Home Chuyên Đề TẠI SAO LẠI LÀ GIÊ-RU-SA-LEM? (PHẦN II)

TẠI SAO LẠI LÀ GIÊ-RU-SA-LEM? (PHẦN II)

by Hong An
30 đọc

“Khi các con thấy thành Giê-ru-sa-lem bị quân lính bao vây thì biết rằng sự tàn phá thành ấy sắp đến. Lúc ấy, ai ở trong miền Giu-đê hãy trốn lên núi; ai ở trong thành, hãy đi ra ngoài; ai ở ngoài đồng, đừng trở vào thành. Vì đó là những ngày báo thù, để cho mọi lời đã chép được ứng nghiệm. Trong những ngày ấy, khốn thay cho phụ nữ mang thai và các bà còn cho con bú! Vì sẽ có đại họa trên đất và cơn thịnh nộ giáng trên dân nầy. Họ sẽ ngã dưới lưỡi gươm và sẽ bị đem đi làm nô lệ giữa các nước. Thành Giê-ru-sa-lem sẽ bị dân ngoại giày đạp cho đến khi các thời kỳ dân ngoại được trọn”. (Lu-ca 21:20-24).

Thời kỳ dân ngoại

‘Thời kỳ dân ngoại’ bắt đầu từ khi nào? Một số người sẽ cho rằng đó là khi Đền thờ của Sa-lô-môn bị phá hủy bởi người Ba-by-lôn dưới sự lãnh đạo của Nê-bu-cát-nết-sa vào năm 586 TCN. Kể từ thời điểm đó, Y-sơ-ra-ên chưa bao giờ được hoàn toàn độc lập. Một cường quốc thế giới khác đã tiến quân và chiếm giữ vùng đất, giẫm đạp trên Giê-ru-sa-lem. Tất nhiên, một ngôi đền thờ nhỏ thứ hai đã xuất hiện khi những người Do Thái lưu đày từ Ba-by-lôn còn sót lại quay trở về vùng đất Y-sơ-ra-ên sau 70 năm bị phu tù trong khoảng từ năm 600 đến năm 500 TCN. Nhưng nói chung, Y-sơ-ra-ên vẫn chỉ là một phần nhỏ hoặc một tỉnh của một vương quốc ngoại bang lớn hơn kể từ thời điểm đó. Đôi khi, họ cũng điều hành đất nước ở một mức độ độc lập nào đó, nhưng không bao giờ hùng cường như thời của vua Đa-vít và vua Sa-lô-môn.

Một biến cố xảy ra vào thời Đa-ni-ên liên quan đến giấc mơ của vua Ba-by-lôn là Nê-bu-cát-nết-sa, và cách mà Chúa khiến cho Đa-ni-ên diễn giải ý nghĩa của giấc mơ đó. Nhà vua nhìn thấy trong giấc mơ của mình một pho tượng với cái đầu bằng vàng, ngực và cánh tay bằng bạc, thắt lưng bằng đồng, chân bằng sắt và bàn chân thì bằng sắt và đất sét. Sau đó, ông nhìn thấy một hòn đá chẳng phải bởi bàn tay loài người đục ra, đập vào bàn chân của pho tượng, làm tan nát và vỡ vụn như bụi bay đi không để lại một dấu vết nào cả. Còn hòn đá đập thì trở thành một hòn núi lớn, cho đến khi chiếm cả mặt đất.

Đa-ni-ên 2:31-35: “…Tâu đức vua, nầy, vua đã thấy một pho tượng lớn. Pho tượng đó to lớn và vô cùng rực rỡ, đứng sừng sững trước mặt vua, hình thù rất dễ sợ. Đầu pho tượng nầy bằng vàng ròng; ngực và hai cánh tay bằng bạc; bụng và đùi bằng đồng; ống chân bằng sắt và bàn chân thì một phần bằng sắt một phần bằng đất sét. Khi vua đang mải nhìn pho tượng thì có một hòn đá chẳng phải bởi bàn tay loài người đục ra, đập vào bàn chân bằng sắt và đất sét của pho tượng, khiến chúng vỡ tan tành. Bấy giờ sắt, đất sét, đồng, bạc và vàng đều cùng vỡ vụn, giống như trấu trên sân đập lúa mùa hạ, và bị gió cuốn đi không để lại một dấu vết nào cả. Nhưng hòn đá đập vào pho tượng thì trở thành một hòn núi lớn, chiếm cả mặt đất…”

Đa-ni-ên giải nghĩa giấc mơ đó là các bộ phận của pho tượng đó đại diện cho các đế chế kế tiếp nhau trên thế giới. Bốn vương quốc đầu tiên sẽ là các vương quốc riêng biệt, trong khi vương quốc cuối cùng sẽ ra từ vương quốc trước và theo một nghĩa nào đó dường như là sự tiếp nối của nó. Cái đầu bằng vàng là vương quốc Ba-by-lôn, ngực và cánh tay bằng bạc là vương quốc của người Mê-đi và Ba Tư, bụng bằng đồng là Đế chế Hy Lạp của Alexander Đại đế và các tướng lĩnh kế tiếp của ông, rồi đến đôi chân bằng sắt là Đế chế La Mã, sau đó bị chia cắt thành các đế chế La Mã phương Đông và phương Tây. Vương quốc cuối cùng, thứ năm, dường như là một vương quốc La Mã hồi sinh, nhưng sau đó có phạm vi trên toàn thế giới. Tất cả những đế chế này tồn tại liên tiếp quanh vùng Biển Địa Trung Hải.

Trong những khải tượng tiếp theo, nhiều chi tiết khác đã được bày tỏ cho Đa-ni-ên. Cái đầu bằng vàng, Ba-by-lôn, được nhìn thấy giống như một con sư tử có cánh. Vương quốc của người Mê-đi và Ba Tư xuất hiện như một con gấu với ba xương sườn trong miệng là A-si-ri, Ba-by-lôn và Ai Cập, đã bị ‘nuốt chửng’ và do đó bị tiêu diệt? Cái bụng bằng đồng đại diện cho vương quốc Hy Lạp – Ma-xê-đô-ni-a sẽ bị chia cắt sau cái chết của Alexander Đại đế bởi bốn hoặc năm vị tướng của ông, bao gồm Ai Cập, A-si-ri, Ma-xê-đô-ni-a và Tiểu Á. Họ được nhìn thấy như một con báo với bốn cánh và bốn đầu. Vương quốc thứ tư, của người La Mã, trở thành một con quái vật thật kinh khủng, đáng sợ và cuối cùng nó đi đến vương quốc ‘thứ năm’. Nó có mười sừng (giống như mười ngón chân trong giấc mơ về pho tượng) và từ đó ra một chiếc sừng nhỏ dần dần phát triển đến nỗi đầy dẫy cả đất (Đa-ni-ên 7:23). Đây là một kẻ thống trị thế giới mới, ‘anti-Christ’, và sự cai trị trên phạm vi toàn thế giới của nó. Khải Huyền 13:7: “…Nó [con thú] được phép giao chiến với các thánh đồ và chiến thắng họ. Nó cũng được ban cho quyền hành trên các bộ tộc, các dân, các thứ tiếng, và các nước…”


Nhưng sự xuất hiện của ‘Con Người’ cũng chính là sự kết thúc của vương quốc ‘thứ năm’ này, và rồi sự cai trị bất diệt của Ngài bắt đầu. Sự xuất hiện của Ngài thậm chí đã phá hủy toàn bộ pho tượng. Do đó, dường như trong thời kỳ cuối cùng, toàn bộ pho tượng này sẽ lại đứng trên đôi chân của nó! Nó sẽ bao gồm cả cái đầu bằng vàng, cánh tay và ngực bằng bạc, bụng bằng đồng, chân bằng sắt và bàn chân bằng sắt và đất sét, như vậy có vẻ là vương quốc cuối cùng này đại diện cho tất cả các vương quốc hợp lại với nhau. Tất cả những đặc điểm chính yếu mà chúng có trước đây sẽ lại xuất hiện một lần nữa, nhưng lần này là với quyền lực tuyệt đối trên quy mô toàn thế giới. Chúng đồng thời xuất hiện trên thế giới, theo Khải Huyền 13. Và sau đó là sự phá hủy bởi ‘hòn đá’ rồi ngay lập tức nó trở thành một hòn núi lớn, chiếm cả mặt đất. Sự tái lâm của Đấng Christ sẽ mang Vương quốc Bình An và Công Chính của Ngài đến trên khắp thế giới.

(Còn tiếp…)

Giáo sĩ Willem J. J. Glashouwer


Chủ tịch Cơ Đốc Nhân vì Israel Quốc tế


Chủ tịch danh dự Liên Minh Châu Âu vì Israel


Biên dịch Cơ Đốc Nhân Vì Israel Quốc Tế 

Bình Luận:

You may also like