Home Chuyên Đề Những Bí Mật Của Ê-xơ-tê – Người Cầu Thay

Những Bí Mật Của Ê-xơ-tê – Người Cầu Thay

by Oneforisrael.org
30 đọc

Có thể nói hoàng hậu Ê-xơ-tê là một ‘đặc vụ chìm’. Ê-xơ-tê thậm chí không phải là tên thật của nàng. Tên nàng là Ha-đa-sa (trong tiếng Do Thái có nghĩa là cây mia – một loại cây bụi nhỏ thuộc họ sim) được đặt bởi cha mẹ của nàng là người Do Thái. Nhân tiện, chúng ta chưa bao giờ được nghe nói nhiều về họ. Nàng cũng không tiết lộ thân phận người Do Thái của mình khi ở trong cung Vua A-suê-ru của nước Ba Tư, cho đến khi thực sự cần thiết. Nàng không phô trương hay khoe khoang, giống như ý nghĩa tên gọi của nàng, một bụi cây thấp. Nàng khiêm nhu và từ tốn, thùy mị và mỏng manh. Tuy nhiên, danh mới của nàng lại hoàn toàn phù hợp với nàng – Ê-xơ-tê có nghĩa là “ngôi sao”, giống như những bông hoa hình ngôi sao nhỏ của cây mia, và nghe giống như từ “hesstair” trong tiếng Do Thái, có nghĩa là “bí mật” hoặc “ẩn mình”. Có nhiều bài học tuyệt vời từ người nữ bí ẩn này của Kinh Thánh mà chúng ta có thể học được!

Trong bóng tối…

Một sự thật nổi bậc về sách Ê-xơ-tê là chúng ta không chỉ có một ‘điệp viên ngầm’ ẩn mình trong ‘bụi cây mia’ (Ha-đa-sa), mà chính Đức Chúa Trời cũng không cho thấy sự hiện diện của Ngài. Ngài ẩn mình giữa dòng chảy của câu chuyện, và danh Ngài thậm chí không được nhắc đến dù chỉ một lần. Tuy nhiên, có vô số manh mối để chỉ ra công việc của Ngài ở phía sau hậu trường.

1 Cô-rinh-tô 10:11 giải thích rằng những câu chuyện trong Cựu Ước thường được viết ra dưới dạng ví dụ hoặc mang tính “hình bóng” để dạy bảo chúng ta. Và chúng ta có thể học được nhiều điều từ câu chuyện này.

Hãy suy nghĩ về bối cảnh của câu chuyện: Một cung điện tráng lệ được trang hoàng với rèm che trướng phủ, những bình bạc và vàng cùng đồ nội thất cao cấp…, một căn phòng với ghi chú “không phận sự miễn vào” mà không ai dám tự ý bước vào (nếu không muốn phải đối mặt với cái chết) trừ khi họ đáp ứng được một số yêu cầu nghiêm ngặt…Một vị vua quyền lực đang ngồi trên ngôi bên trong căn phòng đó, người có thể đưa ra các yêu cầu, và áo choàng hoàng gia là quy định trang phục cần thiết để vào được cung vua và tiếp cận nhà vua trên ngôi người…

Tất cả những thứ này là hình bóng và hình ảnh tượng trưng cho đền tạm, đền thờ, và nghi thức để chúng ta gặp gỡ Đức Chúa Trời ở trước ngôi Ngài.

Cây phủ việt

Ê-xơ-tê cầu thay cho dân tộc nàng, và cây mia trong Kinh Thánh là hình ảnh của sự cầu thay. Trong câu chuyện, nàng nhờ dân Do Thái hỗ trợ mình bằng ba ngày kiêng ăn cầu nguyện (ba ngày và ba đêm – bạn nghĩ sao) và sau đó mới dám mạnh dạn đi vào cung để chầu vua, với hy vọng mình sẽ nhận được ân sủng. Và vị minh quân thực sự đã đưa cây phủ việt của mình ra cho nàng, mời nàng đến gần mình một cách dạn dĩ. Trong cuộc gặp gỡ đó, nàng được ơn trước mặt vua, và người khuyến khích nàng hãy xin bất cứ thứ gì nàng thích, dù xin đến nữa vương quốc người thậm chí cũng sẽ cho nàng. Trong trường hợp bạn chưa biết, thì nửa vương quốc Ba Tư lúc bấy giờ bao gồm 127 tỉnh từ Ấn Độ đến Ethiopia.

Cây phủ việt (vương trượng) ở đây có ý nghĩa rất quan trọng, và biểu tượng này cũng được đề cập đến ở một vài vị trí quan trọng khác trong Kinh Thánh. Như thường lệ, lần đề cập đầu tiên giữ vai trò quan trọng để chúng ta xác định ý nghĩa của nó:

“Cây phủ việt chẳng hề dời khỏi Giu-đa, kẻ lập pháp không dứt khỏi giữa chân nó, cho đến chừng Đấng Si-lô hiện tới, và các dân vâng phục Đấng đó.” (Sáng-thế Ký 49:10)

Lời tiên tri mà Gia-cốp đưa ra cho Giu-đa, người con trai thứ tư của ông, là một lời tiên tri về Đấng Mê-si. Đấng Mê-si, với tư cách là Vua, sẽ đến từ chi phái Giu-đa và nắm trong tay cây phủ việt tượng trưng cho vương quyền chính đáng của Ngài. Trong Thi-thiên 60:7 và 108:8, Đức Chúa Trời gọi Giu-đa là cây phủ việt của Ngài, và một phân đoạn tiên tri quan trọng khác nằm trong Dân-số Ký 24:17: “Tôi thấy Người, nhưng chẳng phải bây giờ; Tôi xem Người, nhưng chẳng phải ở gần; Một ngôi sao hiện ra từ Gia-cốp, Một cây phủ việt trồi lên từ Y-sơ-ra-ên…”

Lời tiên tri này được nói bởi Ba-la-am, người mà không biết gì về lẽ thật mạnh mẽ từ lời nói của mình. Chúa Giê-xu, Đấng Mê-si đã thực sự dấy lên từ Y-sơ-ra-ên, từ Gia-cốp, và chỉ qua Chúa Giê-xu, chúng ta mới có thể đến gần ngôi của Đức Chúa Trời.

Số phận của kẻ thù của dân Y-sơ-ra-ên

Ba-la-am sau đó đã tiên tri về sự hủy diệt của dân A-ma-léc, kẻ thù của Y-sơ-ra-ên đã tấn công họ một cách không thương tiếc khi họ ra khỏi Ai Cập. Nhiều năm sau đó, Đức Chúa Trời truyền lệnh cho Vua Sau-lơ kết liễu họ, nhưng Sau-lơ đã bỏ qua mạng lệnh của Ngài. Nhưng sau này, kỳ lạ thay, những hậu duệ của Sau-lơ (Mạc-đô-chê và Ê-xơ-tê) lại được trao cho cơ hội khác để thực hiện lời chỉ dạy của Đức Chúa Trời, vì tên ác nhân Ha-man là hậu duệ của dân A-ma-léc, vẫn muốn xóa sổ dân Y-sơ-ra-ên. Đây gần như là toàn bộ kịch bản đã được lên kế hoạch và dàn dựng từ lâu.

Đã có nhiều nỗ lực tiêu diệt dân tộc Y-sơ-ra-ên vì kẻ thù của linh hồn chúng ta luôn âm mưu xóa sổ con ngươi của mắt Chúa ra khỏi đất. Pha-ra-ôn là một trong số đó, rồi đến dân A-ma-léc, và Hitler cũng đầy dẫy tinh thần diệt chủng đó của dân A-ma-léc, tất cả đều có cùng một mục tiêu muốn mà họ muốn tiêu diệt tận gốc. Dân Y-sơ-ra-ên luôn bị bao vây bởi kẻ thù, sự thù địch và những mối đe dọa chết chóc, và thậm chí cho đến ngày nay vẫn có những nhà lãnh đạo chính trị công khai nói về việc “xóa sổ Y-sơ-ra-ên khỏi bản đồ thế giới.” Nhưng cũng như việc Đức Chúa Trời đã âm thầm giật dây để tạo ra một chuỗi các sự kiện được dàn dựng một cách siêu nhiên để cứu dân Y-sơ-ra-ên bị lưu đày vào thời của Ê-xơ-tê, thì Ngài cũng sẽ gìn giữ họ ngày nay. Đấng gìn giữ Y-sơ-ra-ên không hề nhắm mắt, cũng không buồn ngủ.

Bàn tay của Đức Chúa Trời trong sách Ê-xơ-tê có thể được thấy trong những chi tiết nhỏ – như một đêm mất ngủ của nhà vua và nhã hứng để đọc lại các ghi chép, hay một cuộc gặp gỡ “tình cờ” lúc nửa đêm trong sân cung điện… nhưng chúng ta cũng đọc thấy những lời cầu nguyện được gửi đến từ dân Do Thái, ngụ ý rằng Đức Chúa Trời là Đấng tiếp nhận những lời cầu nguyện đó. Ngay cả trong trại của Ha-man cũng có một sự nhận thức về Đức Chúa Trời – vợ của Ha-man đã cảnh báo hắn rằng hành động chống lại Y-sơ-ra-ên là một nỗ lực vô nghĩa:

“…nếu [Mạc-đô-chê] quả thuộc về dòng dõi Do Thái thì ông sẽ không thắng hắn được đâu nhưng chắc chắn sẽ thất bại trước hắn.” (Ê-xơ-tê 6:13)

Họ hiểu rằng dân Do Thái có một thế lực siêu nhiên không gì có thể sánh được đứng về phía họ. Như Đức Chúa Trời hứa trong Xa-cha-ri 12, những ai chống lại dân Do Thái cuối cùng sẽ chỉ làm hại chính mình.

Đức Vua đang mời gọi chúng ta đến gần Ngài

Đức Chúa Trời kêu gọi Ê-xơ-tê đứng lên cầu thay cho dân Do Thái, và nhờ lòng can đảm cùng sự khôn ngoan của nàng, dân Y-sơ-ra-ên đã được cứu. Dòng dõi của Giu-đa vẫn tiếp tục, và Đấng Mê-si đã đến Y-sơ-ra-ên một cách an toàn và tốt đẹp theo thời gian. Như Mạc-đô-chê đã cảnh báo Ê-xơ-tê, nếu nàng không làm gì vào lúc đó, thì chắc chắn Đức Chúa Trời sẽ tìm cách khác để cứu dân sự Ngài mà không cần đến nàng. Nhưng đây quả thật là một lời mời gọi lớn lao! Thật là một đặc ân đáng kinh ngạc mà Ê-xơ-tê đã được ban cho! Và có một lời mời tương tự đang đặt trước mặt chúng ta ngày hôm nay.

Chúa Giê-xu nói với chúng ta rằng Đức Chúa Cha rất vui lòng khi ban vương quốc cho chúng ta (Lu-ca 12:32). Nhờ Đấng Mê-si, cây phủ việt của Đức Chúa Trời, chúng ta có quyền và được mời để mạnh dạn đến trước ngôi của Đức Chúa Trời và cầu xin bất cứ điều gì chúng ta muốn.

Bạn có muốn bước vào di sản của Ê-xơ-tê và cầu thay cho Y-sơ-ra-ên trước mặt Đấng là Vua trên muôn vua không? Bạn được hoan nghênh tham gia cùng với chúng tôi để cầu nguyện xin Chúa bảo vệ Y-sơ-ra-ên cũng như cầu xin một sự thức tỉnh thuộc linh đến trên mọi dân tộc. Cho dù bạn tập trung vào việc cầu thay cho Y-sơ-ra-ên hay cho dân tộc của bạn, thì tôi nghĩ rằng đó là việc mà mỗi một người trong chúng ta đều có thể làm được!

Dịch: Eunice Tu

Nguồn: oneforisrael.org

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like