Home Dưỡng Linh Đức Tin – Phần 8a: Đức Tin Bền Bỉ – Lối Suy Nghĩ Của Người Lữ Khách

Đức Tin – Phần 8a: Đức Tin Bền Bỉ – Lối Suy Nghĩ Của Người Lữ Khách

by AdrianChua
30 đọc

Link bài đọc: https://youtu.be/PWbwt1vi9pM

Hê-bơ-rơ 11:36-40 – “Có những người khác bị chế giễu, đánh đập, lại còn bị xiềng xích và lao tù nữa. Họ đã bị ném đá, bị cưa đôi, bị giết bằng gươm; lưu lạc rày đây mai đó, mặc bằng da chiên, da dê, bị thiếu thốn, bị hà hiếp và ngược đãi. Thế gian không xứng đáng cho họ ở. Họ phải lưu lạc trong hoang mạc, trên núi cao, trong hang động, trong những hầm hố dưới đất. Tất cả những người ấy dù đã được chứng nhận tốt nhờ đức tin, nhưng chưa nhận lãnh điều đã hứa cho mình. Vì Đức Chúa Trời đã cung cấp điều tốt hơn cho chúng ta, để ngoài chúng ta ra, họ không đạt đến sự toàn hảo được.

Chủ đề chính của sách Hê-bơ-rơ chương 11 là đức tin và phân đoạn này làm nổi bật nhiều vị anh hùng đức tin vĩ đại trong Cựu Ước cũng như cách mà hy vọng của họ sẽ được đền đáp trong đời này. Thông qua tấm gương của họ, nhiều người trong chúng ta được truyền cảm hứng để theo đuổi đức tin chiến thắng, khải hoàn, hay khả năng chinh phục và thay đổi những hoàn cảnh trong cuộc sống của chúng ta. Việc có được đức tin mà có thể chiến thắng ma quỷ, bệnh tật và thậm chí là cả sự chết được ca ngợi là chiến thắng của những người lính Cơ-đốc. Kết quả là, nhiều người thường bỏ qua sự liên quan và giá trị của đức tin bền bỉ.

Mặc dù chúng ta phải thừa nhận rằng những anh hùng đức tin, là những người đã thay đổi mọi thứ nhờ vào đức tin của họ, chúng ta cũng cần phải nhận ra rằng trong thực tế và cuộc sống, có một số hoàn cảnh không thuộc phạm vi hoặc thẩm quyền của chúng ta để có thể thay đổi được. Nói như vậy không có nghĩa là thiếu đức tin hay suy nghĩ theo chủ nghĩa định mệnh, mà còn có một loại đức tin cần thiết khác để vượt qua những hoàn cảnh như vậy – không phải là thứ đức tin có thể dời núi, mà là một đức tin bền bỉ, chịu đựng và kiên định vào Đức Chúa Trời tối cao.

Phân đoạn Kinh Thánh trên ghi lại cho chúng ta biết có nhiều người bị tra tấn, bị chế giễu, bị đánh đập, bị bỏ tù, bị ném đá, bị xẻ làm đôi, bị giết bằng gươm, họ sống trong cảnh bần hàn, bạc bẽo, vô gia cư và thậm chí chết trong đức tin của họ mà chưa nhận được lời hứa dành cho mình. Họ đã chết với những lời hứa chưa được thực hiện và chưa được nhìn thấy của Đức Chúa Trời.

Làm thế nào mà những thánh nhân này lại có được sức mạnh để luôn bền bỉ và vững vàng trong đức tin của họ bất chấp những hoàn cảnh bất lợi và thảm khốc đến như vậy? Trong xã hội hiện đại đòi hỏi cái gì cũng phải thật nhanh chóng này của chúng ta, sự kiên trì bền bỉ như vậy rất khó để thực hiện, nhưng chúng ta phải theo đuổi điều đó một cách có chủ tâm.

Không ai có cuộc sống giống nhau vì mỗi người có vận mệnh riêng của họ để hoàn thành. Tuy nhiên, chúng ta phải chọn để nở hoa ở nơi mà chúng ta được trồng. Đôi khi chúng ta không có sự lựa chọn trong hoàn cảnh và môi trường mà Chúa đã đặt để chúng ta vào đó. Tuy nhiên, dù chúng ta đang ở trong hoàn cảnh nào thì đức tin luôn phải là kim chỉ nam cho đời sống của chúng ta.

Lối suy nghĩ của người lữ khách

Hê-bơ-rơ 11:13-16 – “Tất cả những người ấy đều chết trong đức tin, chưa nhận lãnh những điều đã hứa cho mình; chỉ trông thấy và chào mừng những điều ấy từ đằng xa, xưng mình là kiều dân và lữ khách trên đất. Vì những người nói như thế, chứng tỏ rằng họ đang đi tìm một quê hương. Nếu họ đã nghĩ đến quê hương mà mình từ đó đi ra, thì họ cũng đã có cơ hội trở về. Nhưng họ mong ước một quê hương tốt hơn, tức là quê hương trên trời, nên Đức Chúa Trời không hổ thẹn mà xưng mình là Đức Chúa Trời của họ, vì Ngài đã chuẩn bị cho họ một thành.

Lối suy nghĩ của người lữ khách không phải là kiểu phổ biến và được nhiều người làm theo trong thời đại của chúng ta. Ngày nay, chúng ta nhấn mạnh quá nhiều vào cuộc sống tốt đẹp ở ngay đây và ngay bây giờ. Làm thế nào để Chúa có thể giúp tôi thịnh vượng hơn, thành công hơn trong sự nghiệp, làm cho tôi trở thành một người hạnh phúc hơn, giúp tôi vượt qua những vấn đề cá nhân của tôi, v.v. Trọng tâm chính của đức tin chúng ta luôn nhằm vào những gì Đấng Christ có thể làm cho chúng ta ở đây trên đất và ngay bây giờ còn thiên đàng dường như chỉ là một phần thưởng thêm vào khi đến cuối cùng chúng ta sẽ rời khỏi đất. Đối với nhiều người, thiên đàng vẫn là “chuyện tương lai xa vời”, chúng ta muốn tận hưởng cuộc sống ngay bây giờ và bám lấy nó miễn là chúng ta còn có thể… chúng ta không lưu tâm rằng chúng ta chỉ là những khách lữ hành.  

Trên thực tế, Kinh Thánh cho chúng ta thấy rằng thay vì cố gắng ổn định cuộc sống và cảm thấy thoải mái trên đất, những vị thánh này cảm thấy lạc lõng khi ở đây. Họ thú nhận rằng họ là “kiều dân và khách lạ trên đất” và họ mong muốn một nơi tốt hơn; họ có lối suy nghĩ của người lữ khách và nhận ra rằng không phải tất cả phần thưởng đức tin đều nhất thiết phải nhận được trong đời này.

Từ ‘lữ khách’ hay ‘kẻ tha hương’ dùng để chỉ một người đi đến một nơi xa hoặc ở lại một nơi xa lạ trong một thời gian ngắn — một khách kiều ngụ. ‘Đi hành hương’ là nán lại ít lâu nơi đất khách quê người. Nói cách khác, những anh hùng đức tin này không coi Xứ Hứa là nơi cư ngụ cuối cùng của họ, mà họ đang tìm kiếm một nơi tốt hơn. Trở nên ‘lữ khách’ trong Đấng Christ là sống, bước đi và làm việc trong thế gian này, với tâm niệm rằng thế giới này không phải là nhà của chúng ta, chúng ta chỉ đang đi ngang qua – ngôi nhà thực sự của chúng ta là ở trên trời.

Kinh Thánh nhắc nhở chúng ta một cách rõ ràng: 

Gia-cơ 4:14 – “…sự sống của anh em là gì? Vì anh em chỉ như hơi nước, xuất hiện trong giây lát rồi lại tan ngay.” 

Thi-thiên 103:15-16 – “Đời loài người như cây cỏ, như cỏ hoa nở bông nơi đồng nội; Rồi một cơn gió thổi trên bông hoa, và nó chẳng còn, chỗ nó không còn nhận biết nó nữa.

Đó là cách chúng ta nghĩ về bản thân trong thế giới này với tư cách là những người theo Chúa Giê-xu! Chúng ta cần ý thức một cách tỉnh táo rằng cuộc sống của chúng ta trên đất này rất ngắn ngủi, nhưng cuộc sống của chúng ta trong Đấng Christ là vĩnh cửu. Chúng ta chỉ là những khách lạ sống tha hương. Vì vậy, trọng tâm của chúng ta không chỉ là những phần thưởng của đời này, chúng ta nên có một cái nhìn lớn hơn, chúng ta hướng tới một phần thưởng lớn hơn trong ngôi nhà cuối cùng của mình.

Nhờ đức tin, các thánh đồ đã “bám lấy” những lời hứa bất chấp những hoàn cảnh bất lợi, vì biết rằng vì đó là những lời hứa của Đức Chúa Trời, nên chúng sẽ ứng nghiệm vào thời điểm của Đức Chúa Trời. Quan điểm này đã tiếp thêm sức mạnh cho họ để luôn kiên định và bền bỉ trong đức tin của họ!

Vì lý do đó, Phi-e-rơ thúc giục và khuyên nài chúng ta hãy lưu tâm đến địa vị ‘khách lạ’ của mình…để chúng ta có thể bước đi xứng đáng với Chúa, nhắc nhở chúng ta rằng sẽ có một ngày mà  “Ngài thăm viếng” tất cả chúng ta.

1 Phi-e-rơ 2:11-12 – “Thưa anh em yêu dấu, anh em như người khách lạ, kẻ tha hương; tôi khuyên nài anh em phải cữ kiêng những dục vọng xác thịt, là điều chống nghịch với linh hồn. Hãy ăn ở ngay lành giữa dân ngoại, để dù họ có nói xấu anh em là người gian ác, họ vẫn thấy được việc lành của anh em và tôn vinh Đức Chúa Trời trong ngày Ngài thăm viếng.

Không có gì sai khi tận hưởng việc có Chúa trong đời và những phước lành mà Ngài ban cho chúng ta một cách nhưng không trong đời này. Nhưng nếu chúng ta không học cách nắm giữ mọi thứ của đời này một cách lỏng lẻo, và mục tiêu của chúng ta không tập trung vào Đức Chúa Trời và ở trên thiên đàng với Ngài, thì chúng ta sẽ nuôi dưỡng một đức tin rất nông cạn và có thể dễ dàng bị phân tâm và chệch hướng. Nếu bây giờ chúng ta chỉ tập trung vào việc tận hưởng một đời sống tốt đẹp, chúng ta sẽ không thể vươn lên trong thời kỳ khó khăn, chịu khổ và bắt bớ, chống lại những cám dỗ và sống một đời sống đắc thắng.

Thi-thiên 84:5-7 – “Phước cho người nào được sức lực trong Chúa, và lòng họ hướng về con đường dẫn đến Si-ôn. Đang khi đi qua trũng khóc lóc [trũng Ba-ca]. Họ làm cho trũng ấy trở nên những suối nước; Mưa sớm cũng phủ phước cho nó. Họ đi tới, sức lực ngày càng tăng

Ý nghĩa của chữ ‘Ba-ca’ là khóc lóc, đại diện cho những hoàn cảnh mà khiến chúng ta hải rơi lệ, thất vọng, nản lòng, sợ hãi và buồn bã. Tuy nhiên, Kinh Thánh nói rằng người có tấm lòng của một người lữ khách sẽ biến những nơi ấy trở thành suối nước và họ càng đi tới thì sức lực  ngày càng tăng.

Những khách lữ hành không lưu luyến đất nước mà họ đi ngang qua; họ biết nơi đó chỉ là tạm thời. Vì vậy, điều duy nhất có thể tiếp thêm sức mạnh cho chúng ta với một tinh thần kiên cường và rèn luyện chúng ta với một đức tin bền bỉ là sống một cuộc đời hoàn toàn cho Đấng Christ – cuộc sống của những lữ khách tha hương!

Dịch: Eunice Tu

Nguồn: Adrian Chua

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like