Home Chuyên Đề Hài Hoà Với Đức Chúa Trời – Phần 10: Sức Mạnh Của Tình Thương

Hài Hoà Với Đức Chúa Trời – Phần 10: Sức Mạnh Của Tình Thương

by Sưu Tầm
30 đọc

TÌNH YÊU THƯƠNG CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

Kinh thánh dạy Đức Chúa Trời là tình yêu thương (1 Giăng 4:8).

Tình yêu thương của Chúa vô biên (Xuất-ê-díp-tô 15:13a). Trong câu Kinh thánh này tình yêu thương  còn được dịch là: ‘lòng thương xót’ (Bản dịch KJ), ‘thương yêu trìu mến’ (Bản dịch ASV), ‘tình thương yêu thành tín’ (Bản dịch CSB) và ‘sự trung tín lớn’ (Bản dịch CEB). Tình yêu thương của Chúa dư dật (Dân số 14:18; Nê-hê-mi 9:17;), vĩ đại (Dân số14:19; Nê-hê-mi 13:22).

Vì tình yêu thương Đức Chúa Trời kiên nhẫn với Pha-ra-ôn để giải cứu dân Y-sơ-ra-ên thoát khỏi vòng nô lệ. 

Vì tình yêu thương Đức Chúa Trời chịu đựng dân Ngài trong 40 năm trong đồng vắng và 800 trong Đất hứa—từ 1400 B.C đến 586 B.C. Vì tình yêu thương Đức Chúa đem dân Ngài trở về sau 70 năm lưu đày, năm 538.

Sau chiến tranh La-mã-Do thái, dân Do thái bị đuổi ra khỏi xứ cho đến năm 1958 họ mới trở về tái lập quốc.  

NHỮNG GIÁO HUẤN VỀ TÌNH YÊU THƯƠNG TRONG TÂN ƯỚC

Trong Bài giảng trên núi, Chúa Giê-Xu dạy về tình thương rất lý tưởng, nhưng khó thực hiện, Ngài truyền: “Nhưng Ta bảo các con: ‘Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các con…Nếu các con chỉ thương người thương mình, các con có gì đáng thưởng đâu. Ngay cả người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao?” (Ma-thi-ơ 5:44, 46)

Tình yêu thương này là tình yêu thương của Đức Chúa Trời đối với tội nhân. Khi phạm tội một người chống nghịch Chúa, “Nhưng Đức Chúa Trời đã tỏ tình yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là tội nhân thì Chúa Cứu Thế đã chết thay cho chúng ta” (Rô-ma 5:8). Đây là tình yêu thương ‘mặc dù,’ không điều kiện, người nhận lãnh là người khôn.

Cách nay khoảng 35 năm chúng tôi có kinh doanh với một người ở trong cùng một thị xã. Làm ăn không thành, chúng tôi bán lại ông những dụng cụ. Ông không trả tiền cho chúng tôi. May mắn là chúng tôi không hờn giận và chỉ lắng chịu. Vài năm sau, vợ ông bị ung thư. Chúng tôi thường đến thăm và cầu nguyện cho bà. Chúng tôi dự đám tang khi bà qua đời. Sau khi chôn cất vợ xong ông mời chúng tôi đi ăn chiều và trả số tiền thiếu chúng tôi.

Tôi cũng có một kinh nghiệm khác, có liên quan đến lời Chúa dạy. Cuối thập niên 1970 tôi làm việc tại Bộ Hưu Trí của Bang Washington, Hoa kỳ. Một đồng nghiệp của tôi tên Ethel, ít thâm niên hơn tôi và cũng không thạo việc. Nhưng thiết hữu của bà là Giám đốc Nhân viên, cho nên bà được thăng chức lên làm xếp của tôi. Tôi không vui và không có cảm tình với hai người này, mặc dù bà Giám đốc Nhân viên không tỏ ra phân biệt với tôi.

Một thời gian sau, xếp của tôi nghỉ hưu. Sở tổ chức tiệc ăn mừng và tôi cũng đến dự. Chúa nhắc nhở tôi: “Hãy yêu thương người lân cận như con.” Tôi thưa: “Dạ, vâng,” và bước sang bàn của bà Giám đốc để chào bà. Trong khi nói chuyện thì tôi chợt nhớ con trai tôi, lúc đó em đang học năm thứ ba Đại học. Tôi nói: “Này bà Shelley, con trai tôi cần việc làm mùa Hè để đi học.” Bà trả lời: “Ừ.” Về sở bà gọi những nhân viên làm việc ở các quận và tìm được một công việc bán thời gian cho con trai tôi. Lúc bấy giờ bà Shelley ở cùng một xóm với tôi, bà ở khu nhà giàu, còn tôi thì ở khu nhà lá.

Nghe lời Chúa thì có lợi.      

Kinh Thánh cho biết Đức Chúa Trời là tình yêu thương, và con người được tạo dựng theo hình và tượng Ngài. Cho nên, con người có nhu cầu yêu và được yêu thương. Chúa Giê-xu dạy, “Không có tình yêu thương nào lớn hơn tình yêu thương vì bạn hữu mà hi sinh mạng sống mình” (Giăng 15:13). Rất hiếm có ai vì lòng nhân có thể hi sinh mạng sống mình vì bạn hữu. Đức Chúa Trời vì yêu thương nhân gian phải hi sinh Con một của Ngài, để nhờ Con ấy loài người mới có thể làm hòa lại với Ngài, mới có thể tái lập mối liên hệ bị tội lỗi cắt đứt. Một người có mối liên hệ tốt với Chúa mới có tình thương yêu. Con mang trong máu ADN của cha. Người có Chúa có tình yêu của Ngài. Sứ đồ Giăng trong thư Giăng 1, nói, “Nếu có ai nói: ‘‘Tôi yêu thương Đức Chúa Trời,” mà lại ghét anh em mình, thì người ấy là kẻ nói dối. Vì người nào không yêu thương anh em mình thấy, thì không thể yêu thương Đức Chúa Trời mình không thấy được” (1 Giăng 4:20).

Người dân tộc Karen ở Myanmar theo Cơ đốc giáo rất đông. Họ bị bắt bớ, hoạn nạn. Một năm khi Philippines bị siêu bảo tàn phá, người Karen trong một trại tị nạn quyên góp được 212 đô la để gởi giúp người Philippines, kèm theo một lá thư. Người đại diện viết,

“Khi chúng tôi gặp khó khăn, họ giúp chúng tôi. Cả thế giới đổ vào để giúp. Chúng tôi không cho từ sự dư dật, nhưng từ lòng dâng hiến cho Đức Chúa Trời, vì Ngài đã gìn giữ chúng tôi trong mùa khô hạn trong trại tị nạn. Chúng tôi muốn gởi một món quà mọn, từ tấm lòng đến anh chị em người Philippines.”[1]

Đó thực là tình yêu thương.

Chúng tôi có năm cháu ngoại; đứa nhỏ nhất được bốn năm tuổi. Một hôm anh nó chơi thiếu lịch sự làm nó đau và khóc. Cậu nó ẳm nóđến tôi. Tôi ôm cháu vào lòng. Ông vui hưởng cháu, và cháu được bồng bế, dỗ  dành. Ông cháu đều cảm thấy vui sướng vì yêu và được yêu. Cháu được phát triển về thể xác và tâm lý, còn tuổi thọ của ông cũng kéo dài ra.

 Cơ đốc giáo có hai điều răn cơ bản, bao phủ mọi điều răn khác, ấy là “Hãy lấy hết lòng, hết ý, hết sức mà yêu thương ĐCT, và yêu đồng loại như chúng ta.”  (Phuctruyền 6:5). Những tôn giáo trên thế giới khác biệt nhau về giáo lý cứu rỗi. Nhưng chính giáo là tôn giáo nào có thể giữ được hai điều răn cơ bản và nồng cốt nêu trên.Tôn giáo loại bỏ Đức Chúa Trời ra ngoài sự thờ phượng thì thiếu phần thiêng liêng. Một tôn giáo quảng bá sự thờ phượng Đức Chúa Trời  trong khi giết hại người không cùng niềm tin với mình thì hủy bỏ sự thờ phượng Đức Chúa Trời vì họ làm ngược lại ý muốn của Đấng họ tôn thờ.

Kinh thánh dạy: “Tình yêu thương không hư mất bao giờ…” (1 Cô-rinh-tô 13:8)

Tháng Mười Một năm 2006, lần đầu tiên chúng tôi quyết định theo chân Đoàn Y Tế Nê-hê-mi về  phục vụ đồng bào trong hai tỉnh Bạc Liêu và Sóc Trăng. Khẩu hiệu của Đoàn là “Tình yêu thương không hư mất bao giờ.” Nhiều đồng bào có thể nhìn thấy khẩu hiệu này được viết trên lưng của cái áo đồng phục màu xanh, nhưng ít ai để ý đến ý nghĩa của nó. Tuy nhiên, khẩu hiệu này gây ấn tượng với một chị dược sỉĩ làm việc cho Sở Y tế Bạc Liêu. Chị nhận thấy mọi người trong Đoàn làm việc, tuy có “oải”, nhưng vẫn tươi cười, khôntg tỏ ra quạu quọ. Đó là họ được thúc đẩy bởi một sức mạnh tâm linh, sức mạnh của tình yêu thương.

Nhiều người tin có Đức Chúa Trời, nhưng không biết về Ngài. Kinh thánh cho biết Ngài là tình yêu thương. Ngài yêu chúng ta vô điều kiện như người mẹ thương con. Ngài mặc khải cho chúng ta: ““Ta là CHÚA, Ta là CHÚA, Đức Chúa Trời có lòng thương xót và nhân từ, chậm giận, đầy dẫy tình thương và thành tín” (Xuất Ê-díp-tô 34:6). Cụm từ “đầy dẫy tình thương’ được lập lại trong những câu Dân số 14:18; Nê-hê-mi 9:17; Thi thiên 86:15; 103:8; Giô-ên 3:13 và Giô-na 4:2.

Trong sách Lịch sử Hội thánh, Eusebius thuật một câu chuyện độc đáo về sứ đồ Giăng mà ông nghe Clement kể lại. Khi Giăng đến thăm Hội thánh Ê-phê-sô ông có gởi một thanh niên cho vị trưởng lão của HT chăm sóc. Chẳng bao lâu sau thanh niên này bị cám dỗ theo băng đảng. Ít lâu sau Giăng trở lại thăm HT. Khi nghe tin chàng thanh niên làm tướng cướp ở trên núi, ông liền lên núi tìm thanh niên. Khi gặp được, thanh niên xấu hổ bỏ chạy. Giăng chạy theo và kêu gọi khiến thanh niên đó phải bỏ vũ khí và trở về nhóm lại HT. Tình thương và lòng can đảm của Giăng đã cải hóa tướng cướp trẻ.

Tình yêu thương của Đức Chúa Trời gắn bó hơn keo sơn: “Vì chúng tôi tin chắc rằng không có sự chết, sự sống, các thiên sứ, các giới quyền lực, việc bây giờ, việc tương lai, các năng lực,  bề cao, bề sâu, hay tạo vật nào khác có thể phân rẽ chúng ta khỏi tình yêu thương của Đức Chúa Trời trong Chúa Cứu Thế Giê-xu, Chúa chúng ta” (Rô-ma 8: 38-39).

Trong thời Cựu Ước  liên hệ giữa Đức Chúa Trời với dân Ngài ví như liên hệ vợ chồng (Ê-xê-chiên 16:-14; 59-60; Giê-rê-mi 31:32; Ê-sai 54:6). Chúa yêu cầu dân Y-sơ-ra-ên đừng thờ cúng thần tượng. Trong khi Chúa thành tín với dân Ngài thì họ vi phạm giao ước nhiều lần, nhiều cách. Để minh hoạ mối quan hệ của Chúa với dân Ngài và cảm xúc của Ngài, Chúa truyền cho Ô-sê cưới một phụ nữ  xấu nết (Ô-sê 1:2).  Ông làm theo lời Chúa. Sau khi sanh con cho ông, bà ngoại tình. CHÚA bảo Ô-sê: “Ngươi hãy bày tỏ tình yêu một lần nữa đối với một người vợ có tình nhân, một người vợ ngoại tình, như CHÚA yêu dân Y-sơ-ra-ên, mặc dù chúng hướng về các thần khác và thích ăn bánh nho khô.” (Câu 3:1). Ô-sê làm theo lời Chúa : ” Vậy tôi chuộc nàng về với giá mười lăm sê-ken bạc và một ô-me rưỡi lúa mạch” (Câu 2). Đó là cách Chúa đôi sử với dân Ngài.

Khi Y-sơ-ra-ên còn thơ ấu, Ta yêu dấu nó;

Ta gọi con trai Ta ra khỏi Ai-cập. Hỡi Ép-ra-im, làm sao Ta bỏ ngươi được?

Hỡi Y-sơ-ra-ên, làm sao Ta nộp mạng ngươi được?… Hỡi Ép-ra-im, làm sao Ta bỏ ngươi được?

Hỡi Y-sơ-ra-ên, làm sao Ta nộp mạng ngươi được?” (Ô-sê 11:1)

Chúa thành tín dù cho dân Chúa không trung thành cùng Ngài.

Quả thật tình yêu thương của Đức Chúa Trời ‘hay nhẫn nhục, tình yêu thương nhân từ, không ghen ghét… dung thứ mọi sự, tin tưởng mọi sự, hy vọng mọi sự, chịu đựng mọi sự.‘ (1 Cô-rinh-tô 13:4,7) .

Từ Điều răn lớn thứ hai Chúa dạy các môn đệ: “Bây giờ Ta truyền cho các con một điều răn mới: ‘Các con hãy yêu thương nhau. Ta đã yêu thương các con thể nào, các con cũng hãy yêu nhau thể ấy. Nếu các con yêu thương nhau, thì nhờ đó mọi người sẽ nhận biết các con là môn đệ Ta” (Giăng  13:34-35). Sứ đồ Giăng kết thúc bài giảng ngắn về tình yêu thương: “Và chúng ta có điều răn này: Ai yêu kính Đức Chúa Trời thì cũng phải thương yêu anh chị em mình” (1 Giăng 4:21).

Chúa Giê-Xu dạy: “Chẳng có tình yêu nào vĩ đại hơn là tình yêu của người chịu hy sinh tính mạng cho bạn hữu minh” (Giăng 15:13). Quả thật tình yêu thương! của Cứu Chúa cao vời biết bao! Nếu Chúa không hy sinh tính mạng Ngài làm giá chuộc cho chúng ta thì chúng ta vẫn còn tìm cách đến với Ngài qua sức của con người.

Mẫn Tử Khiên, môn đệ của Khổng Phu Tử., là một trong số hai mươi bốn người Trung quốc có tiếng là hiếu thảo. “Mẹ mất sớm, cha cưới vợ kế sanh đặng 2 con. Mùa đông giá rét, 2 con của mẹ ghẻ được mặc áo bông ấm áp, còn Mẫn Tử Khiên thì phải mặc áo lót bông lau không đủ ấm, lại còn phải đẩy xe đưa cha đi dạo chơi. Vì quá lạnh, tay Mẫn Tử Khiên tê cóng, phải rời xe ra. Người cha thấy vậy mới nghĩ lại, biết bà kế mẫu quá hà khắc, liền trở về nhà định đuổi bà đi. Mẫn Tử Khiên khóc lóc xin cha xét lại, đừng đuổi kế mẫu đi, vì nếu kế mẫu còn thì chỉ có mình con chịu rét mà thôi, nếu đuổi kế mẫu thì chẳng những con mà cả 2 em cũng đều phải chịu rét mướt khổ sở nữa. Người cha nghe theo, về nhà thuật chuyện lại cho kế mẫu của Tử Khiên nghe, khiến bà cảm động. Lòng hiếu thảo của Mẫn Tử Khiên đã cảm hóa được bà, khiến bà sửa mình và trở nên một hiền mẫu.”[2]

Nước nhẹ, mềm mại, nhưng nước chảy lâu ngày, soi mòn đá cứng. Những con vi-rút không thể nhìn thấy bằng mắt thường, nhưng có sức tàn phá khốc liệt. Năm 2020, vi-rút Cô-rô-na gây điêu đứng cho hằng tỷ người trên thế giới. Tình yêu thương không bạo động, dễ thương , nhưng tác động mạnh. Tiên tri Ê-sai mô tả tình yêu thương của Chúa Giê-Xu:

“  Người bị người ta khinh bỉ và ruồng bỏ;

    Là người chịu đau khổ và biết sự đau ốm…

Thật, chính người đã mang những bệnh tật của chúng ta

    Và gánh những đau khổ của chúng ta.

Nhưng chúng ta lại tưởng

    Người bị Đức Chúa Trời đánh, phạt và bị khổ sở.

Chính người bị đâm vì sự vi phạm của chúng ta,

    Bị chà đạp vì sự gian ác của chúng ta.

Hình phạt người chịu để chúng ta được bình an,

    Vết thương người mang để chúng ta được chữa lanh” (Ê-sai 53:3-5).

Ấy là tình yêu thương của Đức Chúa Trời.

PHẦN KẾT

Để đúc kết, chúng ta cũng nên nhắc đến Người Gương Mẫu Tối thượng của chúng ta. Đó là Chúa Cứu Thế Giê-Xu. Ngài vừa là Con Người, vừa là Thần Nhân. Trong thân xác con người Ngài thuộc dòng vua Đa-vít (người quân tử). Ngài hiếu thảo với cha mẹ (vế phần xác), Kinh thánh nói, “Đoạn, Ngài theo về thành Na-xa-rét và chịu lụy cha mẹ.” (Lu-ca 2:51a) Ngài không hề phạm tội. Khi biết mình sắp chết, Chúa truyền cho một môn đệ thân tín tên Giăng chăm sóc bà mẹ về phần xác của mình.

Chúng ta học về chín bông trái của Thánh linh, và mong đạt được chín phẩm hạnh này, nhưng duy chỉ có Chúa Giê-Xu, không những Ngài có chín đức tính thuộc linh kể trên, nhưng còn có tất cả những phẩm hạnh khác nữa. Phần kết luận chỉ cho chúng ta chìa khóa để trở thành con người gương mẫu.    

Chúa Giê-Xu toàn năng.

  • Ngài chiến thắng Sa-tan (Ma-thi-ơ 4:1-11; Lu-ca 4:1-13).
  • Ngài quở thì gió yên (Mác 4:35-41).
  • Các sách Phúc âm ghi nhận mười sáu phép lạ chữa lành người mắc bệnh phung, người mù, người câm, người què. Ngài đuổi quỷ bảy lần.
  • Ngài hóa nước thành rượu, một lần đãi 5000 ăn trưa với 2 con cá và 5 cái bánh, và một lần đãi 4000 người, hai lần chỉ môn đồ nơi có cá để lưới.
  • Ngài làm phép lạ sau khi cầu nguyện.
  • Ngài đầu phục Chúa Cha: “Lạy Cha, nếu chén này không thể tránh được và Con phải uống thì xin ý Cha được nên” (Ma-thi-ơ 26:42).
  • Lời cuối cùng của Ngài là: “Mọi sự đã hoàn tất” (Giăng 19:30). Ngài làm gương cho chúng ta trong việc hoàn thành sứ mệnh được phó thác.
  • Đức Chúa Trời phán về Chúa Giê-Xu: “Đây là Con yêu dấu của Ta, đẹp lòng Ta hoàn toàn” (Ma-thi-ơ 3:17). Khi tin nhận Chúa Giê-Xu làm Cứu Chúa, chúng ta được gọi là con Đức Chúa Trời, chúng ta có đẹp lòng Cha không?

Hết!

Giáo sư Huỳnh Ngọc Ẩn

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com


[1] Không nhớ xuất xứ

[2] Phankimngocanh.weekly.com/tinh-hoa

Bình Luận:

You may also like