Link bài đọc: https://youtu.be/I8KjE6GC6dI
Kinh thánh: Ma-thi-ơ 18:7-9
7 Khốn nạn cho thế gian vì sự gây nên phạm tội! Vì sự gây nên phạm tội phải có; song khốn nạn thay cho ai là kẻ gây nên phạm tội! 8 Nếu tay hay là chân ngươi làm cho ngươi sa vào tội lỗi, hãy chặt và ném nó cho xa ngươi đi; vì thà ngươi què chân hay là cụt tay mà vào nơi hằng sống, còn hơn là đủ cả hai tay hay là hai chân mà bị quăng vào lửa đời đời 9 Nếu con mắt ngươi làm cho ngươi sa vào tội lỗi, thì hãy móc mà ném cho xa ngươi đi; vì thà ngươi một mắt mà vào nơi hằng sống, còn hơn là đủ hai mắt mà bị quăng vào lửa địa ngục.
Lời ngỏ:
Ngày xưa có hai vợ chồng tiều phu rất nghèo, nhưng cái đau khổ là những gánh củi của họ đem vào làng để bán đều bị quan lính đánh thuế để ăn chặn, còn người mua thì kỳ kèo để mua với giá rẻ mạt. Kỳ ấy năm hết Tết đến mà trong nhà không có lấy một bát gạo. Mãi về sau người chồng đành cố gắng gánh những gánh củi nặng đến từng nhà để bán. Sau khi kiếm được một ít tiền thì đưa cho vợ đi chợ sắm tết. Người vợ trên đường từ chợ về phải lội qua một con suối. Nhưng chẳng may bà bước nhằm hòn đá đóng rêu nên trượt chân ngã; khiến cho bao nhiêu đồ ăn rơi xuống suối và bị trôi mất. Người đàn bà ngồi đó ấm ức khóc rất thảm thiết.
Một vị quan huyện vi hành ngang qua, nghe tiếng khóc, biết có việc oan ức bèn cho dừng kiệu để hỏi. Biết được hoàn cảnh của bà cùng sự oan ức mà gia đình phải chịu trước sự bất công của quan làng xã địa phương và dân làng này, ông đã nghĩ ra cách giải quyết. Quan cho lính xuống khiêng hòn đá đóng rêu đến Đình làng là nơi mà dân chúng nhóm họp những ngày lễ hội. Quan cho lính cầm loa thông báo cho các quan làng xã và dân chúng đến dự buổi phán xử hòn đá. Nghe vụ xử lạ cùng thẩm phán lại là vị quan huyện nên quan làng xã và dân chúng kéo đến rất đông.
Quan huyện cho đặt hai cái thúng ở cổng vào nơi xử án và ra lệnh ai muốn vào xem quan xử án thì người dân thường phải nộp 1 hào, lính và dân quân thì nộp 2 hào; còn người có chức có quyền phải nộp 10 hào. Bên trong nơi xử án quan cho quân lính trang bị gậy gộc, giáo mác rất nghiêm minh; và có hai tên lính cầm ngọn roi lăm lăm trong tay sẵn cho việc tra tấn phạm nhân. Tiếng hỏi cung, tiếng quát nạt, tiếng roi vụt cùng những lời định tội hòn đá văng vẳng phát ra khiến dân chúng và quan địa phương càng kinh ngạc nên dù đông nghịt nhưng vẫn xin bỏ tiền để đứng vào xem và tận mắt chứng kiến hòn đá bị đánh như thế nào.
Những tội hình mà vị quan huyện phán quyết về hòn đá khiến cho những vị quan làng xã cùng dân chúng kinh hoàng vì đụng đến tim đen của họ. Vì những tội ấy là chi tiết của những lần mà họ đã áp bức, đã làm cho gia đình của người đàn bà này. Họ kinh ngạc và tỏ ra thán phục tại sao quan huyện ở trên mà biết rành mạch hết sự áp bức tại làng ở xa tít như thế. Nhưng họ giữ yên lặng như thể chấp nhận phán quyết tội ấy cho chính mình; có người âm thầm trở ra để bỏ thêm tiền vào thúng như để tỏ lòng ăn năn và nhận lỗi. Hiển nhiên, hòn đá ấy đã chịu mọi trận đòn thay họ.
Sau khi xét xử, vị quan huyện ấy tuyên bố phạm nhân “hòn đá” đã biết ăn năn và chịu đền tội. Ông bỏ 1 quan tiền vào thúng vì ông đã chưa làm trọn trách nhiệm chăm sóc dân chúng, dẫn đến sự nghèo đói này. Rồi sau đó, ông trao tận tay hai vợ chồng người tiều phu thúng tiền để làm kế sinh nhai. Cuối cùng, ông sai đặt “hòn đá” nơi cổng làng như dấu hiệu để nhắc nhở tất cả mọi người hãy sống yêu thương và giúp đỡ nhau.
Quay lại với đoạn Kinh Thánh, có hai điều chúng ta có thể nhận được từ Lời Chúa hôm nay.
1. Điều gây nên phạm tội
Trong bản Kinh thánh tiếng Việt chúng ta, cụm từ “sự gây nên phạm tội” được dịch sát nghĩa từ bản tiếng Anh “cause to sin”, tức là nguyên nhân dẫn đến sự phạm tội. Nhưng, trong bản Kinh thánh tiếng Hy-lạp dùng từ “σκανδάλων” (skan’-dal-on) để nhấn mạnh về một vật gây cản trở trong quá trình vận chuyển. Có nghĩa, đó là những hòn đá hay vật cản mà ai đó vô tình hay cố ý đặt ra ngoài đường để ngăn cản các phương tiện đang di chuyển trên con đường đó. Một cách diễn đạt dễ hiểu hơn là những “chướng ngại vật”.
Những chướng ngại vật như thế có thể đến từ người khác hay đến từ chính bản thân chúng ta. Cả hai đều gây ra hậu quả nghiêm trọng như nhau. Và chúng ta là con cái Chúa phải nhờ cậy Ngài để vượt qua những chướng ngại vật ấy; và đừng để những việc làm của mình trở thành chướng ngại vật cho người khác trong bước đường theo Chúa.
Chính Chúa Giê-xu đã nói rõ Ngài như vầng đá cho thế giới này. Đối với những người chống đối Ngài họ xem Ngài như hòn đá vấp chân họ, là người cản trở con đường công danh, sự nghiệp của họ. Nhưng Chúa Giê-xu đã hạ mình xuống, thậm chí là sẵn sàng vâng phục Cha để chịu mọi sỉ nhục, chịu chết và chôn. Để rồi Ngài trở nên vầng đá lót đường để đưa môn đồ của Ngài đến với Cha. Ngài chính là Con đường dẫn đến sự hòa thuận với Đức Chúa Trời và là Con đường cứu rỗi khỏi quyền lực của tội lỗi.
Cũng vậy, trước mắt người đời chúng ta có thể bị xem là chướng ngại vật cho sự tiến thân của họ trong thế giới đầy tội lỗi. Nhưng bởi sống theo gương Chúa Giê-xu, chúng ta không phải là chướng ngại vật gây nên sự phạm tội tràn lan; mà là dấu hiệu cảnh báo dẫn đường đưa họ trở về nơi Chúa mà không còn phạm tội nữa.
2. Quyết tâm từ chối sự phạm tội và tránh gây sự phạm tội
Trong các câu Kinh thánh này nếu con người chỉ hiểu và làm theo trong nghĩa đen thì sẽ trở thành “trại thương phế binh đủ các loại”. Bởi vì ai cũng phạm tội này tội kia nên đều phải tự chặt bỏ phần cơ thể đã khiến mình trực tiếp phạm tội. Phân đoạn này nói đến sự nghiêm trọng của tội lỗi, và Chúa phán bảo chúng ta cần có sự quyết tâm từ chối sự phạm tội. Theo đó, tôi con Chúa hãy cẩn thận trong lời nói, việc làm của mình để tránh gây sự phạm tội dù vô tình hay cố ý.
Hội thánh là hội của những người bằng lòng ăn năn tội lỗi và được trở nên thánh khiết bởi sự biến đổi của Đức Thánh Linh. Do đó, nếu một thành viên nào đó vô tình hay cố ý phạm tội mà không chịu ăn năn thì sẽ khiến cả Hội thánh đều bị đau đớn. Nếu cắt bỏ chi thể ấy bằng luật lệ và quyền hành thì chúng ta đành mất chi thể ấy; nếu không cắt bỏ thì làm cho cả thân thể bị đau đớn. Tuy nhiên, chúng ta cần phải loại bỏ tận gốc rễ tội lỗi bằng cách dùng tình yêu thương để cứu rỗi anh em mình trong Hội thánh. Do đó, mỗi người nhờ ân điển Chúa sống cách thận trọng để không trở thành những chướng ngại vật khiến anh em mình vấp ngã. Nhưng hãy nhờ sự thương xót của Chúa mà yêu anh em mình, khiêm nhường, hạ mình để anh em mình nhờ đó mà bước từ nơi tối tăm sang nơi sáng láng, từ nơi sa ngã trở về nơi được phục hồi.
Kết luận:
Các bạn thân mến, kiên quyết bước vào Nước Đức Chúa Trời là điều chúng ta cần hướng đến. Trong đời sống theo Chúa dù biết rằng Chúa luôn chăm sóc chúng ta như con ngươi của mắt Ngài; nhưng bản thân chúng ta không vì thế mà khinh suất. Tuyệt đối đừng đùa giỡn hay khinh suất lời cảnh báo của Chúa mà vô tình hay cố ý rơi vào trong sự phạm tội.
Là môn đồ trung tín của Chúa Giê-xu thì trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta không được cố ý có những lời nói hay việc làm khiến cho anh em mình bị vướng vào cớ vấp phạm mà phạm tội.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa,
Cảm tạ Chúa đã cứu rỗi chúng con khỏi sự chết trầm luân và bảo hộ chúng con khỏi những cạm bẫy của ma quỷ để lôi kéo chúng con vô tình hay cố ý phạm tội.
Xin Chúa giúp chúng con nhìn Chúa mà bước đi, vượt qua được những cạm bẫy, những chướng ngại vật ngăn cản bước chân chúng con theo Chúa. Cũng xin Chúa giúp chúng con tránh sơ xuất mà vô tình để lại những sự ngăn trở, vấp phạm cho người khác. Xin Chúa đừng để sự sơ suất, sai lầm của chúng con dù là vô tình gây cớ vấp phạm cho người khác.
Xin thương xót chúng con, và thương xót những người xung quanh chúng con. Xin Chúa bảo hộ chúng con luôn bình an đến khi được vào Nước Thiên đàng vinh hiển.
Nhân danh Cứu Chúa Giê-xu. Amen.
Nguồn: Radiomanavn.blogspot.com
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com