Home Chuyên Đề Nổi Loạn Hay Can Đảm

Nổi Loạn Hay Can Đảm

by Oneforisrael.org
30 đọc

Có một sự khác biệt kỳ lạ giữa sự nổi loạn và lòng can đảm. Như Spurgeon đã nói một cách khôn ngoan thế này, “Khả năng phân biệt không phải chỉ đơn giản là vấn đề chỉ ra sự khác biệt giữa đúng và sai; mà đúng hơn là nó có thể chỉ ra sự khác biệt giữa đúng và…gần đúng.

Đôi khi có thể rất khó để nhận ra sự khác biệt. Hãy để tôi cung cấp cho bạn một vài ví dụ và bạn sẽ hiểu ý tôi muốn nói gì.

  • Một bức ảnh nổi tiếng về đám đông đang chào đón Hitler, trong đó có một người đàn ông từ chối tham gia… Đây là sự nổi loạn hay lòng can đảm?
  • Thế còn việc Rosa Parks (mẹ đẻ của phong trào tự do) tẩy chay xe buýt  thì sao? Nổi loạn? Hay can đảm?

Sự nổi loạn và lòng can đảm đôi khi trông khá giống nhau, nhưng thực ra hai điều này có sự khác biệt rất lớn theo quan điểm của Đức Chúa Trời.

Đôi khi chúng ta cần phải có một lập trường không được nhiều người ủng hộ, bất chấp các chuẩn mực xã hội hoặc thậm chí là những luật lệ bất công. Điều này đòi hỏi sự can đảm rất lớn, và quan trọng là đối với những người như chúng ta, những người chọn sống dưới thẩm quyền của Đức Chúa Trời, điều đó phải được thực hiện với sự chấp thuận của Đức Chúa Trời. Đây có thể là một sự kêu gọi rất khó thực hiện.

ĐỪNG BỊ MẮC LỪA BỞI NHỮNG ĐIỀU GIẢ DỐI

Một số người lầm tưởng Chúa Giê-xu là một kẻ nổi loạn, nhưng đó là vì họ đã bị mắc lừa bởi một sự giả mạo rẻ tiền của lòng can đảm thực sự. Trái với một số ý tưởng phổ biến của nhiều người, Chúa Giê-xu không hề nổi loạn. Một cuộc khảo sát về những từ có liên quan đến sự nổi loạn trong Kinh Thánh sẽ sớm cho bạn thấy rằng Đức Chúa Trời ghét điều này.

Chúa ghét sự nổi loạn. Chúng ta sẽ được đánh giá là khôn ngoan nếu loại bỏ sự nổi loạn khỏi đời sống của mình, cùng với tất cả sự ngưỡng mộ về nó.

Cho dù là việc lật bàn trong đền thờ hay không chịu khuất phục trước sự đe dọa, thì chúng ta vẫn thấy được lòng can đảm khác biệt của Chúa Giê-xu. Một số người có thể nhầm nó với sự nổi loạn, nhưng đây là một sai lầm nghiêm trọng.

Sự nổi loạn có thể khiến bạn được đánh giá cao trong thế giới này. Còn trên thiên đàng thì không.

Chúa Giê-xu có thể đã chọc giận các nhà cầm quyền, nhưng Ngài không bao giờ nổi loạn chống lại luật pháp của Đức Chúa Trời. Ngay cả khi nói đến ngày Sa-bát, Chúa Giê-xu chưa bao giờ thực sự vi phạm luật pháp mà Đức Chúa Trời đã đặt ra – có chăng chỉ là những truyền thống Do Thái giáo do con người tự đặt ra mà thôi. Bài báo của Les Crawford viết về chủ đề này đã diễn đạt nó thế này:

Ngài là Đấng đã quyết định phải giữ ngày Sa-bát như thế nào cho đúng, vì Ngài là Đấng đã truyền lệnh đó khi ban Luật-pháp cho Môi-se từ lúc ban đầu…Khi hiểu chính xác về cách mà Chúa Giê-xu giải thích luật pháp và hành động của Ngài liên quan đến Luật-pháp, chúng ta thấy rằng Chúa Giê-xu chắc chắn không phải là một kẻ nổi loạn. Cách giải thích Luật-pháp của Ngài khác với cách mà các thầy thông giáo và người Pha-ri-si hiểu và giải thích Luật-pháp, nhưng cách của họ không đúng. Hay nói đúng hơn là họ đã buộc và chất những gánh nặng khó mang trên vai người ta (Ma-thi-ơ 23:4). Chúa Giê-xu đến để giải phóng mọi người bằng cách loại bỏ những gánh nặng kiểu như vậy, và Ngài đã làm trọn Luật-pháp của Ngài. Ngài tuyên bố rõ ràng rằng Ngài không đến để bãi bỏ luật pháp hay lời tiên tri, song để làm cho trọn (Ma-thi-ơ 5:17). Nhờ sự vâng phục trọn vẹn của Ngài đối với Luật-pháp, đã cho phép sự chết của Ngài trên thập tự giá có thể đền tội cho việc loài người vi phạm Luật-pháp (Rô-ma 5:19). Chúa Giê-xu đã làm trọn Luật Do Thái, và Ngài là Con Người duy nhất có khả năng làm như vậy. Ngài không phải là một kẻ nổi loạn trước mặt Chúa, mặc dù Ngài đã không tuân theo một số chuẩn mực văn hóa quan trọng đối với người Do Thái thời bấy giờ.”

Mặc dù Ngài coi thường các luật lệ về ngày Sa-bát của các Giáo-sĩ Do Thái, nhưng Chúa Giê-xu vẫn nhấn mạnh rằng những người theo Ngài phải tuân giữ luật pháp, ngay cả khi luật pháp của thế gian này đôi khi không công bằng. Thử xem xét các vấn đề liên quan đến việc nộp thuế. Trong Ma-thi-ơ 17, chúng ta thấy cuộc trao đổi này liên quan đến việc nộp thuế đền thờ:

… “Hỡi Si-môn, ngươi nghĩ sao? Các vua thế gian thâu lương lấy thuế ai? Thâu của con trai mình hay là của người ngoài?” Phi-e-rơ thưa rằng: “Người ngoài.” Ngài phán rằng: “Vậy thì các con trai được miễn thuế! Song le, để chúng ta khỏi làm gương xấu cho họ, …” (Ma-thi-ơ 17:25-27)

Chúa Giê-xu dường như muốn nói rằng theo quan điểm của thiên đàng, thì họ không bị bắt buộc phải đóng thuế, tuy nhiên để khỏi tạo cớ vấp phạm cho người khác, thì họ cũng nên tuân theo luật lệ này.

Sau đó, chúng ta thấy một sự khích lệ khác về việc nộp thuế, nhưng lần này là nộp cho quân La Mã đang áp bức họ. Các nhà lãnh đạo tôn giáo đang cố gây rắc rối cho Ngài bằng cách khích Ngài đứng lên chống lại La Mã. Chúa Giê-xu phản ứng thế nào?

“…Hãy đem cho ta xem một đồng đơ-ni-ê.” Họ đem cho Ngài một đồng, Ngài bèn phán rằng: “Hình và hiệu nầy của ai?” Họ trả lời rằng: “Của Sê-sa.” Đức Chúa Giê-xu phán rằng: “Vật chi của Sê-sa hãy trả lại cho Sê-sa, còn vật chi của Đức Chúa Trời hãy trả lại cho Đức Chúa Trời….” (Mác 12:15-17)

Đồng tiền mang hình ảnh của Sê-sa, và chúng ta mang hình ảnh của Đức Chúa Trời. Nếu những đồng tiền được tạo ra có in hình ảnh của Sê-sa thuộc về Sê-sa, thì chúng ta, được tạo ra theo hình ảnh của Đức Chúa Trời, phải chăng cũng nên thuộc về Ngài? Ngài đã tạo ra chúng ta, và chúng ta thuộc về Ngài. Đời sống của chúng ta không phải của riêng chúng ta. Vì vậy, Chúa Giê-xu đồng thời vừa thể hiện sự tự do của Ngài khỏi hệ thống quản lý của thế gian vừa chỉ ra thẩm quyền tối thượng đối với đời sống của chúng ta, Đấng mà chúng ta phải vâng lời là: Đức Chúa Trời.

KHI NÀO THÌ NÊN TỎ RÕ LẬP TRƯỜNG CỦA MÌNH         

Thật khó để tưởng tượng Chúa Giê-xu sẽ làm gì trong hoàn cảnh ngày càng siêu thực của chúng ta. Liệu Ngài có thách thức những nhà cầm quyền không? Liệu Ngài có thách thức một hệ thống thối nát? Ở mức độ nào thì Ngài sẵn sàng vi phạm luật pháp và bất tuân lệnh của chính phủ? Liệu Ngài có cho đăng những dòng tweet giận dữ nhắm vào các nhà lãnh đạo của đất nước? Đăng bài kiện cáo lên Facebook? Hay trên Instagram với những lời kêu gọi, kích động lật đổ chính quyền?

Nhiều phản ứng thái quá của chúng ta trước sự hỗn loạn ngày càng gia tăng xung quanh chúng ta hoàn toàn không đại diện cho Đấng Mê-si. Thật quá dễ dàng để trở nên nổi giận, phẫn nộ (mà điều này thường bắt nguồn từ sự sợ hãi, nếu chúng ta thành thật với chính mình) và phản ứng theo những cách mà đi ngược lại với mục đích của Đức Chúa Trời. Chúng ta phải tránh bất cứ điều gì gây ra những cuộc nổi loạn, cũng như nổi máu anh hùng không đúng chỗ hoặc hành động cách bốc đồng.

Những thời điểm như thế này đòi hỏi sự tỉnh táo, sự khôn ngoan tuyệt vời và sự kiên nhẫn để chờ đợi cho đến khi chúng ta chắc chắn Chúa muốn chúng ta nói gì và làm gì. Như Derek Prince đã từng đưa ra lời khuyên khôn ngoan, nếu bạn còn nghi ngờ về việc liệu điều đó có đúng hay không, thì tốt nhất là đừng làm điều đó.

Sự khôn ngoan đòi hỏi sự kiên nhẫn để tìm kiếm Đức Chúa Trời cho đến khi bạn hiểu được tấm lòng của Ngài về một vấn đề nào đó.

Sự kiên nhẫn đòi hỏi sự chờ đợi, kềm nén, điều này đòi hỏi một sức mạnh nội tâm to lớn.

Khi đến lúc phải nói hoặc hành động, điều này thường đòi hỏi lòng can đảm thực sự.

PHÁT TRIỂN LÒNG CAN ĐẢM

Để làm rõ hơn, tôi muốn nói rằng cả hai ví dụ mà chúng ta đã đề cập lúc đầu (Rosa Parks và người đàn ông trong đám đông ủng hộ Hitler) đều là những ví dụ về lòng dũng cảm dám chống lại cái ác (hay những điều sai trật) chứ không phải nổi loạn. Nhiều người có thể lầm tưởng những hành động này là nổi loạn, nhưng cả hai thực sự đều rất hợp với ý Chúa. Đôi khi chúng ta phải can đảm từ chối đi theo đám đông, kỳ vọng của xã hội và thậm chí cả luật pháp, để đại diện cho vương quốc của Đức Chúa Trời. Đôi khi cái giá phải trả cho điều này có thể rất, rất đắt.

Đức Chúa Trời đã nhiều lần phán những lời này với Giô-suê: “Hãy mạnh dạn và can đảm lên!” Cụm từ này (‘Chazak ve ematz!’ Trong tiếng Do Thái – חֲזַק וֶאֱמָץ) có ý nghĩa khích lệ ai đó hãy nỗ lực hết sức mình. Đây có thể là một quá trình được bắt đầu, ít nhất là bằng một hành động đưa ra quyết định. Chúng ta cần phải sẵn sàng với tất cả những gì chúng ta có để đối mặt với thử thách, nhưng chúng ta không phải chiến đấu một mình. Chúa Giê-xu đã hứa sẽ luôn ở với chúng ta, cho đến khi tận thế. Thật vậy, Đức Chúa Trời thể hiện trách nhiệm của Ngài đối với Giô-suê bằng cách trấn an rằng Ngài sẽ ở cùng ông. Bản dịch The Tree of Life đã dịch câu này như vầy:

Ta há không có phán dặn con sao? Chazak (hãy mạnh dạn)!  Can đảm lên! Chớ run sợ, chớ kinh hãi; vì A-đo-nai Đức Chúa Trời của con luôn ở cùng con bất cứ nơi nào con đi. (Giô-suê 1:9, dịch diễn ý)

Khi đọc qua chương Kinh Thánh này, bất cứ khi nào Đức Chúa Trời nói cụm từ này với Giô-suê, Ngài luôn củng cố nó với những lý do để khích lệ Giô-suê hãy trở nên mạnh mẽ:

  • Trong câu 6, Đức Chúa Trời nhắc nhở Giô-suê về những lời hứa mà ông có thể tin tưởng
  • Trong câu 7-8 Ngài hướng Giô-suê đến quyển Sách Luật-pháp và căn dặn ông hãy dùng đó như một cuốn sách hướng dẫn
  • Trong câu 9 Ngài đảm bảo với Giô-suê về sự hiện diện của Ngài
  • Trong câu 18 Chúa phán rằng Ngài sẽ xử lý bất kỳ kẻ nào dám chống đối ông

Trong Công-vụ chương 2, Đức Thánh Linh được hứa ban cho các môn đồ và họ ngay lập tức được đầy dẫy lòng can đảm. Sự dạn dĩ của Phi-e-rơ và các sứ đồ thật đáng kinh ngạc, so với họ trước đây khi còn là những kẻ bỏ chạy vì sợ hãi. Chúa Giê-xu đã hứa sẽ không để chúng ta một mình như những đứa trẻ mồ côi, và Thánh Linh của Ngài luôn sẵn sàng để giúp đỡ chúng ta ngày nay. Ngài có thể lấp đầy tấm lòng chúng ta bằng sự can đảm và mạnh dạn để đứng lên và làm những gì đúng đắn khi đối mặt với sự chống đối hay thậm chí là nguy hiểm.

KHÍCH LỆ BẢN THÂN VÀ NGƯỜI KHÁC

Trong tiếng Anh, từ can đảm được bắt nguồn từ chữ tấm lòng (cor) trong tiếng Latinh, đó là lý do tại sao đôi khi chúng ta thấy Chúa Giê-xu khích lệ chúng ta rằng “Hãy vững lòng!” như trong bản dịch tiếng Anh hay tiếng Việt. Chúng ta có thể nói về việc vững lòng hoặc ngã lòng – dù thế nào đi nữa, thì can đảm là vấn đề của tấm lòng. Điều tuyệt vời là chúng ta thực sự có thể truyền sự can đảm sang cho người khác – đây chính là lời động viên khích lệ.  Sự nản lòng có thể lấy đi lòng can đảm và làm chúng ta suy sụp, nhưng sự khích lệ sẽ tiếp thêm sức mạnh cho những nỗ lực của chúng ta để trở nên mạnh mẽ và can đảm!

Chúng ta có thể khích lệ bản thân mình trong Chúa bằng cách tự nhắc nhở mình về những lời hứa của Đức Chúa Trời, lời Ngài và sự hiện diện của Ngài, giống như Đa-vít đã làm (1 Sa-mu-ên 30:6). Chúng ta cũng có thể truyền lòng can đảm này sang cho người khác thông qua lời nói của mình, và thậm chí chỉ với sự hiện diện của chúng ta. Dân-số Ký 32:6-7 cho thấy việc chúng ta vắng mặt và không tham gia có thể gây ra sự nản lòng trong vòng dân sự Chúa, điều đó cũng có nghĩa là chỉ cần có mặt và tham gia, chúng ta có thể trở thành nguồn động viên cho người khác:

“Trong khi anh em mình ra trận mà anh em ở lại đây sao? Tại sao anh em làm cho dân Y-sơ-ra-ên nản lòng không chịu đi vào xứ mà Đức Giê-hô-va đã ban cho họ?”

Chúng ta cũng có thể khích lệ mọi người bằng chính tấm gương của mình. Khi chúng ta lấy hết sức mình để trở nên can đảm, đến lượt chúng ta có thể truyền sức mạnh và lòng can đảm đó cho những người xung quanh khi họ thấy chúng ta có lập trường.

“Lòng can đảm rất dễ lây lan. Khi một người dũng cảm đứng lên để giữ vững lập trường của mình, thì những người khác cũng sẽ dám đứng dậy và cảm thấy như được chống lưng” (Billy Graham)

Rosa Parks đã đi vào lịch sử như một người làm thay đổi thế giới, và đúng như vậy. Người đàn ông tại cuộc biểu tình của Hitler đã được ngưỡng mộ như một tấm gương tuyệt vời trong nhiều thập kỷ qua. Khác xa với hành động nổi loạn khiến Chúa phiền lòng, những anh hùng này đã dám đứng lên chống lại cái ác theo một cách truyền cảm hứng nhất cho đến ngày nay. Những tấm gương như thế này đóng vai trò như một sự khích lệ đối với chúng ta – không chỉ để giữ vững lập trường, mà còn dạy chúng ta rằng hành động can đảm của chúng ta cũng có thể khơi dậy lòng can đảm trong người khác. Chazak ve ematz! (Hãy mạnh dạn và can đảm lên!)

Dịch: Eunice Tu

Nguồn: oneforisrael.org

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like