phước. (Sáng-thế Ký 12:1-3)

Sức mạnh đằng sau câu chuyện của Áp-ra-ham là qua đức tin vâng lời của Áp-ra-ham, Đức Chúa Trời giữ lời hứa của Ngài để khiến Áp-ra-ham được nổi danh, dòng dõi ông trở nên một dân lớn, và trở thành một nguồn phước cho mọi thế hệ, mọi dân tộc trên khắp thế giới qua ông. Câu chuyện của Áp-ra-ham không phải nói về việc ông có được xứ hứa, mà nói về việc Áp-ra-ham đã nương cậy nơi Đấng Tạo Hóa của ông. Ấy là Đức Chúa Trời đã đổi tên ông thành Áp-ra-ham, nghĩa là cha của nhiều dân tộc. Câu chuyện về việc Áp-ra-ham đã bỏ lại tất cả những gì ông biết và có được để bước theo Đức Chúa Trời mà ông không biết, đến một nơi mà Đức Chúa Trời thậm chí còn không nói cho ông biết trước là đi đâu. Bạn có cảm nhận được sự phụ thuộc quá mức vào Đức Chúa Trời từ nơi Áp-ra-ham không? Áp-ra-ham là một khách kiều ngụ, một người ngoại bang, một người đến từ các nhóm dân, một người giàu có và nổi bật trong cộng đồng của mình. Đức Chúa Trời đã yêu cầu Áp-ra-ham bỏ lại cuộc sống ổn định này phía sau để bước đi theo Ngài.

Đức Chúa Trời đang yêu cầu chúng ta đi theo dấu chân của những người khách lữ hành, ngay trong thời này. Giấc Mơ Mỹ nói rằng chúng ta hãy định cư, ở gần gia đình, kiếm thật nhiều tiền, chăm lo cho gia đình, và có một căn nhà thật đẹp, với sự an ninh và ổn định nhất có thể.

Ngay từ thuở sơ khai, nhân loại đã tranh đấu trong cuộc chiến này để có thể sống định cư và không bị tản lạc ra khắp đất.

Còn bạn thì sao? Bạn sẽ sống như khách kiều ngụ hay dân định cư?

Dịch: NCMV

Nguồn: thetravelingteam.org

Bài vở cộng tác và góp ý xin gởi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like