Home Chuyên Đề Từ Niềm Vui Giáng Sinh Đến Thử Thách Phục Sinh

Từ Niềm Vui Giáng Sinh Đến Thử Thách Phục Sinh

by Sưu Tầm
30 đọc

Dù bạn có tin Chúa hay không, thì cũng không có cách nào phớt lờ lời tuyên bố đầy thách thức của Lễ Phục Sinh.

Lần cuối cùng bạn cảm thấy bị áp lực bởi dịp Lễ Phục Sinh là khi nào? Lễ lộc thì phải mua sắm rất nhiều thứ, rồi lại phải ghi thiệp chúc mừng, cũng như tham dự các bữa tiệc. Chưa nói đến hàng loạt những quảng cáo dài vô tận trên truyền hình và các trang mạng xã hội, những bộ phim về chủ đề Lễ Phục Sinh hay những trang phục theo đúng xu hướng mà bạn phải mặc trong dịp lễ. Và cũng không thể không kể đến việc sắp đặt trang trí theo chủ đề Phục Sinh cho ngôi nhà của bạn.

Có thể bạn sẽ cảm thấy rằng các dịp lễ ngày nay thường bị thương mại hóa quá mức. Nghỉ lễ thì có thể kiếm được nhiều tiền hơn sao? Bạn có cảm thấy như vậy mỗi năm vào dịp Lễ Phục Sinh không?

Tất nhiên là không rồi.

Đó là bởi vì Lễ Phục Sinh đã không bị thương mại hóa, đại chúng hóa và trần tục hóa quá mức như những dịp Giáng Sinh (ngoài một số ngoại lệ đáng chú ý, như giỏ trứng Phục Sinh ngày càng được phổ biến với nhiều quà tặng đắt tiền dành cho trẻ em). Nhiều người phải thú nhận rằng họ bắt đầu sợ mỗi khi đến mùa Giáng Sinh. Nhiều khu thương mại phức hợp đã mọc lên như nấm trong suốt kỳ lễ (ngoài những điều đó ra thì tôi luôn thích câu chuyện Chúa giáng sinh).

Vậy làm thế nào mà Lễ Phục Sinh lại duy trì được sự thuần khiết về mặt tôn giáo của mình?

Theo tôi, lý do chính là vì thông điệp tâm linh mang tính cách mạng của nó: Chúa đã sống lại.

Đây quả là một thông điệp mạnh mẽ. Và đó là điều mà những người không tin Chúa vẫn có thể dễ dàng nắm bắt được, ngay cả khi họ không tin nó. Giê-xu người Na-xa-rét, người mà các môn đồ của Ngài đã làm chứng rằng Ngài chữa lành người bệnh, làm yên cơn bão, gọi người chết sống lại và lấy người nghèo làm trung tâm chức vụ của mình, đã bị đóng đinh trên thập tự giá theo lệnh của Bôn-xơ-Phi-lát và chết đi một cách đau đớn ở Giê-ru-sa-lem. Rồi, theo như những người tin Ngài—trong đó có tôi—thì sau 3 ngày ở trong mồ, Ngài đã sống lại từ cõi chết.

Nếu bạn không tin vào sự Phục Sinh, bạn vẫn có thể tiếp tục sống cuộc đời của mình, có thể sẽ có chút gì đó ngưỡng mộ con người Giê-xu, đánh giá cao những hành động của Ngài và thậm chí áp dụng một số lời dạy của Ngài vào cuộc sống. Hoặc bạn cũng có thể bỏ qua những lời dạy mà bạn thấy không đồng tình hay những điều khiến bạn khó chịu—chẳng hạn như, tha thứ cho kẻ thù của mình, cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ mình, sống đơn giản và giúp đỡ người nghèo. Bạn có thể bỏ chúng qua một bên vì Ngài cũng chỉ giống như bao giáo sư khác. Một giáo sư vĩ đại, chắc chắn rồi, nhưng chỉ là một trong số nhiều người.

Tuy nhiên, nếu bạn tin rằng Chúa Giê-xu đã sống lại từ cõi chết, mọi chuyện sẽ hoàn toàn khác. Lúc này, bạn không thể bỏ qua bất kỳ lời dạy nào của Ngài. Bởi vì Ngài đã sống lại từ cõi chết, thể hiện quyền năng của Ngài trên sự chết và chứng thực thần quyền của Ngài cách rõ ràng, một Đấng như vậy cần phải được lắng nghe. Và những gì Ngài phán đòi hỏi phải có một sự phản hồi.

Nói tóm lại, sự  Phục Sinh đặt ra một yêu cầu dành cho bạn.

Điều này rất khác với lễ Giáng Sinh. Nói rõ ra thì Cơ-đốc nhân tin rằng, vào lễ Giáng Sinh đầu tiên, Đức Chúa Trờ đã trở nên con người. Đây là ý nghĩa của điều mà các nhà thần học gọi là “Ngôi Lời nhập thể”. Đức Chúa Trời đã mặc lấy xác thịt, một khái niệm kỳ lạ vào thời đó cũng như bây giờ.

Nhưng câu chuyện Giáng Sinh thì phần lớn dễ được tiếp nhận bởi những người không tin Chúa hơn: Chúa Giê-xu trong máng cỏ, được vây quanh bởi Ma-ri và Giô-sép cùng những người chăn chiên hiền lành, thật dễ dàng chấp nhận. Như các sách Tin Lành Ma-thi-ơ và Lu-ca kể lại, thì có không ít mối nguy hiểm có thể xảy ra với Ma-ri và Giô-sép. Nhưng phần lớn, ai cũng đồng ý rằng đây là một câu chuyện dễ thương. Ngay cả những người không tin Chúa cũng có thể đánh giá cao sự ra đời của một giáo sư vĩ đại.

Ngược lại, câu chuyện Phục Sinh thì dễ khiến cho người ta vừa sửng sốt vừa kinh ngạc: chuyện Chúa Giê-xu bị phản bội cách hèn nhát bởi một trong những môn đồ thân cận nhất của Ngài, bị chối bỏ đến ba lần bởi người bạn thân nhất, rồi bị đóng đinh cách dã man trên thập tự giá và kết thúc cuộc đời trên đất của Ngài cách đau đớn. Tất nhiên, ba ngày sau đó đã có một bước ngoặt đầy ngoạn mục.

Lễ Phục Sinh không dễ tiêu hóa như Lễ Giáng Sinh. Nó khó làm cho người ta chấp nhận hơn. Ai cũng có thể được sinh ra, nhưng không phải ai cũng có thể sống lại từ cõi chết.

Câu chuyện Phục Sinh, dù vô cùng quan trọng với niềm tin Cơ-đốc, nhưng có thể vẫn là một câu chuyện khó hiểu, ngay cả với các tín hữu. Bắt đầu từ ghi chép của các sách Phúc Âm về những lần Chúa Giê-xu hiện ra sau khi Phục Sinh có vẻ khó hiểu, thậm chí là mâu thuẫn. Chúng thật huyền ảo.

Chẳng hạn, trong sách Phúc Âm Giăng, Chúa Giê-xu ban đầu hiện ra với Ma-ri Ma-đơ-len, một trong số ít các môn đồ đã không lìa bỏ Ngài tại thập tự giá (Sự trung thành của những người nữ theo Chúa— trái ngược hoàn toàn với những người nam ngoại trừ Giăng—là một khía cạnh bị xem nhẹ trong câu chuyện kể về sự chết và sự phục sinh của Chúa Giê-xu). Ma-ri đến mộ Chúa Giê-xu vào sáng sớm, nhìn vào ngôi mộ trống và thấy một người nào đó. Đó là Đấng Christ Phục Sinh.

Nhưng cô lại nghĩ đó là người làm vườn. Cô nói, “Thưa ông, nếu ông đã dời Ngài đi, xin nói cho tôi biết ông đã đặt Ngài ở đâu để tôi sẽ đến đem về” (Giăng 20:15). Khi Chúa gọi tên cô “Ma-ri!”, cô mới nhận ra đó là Ngài.

Điều gì đang xảy ra vậy? Làm sao Ma-ri lại có thể không nhận ra người mà cô đã đi theo từ lâu? Trong những câu chuyện sau này, Chúa Giê-xu dường như cũng khó nhận ra như vậy. Trong Phúc Âm Lu-ca, hai môn đồ gặp Ngài khi họ đang trên đường đến làng Em-ma-út, ngoại ô thành Giê-ru-sa-lem, họ hoàn toàn không nhận ra Ngài. Làm sao điều này có thể xảy ra?

Khó hiểu hơn nữa: trong sách Phúc Âm Giăng, Chúa Giê-xu hiện ra như bóng ma, có thể đi xuyên qua tường. Trong sách Lu-ca, Chúa nói rõ “Hãy rờ Ta và xem, vì ma đâu có thịt và xương như các ngươi thấy Ta có” (Lu-ca 24:39, BD2011). Và khi Ngài hiện ra với môn đồ bị đặt cho biệt danh là Thô-ma Nghi Ngờ (thật không công bằng với ông, vì ai mà chẳng nghi ngờ?), Ngài nói, “Hãy đặt ngón tay con vào đây và xem bàn tay Ta. Hãy đưa bàn tay con ra và đặt vào sườn Ta” (Giăng 20:27).

Như một bóng ma nhưng lại có thể chất thuộc thể, có thể nhận ra nhưng lại khó nhận ra. Một hữu thể như thế thì gọi là gì? Làm sao mà Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca và Giăng lại có thể trình bày một câu chuyện quan trọng với những chi tiết tưởng chừng như có vẻ mâu thuẫn đến như vậy? Những người theo thuyết bất khả tri và vô thần sẽ chỉ ra những điểm này như bằng chứng để chứng minh rằng chuyện này chưa bao giờ xảy ra.

Tôi thì lại nghĩ nó theo hướng hoàn toàn ngược lại.

Rất có thể, những câu chuyện này là lời tường thuật phản ánh những khó khăn của các nhân chứng sống, và sau này là những người rao giảng Tin Lành trong việc hiểu và truyền đạt những điều họ đã kinh nghiệm được. Rốt cuộc thì, chưa có ai từng thấy điều mà các nhà thần học gọi là “thân thể vinh hiển,” sự hiện ra của Chúa Giê-xu sau khi Ngài sống lại từ cõi chết. Vậy nên những người chứng kiến gặp khó khăn khi diễn tả điều đó. Người mà họ đã gặp đúng là Chúa Giê-xu, nhưng còn hơn như thế nữa. Họ đã được rờ chạm chính thân thể Ngài, nhưng đó là một thân thể khác với thân thể của chúng ta. Nó giống như vậy, nhưng lại không phải vậy.

Nếu các tác giả Tin Lành cố ý làm cho các tình tiết của họ đồng nhất và tạo ra những câu chuyện kín kẽ để không có chỗ nào bất nhất, họ chắc chắn phải thông đồng với nhau để không làm phát sinh  bất kỳ mâu thuẫn nào. Thay vào đó, những người viết Phúc Âm đã viết lại những ghi chép của họ vào những thời điểm khác nhau và cho những cộng đồng khác nhau, chỉ đơn giản là thuật lại những gì họ đã được thấy, được nghe. Và những gì họ biết vượt quá khả năng của họ để có thể kể lại.

Nhưng đó thật chính là Ngài. Một trong những nhận thức đáng kinh ngạc nhất về Lễ Phục Sinh là người này chính là người đã bị đóng đinh chết trên thập tự giá. Đôi khi người ta vô tình nói như thể Giê-xu người Na-xa-rét, người đã chết vào ngày thứ Sáu Tuần Thánh và Đấng Christ Phục Sinh, hiện ra vào ngày Chúa Nhật Phục Sinh là hai người hoàn toàn khác nhau vậy. Nhưng như học giả Tân Ước, linh mục dòng Tên Stanley Marrow đã viết, nếu người sống lại là một người khác chứ không phải Chúa Giê-xu mà các môn đồ đã biết thì sự Phục Sinh sẽ mất hết ý nghĩa của nó.

Stanley Marrow viết, “Ngài cho họ xem bàn tay mang dấu đinh và một bên sườn mình, nơi bị giáo đâm, không phải là một hành động trình diễn, nhưng là bằng chứng cần thiết để xác định danh tính của Chúa Phục Sinh, Đấng đang đứng trước mặt họ, và Giê-xu bị đóng đinh mà họ biết, vốn là cùng một người.”

Điều đó cũng có ý nghĩa đối với tất cả các Cơ-đốc nhân. Nó hàm ý rằng Chúa Giê-xu vẫn mang trên mình những dấu ấn hữu hình về cuộc đời con người của Ngài. Nói cách khác, Ngài vẫn nhớ những khổ nạn mà Ngài đã chịu. Vậy nên khi một người cầu nguyện với Chúa Giê-xu, họ đang trò chuyện với một người biết ý nghĩa của việc sống cuộc đời của một con người là thể nào, một cách sâu sắc nhất có thể. Người đó đang cầu nguyện với một Đấng không chỉ là Đức Chúa Trời mà còn là Con người. Một Đức Chúa Trời hiểu loài người.

Đây là điều huyền nhiệm về hai “bản chất” của Chúa Giê-xu: Ngài có cả nhân tính lẫn thần tính. Đấng đã chịu những đau khổ của con người, và Con Người nay đã phục sinh từ cõi chết.

Nhưng điều này cũng đúng từ trước sự Phục Sinh.

Thật là một điều huyền nhiệm, Cơ-đốc nhân tin rằng Chúa Giê-xu vừa là con người vừa là Đức Chúa Trời—Ngài hoàn toàn là con người khi chữa lành ai đó khỏi tật bệnh, hoàn toàn là Đức Chúa Trời khi cưa một cây gỗ trong xưởng mộc nhà mình. Vậy nên những sự dạy dỗ của Ngài không chỉ đơn giản là lấy từ cảm hứng thiên thượng mà là chảy ra từ trải nghiệm con người của Ngài.

Thử lấy một ví dụ đời thường, suốt thời thơ ấu và thanh niên của Chúa Giê-xu, Na-xa-rét là một ngôi làng nhỏ nghèo nàn với không quá 400 người sinh sống tại đó, như các nhà khảo cổ học đã cho biết. Cái xóm nghèo đó thường xuất hiện trong những câu nói đùa. “Liệu có điều gì tốt ra từ Na-xa-rét?” Sứ-đồ Na-tha-na-ên nói khi lần đầu tiên ông nghe về quê hương của đấng Mê-si.

Chúa Giê-xu làm việc ở đó với tư cách là một “tekton”, từ này trong tiếng Hy Lạp thường được dịch là thợ mộc nhưng cũng có thể là thợ thủ công, thợ xẻ gỗ hay thậm chí là lao động công nhật. Đó là một công việc tính ra còn có vị trí thấp hơn một nông dân, vì một tekton thậm chí còn không có một mảnh đất nào để cắm sào.

Nhưng chỉ vỏn vẹn 4 dặm từ Na-xa-rét là thành phố nhộn nhịp Sepphoris, được xây lại bởi vua Hê-rốt. Sepphoris có dân số 30,000 người và bao gồm một đấu trường Hy Lạp với sức chứa 3,000 chỗ ngồi, một pháo đài, tòa án, ngân hàng hoàng gia, và còn nhiều nữa. Hầu hết các học giả đương thời tin rằng người thợ mộc nghèo đến từ Na-xa-rét chắc chắn đã đến thăm thành phố tráng lệ, được sử gia Do Thái Josephus gọi là “hòn ngọc của vùng Ga-li-lê” này. Tại đó, Chúa Giê-xu chắc hẳn đã nhìn thấy các tòa nhà nguy nga và những căn nhà được trang trí bằng tranh khảm cùng bích họa (mà nhiều tàn tích ngày nay vẫn còn thấy).

Chúa Giê-xu nghĩ gì khi Ngài từ thành phố phồn hoa đó trở về làng quê hẻo lánh của mình? Làm sao mà Ngài không cảm thấy mũi lòng trước cảnh sống nghèo khó của những người bị buộc phải sống ở Na-xa-rét? Làm sao Ngài có thể nhìn Ma-ri và Giô-sép còng lưng làm những công việc nặng nhọc mà không cảm thấy đau buồn vì sự chênh lệch giàu nghèo rõ rệt đến như vậy?

Khi Chúa Giê-xu chứng kiến những bất công—sự xa lánh của một số người dành cho những người bệnh, sự ngược đãi người yếu  thế và không có khả năng tự vệ—Ngài được thôi thúc để rao giảng chống lại những sự bất công này không chỉ vì sự soi dẫn thiên thượng mà còn vì trái tim con người của Ngài, như các sách Phúc Âm thường nói, Ngài “cảm thương cho họ.”

Khi chúng ta lắng nghe Chúa Giê-xu, chúng ta không chỉ lắng nghe một Đức Chúa Trời quan tâm đến người nghèo mà còn là một con người hiểu và thông cảm cho người nghèo vì chính Ngài cũng đã từng sống như người nghèo.

Lễ Phục Sinh tạo nên sự khác biệt gì trong đời sống Cơ-đốc nhân? Thông điệp của Lễ Phục Sinh rất đơn giản, dễ hiểu, và có thể biến đổi đời sống. Phục Sinh có nghĩa là không gì là không thể đối với Đức Chúa Trời. Hơn nữa, sự sống đã chiến thắng sự chết. Tình yêu thương chiến thắng thù hận. Hy vọng chiến thắng tuyệt vọng. Và sự đau khổ không phải là cuối cùng.

Trên tất cả, Lễ Phục Sinh nói rằng, Chúa Giê-xu là Đức Chúa Trời. Điều này nghe có vẻ lạ nếu nó xuất hiện trên một tờ báo của thế gian. Nhưng tôi chỉ đang nêu lên một niềm tin trọng tâm của Cơ-đốc giáo. Và nếu Ngài là Chúa, còn bạn là người tin Chúa, thì những gì Ngài phán phải có quyền trên bạn. Lời dạy của Ngài là lời mời, chắc hẳn rồi, nhưng chúng cũng là mạng lệnh: Yêu thương người lân cận. Tha thứ. Quan tâm đến người nghèo và những người sống bên lề của xã hội. Sống đơn giản. Đặt nhu cầu của người khác trước nhu cầu của mình.

Sứ điệp của Chúa Giê-xu vẫn có quyền năng khiến chúng ta cảm thấy khó chịu như nó đã từng như vậy khi được giảng ra cho những người sống vào thế kỷ thứ nhất. Thật khó để cầu nguyện cho kẻ thù của mình dù là thời nay hay thời xưa. Cũng không dễ dàng gì khi nghe sự phán xét của Chúa Giê-xu đối với lối sống xa hoa lãng phí của kẻ giàu giữa thời buổi đói nghèo và còn quá nhiều người sống trong cảnh khốn cùng. Nó cũng là một thông điệp mang tính cách mạng khi được đòi hỏi phải cầu nguyện cho kẻ bắt bớ chúng ta như bây giờ.

Bằng việc bước ra khỏi mộ vào ngày Phục Sinh, Chúa Giê-xu tuyên bố một điều mà có thể biến đổi đời sống, một điều mang tính cách mạng, và một điều không thể bị chiến thắng bởi chủ nghĩa thương mại. Đó là một thông điệp không chịu bị thuần hóa. Sự Phục Sinh không chỉ nói rằng đấng Christ có quyền trên sự chết, mà còn là một điều mang tính cách mạng hơn.

Sự Phục Sinh nói rằng: “Hãy Lắng Nghe”.

Dịch: Richard

Nguồn: wsj.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like