Home Chuyên Đề Vai Trò Người Mẹ Trong Kế Hoạch Của Đức Chúa Trời

Vai Trò Người Mẹ Trong Kế Hoạch Của Đức Chúa Trời

by Sưu Tầm
30 đọc

Mỗi năm khi đến Ngày của Mẹ, chúng ta lại có dịp tôn vinh những người mẹ của mình. Đối với một số người đây có thể là một ngày đau buồn vì mẹ của họ không còn trên đời nữa. Một số người có lẽ đã không có mối quan hệ tốt đẹp với mẹ của họ. Một số người gặp khó khăn khi làm mẹ. Lại cũng có những người mẹ mà con cái đã gây ra những vết thương lớn trong cuộc đời mình.

Công việc của người mẹ không phải là lên kế hoạch cho cuộc đời của con mình. Đó là công việc của Đức Chúa Trời. Công việc của người mẹ là hiểu vai trò của mình trong kế hoạch của Đức Chúa Trời.

Trong phân đoạn Kinh Thánh và chúng ta sẽ phân tích ngày hôm nay, chúng ta thấy một người mẹ tên là Giô-kê-bết, người đã hiểu được vai trò của mình trong kế hoạch của Đức Chúa Trời, bà không chỉ cứu sống con trai mình mà còn đặt nền tảng cho cuộc di dân xuất Ai Cập; góp phần thay đổi tiến trình lịch sử của dân sự Đức Chúa Trời mãi mãi.

Hỡi những người mẹ, Chúa có một kế hoạch cho con cái bạn và điều quan trọng là bạn phải hiểu vai trò của mình trong kế hoạch đó.

Hãy bảo vệ con cái mình một cách tốt nhất có thể

Xuất Ê-díp-tô Ký 2:1 chép, “Bấy giờ có một người thuộc dòng họ Lê-vi cưới một cô gái Lê-vi làm vợ.” Tên của người cha và người mẹ không được đề cập đến ở đây; nhưng Môi-se, tác giả của sách này sau đó đã đề cập đến tên của họ trong chương 6 (câu 20). Ở đó, chúng ta thấy cha của Môi-se tên là Am-ram và mẹ ông tên là Giô-kê-bết.

Am-ram và Giô-kê-bết gặp nhau, yêu nhau, kết hôn và họ có con với nhau. Nhưng đứa con nhỏ ra đời có lẽ không đúng thời điểm theo quan điểm của con người nếu không muốn nói là thời điểm tồi tệ nhất. Tất nhiên, từ quan điểm của Chúa, đó là thời điểm hoàn hảo.

Dân Y-sơ-ra-ên đã sống ở Ai Cập mấy trăm năm. Họ sinh sôi nẩy nở và trở nên cường thịnh đến nỗi vị vua Ai Cập mới lên ngôi đã lo lắng rằng họ sẽ lật đổ người Ai Cập. Vua bắt đầu thực hiện các bước để đảm bảo điều này không xảy ra (1:7-9).

Đầu tiên, vua lập các đốc công để hành hạ dân Y-sơ-ra-ên bằng những công việc khổ sai (1:11). Về cơ bản, họ bị ép làm nô lệ và phải xây dựng các thành phố cho người Ai Cập. Khi điều đó không hiệu quả, vua đã ra lệnh cho các bà đỡ rằng, “Khi các ngươi đi rước thai cho người đàn bà Hê-bơ-rơ, hễ thấy sanh con trai, thì hãy làm cho chết đi; còn con gái, thì hãy để cho sống” (1:16). Nhưng Kinh Thánh nói rằng các bà đỡ “kính sợ Đức Chúa Trời” nên họ đã không làm theo lệnh vua (1:17). Thất vọng và sợ hãi dân Y-sơ-ra-ên, vua đã đưa ra “giải pháp cuối cùng”. Vua truyền lệnh ném tất cả con trai sơ sinh của người Hê-bơ-rơ xuống sông (1:22).

Trong bối cảnh như thế Môi-se ra đời. Kinh Thánh nói Giô-kê-bết thấy con mình xinh đẹp nên đem đi giấu (2:2). Có thể bé trai mới sinh này quá kháu khỉnh và dễ thương. Các bà mẹ đều nghĩ rằng con của họ là em bé đẹp nhất trên đời. Nhưng điều này có thể có nhiều ý nghĩa hơn thế.

Công-vụ 7:20 nói, “Vào thời điểm đó, Môi-se ra đời, khôi ngô tuấn tú trước mặt Chúa và được nuôi tại nhà mình trong ba tháng.” Khi Môi-se được sinh ra, bằng cách nào đó, Đức Chúa Trời đã gây ấn tượng với người mẹ; có lẽ giống như cách Ngài đã làm với Ma-ri và Giô-sép về Chúa Giê-xu; để họ nhận thấy có điều gì đó rất đặc biệt về con trẻ này. Rằng Chúa đã có một kế hoạch lớn lao cho cuộc đời của con trẻ ấy.

Người mẹ nhận ra công việc của mình là bảo vệ con trai nhỏ khỏi xã hội đồi bại nơi bé được sinh ra. Kinh Thánh nói bà “đem đi giấu trong ba tháng.” Chống lệnh vua, bà đã mạo hiểm mạng sống của mình để bảo vệ đứa con nhỏ.

Khi tôi 5, 6 tuổi, một ngày nọ, mẹ tôi đang trông trẻ cho một người bạn. Em trai tôi có lẽ mới 1 hay 2 tuổi nên bạn có thể tưởng tượng rằng hôm đó mẹ tôi rất bận rộn. Chúng tôi sống trong một ngôi nhà rất gần đường ray xe lửa. Mẹ để ý thấy tôi không có trong nhà. Và bà nhận ra đoàn tàu đã dừng lại trước nhà. Tôi đã leo lên chiếc thang ở thành xe và cậu bé mà mẹ tôi đang trông giúp đang đứng đó nhìn tôi với vẻ kinh ngạc. Cậu ấy có lẽ khoảng 3 tuổi và tôi chắc rằng tôi đang cố gây ấn tượng với cậu ấy bằng việc trèo lên nóc toa tàu. Như bạn có thể tưởng tượng, mẹ tôi đã rất hoảng loạn. Nếu đoàn tàu di chuyển thì đó có thể là một bi kịch. Mẹ chạy ào ra rồi hét lên bảo tôi hãy xuống ngay khỏi đó. Tôi trèo xuống và đã nhận được những gì xứng đáng. Mẹ quất cho tôi mấy roi…rồi ôm chằm lấy tôi mà khóc.

Chúa đã ban cho các bà mẹ một bản năng mạnh mẽ để chăm sóc và bảo vệ con cái của họ. Nhưng sự che chở của các bà mẹ tin kính bao hàm nhiều điều hơn là chỉ che chở về mặt thể xác. Một người mẹ bảo vệ con cái của mình bằng cách dạy chúng các luật lệ của Đức Chúa Trời và sau đó đảm bảo rằng con cái của mình tuân theo các luật lệ đó.

Hỡi các bà mẹ, bạn cần hiểu rằng con bạn sẽ giỡn chơi với bạn nếu bạn cho phép chúng làm điều đó. Vì chúng biết mẹ chúng dễ mềm lòng hơn cha; mẹ luôn quan tâm, che chở và hay bênh vực nên chúng sẽ lợi dụng điều đó để làm điều sai quấy.

Con cái ăn chơi trác táng rồi bị vướng vào vòng lao lý hết lần này đến lần khác nhưng lần nào mẹ cũng là người bảo lãnh cho chúng. Con cái cờ bạc dẫn đến nợ nần chồng chất và mẹ là người luôn đứng ra để trả nợ cho chúng. Điều này không giúp được gì cho các con mà người mẹ đang hại chính con mình. Các bà mẹ thường phạm sai lầm này từ khi các con của họ chỉ là những đứa trẻ, đơn giản vì họ đã yêu con sai cách.

Công việc của các bà mẹ là nuôi dạy con cái nên người bằng cách bảo vệ các con để chúng không trở thành nạn nhân của thế giới tội lỗi này; và đôi khi điều đó có nghĩa là chống lại mong muốn sai trật của chúng mặc dù điều đó có thể khiến các con khó chịu và phải chịu nỗi khổ của sự kỷ luật nghiêm khắc.

Làm tất cả những gì bạn có thể với những gì bạn có

Chúng ta thấy rằng Giô-kê-bết đã giấu con trai mình trong ba tháng nhưng chắc chắn rằng việc giấu đứa trẻ ngày càng trở nên khó khăn hơn. Đứa trẻ có xu hướng khóc nhiều hơn. Những người Ai Cập sống xung quanh có thể nghe thấy tiếng khóc của trẻ nhỏ và trình báo.

Kinh Thánh nói rằng người mẹ lấy một cái thúng đan bằng mây, trét chai và nhựa thông, tất nhiên làm vậy để chống thấm nước (2:3). Bây giờ câu hỏi này ngay lập tức dấy lên: Có người mẹ nào lại để con trai mới sinh ba tháng của mình vào một cái thúng trét chai rồi thả trôi sông. Tại sao bà không kiếm một chiếc thuyền nhỏ xinh xắn hay rương hòm gì đó an toàn hơn? Rõ ràng, “Đó là tất cả những gì bà có.” Người mẹ ấy đã làm tất cả những gì có thể; bà đã giữ cho con an toàn trong ba tháng với những gì mà một người nữ nô lệ tội nghiệp có thể làm được.

Nếu bạn đã làm mẹ, bạn sẽ hiểu được cảm giác của Giô-kê-bết. Khi bà đan chiếc thúng và trét chai chung quanh nó, nỗi sợ hãi bao trùm lấy bà khi bà tự hỏi, “Thế này đã đủ chưa? Ôi, giá như mẹ có thể làm điều gì đó tốt hơn cho con!” Bà thấy không bao nhiêu cho đủ nhưng chiếc thúng đã nổi được trên mặt nước. Đủ để con trai bà sống sót và viết về điều này sau đó.

Chúng ta thường nghĩ rằng Chúa sử dụng những con người phi thường với khả năng phi thường để làm những điều phi thường nhưng sự thật là Chúa sử dụng những con người bình thường như người nữ nô lệ này, và những thứ bình thường như lau sậy và nhựa thông để làm một điều phi thường như giải cứu và nuôi nấng một bé trai mà sau này sẽ trở thành người giải cứu cả dân tộc.

Đây không phải là lần duy nhất. Đức Chúa Trời đã sử dụng Môi-se và cây gậy của ông để giải phóng dân sự. Đức Chúa Trời đã dùng Đa-vít và cái ná của người để kết liễu gã khổng lồ. Đức Chúa Trời đã dùng ba trăm chiếc bình bằng đất sét của Ghê-đê-ôn để đánh bại hàng ngàn quân địch. Đức Chúa Trời đã dùng một cậu bé bình thường và bữa trưa gồm hai con cá và năm chiếc bánh để nuôi hơn năm nghìn người.

Mọi bà mẹ đều trải qua những nỗi sợ hãi nhất định. Kể từ giây phút đứa con chào đời, khi niềm vui bắt đầu phai nhạt đi đôi chút, nó được thay thế bằng cảm giác trách nhiệm quá lớn. Bạn có thể phải vật lộn với những câu hỏi: Mình có đủ khả năng để nuôi dạy con cái không? Liệu mình có khả năng dẫn dắt các con tin tưởng và đi theo Chúa Giê-xu không? Mình có thể nuôi dạy chúng trở thành những người nam người nữ khôn ngoan, có ích cho xã hội không?

Cầu xin ân điển và bình an tràn đầy trên [chị em] nhờ sự nhận biết Đức Chúa Trời và Đức Chúa Giê-xu, Chúa chúng ta!  Quyền năng của Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta mọi điều liên quan đến sự sống và sự tin kính, qua sự nhận biết Ngài là Đấng đã kêu gọi chúng ta bằng vinh quang và nhân đức của Ngài.” (2 Phi-e-rơ 1:2-3)

Đức Chúa Trời đã ban cho bạn mọi thứ bạn cần để nuôi dạy con mình.

Nỗi sợ hãi không chỉ thể hiện ở sự e ngại mà còn ở sự hối hận. Những người mẹ thường tự trách mình vì đã không làm được điều tốt hơn cho con cái. Nhưng bạn không cần phải sống như vậy nếu bạn đã làm mọi thứ có thể với những gì bạn có.

Hết lòng tin cậy Chúa

Giô-kê-bết biết rằng chỉ có Chúa mới có thể cứu con trai bà. Vì vậy, bà tin cậy Chúa sẽ chăm sóc và bảo vệ đứa trẻ. Và Ngài đã không khiến bà thất vọng.

Câu 5 – Con gái Pha-ra-ôn xuống sông tắm thấy cái thúng bằng cói giữa đám sậy. Câu 6 – Con gái của người đã ra lệnh giết tất cả trẻ sơ sinh đã “cảm thương cho đứa bé”. Câu 8 – Công Chúa đồng ý tìm một người vú trong số những người nữ Do Thái để nuôi đứa trẻ. Tại sao không phải là một vú em người Ai Cập? Câu 9 – Giô-kê-bết đã ẵm đứa trẻ về nuôi dưỡng và còn được trả công.

Có phải tất cả điều này chỉ là ngẫu nhiên? Không, đó là sự quan phòng thiên thượng. Đức Chúa Trời là đạo diễn đứng đằng sau tất cả những hoàn cảnh này vì Ngài đã có kế hoạch cho con trẻ.

Người mẹ đã chứng tỏ mình tin cậy Chúa bằng cách buông tay. Bà thực sự đã thả con trai nhỏ xuống dòng sông đầy cá sấu. Điều này hoàn toàn đi ngược lại bản chất con người. Dòng sông là nơi chết chóc. Đó là mồ chôn tập thể của tất cả những đứa trẻ khác. Bà có thể làm gì đó khác đi thay vì thả xuống sông. Nhưng bà đã làm vậy. Tại sao? Phải chăng bà đã làm điều đó theo chỉ dẫn của chính Đức Chúa Trời?

Hê-bơ-rơ 11:23 nói, “Bởi đức tin, khi Môi-se mới sinh ra, cha mẹ ông đem đi giấu trong ba tháng, vì thấy đứa con khôi ngô, nên không sợ chiếu chỉ của vua.” Mặc dù để con trai ra đi là trái với bản năng tự nhiên của người mẹ, nhưng người mẹ này đã làm điều đó. Số phận của con trai bà không phụ thuộc vào bà mà phụ thuộc vào Chúa. Con trẻ sẽ an toàn hơn trong vòng tay của Đức Chúa Trời. Bà tin cậy Chúa sẽ làm cho con trai mình điều mà bà không thể làm được.

Sau đó, bà được nuôi nấng con mình trong vài năm trước khi giao con cho công chúa người Ai Cập, bạn nên tin rằng bà  đã làm tất cả những gì có thể để con trẻ được thấm nhuần chân lý của Đức Chúa Trời trong những năm tháng đầu đời đó và rồi bà phải xa con một lần nữa.

Thomas Edison đã nói: “Tôi không có nhiều thời gian sống với mẹ, nhưng ảnh hưởng mà bà mang lại đã có tác động lâu dài trong cuộc đời tôi. Mẹ đã dạy cho tôi những bài học đầu đời mà tôi không thể nào quên được. Nếu không nhờ sự đánh giá cao và niềm tin của mẹ dành cho tôi vào thời điểm quan trọng trong trải nghiệm của tôi, thì có lẽ tôi đã không bao giờ trở thành một nhà phát minh. Tôi luôn là một cậu bé bất cẩn, và với một người mẹ có tâm lý khác người, lẽ ra tôi phải trở nên tồi tệ. Nhưng sự kiên định, ngọt ngào, tốt bụng của mẹ là sức mạnh tiềm tàng giúp tôi đi đúng hướng. Tôi trở thành người như hiện tại đều là nhờ mẹ tôi. Ký ức về bà sẽ luôn là một phước lành đối với tôi.

Kinh Thánh không nói gì về cuộc đoàn tụ của Môi-se và mẹ ông sau đó, có lẽ bà đã mất khi ông trưởng thành. Nhưng Môi-se đã ghi lại câu chuyện này. Tôi nghĩ rằng ông không bao giờ quên người mẹ của mình.

Dịch & biên tập: Eunice Tu

Nguồn: preaching.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like