Home Dưỡng Linh Đức Tin – Phần 12: Đức Tin & Lương Tâm

Đức Tin – Phần 12: Đức Tin & Lương Tâm

by AdrianChua
30 đọc

Link bài đọc: https://youtu.be/J8Y4RmOs020

1 Ti-mô-thê 1:18-19 – “Ti-mô-thê con ta ơi, ta truyền mệnh lệnh nầy cho con, theo các lời tiên tri về con từ trước, để nhờ những lời đó mà con chiến đấu dũng cảm, giữ vững đức tin và lương tâm trong sáng. Có người vì đã chối bỏ lương tâm đó mà sụp đổ đức tin,…

Trong phân đoạn Kinh Thánh trên, Phao-lô xác định mối liên hệ giữa đức tin và lương tâm. Lương tâm tốt là sự bảo vệ hoàn hảo cho đức tin và đời sống Cơ-đốc. Đức tin và lương tâm tốt đi đôi với nhau. Nếu chúng ta không có lương tâm tốt, chúng ta không thể có một đức tin đích thực.

Lương tâm—Người dẫn đường và tòa án bên trong

Lương tâm của chúng ta là một phần của khả năng đặc biệt bên trong do Đức Chúa Trời ban cho, một nhận thức nội tâm không thể thiếu làm chứng giữa điều đúng và điều sai về mặt đạo đức – “chính lương tâm họ cũng chứng thực điều đó, còn tư tưởng họ khi thì cáo buộc, khi thì biện hộ cho họ” (Rô-ma 2: 15). Lương tâm hoạt động như một người dẫn đường và một quan tòa. Nó đóng vai trò như một người hướng dẫn trước khi chúng ta hành động bằng cách thúc giục chúng ta làm điều đúng và ngăn cản chúng ta làm điều sai. Khi làm theo những gì mà lương tâm mình mách bảo, chúng ta thường sẽ có cảm giác bình yên và nhẹ nhõm. Lương tâm hoạt động như một thẩm phán cả trong và sau khi chúng ta hành động bằng cách đánh giá tính đúng sai của các hành động đó và động cơ của chúng ta. Nó giống như một hệ thống cảnh báo được tích hợp sẵn để báo hiệu cho chúng ta khi chúng ta trót làm điều gì đó sai trái. Lương tâm liên kết với linh hồn của chúng ta và là bộ phận cảm biến đau đớn đối với cơ thể của chúng ta; khi chúng ta làm trái với lương tâm của mình, chúng ta sẽ có cảm giác đau đớn hoặc tội lỗi.

Lương tâm của chúng ta có thể bị chai lì hoặc trở nên ô uế

1 Ti-mô-thê  4:1-2 – “Thánh Linh phán rõ ràng rằng trong thời kỳ cuối cùng sẽ có một số người chối bỏ đức tin, chạy theo các thần lừa dối và giáo lý của ma quỷ, bởi luận điệu đạo đức giả của những kẻ nói dối mà lương tâm đã chai lì

Tít 1:15 – “Với người trong sạch, mọi sự đều trong sạch; nhưng với những kẻ bại hoại và vô tín thì không điều gì là trong sạch cả. Trái lại, cả tâm trí và lương tâm họ đều đã bị băng hoại.

Tội lỗi có thể áp chế lương tâm của chúng ta và khiến lương tâm trở nên “chai sạn” và “ô uế”, cũng như hoàn toàn không đáng tin cậy. Lương tâm của chúng ta cũng có thể bị ảnh hưởng bởi văn hóa, môi trường và giáo dục. Những gì chúng ta đọc, những gì chúng ta nghe và những gì chúng ta thấy ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành động của chúng ta. Trong nền văn hóa của chúng ta ngày nay, nhiều người tin rằng không có lẽ thật đạo đức thực sự, không có đúng sai tuyệt đối. Tiêu chuẩn đúng sai về đạo đức chỉ được xem là những khái niệm tương đối và những khái niệm này thay đổi theo thời gian, địa điểm và văn hóa.

Hê-bơ-rơ 10:22 – “Chúng ta hãy lấy lòng chân thật với niềm tin vững chắc, lòng được tẩy sạch khỏi lương tâm ác, thân thể rửa bằng nước tinh khiết mà đến gần Chúa.

 
Tuy nhiên, lương tâm của chúng ta bị ràng buộc vào Lời của Đức Chúa Trời, nó dựa vào sự hiểu biết về điều thiện và điều ác mà Đức Chúa Trời đã ban trong Lời Thánh của Ngài. Nó bị ràng buộc bởi những gì mà Kinh Thánh ra lệnh hoặc cấm đoán. Tác giả Thi-thiên viết thế này: “Lời Chúa là ngọn đèn cho chân con, ánh sáng cho đường lối con” (Thi-thiên 119: 105). Khi con người rời xa ánh sáng của Lời Đức Chúa Trời, họ đi trong bóng tối, không biết mình đang đi về đâu. Sa-lô-môn viết, “Có một con đường dường như chính đáng cho loài người, nhưng cuối cùng nó thành ra nẻo sự chết” (Châm-ngôn 16:25). Và Phao-lô cảnh báo trong thư tín của ông viết cho người Rô-ma rằng khi loài người từ chối Đức Chúa Trời, lòng họ trở nên tăm tối, họ trở nên ngu dại, và đến cuối cùng Đức Chúa Trời sẽ phó mặc họ cho những tham dục của lòng mình (Rô-ma 1:18–32).

Khi chúng ta phạm tội — và nếu lương tâm của chúng ta vẫn đang hoạt động bình thường — nó sẽ cáo trách chúng ta về tội lỗi, khiển trách chúng ta và thúc giục chúng ta ăn năn. Nếu chúng ta chú ý đến lương tâm của mình, chúng ta sẽ duy trì một “lương tâm tốt”. Nhưng nếu chúng ta hết lần này đến lần khác biện minh cho tội lỗi của mình, phớt lờ sự nhắc nhở của lương tâm, thì nó sẽ dần chai sạn và không còn hoạt động bình thường được nữa.  Sự hiểu biết của chúng ta về đúng sai sẽ trở nên mờ nhạt và chúng ta sẽ đi đến chỗ không còn biết xấu hổ là gì. Nếu điều này cứ tiếp diễn, nó có thể dẫn đến sự chết thuộc linh, đức tin của chúng ta có thể bị “chìm đắm” và cuối cùng chúng ta có thể từ bỏ đức tin. Chính vì lý do này mà Phao-lô khuyên Ti-mô-thê giữ “đức tin và lương tâm tốt”.

Lương tâm và sự dẫn dắt của Thánh Linh

Công-vụ  23:1 – “Phao-lô nhìn thẳng lên Hội-đồng Công-luận và nói: “Thưa anh em, trước mặt Đức Chúa Trời, tôi đã sống với cả lương tâm trong sáng cho đến ngày nay.”

Công-vụ  24:16 – “Cũng vì cớ ấy, tôi luôn cố gắng để có lương tâm không bị cáo trách trước mặt Đức Chúa Trời và trước mặt con người.

Lương tâm quan trọng đối với Phao-lô đến nỗi ông thà nghe theo những gì lương tâm mình mách bảo chứ không phục tùng số đông. Ông chấp nhận đau đớn để có một lương tâm trong sạch trước mặt Đức Chúa Trời và trước mặt loài người. Tại sao việc duy trì một lương tâm lành mạnh lại quan trọng đối với Phao-lô như vậy?

Rô-ma 9:1 – “Trong Đấng Christ tôi nói sự thật, tôi không nói dối, lương tâm tôi cũng làm chứng cho tôi trong Đức Thánh Linh

Lương tâm của chúng ta là tiếng nói làm chứng cho những điều của Thánh Linh. Chúng ta không thể được dẫn dắt bởi Thánh Linh Đức Chúa Trời trừ khi chúng ta cũng nhạy cảm với lời làm chứng từ bên trong tâm linh chúng ta, cũng chính là một phần của lương tâm chúng ta.  Lương tâm phụ thuộc vào sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh. Do đó, nếu muốn được Thánh Linh Chúa dẫn dắt một cách hữu hiệu như Phao-lô, chúng ta cần phải giữ một lương tâm trong sáng và lành mạnh. Quan trọng nhất, có một lương tâm tốt sẽ bảo vệ đức tin của chúng ta, và tiếp thêm sức mạnh để chúng ta bước đi như những con trai, con gái đích thực của Đức Chúa Trời.

Dịch: Eunice Tu

Nguồn: Adrian Chua

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like