Home Chuyên Đề TẠI SAO LẠI LÀ GIÊ-RU-SA-LEM? (PHẦN IV)

TẠI SAO LẠI LÀ GIÊ-RU-SA-LEM? (PHẦN IV)

by Hong An
30 đọc

Phần IV: Sự Hiện Đến Của Đấng Mê-si Và Sự Kết Thúc Của Thời Kỳ Dân Ngoại

Liên quan đến sự kết thúc của ‘thời kỳ dân ngoại’, Kinh thánh dường như chỉ hướng về một hướng. Chính sự hiện đến của Đấng Mê-si, sự trở lại của Đấng Christ, sẽ khiến cho ‘thời kỳ dân ngoại’ trở thành dĩ vãng.

Và chúng ta đang trên đường đến với thời khắc vinh quang đó, vì Giê-ru-sa-lem đang nắm giữ chìa khóa của tương lai! Đó là thành phố của vị Vua vĩ đại. Chúa Jesus nói trong Ma-thi-ơ 5:33-35: “…Các con có nghe lời dạy cho người xưa rằng: ‘Chớ bội lời thề, phải giữ vẹn lời thề đối với Chúa.’ Nhưng Ta bảo các con: Đừng thề gì hết. Đừng chỉ trời mà thề, vì đó là ngai của Đức Chúa Trời; đừng chỉ đất mà thề, vì đó là bệ chân của Ngài; đừng chỉ thành Giê-ru-sa-lem mà thề, vì đó là thành của Vua lớn…”

Trên Núi Ô-liu, ở về phía đông Giê-ru-sa-lem, là nơi mà đôi chân của Ngài sẽ lại một lần nữa đứng tại đó, theo Xa-cha-ri 14:4: “…Trong ngày ấy, chân Ngài sẽ đứng trên núi Ô-liu, là núi đối diện Giê-ru-sa-lem về phía đông. Núi Ô-liu sẽ bị chẻ ra làm đôi ở chính giữa, tạo nên một thung lũng rất lớn từ đông sang tây; một nửa núi dời qua phía bắc, một nửa kia dời qua phía nam… ”Công Vụ 1:10-12: “…Đang khi họ chăm chú nhìn lên trời lúc Ngài ngự lên, kìa, có hai người nam mặc áo trắng đứng gần họ và nói: “Hỡi người Ga-li-lê, sao các ông cứ đứng nhìn lên trời như thế? Đức Chúa Jêsus nầy đã được cất lên trời khỏi các ông, cũng sẽ trở lại như cách các ông đã thấy Ngài lên trời vậy.” Sau đó, các môn đồ từ núi gọi là Ô-liu trở về thành Giê-ru-sa-lem. Núi ấy gần Giê-ru-sa-lem, cách một quãng đường đi một ngày sa-bát…”


‘Thời kỳ dân ngoại’ sắp kết thúc rồi. Về mặt quốc gia, Y-sơ-ra-ên đã được tái sinh vào năm 1948 và vào năm 1967, khi Nhà nước Y-sơ-ra-ên và việc tái thống nhất thành phố Giê-ru-sa-lem diễn ra, bất chấp tất cả những sự chống đối ở Trung Đông và trên toàn thế giới. Y-sơ-ra-ên không tồn tại bởi sự ưu ái của Liên Hợp Quốc, cũng không phải bởi sự ưu ái của châu Âu, hay là của các hoàng tử Ả Rập ở Trung Đông hoặc của các khối quyền lực ở Viễn Đông. Y-sơ-ra-ên không tồn tại bởi sự ưu ái của Cơ đốc giáo, sư ưu ái của Hồi giáo hoặc của Chủ nghĩa Hy Lạp mới hoặc Tân Thời. Y-sơ-ra-ên tồn tại nhờ ân điển của Đức Chúa Trời, trên cơ sở của Giao ước đời đời Chúa đã lập với Y-sơ-ra-ên, mà Ngài đã long trọng thề rằng Ngài sẽ không bao giờ vi phạm. Thi Thiên 105:7-11: “…Chính Ngài là Giê-hô-va Đức Chúa Trời của chúng ta; sự phán xét của Ngài ở khắp thế gian. Ngài nhớ giao ước Ngài mãi mãi, nghìn đời không quên lời phán của Ngài; tức là giao ước Ngài đã lập với Áp-ra-ham, đã thề cùng Y-sác, đã định cho Gia-cốp làm luật lệ, Và cho Y-sơ-ra-ên làm giao ước đời đời, khi Ngài phán rằng: “Ta sẽ ban cho con đất Ca-na-an là phần sản nghiệp của con.”  Hê-bơ-rơ 6:13: “…Khi Đức Chúa Trời hứa với Áp-ra-ham, vì không thể chỉ đấng nào lớn hơn, nên Ngài chỉ chính mình mà thề…” Đây là lời thề mà Ngài sẽ không bao giờ vi phạm, vì Ngài là Đấng Giữ Lời Hứa, chứ không phải “đấng” thất hứa. Ngay cả việc nói dối cũng là không thể đối với Chúa. Dân Số Ký 23:19: “…Đức Chúa Trời không phải là người mà nói dối, cũng chẳng phải là con loài người mà ăn năn. Điều Ngài đã phán, Ngài không thi hành sao? Lời Ngài đã hứa, Ngài chẳng thực hiện sao?…”

Đôi khi trong thần học Cơ đốc, ý nghĩa của Giê-ru-sa-lem trên đất đã tan biến và được thuộc linh hóa, ngụ ý rằng vai trò của Y-sơ-ra-ên đã kết thúc. Các nhà thần học Cơ đốc cho rằng thực sự thì tất cả đều nói về Giê-ru-sa-lem trên trời, và họ liên hệ đến Ga-la-ti chương 4 và Khải Huyền chương 21. Quan điểm này cho rằng tất cả đều đang nói về Đất Hứa là Thiên Đàng, chứ không phải là một vùng đất nhỏ ở Trung Đông. Họ tuyên bố rằng vai trò đó (của Y-sơ-ra-ên) đã kết thúc từ lâu rồi, kể từ khi Chúa Giê-xu đến và chỉ cho chúng ta con đường dẫn đến Thiên Đàng. Ngày nay, bất cứ ai liên quan đến đất nước Y-sơ-ra-ên, Thành phố Giê-ru-sa-lem, dân tộc Do Thái và các quốc gia trong khuôn khổ khái niệm Kinh Thánh về ‘Vương quốc Hòa bình và Công bình’ thường sẽ bị nghi ngờ và có nguy cơ bị cáo buộc là ‘Do Thái hóa’. Ở phần sau của cuốn sách, chúng ta sẽ trở lại với chủ đề một cách chi tiết hơn.

Dù cho những thực tại về các tầng trời, Giê-ru-sa-lem trên trời, nhà của Cha có nhiều chỗ ở có quan trọng và đáng tin cậy như thế nào đi nữa, thì những điều đó cũng không thể thay thế được thực tại tương lai của Giê-ru-sa-lem trên đất, Y-sơ-ra-ên và Vương quốc của Đức Chúa Trời trên đất cùng với sự xuất hiện Vương quốc Hòa bình và Công chính của Đấng Mê-si. Chúng ta không có ý chống lại những ‘thực tại thuộc linh’ này bằng những thực tại của những tạo vật, lịch sử, thiên nhiên, sự phục sinh của người đã chết với Vương quốc hòa bình và công bình đang đến trên đất, bao gồm cả sự đổi mới của muôn vật, kể cả trời và đất. Chúng ta đang nói về thực tế trên đất này – một tương lai mà Chúa đã định cho cõi sáng tạo của Ngài, để một ngày kia, Giê-ru-sa-lem trên trời cũng sẽ đến trên đất.

Đức Chúa Trời không hề phạm sai lầm khi Ngài tạo dựng trời và đất như một thực tại vật chất. Và Ngài cũng không hề phạm sai lầm khi tạo nên con người với một thân thể vật lý để con người có cả mặt thể chất và tinh thần bao gồm tâm linh, linh hồn và thân thể. Chúng ta là công dân của hai thế giới, vật chất và tâm linh, và do đó, chúng ta khác với các thiên sứ, được tạo nên như những sinh linh. Con người không cần phải được giải phóng ra khỏi thân thể của mình thì mới có thể tiếp tục là một thực thể tâm linh. Không, chính thân thể của con người mới cần được giải phóng. Chúng ta cần thân thể tuyệt vời mà Chúa Jesus có được sau khi Ngài từ cõi chết sống lại!

Kế hoạch và mục đích của Đức Chúa Trời không phải là con người cuối cùng sẽ tồn tại như một kiểu thiên sứ trên Thiên Đàng Chúa đã tạo ra hàng triệu, thậm chí có thể là hàng tỷ thiên sứ, như vậy là quá đủ! Khi Chúa Jesus đề cập đến việc ‘chúng ta sẽ giống như các thiên sứ’, Ngài đang muốn nói rằng sự sinh sản bằng cách giao hợp giữa một người nam và một người nữ sẽ chấm dứt trên Thiên Đàng, trong sự sống lại và trong Vương quốc sẽ đến trên đất. Ngài đang trả lời câu hỏi về ly hôn trong Ma-thi-ơ 22:23-33: “…Cùng ngày đó, những người Sa-đu-sê, là nhóm người cho rằng không có sự sống lại, đến với Ngài và hỏi: “Thưa Thầy, Môi-se có nói: ‘Nếu một người chết mà không có con thì người em phải lấy vợ góa của anh để có con nối dõi cho anh mình.’ Bây giờ, trong chúng tôi có bảy anh em; người anh cả lấy vợ, rồi chết, nhưng vì không có con nên để vợ lại cho em. Người thứ hai, thứ ba, cho đến thứ bảy cũng vậy. Cuối cùng, người đàn bà cũng chết. Như vậy, lúc sống lại, người đàn bà ấy sẽ là vợ của ai trong bảy người? Vì tất cả đều đã lấy nàng.” Đức Chúa Jêsus đáp: “Các ngươi lầm rồi, bởi các ngươi vừa không hiểu Kinh Thánh, vừa không hiểu quyền năng của Đức Chúa Trời. Vì lúc sống lại, người ta sẽ không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng, nhưng giống như thiên sứ trên trời vậy. Còn về sự sống lại của người chết, các ngươi chưa đọc lời Đức Chúa Trời phán: ‘Ta là Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Đức Chúa Trời của Y-sác, Đức Chúa Trời của Gia-cốp’ hay sao? Ngài không phải là Đức Chúa Trời của kẻ chết, nhưng của người sống.” Khi dân chúng nghe lời nầy, họ rất kinh ngạc về sự dạy dỗ của Ngài…”

Chúa Jesus nói rằng trong sự phục sinh, chúng ta sẽ giống như các thiên sứ trên trời, nhưng không phải là chúng ta sẽ trở thành thiên sứ. Tổng số thiên sứ đã được ấn định. Chúa tạo ra đủ thiên sứ rồi, có đến hàng triệu, thậm chí là hàng hàng tỷ thiên sứ. Họ không sinh sản. Nhưng đỉnh cao sự sáng tạo của Ngài là Con người, một tạo vật vừa thuộc thể mà cũng vừa thuộc linh – một công dân của hai thế giới! Dân số trên thế giới được hình thành bằng cách nhân lên thông qua quá trình sinh sản, và sẽ được hoàn thành trước sự phục sinh thân được diễn ra. Khi đó, tổng số loài người mà Chúa đã định sẽ được trọn. Sau đó, sẽ không có quá trình sinh sản nữa, vì đã đủ số lượng. Sẽ là không phù hợp với Kinh Thánh nếu nghĩ rằng con người sau đó sẽ trở thành thiên sứ, thoát khỏi lối sống vật chất trần thế của họ. Đó là tư duy Hy Lạp nhị nguyên, ngoại giáo. Ở đó linh hồn sẽ được giải thoát khỏi thể xác, như một tù nhân rời khỏi phòng giam, nhờ đó qua sự chết của thể xác với những ham muốn và khao khát của nó, linh hồn vĩnh cửu sẽ trở thành một với thần linh, với thần tính của thần thánh.

Mục tiêu cuối cùng không phải là con người sẽ được giải thoát khỏi thân thể của mình, mà là chính thân thể sẽ được giải thoát khỏi sức mạnh của tội lỗi, bệnh tật và sự chết đã xâm nhập vào thân thể con người. Kinh Thánh nói về sự cứu chuộc của chính thân thể, để được thanh tẩy và chuộc khỏi luật của sự chết đã xâm nhập vào thế giới vật chất bởi tội lỗi của con người. Vì vậy, cuối cùng thì thân thể phục sinh của Chúa Jesus cũng sẽ trở thành thân thể vinh quang của chúng ta. Và thậm chí là vào một ngày kia, tất cả các tạo vật sẽ được tự do và sẽ lại hít thở vinh quang đời đời của Đức Chúa Trời. Rô-ma 8:18-23: “…Tôi nghĩ rằng những đau khổ hiện tại không đáng so sánh với vinh quang tương lai sẽ được tỏ ra cho chúng ta. Vì muôn vật nhiệt thành, thiết tha trông mong sự hiện ra của con cái Đức Chúa Trời. Muôn vật đã bị lệ thuộc sự hư không, chẳng phải tự ý, nhưng bởi Đấng muốn chúng lệ thuộc, với hi vọng rằng chính muôn vật rồi đây cũng sẽ được giải phóng khỏi thân phận nô lệ cho sự hư nát, để chung hưởng sự tự do trong vinh quang của con cái Đức Chúa Trời. Vì chúng ta biết rằng tất cả tạo vật đều than thở và quặn thắt cho đến ngày nay; không những muôn vật mà cả chúng ta là những người có Thánh Linh là trái đầu mùa, cũng than thở trong lòng đang khi mong đợi được làm con nuôi, là sự cứu chuộc thân thể chúng ta…”

Vạn vật rồi sẽ bừng sáng với sự sống vĩnh cửu! Để làm rõ điều này, tôi đã có lần giảng trong một buổi nhóm tại Hội Thánh mà tôi đã phục vụ với tư cách là mục sư với tiêu đề ‘Tại sao thân thể tôi cần phải được phục sinh nếu linh hồn tôi sẽ được lên Thiên Đàng dù thế nào đi nữa?’ Đột nhiên mọi người nhận ra rằng đây chính là lối suy nghĩ của họ. Đó là linh hồn của bạn sẽ được lên thiên đường! Nhưng tư duy và đức tin dựa trên Kinh Thánh khác với các triết học Hy Lạp và tư duy ngoại giáo, nhị nguyên.


(Còn tiếp…)

Giáo sĩ Willem J. J. Glashouwer


Ch
tch Cơ Đốc Nhân vì Israel Quc tế


Ch
tch danh d Liên Minh Châu Âu vì Israel


Biên D
ch Cơ Đốc Nhân Vì Israel Quc Tế

Bình Luận:

You may also like