Home Dưỡng Linh Radio Mana Thuộc Linh – Phần 107: Phép Lạ Hóa Bánh

Radio Mana Thuộc Linh – Phần 107: Phép Lạ Hóa Bánh

by Radio Mana Thuộc Linh
30 đọc

Kinh thánh:  Ma-thi-ơ 14: 13-21
13 Đức Chúa Jêsus vừa nghe tin ấy, liền bỏ đó xuống thuyền, đi tẽ ra nơi đồng vắng. Khi đoàn dân biết vậy, thì từ các thành đi bộ mà theo Ngài. 14 Ngài ở thuyền bước lên, thấy đoàn dân đông đúc, động lòng thương xót, mà chữa cho kẻ bịnh được lành. 15 Đến chiều tối, môn đồ tới gần Ngài mà thưa rằng: Ở đây vắng vẻ, và trời tối rồi, xin thầy cho dân chúng về, để họ đi vào các làng đặng mua đồ ăn. 16 Đức Chúa Jêsus phán rằng: Không cần họ phải đi; chính các ngươi hãy cho họ ăn. 17 Môn đồ thưa rằng: Chúng tôi có đây năm cái bánh và hai con cá mà thôi. 18 Ngài phán rằng: Hãy đem đây cho ta. 19 Ngài bèn truyền cho chúng ngồi xuống trên cỏ, đoạn, lấy năm cái bánh và hai con cá đó, ngửa mặt lên trời mà tạ ơn; rồi bẻ bánh ra đưa cho môn đồ, môn đồ phát cho dân chúng. 20 Ai nấy đều ăn no, còn bánh thừa lại thâu được đầy mười hai giỏ. 21 Số người ăn ước chừng năm ngàn, không kể đàn bà con nít.

Lời ngỏ:
Người Việt Nam có lẽ không ai mà không biết câu chuyện “Niêu cơm Thạch Sanh” trong văn học cổ tích Việt Nam. Chuyện là: có anh chàng kia tên Thạch Sanh, có sức mạnh phi thường, chém được chằn tinh, giết được đại bàng cứu công chúa, nên được nhà vua gả công chúa cho. Thấy vậy, hoàng tử các nước chư hầu trước kia bị công chúa khước từ lấy làm tức giận nên hội binh lính 18 nước kéo sang đánh. Thạch Sanh xin nhà vua cho một mình chàng cầm cây đàn ra trước quân giặc. Tiếng đàn của chàng vừa cất lên thì quân sĩ 18 nước bủn rủn tay chân, không còn nghĩ gì tới chuyện đánh nhau nữa. Cuối cùng các hoàng tử phải cởi giáp xin hàng. Thạch Sanh sai dọn một bữa cơm thết đãi những kẻ thua trận. Thạch Sanh cho dọn ra vỏn vẹn có một niêu cơm đãi quân sĩ của 18 nước, nhìn thấy nồi cơm tí xíu thì họ bĩu môi không muốn cầm đũa. Biết ý, Thạch Sanh đố họ ăn hết được niêu cơm và hứa sẽ trọng thưởng cho những ai ăn hết. Quân sĩ mười tám nước ăn mãi, ăn mãi nhưng niêu cơm bé xíu cứ hết lại đầy. Cảm phục và sợ hãi chúng cúi đầu lạy tạ Thạch Sanh rồi kéo nhau về nước. Câu chuyện trên là một truyện cổ hư cấu để nói lên ao ước của người Việt Nam có được khả năng phi thường để thắng hơn thế lực đàn áp, cùng với tinh thần yêu chuộng hòa bình và ao ước có được thần thông biến hóa để giàu có thịnh vượng, thỏa mãn ước mơ ở đời. 

 Với câu chuyện Kinh Thánh chúng ta vừa mới đọc hôm nay, đây không phải là một câu chuyện hư cấu mà là một sự kiện có thật đã xảy ra, đây là phép lạ duy nhất được cả bốn sách Phúc  m ký thuật, điều này cho thấy phép lạ hóa bánh phi thường của Chúa Giê-xu đã có một sự tác động mạnh mẽ đến những người đương thời.
    Chúng ta cùng xem xét bối cảnh của sự kiện lạ lùng này.  Câu 13 ghi “Đức Chúa Jêsus vừa nghe tin ấy, liền bỏ đó xuống thuyền, đi tẽ ra nơi đồng vắng.” Lúc ấy, Chúa Giê-xu đã được nhiều người biết đến, thậm chí cả vua Hê-rốt cũng nghe đồn về những điều lạ lùng Chúa đã làm nên ông ta tưởng Ngài là Giăng Báp-tít sống lại. Sau khi biết tin Giăng đã bị tử hình dưới tay của Hê-rốt, Chúa Giê-xu biết thời điểm của con đường thập tự đang đến rất gần, nên Ngài muốn lui ra khỏi chức vụ công khai để ở riêng với các môn đồ, Chúa cũng cần thời gian một mình để chuẩn bị cho giai đoạn cuối của sứ mạng Ngài trên đất. Chúa Giê-xu cần  phải gặp Đức Chúa Trời trước khi đương đầu với loài người. Vì thế, Chúa Giê-xu tìm chỗ ở nơi vắng vẻ để nghỉ ngơi cho thân xác và tiếp sức mạnh cho linh hồn. Mặc khác, Chúa cần huấn luyện cho các môn đồ của Ngài chuẩn bị bước vào thời kỳ gay go và thử thách sắp tới.  Thế nhưng “Khi đoàn dân biết vậy, thì từ các thành đi bộ mà theo Ngài”.  Chúng ta thấy tại đây Chúa Giê-xu thể hiện hai đặc tính của Ngài:

1. Chúa Giê-xu- Đấng luôn “động lòng thương xót” 
    Từ “động lòng thương xót” là nói đến sự “cảm thông” hay “đồng cảm” có nghĩa là “cùng chịu khổ”. Sự thương cảm này xuất phát từ trong tấm lòng của một con người. Người có lòng thương xót là cùng đau với cái đau của người khác và muốn làm một điều gì đó để chia sẻ nỗi khổ của người khác. Lòng thương xót bắt đầu từ sự nhận biết nhu cầu người khác.  Khi nhìn thấy đoàn dân đông đang theo thì Ngài động lòng trắc ẩn tận tâm can. Trước đó, Chúa Giê-xu cần có thời gian nghỉ ngơi, nhưng giờ đây Ngài phải gạt qua một bên nhu cầu của Ngài để thỏa mãn sự mong ước của những con người đang chạy đến tìm kiếm Ngài.  Điều quan trọng hơn là Chúa phải hy sinh thì giờ biệt riêng của Ngài với Cha để có thể thỏa mãn nhu cầu của những con người đang cần được chữa lành kia. Và Kinh Thánh cho biết Chúa đã “chữa cho kẻ bịnh được lành”

2. Chúa Giê-xu- Đấng luôn thỏa đáp nhu cầu 
    Chúa Giê-xu cứ tận tình cứu chữa những con người đau bệnh cho đến chiều tối, các môn đồ thấy vậy thì xin Chúa cho dân chúng về, để họ đi vào các làng mà mua đồ ăn, vì nơi đây vắng vẻ, hoang vu không thể nào có thức ăn được. Chúa Giê-xu nhận biết trước mắt Ngài là những con người đang đói. Chúa quan tâm đến sức khỏe của họ và không muốn họ đi về bụng đói, cũng không muốn để họ tự kiếm thức ăn, vì đây không phải là việc dễ dàng ở nơi hoang vắng này. Trong lúc ấy, các môn đồ thấy nhiều trở ngại nếu Chúa cứ tiếp tục làm việc chữa lành cho họ thì Chúa thấy đây là cơ hội quý giá để bày tỏ dấu hiệu của nước Trời. Chúa Giê-xu liền bảo với các môn đồ: “Không cần họ phải đi; chính các ngươi hãy cho họ ăn.” Có lẽ các môn đồ rất ngỡ ngàng với lệnh truyền của Chúa. Đây cũng là một thử nghiệm, một thử thách của Chúa với các môn đồ. Ắt hẳn các môn đồ không nhận ra điều mà Chúa Giê-xu đang thử xem đức tin của họ, nên họ đáp lại cách thực tế “Chúng tôi có đây năm cái bánh và hai con cá mà thôi.” Trong Phúc  m Giăng cho biết đó là phần ăn của một đứa bé đã dâng lên cho Chúa. Chúa bèn bảo các môn đồ “Hãy đem đây cho ta.”
    Nói rồi Chúa “truyền cho chúng ngồi xuống trên cỏ”. Ngài cầm lấy bữa ăn trưa của cậu bé gồm “năm cái bánh và hai con cá đó, ngửa mặt lên trời mà tạ ơn”. Qua hành động này, Chúa Giê-xu muốn cho các môn đồ và đoàn dân đông thấy rằng mọi vật thực mà con người có được đều đến từ Đức Chúa Trời. Sau đó Chúa “bẻ bánh ra đưa cho môn đồ, môn đồ phát cho dân chúng”  Ma-thi-ơ chỉ ký thuật câu chuyện này ngắn gọn như thế. Không có một lời giải thích nào khác nữa. Chúng ta không biết chính xác giây phút nào phép lạ diễn ra. Rõ ràng là đã có rất nhiều đồ ăn, đồ ăn cứ ra liên tục. Có lẽ phép lạ đã diễn ra trong một thời gian ngắn trước khi các môn đồ và đoan dân hiểu chuyện gì đã xảy ra, và người ta cũng không sao nhìn thấy được Chúa Giê-xu đã làm gì, nhưng lời kết luận của Ma-thi-ơ cho thấy “Ai nấy đều ăn no, còn bánh thừa lại thâu được đầy mười hai giỏ. Số người ăn ước chừng năm ngàn, không kể đàn bà con nít.” (câu 20-21) Chúa Giê-xu dùng chỉ năm ổ bánh và hai con cá, làm phép lạ cho năm ngàn người ăn không kể phụ nữ và thiếu nhi. Do đó, tổng số người được Chúa Giê-xu cho ăn có thể lên đến mười hoặc mười lăm ngàn người.

Kết luận:
Có nhiều bài học thuộc linh chúng ta có thể học được từ “phép lạ hóa bánh” này của Chúa Giê-xu, với phạm vi bài tĩnh nguyện hôm nay chúng ta có thể học được vài điểm sau:
– Chúa Giê-xu luôn nghĩ đến nhu cầu của chúng ta. Dầu Ngài đang cần yên tinh, nghỉ ngơi nhưng khi thấy đoàn dân đông cần đến thì Ngài đã hy sinh thời giờ của mình để đáp ứng nhu cầu của những người đang tìm đến Ngài. Chúng ta cũng cần có tấm lòng như Chúa Giê-xu, động lòng cảm thương những người đang cần được giúp đỡ, đó là cơ hội để mang người ta đến với Chúa. 
– Chúng ta cần nhận biết Chúa Giê-xu là Đức Chúa Trời năng quyền, Đấng luôn thỏa đáp mọi nhu cầu trong đời sống chúng ta cả về thuộc thể lẫn thuộc linh, Ngài là Đấng chữa lành và chu cấp thức ăn hằng ngày cho chúng ta. Bởi thế là con cái Chúa chúng ta đừng quên cảm tạ Chúa về mọi ơn lành Chúa ban.
– Khi đối diện trước những khó khăn, những tình huống ngoài khả năng thì chúng ta cần phải nhớ rằng Chúa là Đấng Toàn Năng, không có điều gì là không thể đối với Ngài. Vì vậy, Chúa cần chúng ta đặt lòng tin và trông cậy trọn vẹn nơi Ngài. 
– Với năng lực và khả năng bé nhỏ của mình thì chúng ta nghi rằng chẳng có thể làm gì được, nhưng khi giao cho Chúa Ngài sẽ khiến nó vượt xa hơn những gì chúng ta cần, Chúa có thể dùng những  điều nhỏ bé, tầm thường ấy trở thành có giá trị và có tác dụng bội phần khi ở trong tay Ngài. 

Cầu nguyện:
Con cảm tạ Chúa đã ban cho con mọi sự trong cuộc sống hằng ngày cả vật chất lẫn tinh thần, cả thuộc thể lẫn thuộc linh. Xin giúp con có được  tấm lòng như Ngài đã có, là biết cảm thông và chia sẻ với những người khốn khó đang cần được giúp đỡ, hầu qua đó mang họ đến với Chúa, nhận biết tình yêu thương của Ngài. Xin dùng khả năng nhỏ bé của con hầu tình yêu và năng quyền của Chúa được nhân lên bội lần. Con thật cảm tạ Chúa. Nhân danh Chúa Giê-xu Christ. Amen.

Nguồn: Radiomanavn.blogspot.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like