Link bài đọc: https://youtu.be/b2JHW29-j0M
Liệu chúng ta có thể vừa nghi ngờ mà vẫn có thể vừa tiếp tục bước đi trong đức tin chăng?
Mác 9:23-25 – “Đức Chúa Giê-xu đáp: ‘… Ai tin thì mọi việc đều được cả.’ Cha đứa trẻ liền la lên rằng: ‘Tôi tin, xin Chúa giúp cho sự vô tín của tôi!’…”
Nếu chúng ta chịu thừa nhận một cách thành thật, thì chúng ta cũng giống như người đàn ông này, đôi khi người tin Chúa cũng tranh chiến với sự nghi ngờ. “Tôi tin, xin giúp cho sự vô tín của tôi!” là một bản tóm tắt hoàn hảo về cuộc đấu tranh nội tâm mà Cơ-đốc nhân nào cũng phải trải qua. Đức tin không phải là thứ mà chúng ta có hoặc không có, nó giống như một quá trình, mà chúng ta đang tiến tới hoặc thoái lui. Nó bao gồm những thăng trầm, chiến thắng và thất bại, hoan hỉ và thất vọng. Điểm mấu chốt của phân đoạn này là: Chúng ta không cần phải có 100% đức tin để có thể nhận được phép lạ từ Chúa Giê-xu.
Chúng ta sẽ tiếp tục phát triển và trưởng thành trong hành trình đức tin của mình khi chúng ta bước đi trong sự vâng lời để hành động dựa trên sự tin chắc của chúng ta về Lời của Ngài. Tất cả chúng ta cần học cách đấu tranh với sự nghi ngờ, sợ hãi, thất bại, không nhất quán và đạo đức giả. Tất cả những gì chúng ta cần là quản lý tốt hạt cải đức tin đã được ban cho mình.
“Đức tin cũng đồng nghĩa với RỦI RO”. Tin cậy Chúa hết lòng đôi khi đồng nghĩa với việc đi ra ngoài chỉ với một chân.
Đức tin & Sự nghi ngờ
Nhiều Cơ-đốc nhân nghĩ rằng điều ngược lại với đức tin là sự nghi ngờ. Do đó, mục tiêu của họ là loại bỏ sự nghi ngờ. Tuy nhiên, nghi ngờ thường là một dấu hiệu cho thấy đức tin của chúng ta là xác thực và sống động, ngay cả khi chúng dường như ở hai cực của một quang phổ không hề lẫn lộn với nhau. Tuy nhiên, hầu hết mọi Cơ-đốc nhân đều trải qua một số loại nghi ngờ vào một thời điểm nào đó trong hành trình đức tin của họ. Dưới đây là một số nhân vật trong Kinh Thánh, được liệt vào hàng tổ phụ đức tin hay những người thánh của Đức Chúa Trời nhưng họ cũng có những lúc nghi ngờ:
- Áp-ra-ham và Sa-ra nghi ngờ lời hứa của Đức Chúa Trời rằng Ngài sẽ ban cho họ một đứa con khi tuổi đã cao
- Gióp nghi ngờ sự tốt lành của Đức Chúa Trời
- Môi-se nghi ngờ việc Đức Chúa Trời có thể sử dụng ông để dẫn dắt dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai Cập
- Ghê-đê-ôn nghi ngờ Đức Chúa Trời có thể sử dụng ông để lật ngược tình thế chống lại những kẻ áp bức Y-sơ-ra-ên
- Thô-ma, môn đồ của Chúa Giê-xu nghi ngờ việc Chúa đã sống lại từ cõi chết, v.v.
Sách Thi-thiên cũng chứa đầy những nghi ngờ từ các tác giả thi thiên. Vấn đề thực sự không phải là sự hiện diện của nghi ngờ, mà là những gì chúng ta làm với sự nghi ngờ của mình. Sự nghi ngờ có thể khiến chúng ta không theo Chúa, hoặc nó có thể làm tăng đức tin của chúng ta nếu chúng ta can đảm hành động trong đức tin bất chấp sự nghi ngờ của mình.
Đức Chúa Trời không kết tội chúng ta khi chúng ta chất vấn Ngài. Một trong những ví dụ điển hình là Giăng Báp-tít. Ông là người đã chỉ Chúa Giê-xu và nói: “Nầy là Chiên Con của Đức Chúa Trời, Đấng cất tội lỗi của thế gian đi” (Giăng 1:29) và thậm chí đã thấy các tầng trời mở ra và nghe tiếng của Đức Chúa Trời phán rằng, “Nầy là Con yêu dấu của Ta, đẹp lòng Ta mọi đàng” (Ma-thi-ơ 3:17).
Tuy nhiên, khi ông bị bắt và ở trong tù, ông bắt đầu nghi ngờ và do đó, ông đã sai môn đồ của mình đến hỏi Chúa Giê-xu, “Thầy có phải là Đấng Mê-si không? Thầy có phải là Đấng phải đến mà chúng tôi đã luôn chờ đợi để giải cứu thế gian? Hay chúng tôi còn phải đợi đấng nào khác?”
Nhưng Chúa Giê-xu có chỉ trích ông không, Ngài có loại ông ra khỏi vương quốc của Đức Chúa Trời không? Không! Kinh Thánh cho biết, “…Ngài trả lời và nói với họ, “Các ngươi hãy về nói lại với Giăng những gì các ngươi đã thấy và nghe. Người mù được thấy, người què được đi, người phung được sạch, người điếc được nghe, người chết được sống lại, và người nghèo được nghe giảng tin mừng…”” (Lu-ca 7:19-22).
Nói cách khác, Chúa Giê-xu đang nói rằng, “Hãy quay về và kể cho Giăng nghe về những bằng chứng mà các con đã thấy tận mắt để chứng thực lời tuyên bố rằng Ta là Con Đức Chúa Trời, để điều này làm mới lại lòng tự tin và củng cố đức tin của anh ta.”
Chúa Giê-xu cũng không lên án Thô-ma vì ông muốn xem những dấu đinh trên tay Chúa và muốn đặt tay mình vào hông Ngài để xác minh rằng đó thực sự là Chúa Giê-xu sống lại. Áp-ra-ham và Sa-ra vẫn nhận được lời hứa của Đức Chúa Trời mặc dù họ đã cười vì nghi ngờ. Đức Chúa Trời quan tâm đến tấm lòng của chúng ta, đức tin đích thực, không phải mối quan hệ cường điệu nào đó. Đôi khi những gì đang diễn ra bên trong chúng ta thực sự là sự nghi ngờ và chúng ta không thể che giấu điều đó với Chúa. Ngài không muốn chúng ta che giấu những nghi ngờ của mình, và thay vào đó chúng ta nên dâng những nghi ngờ của mình lên cho Chúa. Ngài sẽ không lên án chúng ta vì chúng ta thiếu đức tin.
Chúng ta có thể có một đức tin mạnh mẽ và vẫn có một số nghi ngờ. Chúng ta có thể cư xử rất thuộc linh và vẫn chưa chắc chắn về một số vấn đề thần học. Tranh chiến với Chúa về các vấn đề của cuộc sống không phải là sự thiếu đức tin. Tất cả chúng ta phải vật lộn với sự nghi ngờ ở một mức độ nào đó. Nếu chúng ta nghiêm túc suy ngẫm về đức tin của mình nơi Chúa Giê-xu Christ, thì hầu như không thể tránh khỏi chúng ta sẽ gặp một số vấn đề, một số thắc mắc, một số do dự, một số không chắc chắn, hoặc một số nghi ngờ về điều này hay điều kia. Những nghi ngờ có thể tạo ra một số tác dụng phụ tích cực nếu chúng ta biết cách lợi dụng chúng, chúng ta có thể trỗi lên mạnh mẽ hơn bao giờ hết với đức tin của mình.
“Đức tin và sự nghi ngờ, cả hai đều cần thiết – chúng không đối kháng mà hợp tác với nhau để đưa chúng ta đi qua những ngã rẽ của cuộc đời mà chúng ta chưa được biết.” – Lillian Smith
Dịch: Eunice Tu
Nguồn: Adrian Chua
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com