Home Chuyên Đề Đồng Hồ Của Đức Chúa Trời: Hiểu Biết Thời Điểm Của Chúa

Đồng Hồ Của Đức Chúa Trời: Hiểu Biết Thời Điểm Của Chúa

by Oneforisrael.org
30 đọc

Trong một số nền văn hóa phương Đông, thời gian được cho là có tính chu kỳ. Chúng ta thường thấy các sự kiện – thậm chí sự ứng nghiệm của lời tiên tri – lặp đi lặp lại trong suốt lịch sử ở các mức độ khác nhau, nhưng chúng ta cũng có một Đức Chúa Trời quyền năng với một kế hoạch tổng thể. Cha của chúng ta đã phát minh ra thời gian và làm cho nó vận hành theo cách đó, “để mọi thứ không xảy ra cùng một lúc!” Ngài đã tạo ra trình tự thời gian, để các sự kiện có thể xảy ra lần lượt. Và Ngài nắm giữ toàn bộ dòng thời gian trong tay như một chiếc đồng hồ.

Lịch sử đang mở ra kế hoạch cứu chuộc vĩ đại của Đức Chúa Trời với phần đầu, phần giữa và phần cuối. Câu hỏi đặt ra là chúng ta có biết mình đang ở đâu trong dòng thời gian này hay không?

Nếu chúng ta hiểu được điều này, chúng ta sẽ được trang bị tốt hơn, giống như những người nam từ chi phái Y-sa-ca của Y-sơ-ra-ên:

Họ lànhững người “…hiểu biết thì giờ, và việc dân Y-sơ-ra-ên nên làm…” (1 Sử-ký 12:32)

Hết mùa này đến mùa khác, đến rồi lại đi. Thời gian dường như kéo dài vô tận, nhưng Kinh Thánh cho chúng ta biết điều này thật sự không phải như vậy. Đấng tạo ra thời gian đã ban cho chúng ta Cuốn Sách của Ngài mô tả những gì đã xảy ra trong buổi ban đầu, ở thời điểm hiện tại và cả trong tương lai để chúng ta biết điều gì đã, đang và sắp xảy ra. Có một con đường và có một kế hoạch rõ ràng ở đây.

LỘ TRÌNH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI CHO CÁC SỰ KIỆN XẢY RA TRÊN THẾ GIỚI

Một trong những từ yêu thích của tôi trong Kinh Thánh là “mesilah” (מסילה) hoặc “mesilot” ở số nhiều.

Từ מְסִלָּה này – có nghĩa là một con đường lớn (giống như đường cao tốc), theo nghĩa đen hoặc nghĩa bóng; nó cũng có nghĩa là một chiếc cầu dài hoặc đường tàu hoả bắt ngang qua thung lũng, cầu thang, đại lộ, đường đua, đường cái, lối đi, hay mặt đất…

  1. Một con đường được ban bằng, được đắp cao, đường cái; do đó nó là con đường có nhiều người qua lại
  2. Một cái thang, những bậc thang

Từ này thường được dịch là “đường cái”, nhưng nó cho thấy một ý nghĩa lớn hơn trong sách Các Quan-xét chương 5, bài ca của Đê-bô-ra. Đê-bô-ra hát về những người nam mạnh dạn của Y-sa-ca và chiến công của họ. Bà hát bài ca khải hoàn khi dân Y-sơ-ra-ên thắng thế trước vua  Si-sê-ra của Sy-ri, người đã đứng lên chống lại họ. Đây là những gì bà nói:

“Các vua đến chiến tranh,…Các từng trời có dự vào chiến trận; Những ngôi sao cứ theo đường [mesilot] mình mà đánh Si-sê-ra. (Các Quan-xét 5:19-20)

Ở đây, từ mesilah mô tả đường đi cố định (quỹ đạo) của các ngôi sao trên bầu trời. Điều này mang lại một cảm giác về vận mệnh, tạo hơi hướm thơ ca trong những câu Kinh Thánh này.

Các hành tinh không được chọn nơi chúng đi lang thang – Chúa sắp đặt mọi chuyển động của chúng và tất cả những tinh tú đó đều phải đi theo lộ trình đã được định sẵn cho mình như kim đồng hồ. Mọi tạo vật trong cõi hoàn vũ này đều là một bộ phận trong một chiếc đồng hồ lớn, tích tắc, tích tắc tiến tới điều không thể tránh khỏi.

Thật trùng hợp và đầy ý nghĩa khi từ này trong tiếng Do Thái hiện đại còn có nghĩa là đường ray xe lửa/tàu hỏa. Không giống như ô-tô, tàu hỏa không thể muốn chạy ở đâu thì chạy. Đường ray và đích đến của chúng đã được thiết lập từ trước. Bạn có thể chắc chắn rằng chúng ta đang đi đúng hướng và đúng lộ trình đã đặt ra. Nếu đây là vận mệnh thì phải chăng chúng ta không có quyền tự do đưa ra sự lựa chọn của riêng mình trong cuộc đời của chính mình? Không! Đức Chúa Trời rõ ràng là thách thức chúng ta chọn sự sống thay vì cái chết và Ngài tôn trọng quyết định của chúng ta. Nhưng Đức Chúa Trời có những kế hoạch và mục đích đã định sẵn của Ngài mà không thể bị cản trở. Nhiều điều trong số những kế hoạch này được đặt ra cho chúng ta trong Kinh Thánh.

ĐỒNG HỒ CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

Trong Sáng-thế Ký 1, Đức Chúa Trời đặt mặt trời, mặt trăng và các vì sao trên bầu trời để xác định các mùa cũng như định ra ngày và đêm. Từ giây phút đó, kim đồng hồ khổng lồ của vũ trụ đã bắt đầu chuyển động.

Đức Chúa Trời lại phán rằng: “Phải có các vì sáng trong khoảng không trên trời, đặng phân ra ngày với đêm, và dùng làm dấu để định thì tiết (các mùa), ngày và năm, lại dùng làm vì sáng trong khoảng không trên trời để soi xuống đất…” (Sáng-thế 1:14)

Đức Chúa Trời phán rằng những vì sáng này sẽ dùng làm “dấu hiệu và xác định các mùa”, hay “otot” và “moadim” trong tiếng Do Thái. “Ot” (otot ở số nhiều) là một dấu hiệu hoặc một chữ cái. “Moed” (moadim ở số nhiều) là từ tiếng Do Thái mà Đức Chúa Trời dùng để nói về các kỳ lễ hay những ngày thánh của Ngài. Đôi khi chúng ta dịch nó là “thời điểm đã định”, bởi vì từ này cũng mang ý nghĩa một cuộc hẹn cố định và thậm chí là số phận. Ngài thiết lập và tạo ra thế giới này như cách mà chúng ta đang chiêm ngưỡng, tách ánh sáng ra khỏi bóng tối, ngày với đêm, biển với đất khô và nam với nữ.  Tuy nhiên, thiết kế tinh tế và đại kết cục của tất cả những điều này là mối đe dọa sâu sắc đối với những kẻ chống đối Đức Chúa Trời – phần đầu và phần cuối lúc nào cũng chứa đựng nhiều thứ hoành tráng nhất.  Điều thú vị là chúng ta đang thấy sự xói mòn đều đặn của bản tường thuật về sự sáng tạo của Đức Chúa Trời trong nền văn hóa phương Tây, với sự nghi ngờ cả về trật tự được tạo ra có chủ ý của Đức Chúa Trời và sự khôn ngoan của Ngài trong việc dựng nên người nam và người nữ theo ảnh tượng của Ngài – ngay từ đầu. Các sự kiện ngày sau rốt cũng thường xuyên bị hoài nghi và thậm chí là chế nhạo.

Những mối ràng buộc của Sáng-thế Ký và Khải-huyền nói về thẩm quyền, quyền tể trị và thiết kế của Đức Chúa Trời.

Tất cả những điều này nói cho chúng ta biết Đức Chúa Trời đã tạo ra muôn vật có nghĩa là muôn vật thuộc về Ngài. Chúng nói cho chúng ta biết Ngài là Đấng phát bóng và cũng quyết định luôn kết quả. Chúng rao truyền tính cách của Ngài, sự khôn ngoan hoàn mỹ của Ngài và thiết kế thiên tài của Ngài. Chúng ta cần phải tin những gì Ngài đã phán với chúng ta trong lời của Ngài.

Sáng-thế Ký cũng phác thảo lại việc Đức Chúa Trời hình thành tuyển dân của Ngài, là Y-sơ-ra-ên, và chính Chúa Giê-xu đã nói cho chúng ta biết rằng Ngài sẽ trở lại xứ này khi dân Ngài chào đón Ngài tại Giê-ru-sa-lem (Ma-thi-ơ 23:39). Y-sơ-ra-ên được gọi là “chiếc đồng hồ của Đức Chúa Trời” vì câu chuyện về sự cứu chuộc trong Kinh Thánh được kể lại trên xứ và qua dân tộc mà Ngài đã chọn. Các kỳ lễ (moedim) của Y-sơ-ra-ên đặt ra một thời gian biểu về các sự kiện vũ trụ dẫn đến cuộc hội ngộ vinh quang của loài người và Đức Chúa Trời mình, và đó là những điều mà chúng ta phải nghiên cứu. Sự kiện xảy ra tại Đồi Sọ không phải là phần kết của câu chuyện nhưng là cầu nối để hòa giải loài người với Đức Chúa Trời – sự cứu chuộc là mục tiêu cuối cùng của Ngài.  Ngày lớn và kinh khiếp của Chúa sẽ phân loại những gì sai trái ra khỏi những điều đúng đắn và tái thiết lập lại mọi sự vào kỳ chung cuộc, những thứ mà thế gian chỉ có thể bắt chước một cách yếu ớt.

THÌ GIỜ ĐANG TRÔI QUA

Theo dõi những lời tiên tri sắp ứng nghiệm ở khu vực Trung Đông cũng giúp định hướng cho chúng ta về vị trí hiện tại của mình trong câu chuyện của Đức Chúa Trời. Chúng ta đã thấy những bước tiến to lớn vào thế kỷ trước khi Y-sơ-ra-ên được tái lập quốc sau 2000 năm sống lưu vong và Giê-ru-sa-lem được trao lại cho người Do Thái một cách kỳ diệu vào năm 1967. Một số yếu tố quan trọng cần thiết để Chúa Giê-xu trở lại hiện đã và đang xảy ra. Y-sơ-ra-ên đã trở lại là một quốc gia (Israel). Chúa Giê-xu hứa rằng những cư dân của xứ Giu-đê sẽ bị dẫn đi làm phu tù và sống tản lạc ở nhiều nước nhưng chỉ trong một thời gian nhất định:

“…thành Giê-ru-sa-lem sẽ bị dân ngoại giày đạp, cho đến chừng nào các kỳ dân ngoại được trọn.” (Lu-ca 21:23-25)

Phao-lô nhắc lại sự phân định này trong Rô-ma 11, nói rằng một phần của dân Y-sơ-ra-ên đã bị cứng lòng nhưng điều này chỉ xảy ra cho đến cuối thời kỳ của dân ngoại. Chúng ta được hứa rằng “cả Y-sơ-ra-ên sẽ được cứu” và tiên tri Xa-cha-ri đã vẽ cho chúng ta một bức tranh phi thường về việc điều đó sẽ trông như thế nào ở những chương cuối cùng trong cuốn sách của ông. Ê-sai cũng nói về một tương lai đáng chú ý của Y-sơ-ra-ên và thế giới khi Đấng Mê-si đến và thiết lập triều đại cai trị của Ngài, đặc biệt là  trong chương 60 và 66.

Nếu những lời tiên tri trong Kinh Thánh giống như những tấm bảng chỉ đường trên đường đi, hoặc như những dấu hiệu trên mặt đồng hồ để giúp chúng ta biết mình đang ở đâu, thì bạn có biết điều gì cần được chú ý lúc này không? Làm thế nào để tìm thấy chúng trong Kinh Thánh? Chúng ta thường bị lạc khi cố gắng sắp xếp các biểu tượng và giải nghĩa những câu chuyện dụ ngôn, rồi toàn bộ bối cảnh trở nên khó hiểu. Nhưng cũng giống như việc Đức Chúa Trời đã phán rằng Ngài sẽ làm tản lạc Y-sơ-ra-ên và đã làm như vậy theo nghĩa đen, Ngài cũng hứa sẽ tập hợp họ lại và điều đó cũng đã xảy ra theo đúng nghĩa đen. Một lời khuyên tuyệt vời đến từ Giám-mục J. C. Ryle của thế kỷ 19, người đã nói thế này:

Hỡi người đọc, hãy nghe lời khuyên chân thành này. Hãy hiểu theo nghĩa đen những lời trong Kinh Thánh và cẩn thận để không làm khác đi – trừ những trường hợp thực sự cần thiết. Hãy cẩn thận với hệ thống phân loại và thuộc linh hóa cũng như việc điều chỉnh theo ý mình, mà … thật không may là nhiều nhà thờ hay ưu ái áp dụng. Hãy giải quyết điều đó trong tâm trí bạn, khi đọc Thi-thiên và các sách tiên tri, hãy biết rằng khi Kinh Thánh nói Y-sơ-ra-ên thì có nghĩa là Y-sơ-ra-ên; Si-ôn có nghĩa là Si-ôn; và Giê-ru-sa-lem có nghĩa là Giê-ru-sa-lem.

Hai nhân chứng của sách Khải-huyền sẽ làm chứng trong các sân của đền thờ, vì vậy chúng ta có thể mong đợi một ngôi đền, và “con thú” sẽ khiến mọi người mang dấu của hắn để có thể mua và bán. Những điều này phải diễn ra, cùng với những dấu lạ lớn lao trên các tầng trời và Phúc Âm được giảng ra trên toàn thế giới.  Khi bạn đọc Kinh Thánh, tại sao không ghi chú lại mọi điều Đức Chúa Trời đã hứa mà chưa xảy ra để biết chúng ta đang ở đâu trong câu chuyện của Ngài? Và khi bạn làm như vậy, hãy luôn tập chú vào Chúa Giê-xu và sự trở lại vinh quang của Ngài. Ngài là Đấng đắc thắng! Chúng ta có một tương lai tuyệt vời đáng mong chờ.

“Khi nào các việc đó bắt đầu xảy đến, hãy đứng thẳng, ngước đầu lên, vì sự cứu rỗi của các con đang đến gần.!” (Lu-ca 21:28)

Dịch: Eunice Tu

Nguồn: oneforisrael.org

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like