Home Chuyên Đề Hoàn Toàn Vô Tội

Hoàn Toàn Vô Tội

by Oneforisrael.org
30 đọc

Ngươi phải ở trọn vẹn với Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi” [hay, “Các ngươi phải thánh sạch trước mặt Chúa là Thượng Đế các ngươi” – BPT] (Phục-truyền 18:13). Đức Chúa Trời cảnh báo con cái Y-sơ-ra-ên không được phạm những điều đáng ghê tởm mà các dân trong xứ đã phạm phải trước khi dân Y-sơ-ra-ên chiếm được xứ này.

Từ “không chỗ trách được” [hay ‘vô tội’] trong tiếng Do Thái là “tamim” (תמים). Từ này là một từ đặc biệt và đầy ý nghĩa trong tiếng Do Thái.

Nó có nguồn gốc từ chữ “T.M.M.” (תממ) mà đối với hầu hết người Israel ngày nay thì thường có nghĩa là “ngây thơ” hoặc “vô tội”. Tuy nhiên, trong văn bản Kinh Thánh, từ “tamim” được dùng để mô tả một người không chỗ trách được, thánh sạchtrọn vẹn. Khác xa với sự cả tin hay ngây thơ, như trong tiếng Do Thái hiện đại ngày nay, khái niệm của từ này trong Kinh Thánh chứa đầy quyền năng và sự toàn hảo. Định nghĩa thực tế của từ này có nghĩa là “trọn vẹn, không thiếu bất cứ thứ gì, không có khiếm khuyết, không có lỗi, không tì không vết chi hết.”

Một trong bốn tỷ người

Lần đầu tiên từ này được sử dụng trong Kinh Thánh là trong Sáng-thế Ký 6:9 khi mô tả về Nô-ê. Nó được viết thế này “…Nô-ê trong đời mình là một người công bình và trọn vẹn, đồng đi cùng Đức Chúa Trời.” Từ “trọn vẹn” được sử dụng ở đây là “tamim” trong tiếng Do Thái. Nô-ê là người duy nhất trong thế hệ của ông được nhận xét là không chỗ trách được trước mặt Đức Chúa Trời, do đó ông và con cái của ông là những người duy nhất mà Chúa muốn cứu khỏi trận lụt và qua họ tái lập lại thế giới. Tôi chưa bao giờ suy nghĩ tới việc có bao nhiêu người sống trong thời Nô-ê ngay trước trận lụt, nhưng tôi cũng không nghĩ rằng có quá nhiều người vào thời đó đâu. Tuy nhiên, điều này có lẽ không đúng lắm. Chúng ta thấy rằng chỉ trong vòng vài trăm năm, con cái Y-sơ-ra-ên đã thêm lên rất nhiều ở Ai Cập từ 70 người lúc đầu lên đến hàng triệu người tại thời điểm xuất Ai Cập. Từ khi con người được dựng nên cho đến khi trận lụt xảy ra là khoảng 1656 năm, nghĩa là dân số thế giới sẽ lên tới hàng triệu, nếu không muốn nói là hàng trăm triệu thậm chí là hàng tỷ, một số học giả dự đoán là có khoảng 4 tỷ người vào thời đó. Bấy giờ có rất nhiều người, và trong tất cả những người này, chỉ có Nô-ê là người duy nhất được kể cho là “tamim”, không chỗ trách được, trước mặt Chúa. Hãy nghĩ về hàng triệu người sống trên đất nước của bạn. Thử nghĩ một chút về việc bằng cách nào đó mà bạn là người duy nhất được cứu trong cả nước bởi vì bạn…vô tội trước mặt Chúa. Thuộc tính này cũng có liên quan đến việc được ơn trước mặt Chúa vì như Kinh Thánh có chép rằng Nô-ê được ơn trước mặt Đức Giê-hô-va.

Hãy nên trọn vẹn

Trong Phục-truyền Luật-lệ Ký 18:13, Chúa ra lệnh cho chúng ta phải ở sao cho trọn vẹn trước mặt Ngài. Mệnh lệnh này được trao cho Áp-ra-ham trong Sáng-thế Ký 17:1, “Khi Áp-ram được chín mươi chín tuổi, thì Đức Giê-hô-va hiện đến cùng người và phán rằng: Ta là Đức Chúa Trời toàn năng; ngươi hãy đi ở trước mặt ta làm một người trọn vẹn.” Sau này trong kinh Torah, đây là từ được sử dụng để mô tả những của lễ hy sinh được dâng lên cho Đức Chúa Trời. Xuất Ê-díp-tô Ký 12:5 nói về Chiên Con của Lễ Vượt Qua: “…Con chiên của các ngươi phải là con chiên đực…đúng một năm tuổi, không tì vết chi” (dịch diễn ý), một lần nữa từ ‘không tì vết chi’ ở đây có nguồn gốc từ chữ “tamim”.

Chỉ dâng lên Vua điều tốt nhất

Sau đó, trong sách Ma-la-chi, nhà tiên tri khiển trách con cái Y-sơ-ra-ên vì đã dâng lên Chúa những của lễ không được “tamim”, và cũng không làm điều đó với một tấm lòng không chỗ trách được trước mặt Ngài, ““Các ngươi đem thú vật ăn cắp, què quặt và bệnh tật làm tế lễ dâng cho Ta. Liệu Ta có thể nhận lễ vật ấy nơi tay các ngươi không?” Đức Giê-hô-va phán vậy. “Đáng nguyền rủa kẻ gian trá! Trong bầy nó có con thú đực tốt mà nó hứa nguyện, nhưng nó đem con có tật làm sinh tế dâng cho Chúa!” Đức Giê-hô-va vạn quân phán: “Vì Ta là Vua Vĩ Đại, danh Ta là đáng kính sợ giữa các nước.”” (Ma-la-chi 1:13-14).

Của Lễ Hy Sinh Không Tì Vết của chúng ta

Tisha B’Av là ngày để than khóc cho đền thờ bị phá hủy tại Y-sơ-ra-ên. Tuy nhiên, các Rabbi (giáo sĩ Do Thái) đã tìm đủ mọi cách để Do Thái giáo tiếp tục mà không cần đến đền thờ, khiến một số người thậm chí không quan tâm đến việc ngôi đền được xây dựng lại (vì nó sẽ gây nguy hiểm cho địa vị của các Rabbi và thay đổi các truyền thống có từ nhiều thế kỷ), nhưng mặc dù vậy, việc nhìn thấy ngôi đền được xây dựng lại và hệ thống tế lễ được khôi phục vẫn là điều mà nhiều người mong đợi. Tất nhiên chúng ta biết rằng hệ thống này không cần thiết nữa, ít nhất là không cần thiết về mặt vật lý, vì chính Đấng Mê-si đang liên tục đáp ứng yêu cầu này.

1 Phi-e-rơ 1:17-19 cho chúng ta biết rằng cũng giống như cách mà con chiên của Lễ Vượt Qua và tất cả các của lễ khác đều không có tì vết mà phải lành lặn vẹn toàn, thì Đấng Mê-si của chúng ta tức là Chúa Giê-xu cũng là một của lễ “tamim” không chỗ trách được trước mặt Đức Chúa Trời:

Nếu anh em xưng Ngài là Cha, Đấng không thiên vị và phán xét mỗi người theo công việc họ làm, thì hãy đem lòng kính sợ mà sống trong thời kỳ ở trọ nầy. Vì anh em biết rằng không phải nhờ vào những vật dễ hư hoại như bạc hoặc vàng mà anh em được chuộc khỏi lối sống phù phiếm từ tổ tiên mình truyền lại, nhưng bởi huyết báu của Đấng Christ, như huyết của chiên con không khuyết tật, không tì vết.

Ngay cả kinh Talmud của người Do Thái cũng nói rằng 40 năm trước khi đền thờ thứ 2 bị phá hủy thì “Shkina”, Thần của Đức Chúa Trời đã rời khỏi đền thờ và nó giống như một tòa nhà trống, với những cánh cửa mở toang. Đây cũng là khoảng thời gian mà của lễ hy sinh đời đời của chúng ta đã được ban cho chúng ta và “Shkina”, Thần của Đức Chúa Trời hằng sống đã ngự vào tấm lòng của chính chúng ta.

Một sự kêu gọi cao cả

Chúng ta hãy nhớ đến sự kêu gọi cao cả này mà Chúa đã ban cho chúng ta, đó là bước đi một cách trọn vẹn trước mặt Ngài cả trong suy nghĩ, lời nói, hành động và thái độ của lòng mình. Đây là những của lễ mà chúng ta dâng lên Chúa và Ngài đòi hỏi chúng phải phải “tamim”, không tì vết.

Hãy cầu nguyện để Chúa khiến dân sự của Ngài bước đi trước mặt Ngài trong sự thánh sạch, hay “tamim” không tì không vết, không chi trách được, một lần nữa và họ sẽ nhìn thấy Đấng là Chiên Con không tì vết thật sự; Chúa Giê-xu, Đấng Mê-si của Y-sơ-ra-ên.

Dịch: Eunice Tu

Nguồn: oneforisrael.org

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like