Home Chuyên Đề Những Cái Cớ Mà Người Ta Thường Đưa Ra Để Không Phải Trở Thành Một Nhà Truyền Giáo

Những Cái Cớ Mà Người Ta Thường Đưa Ra Để Không Phải Trở Thành Một Nhà Truyền Giáo

by thetravelingteam.org
30 đọc

Việc đổ thừa cho hoàn cảnh bắt đầu từ khi con người đầu tiên phạm tội trong vườn Ê-đen và chắc chắn chuyện này vẫn chưa kết thúc. Khi nói đến việc trở thành một nhà truyền giáo, thành thật mà nói – đó là một sự hy sinh to lớn và không dành cho tất cả mọi người. Nhưng thay vì theo đuổi con đường đó với sự đầu phục và để Chúa nắm quyền chỉ đạo, thì chúng ta lại nghe có người bắt đầu viện lý do này nọ về việc tại sao họ không thể đi ra. Những lý lẽ khập khiễng. Rất có thể chúng ta cũng đã từng nói những điều tương tự. Khi bạn bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về vài người trong số họ, thì có vẻ như họ đã bắt đầu cảm thấy đuối sức. Hãy cùng xem tám lý do mà có vẻ phổ biến nhất sau đây.

“Nhưng tôi không cảm thấy mình được kêu gọi?”

Đây là một trong những lý lẽ phổ biến nhất hiện nay. Thật đáng hổ thẹn… “Chúa đã không kêu gọi tôi đi nước ngoài!” Vậy chúng ta phải trả lời như thế nào trước lời biện hộ này? Trước hết, nếu bạn nghiên cứu về từ “được kêu gọi”, bạn sẽ thấy rằng đa số những lần nó được sử dụng trong Kinh Thánh là chỉ sự kêu gọi đến với Đấng Christ để được cứu rỗi. Trên thực tế, Sứ-đồ Phao-lô đã đánh đồng việc ông đến với Đấng Christ với trách nhiệm chạm đến mọi dân tộc. Hãy xem ông đã nói gì với những người ở Ga-la-ti:

“Nhưng khi Đức Chúa Trời, Đấng đã biệt riêng tôi từ trong lòng mẹ và lấy ân điển gọi tôi, vui lòng bày tỏ Con Ngài cho tôi để tôi rao truyền Tin Lành về Con Ngài giữa dân ngoại, thì lập tức tôi không bàn với loài người.” (Ga-la-ti 1:15-16)

Phao-lô hiểu rằng ông có một nghĩa vụ là phải mang Tin Lành đến cho mọi dân tộc vì Đức Chúa Trời đã ban ơn cứu rỗi cho ông. Thứ hai, khi Phao-lô nhận được “lời kêu gọi” đến một nơi cụ thể để thi hành chức vụ, thì đó là lúc ông đang tích cực trong công tác hầu việc Chúa và kiêng ăn cầu nguyện (Công-vụ 13:1-4). Hầu hết mọi người, trong lúc than vãn rằng “tôi không được kêu gọi”, chỉ đang sử dụng điều đó như một cách thoái thác và người đó cũng đang xa rời sự phục vụ cũng như kiêng ăn cầu nguyện trước mặt Đức Chúa Trời để tìm sự chỉ dẫn. Và nhân tiện, câu cuối cùng trong Công-vụ 12 nói về việc Phao-lô trở về sau chuyến đi truyền giáo đầu tiên của mình! Rõ ràng, Phao-lô nghĩ rằng tốt nhất nên vâng theo mục đích của Đức Chúa Trời trên thế gian này thay vì cứ mắc kẹt trong những vấn đề cụ thể. Vì thế, lần tới khi bạn nghĩ rằng mình không được kêu gọi, hãy tự hỏi bản thân đã thực hiện bao nhiêu chuyến truyền giáo, bạn đang làm gì cho Chúa ngay lúc này và bạn có kiêng ăn cầu nguyện thường xuyên để đưa ra quyết định không?

“Tôi sẽ không nói rằng bạn có sự kêu gọi đặc biệt là phải đi đến Trung Quốc. Nhưng với thực tế trước mắt bạn và với mạng lệnh Chúa Giê-xu đã truyền rằng hãy đi giảng Tin lành cho mọi người, thì bạn cần xác định chắc chắn xem liệu mìnhđược kêu gọi một cách đặc biệt để ở nhà hay không.” – J. Hudson Taylor

“Nhưng bố mẹ tôi sẽ không bao giờ để tôi đi.”

Hãy thừa nhận rằng chúng ta đã đưa ra một số quyết định sai lầm trong quá khứ. Ai cũng vậy! Đó là một phần của sự trưởng thành! Đúng là các bậc cha mẹ cũng đã chứng kiến nhiều lựa chọn tệ hại của chúng ta. Hẹn hò rồi chia tay vì gặp không đúng người, bất mãn với xe cộ hay công việc, thay đổi chuyên ngành nhiều lần và danh sách này còn dài nữa. Và giờ lại có một chuyến truyền giáo vào mùa hè đến Bắc Sudan! Nghe có vẻ là một ý tưởng tồi tệ khác đối với bố mẹ. Chúng ta có thể đổ lỗi cho họ không? Thực sự có hai kiểu cha mẹ nói không với việc cho con mình đi truyền giáo – một số người đúng thật là có ý đó và một số người thì không. Có một số bậc cha mẹ nói rằng: “nếu con đi chuyến này, thì đừng có nghĩ đến chuyện trở về nhà nữa và hãy liệu mà tự chi trả học phí và tự kiếm tiền mua xe đi nhé.” Trong trường hợp này, tôi thực sự khuyên bạn nên đợi cho đến khi họ dịu lại và có cái nhìn cởi mở hơn về vấn đề này. Hãy nghe lời cha mẹ trong khi bạn vẫn còn ở dưới quyền của họ. Trong thời gian chờ đợi, hãy dành thời gian để tiếp cận với những người nước ngoài trong khu vực bạn sống. Nhiều bậc phụ huynh chỉ giả vờ nói không để thử xem con họ có nghiêm túc hay vụ đi truyền giáo đó chỉ là một ý tưởng thoáng qua. Sự khác biệt của những kiểu cha mẹ này là khi họ nhìn thấy thái độ kiên quyết trước sau như một, nhìn thấy con mình thể hiện trách nhiệm đối với chuyến đi và ngày càng quan tâm hơn, họ tin tưởng vào quyết định của con mình và cuối cùng sẽ nhượng bộ. Hầu hết các bậc cha mẹ đều thuộc loại sau. Thường thì vấn đề chính không nằm ở chỗ phụ huynh, mà là ở các bạn sinh viên đang cố tình lẩn tránh đằng sau một tình huống không thực sự tồn tại.

“Việc vâng theo sự kêu gọi của Đấng Christ gần như luôn đòi hỏi cái giá phải trả từ cả hai phía – người được kêu gọi, và người yêu quý người được kêu gọi đó.” – Oswald Chambers

“Nhưng tôi chưa sẵn sàng về mặt thuộc linh để đi.”

Khi còn học đại học, có một lần tôi cảm thấy mình chùn bước. Tôi được thách thức dành cả mùa hè của mình để tiếp cận những người Hồi giáo tại Bắc Phi trong 8 tuần bởi một người đầy nhiệt huyết trong công tác truyền giáo. Câu trả lời của tôi lúc đó là “Nhưng em chưa sẵn sàng để đi!” Anh ấy không ngần ngại đáp lại rằng, “Được thôi, anh sẽ cho em 20 phút để…sẵn sàng”. “Gì cơ, không, đợi đã! Em không nghĩ anh hiểu ý em nói!” tôi đã nghĩ vậy đấy. Trên thực tế, anh ấy hoàn toàn hiểu ý tôi muốn nói gì. Thường thì, khái niệm ‘sẵn sàng’ của chúng ta là chờ cho đến chừng nào mình trở nên không còn tội lỗi nữa, có một động cơ hoàn toàn trong sạch, hoặc có thể yêu thương mọi người như Đấng Christ đã yêu. Nếu đúng là như thế thì chúng ta sẽ không bao giờ “sẵn sàng” được. Những nhà truyền giáo là những con người thật với những vấn đề thật. Chẳng ai đạt đến một trạng thái thuộc linh nhất định và sau đó trở nên đủ tiêu chuẩn. Trên thực tế, quá trình này vận hành theo chiều ngược lại. Khi một người nắm lấy một khải tượng cho nhiều dân tộc và ra đi, nhận ra nhiệm vụ lớn lao trong tầm tay, họ sẽ thấy sự thông công mật thiết với Đấng Christ được thêm lên. Nếu mục tiêu trước mắt chúng ta nhỏ bé, sự nương cậy của chúng ta vào Đức Chúa Trời cũng nhỏ bé. Mặt khác, nếu khát vọng của chúng ta lớn, thì sự tin cậy của chúng ta đặt vào sự đầy đủ dư dật của Đức Chúa Trời cũng sẽ trở nên lớn lao hơn. K.P. Yohannan, điều hành tổ chức Gospel for Asia (Tin Lành Á Châu) cho biết nếu một người tin Chúa hơn 8 tuần, họ đủ tiêu chuẩn.

“Tất cả tài nguyên của Đức Chúa Trời đều sẵn có cho mọi nhu cầu của chúng ta!” – Jonathan Goforth

“Nhưng còn các khoản nợ của tôi thì sao?”

Cứ mỗi một đô la người Mỹ kiếm được, họ tiêu 1,1 đô la. Điều này không tốt. Với các quầy hàng thanh toán bằng thẻ tín dụng trong các trung tâm sinh viên và sự tăng giá học phí, nợ nần là một nguy cơ tiềm ẩn của đa số sinh viên đại học. Đó là một vấn đề thực sự. Nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp chỉ biết nín lặng khi nhìn vào khoản nợ lên đến 10,000 đô la. Nhiều sinh viên ao ước khoản nợ của họ chỉ dừng lại ở mức 10,000 đô la. Cách mà các sinh viên trường Cơ-đốc đối mặt với chủ đề truyền giáo bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình trạng nợ nần của họ. Một số người sẽ sử dụng khoản nợ của họ như một cái cớ để không bao giờ ra nước ngoài, một số khác sẽ trì hoãn không tham gia vào bất kỳ hoạt động truyền giáo nào cho đến khi họ giải quyết xong các khoản nợ. Vậy, nếu là bạn thì bạn có nên chi tiền cho một chuyến truyền giáo ngắn hạn vào mùa hè hay tập trung vào để giải quyết vấn đề nợ nần? Phản ứng ban đầu cho câu hỏi này là “không” đối với việc đi nước ngoài, nhưng có một vài lựa chọn. Trước hết, nhiều sinh viên không có động lực để thoát nợ và do đó họ thấy mình đang phải sống thật kham khổ. Đôi khi một chuyến du lịch ngắn hạn ở nước ngoài sẽ là động lực thúc đẩy bạn. Nhiều lúc, một cái nhìn thoáng qua về thực trạng đói nghèo trên thế giới sẽ chữa khỏi chứng uể oải của việc thoát khỏi nợ nần hay bất kỳ thái độ thiếu thận trọng nào trong việc cân bằng chi tiêu. Một lựa chọn khác là không chỉ kêu gọi quyên góp chi phí cần thiết cho chuyến đi, mà còn phải huy động thêm một khoản để trang trải những phát sinh khác trong chuyến đi. Ví dụ, nếu một chuyến đi cần 2,500 đô la và kéo dài trong một tháng, tại sao không kêu gọi thêm 800-1000 đô la để bù đắp cho số tiền bạn có thể kiếm được nếu ở nhà và làm việc? Áp dụng tương tự cho các khoản thanh toán tiền nhà và xe hơi. Một chuyến truyền giáo ngắn hạn là động lực tuyệt vời để thoát nợ!

“Hai đặc điểm nổi bật của Hộithánh đầu tiên là: 1) Nghèo nàn 2) Quyền lực.” – T.J. Bach

“Nhưng tôi không có nhiều tiền như vậy!”

Không phải sinh viên nào cũng có sẵn 3,000 đô la trong quỹ tiết kiệm để chi cho chuyến truyền giáo. Vậy có phải bạn đang nghĩ rằng bạn không thể đi nước ngoài vì bạn không có tiền? Trước hết, bạn cần phải hiểu rằng một chuyến truyền giáo là hoàn toàn miễn phí. Bạn có thể đang nghĩ, “Chờ một chút, tôi nhớ bạn vừa nói là một chuyến đi cần đến 3,000 đô la kia mà!” Đúng là như vậy, nhưng bạn cần hiểu khái niệm kêu gọi dâng hiến trong Kinh Thánh. Trong Ma-thi-ơ 10:9-10, Chúa Giê-xu nói về việc một người làm công xứng đáng được trả công như thế nào, và Sứ-đồ Phao-lô nhắc lại điều này khi ông nói về đặc ân mà ông có được để kêu gọi dâng hiến trong 1 Cô-rinh-tô 9:1-18. Vì vậy, chuyến đi của bạn là miễn phí vì Đức Chúa Trời đã thiết lập một chính sách kinh tế, là nơi mà thân thể Đấng Christ hỗ trợ cho những người đi ra. Đây có thể là một khái niệm gây choáng ngợp lúc đầu, nhưng thực ra nó khá đơn giản. Tất cả những gì bạn cần làm là lập một danh sách những người bạn biết, gửi một bức thư giải thích tình hình của bạn cho họ, tiếp theo đó là một cuộc gọi và đôi khi là một cuộc hẹn cá nhân để giải thích thêm về nhu cầu tài chính của bạn cho chuyến đi. Chỉ có hai kiểu sinh viên không chịu làm điều này: dại dột hoặc kiêu ngạo. Những người dại dột không biết được thực tế là Kinh Thánh có nói về sự kêu gọi dâng hiến và Đức Chúa Trời đã đặt để những người này vào đời sống của họ, những người sẵn sàng dâng hiến. Những người kiêu ngạo thì quá tự phụ đến nỗi không chịu gọi cho bất cứ ai để “xin” tiền. Họ không chịu hạ mình xuống để tỏ ra mình cần được giúp đỡ. Thật ra, kêu gọi dâng hiến không phải là một hành động xin xỏ, đó là mô hình Kinh Thánh do chính Đức Chúa Trời thiết lập và Chúa Giê-xu làm mẫu: “Gian-nơ vợ Chu-xa, quản gia của vua Hê-rốt; Su-xan-nơ và nhiều người nữ khác nữa đã dùng của cải mình để giúp cho Chúa và các môn đồ Ngài” (Lu-ca 8:3)

“Công việc của Chúa được thực hiện theo cách của Chúa sẽ không bao giờ thiếu đi sự chu cấp của Chúa.” – J. Hudson Taylor

“Nhưng còn những nhu cầu ở đây thì sao?”

Đây cũng là một lý do rất phổ biến. Tôi thường trả lời nó bằng ví dụ về việc chữa trị theo thứ tự nguy cấp. Đó là một thuật ngữ y học có nghĩa là những người bị thương nặng sẽ được ưu tiên chữa trị trước những người khác. Vì vậy nếu ai đó đến phòng cấp cứu với một chân bị đứt lìa sẽ được ưu tiên hơn người chỉ bị bong gân cổ chân đang ngồi chờ. Tại sao vậy? Có phải các bác sĩ thương người bị đứt lìa chân hơn người chỉ bị bong gân? Dĩ nhiên là không rồi. Chỉ vì nhu cầu của người đó là cấp thiếp hơn nên được ưu tiên hơn mà thôi. Sẽ ra sao nếu chúng ta áp dụng thuật ngữ này vào truyền giáo: mức độ nguy cấp trong truyền giáo? Cũng đơn giản thôi: những người có nhu cầu cấp thiết nhất, ít được chạm đến nhất, không có hội thánh sẽ được ưu tiên hơn những người có nền văn hóa đi nhà thờ lâu đời. Keith Green, một nhạc sĩ đầy nhiệt huyết, đã chiêu mộ thành viên cho các chuyến truyền giáo, nói rằng: “Vì nước Mỹ chỉ chiếm 5% dân số thế giới, nên chỉ có 5% số lượng tín hữu thực sự cần ở lại đất nước này để làm chứng (chỉ khoảng 1 trong số 20 người), trong khi phần còn lại nên đi đến những nơi trên thế giới gần như chỉ có 0% người tin Chúa.” Thật không may, thực tế thì không phải như vậy. Thử suy nghĩ theo hướng ngược lại, 95% tín hữu sẽ ở lại Hoa Kỳ. Vậy thì người Mỹ có nhu cầu cần được truyền giáo không? Tất nhiên là có. Chỉ cần dạo quanh khuôn viên của một trường đại học nào đó bạn sẽ thấy cần thêm nhiều Cơ-đốc nhân góp phần trong công tác chia sẻ Lời Chúa hơn nữa. Nhưng có một điều cần ghi nhớ, ở Mỹ sẽ luôn có nhu cầu. Nhu cầu ở khắp mọi nơi. Có lẽ đã đến lúc ngừng tập trung vào các nhu cầu và thay vào đó là tập trung vào nhu cầu cấp thiết nhất – những người không được tiếp cận với Tin Lành.

“Một nhóm nhỏ những tín hữu Tin Lành cứ lẩm bẩm điều đó với nhau. Trong khi đó, hàng triệu người rơi vào hỏa ngục đời đời mà chưa bao giờ được một lần nghe câu chuyện về sự cứu rỗi.” – K.P. Yohannan

“Nhưng chẳng phải cánh đồng truyền giáo là một nơi nguy hiểm đó sao?”

Dân Y-sơ-ra-ên đã đứng trước một sự lựa chọn thú vị sau khi thoát khỏi chế độ nô lệ ở Ai Cập. Khi đến biên giới của vùng đất mà Đức Chúa Trời bảo họ phải đánh chiếm, họ bắt đầu tính toán cái giá phải trả cho sự vâng lời. Vùng đất này là nơi sinh sống của những người khổng lồ, hung dữ. Họ tự đặt ra những nghi vấn về mạng lệnh của Chúa, lời hứa của Ngài và việc Ngài giải cứu họ ra khỏi xứ Ai Cập. Rồi bỗng dưng họ trở lòng không vâng phục Chúa và việc quay trở lại làm nô lệ dường như hấp dẫn hơn là mối nguy hiểm và cái chết đang chực chờ phía trước. Đây là phản ứng của họ:

“Tại sao Đức Giê-hô-va dẫn chúng tôi vào đất nầy để ngã chết bởi gươm? Vợ con chúng tôi sẽ bị giặc bắt đi. Chúng tôi quay trở lại Ai Cập không tốt hơn sao?”” (Dân-số Ký 14:3)

Keith Green giải thích: “Vấn đề là ở sự ưu tiên của chúng ta – chúng ta đang nhìn vào những điều tạm bợ hay vĩnh cửu khi đưa ra lựa chọn của mình? Đúng là bạn có thể gặp nhiều nguy hiểm trên cánh đồng truyền giáo hơn là sống tại vùng ngoại ô nước Mỹ, nhưng đó là một phần của cái giá mà chúng ta cần phải trả để được hầu việc Đức Chúa Trời. Đừng hỏi rằng, ‘Liệu tôi có được an toàn không?’ nhưng đúng hơn là, ‘Ý Chúa muốn tôi làm gì?’ Nếu Chúa Giê-xu quyết định đi con đường ít đau đớn nhất, thì Ngài không bao giờ đi đến thập tự giá. Không có phước hạnh nào lớn hơn là được ở trong ý muốn Đức Chúa Trời. Bạn phải ngừng tính toán những thiệt hại, nhưng hãy nhớ một điều – đặc ân được phục vụ Chúa luôn lớn hơn cái giá phải trả.” Điều bạn lo lắng chỉ có thể trở thành một vấn đề trong trường hợp có chiến tranh, hay hiểm họa chiến tranh, bắt cóc và khủng bố. Thước đo sức chịu đựng của một con người là những gì có thể ngăn chặn người đó. Điều gì có thể ngăn bước bạn? Hãy quay lại với Lời Chúa, và nhìn lên những người đi trước đã dâng đời sống mình như một của lễ sống cho Chúa. Không có lời hứa nào về sự an toàn tuyệt đối, và những hiểm nguy là có thật, nhưng ân điển của Ngài là đủ cho chúng ta rồi.

“Nhiều người ưa thích sống trong tiếng chuông nhà thờ, còn tôi muốn có một cửa hàng cứu hộ trong sân của Địa Ngục.” – C.T. Studd

“Nhưng tôi chưa sẵn sàng cho sự hy sinh đó.”

Đây là gốc rễ của mọi lý do thoái thác – không muốn sống một đời sống hy sinh cho Chúa. Đối với một số người khi đến với Đấng Christ, họ chỉ Cơ-đốc hóa những việc họ đã làm trước đây. Lý lẽ của họ thường thế này: “Tôi vốn là một giáo viên, nên bây giờ tôi đoán mình sẽ là một giáo viên Cơ-đốc. Tôi vốn là một kỹ sư, nên bây giờ tôi đoán mình là một kỹ sư Cơ-đốc.” Thật dễ dàng để chỉ thêm cái mác Cơ-đốc vào những kế hoạch đã có từ trước của chúng ta. Nếu đây là lời biện hộ của bạn, bạn có thể đã rơi vào cái bẫy này. Do đó, lối tư duy sẽ trở thành như thế này, “tại sao tôi phải dấn thân vào cánh đồng truyền giáo, đó quả thật là một sự hy sinh!” Trong II Cô-rinh-tô 5:17, chúng ta đọc thấy, “Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ, người ấy là tạo vật mới, những gì cũ đã qua đi, nầy, mọi sự đều trở nên mới.”

Hãy chú ý cụm từ quan trọng, “những gì cũ đã qua đi.” Điều này có nghĩa là tất cả những gì chúng ta khao khát và ở dưới quyền làm chủ của chúng ta đều đã bị loại bỏ. Chúa Giê-xu trở thành Chúa của chúng ta để dẫn dắt chúng ta trong kế hoạch của Ngài, không phải chỉ cung cấp cho chúng ta một hội đồng cố vấn cho những kế hoạch của mình. Đây là một cam kết ở mức độ tối thiểu, nó không phải một cam kết ở mức độ cao siêu mà ít người đạt được. Chúa Giê-xu thách thức chúng ta xem xét cái giá phải trả của việc theo Ngài trước khi tiếp nhận sự cứu rỗi chứ không phải sau đó.

“Ai trong các ngươi muốn xây một cái tháp mà trước hết không ngồi tính phí tổn để biết mình có đủ tiền hoàn thành nó chăng? Nếu không, khi đã xây nền rồi mà lại không làm xong được thì mọi người thấy, sẽ chê cười và nói rằng: ‘Người nầy khởi công xây cất mà không thể hoàn tất được!’ Hay là có vua nào đi đánh trận với vua khác, mà trước hết không ngồi xuống bàn luận xem mình đem đi mười nghìn quân có thể địch nổi vua kia với hai mươi nghìn quân chăng? Nếu không địch nổi, khi vua kia còn ở xa thì ông sai sứ xin cầu hòa. Như vậy, nếu ai trong các ngươi không bỏ mọi sự mình có, thì không thể làm môn đồ Ta” (Luke 14:28-33).

Erwin McManus, trong cuốn sách An Unstoppable Force (tạm dịch: Một Thế Lực Không Thể Ngăn Chặn) của mình, thảo luận về kinh nghiệm của ông trong quá trình tăng trưởng như một người mới tin Chúa. Sau khi quyết định bước đi theo Đấng Christ và được cứu, ông đã phải đối mặt với một sự kêu gọi khác, một sự kêu gọi để sống dưới quyền làm Chúa của Đấng Christ. Vài tuần sau, lại có một sự kêu gọi khác, một sự kêu gọi vào chức vụ. Sau đó, có hai sự kêu gọi nữa – một sự kêu gọi để hầu việc Chúa tại trong nhà mình và một sự kêu gọi để hầu việc Chúa ở nước ngoài. Ông giải thích:

“Giơ thì tôi khám phá ra năm cấp độ của sự kêu gọi từ Đức Chúa Trời – một sự kêu gọi để được cứu, một sự kêu gọi để tôn Chúa Giê-xu làm Chúa của cuộc đời mình, một sự kêu gọi để bước vào chức vụ, một sự kêu gọi để chia sẻ Phúc Âm cho những người trong gia đình, và một sự kêu gọi để rao truyền Phúc Âm ra bên ngoài… Tại sao lại có nhiều cấp độ trong sự kêu gọi dành cho Cơ-đốc trong thời của chúng ta như vậy? Chúng được tìm thấy ở đâu trong Kinh Thánh? Tôi có một nghi vấn kỳ lạ rằng những sắc thái của những lời kêu gọi này ít liên quan đến thần học mà liên quan nhiều hơn đến tình trạng của Hội-thánh. Sứ-đồ Phao-lô dường như cho rằng chỉ có duy nhất một sự kêu gọi. Ông đã viết cho Ti-mô-thê, Vậy, con chớ hổ thẹn khi làm chứng về Chúa chúng ta, cũng đừng hổ thẹn về ta, người tù của Ngài; nhưng hãy cậy quyền năng Đức Chúa Trời, cùng ta chịu khổ vì Tin Lành. Đức Chúa Trời đã cứu chúng ta, đã gọi chúng ta bằng sự kêu gọi thánh, không phải do việc làm của chúng ta, nhưng theo mục đích riêng của Ngài và ân điển mà Ngài ban cho chúng ta từ muôn đời trước trong Đấng Christ Giê-xu (2 Timothy 1:8-9). Kinh Thánh dường như đã đơn giản hóa quá trình của sự kêu gọi. Lời kêu gọi duy nhất được đề cập đến là đặt cuộc đời của bạn dưới chân Chúa Giê-xu và làm bất cứ điều gì Ngài bảo.”

“Nếu Chúa Giê-xu Christ là Đức Chúa Trời và đã chết thay cho tôi, thì không có sự hy sinh nào tôi dành cho Ngài là quá lớn cả.” –  C.T. Studd

Dịch: NCMV

Nguồn: Thetravelingteam.org

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like