Thành phố nơi tôi định cư có vài ngàn người Việt nam và khoảng một chục Hội đoàn. Cách nay cũng khá lâu một Hội đoàn tố cáo Hội đoàn kia là thân Cộng. Lời qua tiếng lại, tiếng bấc, tiếng chì chẳng những làm cho những người trong cuộc đau lòng, mà còn làm Cộng đồng Việt Nam cũng không vui vì gà nhà bôi mặt đá nhau, hay là quân ta đánh quân mình.
Phe bị tố đưa phe bên kia ra tòa. Tòa Án Quận xử phe bị cáo trả nguyên cáo 300.000 USD vì vu cáo không có bằng chứng. Dĩ nhiên là bị cáo phải kháng cáo, để mong khỏi phải trả tiền bồi thường.
Trong một cuộc tranh chấp như vậy rút cục phải có phe thắng và phe thua. Phe thắng kiện và những ủng hộ viên chắc hẵn là ăn mừng, trong khi phe thua kiện khóc, và không đồng ý với Quan tòa.
Sống là tranh chiến. Ai cũng biết sống yên vui, không tranh chiến là sướng nhất Tôn giáo nào cũng dạy: “Hãy yêu thương người lân cận như mình.” Nhưng đó là ước mơ mà con người không thể nào thực hiện. Quốc gia này đầu tư nhiều tỉ USD vào những cuộc chiến với quốc gia khác, trong khi nhiều người dân thiếu ăn. Thật là vô nghĩa, nhưng là sự thật, như lời tác giả sách Truyền Đạo nói, “Vô nghĩa của sự vô nghĩa, vô nghĩa của sự vô nghĩa, thảy thảy đều vô nghĩa.”
Kinh thánh cho chúng ta thông tin về nguồn gốc của vũ trụ. Vũ trụ không tình cờ mà có, không từ một khối khí khổng lồ, bất ngờ bị nổ tung ra. Lời của Đức Chúa Trời khẳng định: “Ban đầu Đức Chúa Trời sáng tạo trời và đất.” Đức Chúa Trời tạo ra vũ trụ và trái đất trước, và cuối cùng Ngài mới tạo ra loài người. Sau khi tạo ra cặp vợ chồng đầu tiên, Ngài đặt họ trong vườn Ê-đen, và cho họ được tự do ăn bất cứ trái cây nào trong vườn, trừ ra Cây biết Thiện Ác. Đức Chúa Trời cho họ hai lựa chọn: ăn bất cứ trái cây nào trong vườn và không đụng đến cây thiện và ác; ăn cây Chúa cấm họ. Họ có thể chọn đứng về phía Ngài hay đứng về phe ma quỉ. Rất tiếc A-đam và Ê-va không biết tầm quan trọng của mệnh lệnh Chúa và hậu quả là: “bởi tội phạm của một người mà qua người đó sự chết thống trị...” (Rô-ma 5:17). Vì tổ phụ của loài người chọn đi qua phía bên kia, cho nên ngày nay nhân loại phải tranh chiến với nhau và với mọi tai nạn thiên nhiên và do con người gây ra.
Sau khi loài người sa ngã, Đức Chúa Trời có kế hoạch cứu chuộc toàn thể nhân loại. Bắt đầu kế hoạch này Ngài chọn và kết ước với Áp-ram. Ngài hứa ban cho ông một dòng dõi và đất. Gần 600 năm sau, lời hứa này mới bắt đầu được thực hiện. Trên đường tiến về Đất Hứa, Đức Chúa Trời kết ước với con cháu Áp-ra-ham rằng Ngài sẽ cho thiên sứ đi trước để bảo vệ họ, với điều kiện họ không phản nghịch chống lại thiên sứ. Ngài cho họ hai lựa chọn: thờ phượng Ngài và những phước lành hay là quì lạy trước các thần của người dân mà Ngài sẽ quét sạch, và khốn khó.
Sau khi đọc Kinh thánh từ sách Giô-suê cho đến Sử ký 2, chúng ta thấy dân Chúa không chọn đúng về phía Chúa, nhưng một chân đứng bên Chúa, một chân đứng bên thế gian. Cuối cùng họ không còn làm chủ Đất mà Chúa đả hứa ban cho họ vì họ không thành tín với Ngài. Ngày nay, những tín đồ của Chúa Giê-xu cũng không hơn gì dân Chúa ngày xưa. Họ cũng không đứng hẵn về phía Chúa.
Chúng tôi đến định cư tại Hoa kỳ từ năm 1975. Quốc gia này được Đức Chúa Trời chúc phước rất nhiều. Dù chỉ có 200 năm lịch sử mà họ trở nên đại cường. Sở dĩ như vậy là nhờ những người lập quốc là những anh hùng đức tin như Áp-ra-ham, I-sác, Gia-cốp. Trong Bản Tuyên ngôn độc lập, những nhà lập quốc dâng quốc gia cho Chúa, qua lời tuyên xưng đức tin: “Một quốc gia dưới sự tể trị của Đức Chúa Trời” (One nation under God).
Ngày nay, mặc dù Hoa kỳ được coi như là một nước Cơ đốc, vì có nhiều người tin Đức Chúa Trời, nhưng không phải tất cả điều giữ điều răn và mệnh lệnh của Ngài. Họ thỏa hiệp với những triết lý thế tục, và quảng bá tự do của con người dù là thứ tự do không được Chúa cho phép—trái của cây biết điều thiện và ác. Vì thế nước này đang trên đà đi xuống. Không chỉ riêng Hoa kỳ, nhiều nước trên thế giới cũng đang đi xuống vì không chọn đứng bên phía Chúa.
Trở lại lịch sử dân Chúa. Sau khi được Đức Chúa Trời dùng quyền năng đưa ra khỏi Ai cập, dân Chúa phải đi lang thang trong đồng vắng 40 năm vì thiếu đức tin. Những người nam từ hai mươi tuổi trở lên không còn sống để vào Đất Hứa.
Trước khi vào chiếm Đất Hứa, Giô-suê sai hai thám tử đi trinh sát đất đai, nhất là thành Giê-ri-cô. Hai người này vào thành, và đến nhà một người tên là Ra-háp và trọ tại đó. Họ được bà này giấu trên nóc nhà. Bà cho họ biết lý do nào bà đứng về phe họ: “Tôi biết CHÚA đã ban đất nước này cho các ông; chúng tôi vô cùng kinh hoàng; tất cả dân chúng trong nước này đều khiếp sợ các ông” (Giô-suê 2:8).
Về phương diện đạo đức, bà là người không có phẩm hạnh. Nhưng về phương diện tâm linh, bà và gia đình bà được cứu về phần xác lẫn phần hồn nhờ bà đứng về phía Đức Chúa Trời.
Khi Giô-suê đã già, tuổi đã cao, ông triệu tập toàn thể các trưởng lão, các nhà lãnh đạo, các thẩm phán và các quan chức của Y-sơ-ra-ên lại. Ông nhắc lại nguồn gốc của 12 chi tộc và những gì Đức Chúa Trời đã làm cho họ. Để kết luận bài giảng cuối cùng, ông cho họ lựa chọn phụng sự CHÚA, hoặc các thần mà tổ tiên họ đã phụng sự bên kia Sông Lớn, hoặc các thần của dân A-mô-rít trong lãnh thổ họ đang ở. Và ông nói với họ, “ Đức Chúa Trời” (Giô-suê 24: 15).
Sau khi Giô-suê qua đời dân Chúa sống trong Đất Hứa dưới chế độ Quan Xét, và dưới sự tể trị tối cao của Đức Chúa Trời chế độ thần trị. Khi Sa-mu-ên làm Quan xét, dân Chúa đòi ông cho họ một ông vua như những dân ngoại. Họ thưa với ông: “Ông đã cao tuổi, mà các con ông lại không noi theo gương ông. Vậy xin ông lập cho chúng tôi một vua để cai trị chúng tôi, y như tất cả các dân tộc khác đều có vua cai trị” (1 Sa-mu-ên 8:5). Đức Chúa Trời chấp thuận lời yêu cầu của dân chúng, dù họ từ chối Ngài.
Vị vua đầu tiên Sau-lơ lên làm vua năm 1050 trước Công nguyên (TCN). Đến năm 725 TCN, vua Ô-sê chống lại vua Sanh-ma-na-se của A-si-ri, đưa đến việc A-si-ri bao vây, chiếm thành Sa-ma-ri và chấm dứt Vương quốc miền Bắc.
137 sau vua Xê-đê-kia của vương quốc miền Nam chống lại vua Ba-by-lôn. Nê-bu-cát-nết-xa đến bao vây Giê-ru-sa-lem. Hai năm sau (586 TCN), tường thành bị phá vở, đền thờ, cung điện và toàn thể thành bị đốt cháy.
Trong khoảng 1000 năm, từ khi ra khỏi Ai-cập cho đến thời tiên tri Ma-la-chi, Đức Chúa Trời dùng tôi tớ Ngài kêu gọi dân Chúa đứng về phía Ngài, nhưng họ lựa chọn đứng về phía đối diện với Ngài. Vì thế trong 400 năm, Chúa yên lặng cho đến khi Ngài giáng trần làm người. Lúc ấy “Chúa đã đến trong nước Ngài mà dân Ngài không nghênh tiếp” (Giăng 1:11).
Ngày ngay, trên phương diện thiêng liêng, thế giới được chia ra làm hai bên: phe tin Chúa Cứu Thế, và phe chống nghịch Ngài. Người Việt Nam có câu, “Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong.” Chúng ta cần khôn ngoan khi lựa chọn phía mình đúng.
Giáo sư Huỳnh Ngọc Ẩn
Trích từ sách “Sống đạo hay có đạo”
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com