Home Chuyên Đề Hài Hoà Với Đức Chúa Trời – Phần 1: Kính sợ Đức Chúa Trời

Hài Hoà Với Đức Chúa Trời – Phần 1: Kính sợ Đức Chúa Trời

by Sưu Tầm
30 đọc

Phần Giới Thiệu

Hài hòa tương ứng với từ Anh văn ‘harmony.’ Từ này có hai nghĩa:

1. Harmony là sự kết hợp thú vị của ghi chú khác nhau của âm nhạc được đánh cùng một lúc.

2. Một sự sắp xếp trong bốn Phúc Âm, hoặc của bất kỳ các câu chuyện song song nào, chúng trình bày một văn bản tường thuật liên tục duy nhất.

Từ harmony cũng có thể được dịch ra tiếng Việt là hòa hợp. Nếu mọi người sống trong sự hòa hợp với nhau, họ sống chung với nhau trong hòa bình chứ không phải chiến đấu hoặc tranh cãi.

Hi văn  ἁρμονία (harmonia) có nghĩa là “chung, thỏa thuận, hòa hợp”, động từ ἁρμόζω (Harmozia ) nghĩa là ‘ăn khớp với nhau, tham gia.’[1]

 Trong thư gửi cho Hội thánh Cô-rinh-tô, Phao-lô nhân Danh Cứu Chúa khuyên các tín hữu sống hài hòa với nhau (1:10).

Từ hòa trong tiếng Trung là 和.Từ này do từ mộc nghĩa là cây và cũng có nghĩa là mộc mạc, và từ nhân ghép lại. Tôi xin giải thích từ này theo lối phúng dụ như sau. Nhân chỉ A-đam, ông đứng bên cạnh cây biết điều thiện và điều ác. A-đam không hài hòa với Đức Chúa Trời, nhưng chọn hài hòa với con rắn. Do đó, mọi người đều phạm tội và không hài hòa với Chúa. Nhưng Đức Chúa Trời muốn cho mọi người đều hài hòa trở lại cùng Ngài. Muốn thực hiện điều này, Chúa Giê-xu, Con Người, phải chịu đóng đinh trên cây gổ. Con người đầu tiên A-đam phạm tội và làm cho loài người xa cách Đấng Tạo hóa; Con Người thứ hai bị treo trên cây gổ, làm cho loài người hòa thuận với Chúa.      

Hài hòa với Đức Chúa Trời là sống hòa hợp với ý chỉ của Ngài. Người Việt Nam có câu: “Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong.”

‘Hết lòng, hết sức, hết ý mà yêu thương Chúa’ là hài hòa với Ngài. Kinh thánh kể lại nhiều trường hợp, nhiều người sống hài hòa với Chúa, cũng có nhiều người chống nghịch với Ngài. Chúng ta sẽ lần lượt xem lại những câu chuyện này  để  học cách sống đẹp lòng Chúa.


[1] Google.com/dictionary

                Phần 1: Kính sợ Đức Chúa Trời

Trong khi từ fear trong Anh ngữ nghĩa là sợ, tiếng Việt thêm từ kính vào từ sợ. Sợ Chúa là tôn kính Ngài. Những câu Kinh thánh sau đây giải thích lòng kính sợ Đức Chúa Trời.

  • Đáng tin cậy, ghét lợi bất chính (Xuất-ê-díp-tô 18:21)
  • Không lợi dụng người khác (Lê-vi 25:17),
  • Vâng giữ mệnh lệnh của Chúa (Phục truyền 8:6),
  • Vâng lời, yêu thương và hầu việc Chúa (Phục truyền 10:12; Thi 128:1),
  • Dâng một phần mười (Phục truyền 14:23)
  • Cẫn thận vâng giữ luật pháp (Phục truyền 31:12),
  • Hết lòng trung tín phụng sự Chúa, ném bỏ các thần tượng (Giô-su-ê 24:14),
  • Một vị thẩm phán kính sợ Chúa xét xử công minh (2 Sử 19:7),
  • Ca ngợi, tôn kính Chúa (Thi 22:23; 135:20).

Người kính sợ Chúa sẽ nhận được những lợi ích sau đây:

  • Có thể chính người ấy không nhận được gì, nhưng thân nhân của người ấy sẽ được Chúa ban phước (2 Vua 4:1-7),
  • Được thịnh vượng (2 Sử 26:5),
  • Được Chúa cho thiên sứ bảo vệ (Thi 34:7),
  • “…tình yêu thương của CHÚA hằng còn đời đời…” (Thi 103:17),
  • Khôn ngoan càng tăng (Thi 111:10),
  • Hiểu biết (Châm ngôn 1:7),
  • Giàu có, vinh dự và sống lâu (Châm 22:4).
  • Người kính sợ Chúa thuận phục lẫn nhau, vợ phục tùng chồng, chồng yêu vợ (Ê-phê-sô 5:21-22, 25).

Trên đây là một số phần thưởng của người kính sợ Chúa.

Sách Các Vua thứ hai kể chuyện một góa phụ của một tiên tri đến xin tiên tri Ê-li-sê giúp đở vì bị chủ nợ đòi bắt hai con trai của bà làm nô lệ để trừ nợ. Qua tiên tri Ê-li-sê Chúa ban cho bà nhiều dầu để bán lấy tiền trả nợ.

Sách Sử ký hai kể chuyện vua Ô-sia trị vì năm mươi hai năm. “Bao lâu vua tìm kiếm CHÚA, Đức Chúa Trời ban cho vua thành công” (2 Sử 26:5).

Kinh thánh nói về Nô-ê: “Nô-ê là một người công chính và không có gì đáng trách giữa những người đồng thời với ông. Nô-ê đồng đi với Đức Chúa Trời” (Sáng 6:9). Nhờ đồng đi với Chúa Nô-ê được Chúa thông tin về chương trình của Ngài và nghe Chúa truyền cho ông đóng một chiếc tàu để thoát hiểm.  

Vua Đa-vít được tiếng là ‘Người theo ý Chúa.’ Vua thường xuyên thông công, thờ phượng, tìm cầu Chúa và dốc đổ tấm lòng ra trước Chúa. Ngài giúp ông vượt qua những gian nguy và vui hưởng bốn mươi năm trị vì.  

Một nhân vật khác cũng đáng cho chúng ta noi gương, đó là Giô-sép. Trong khi Kinh thánh nói nhiều về mối liên hệ của Đa-vít với Chúa, cách Giô- sếp không sa chước cám dỗ chứng tỏ ông kính sợ Chúa khi ông phản ứng lại cám dỗ của bà chủ: “Trong nhà không có ai lớn hơn tôi, chủ không giữ lại bất luận điều gì ngoại trừ bà vì bà là vợ ông chủ. Lẽ nào tôi làm điều đại ác và phạm tội với Đức Chúa Trời sao?” Phạm tội với chủ đã là gian ác rồi, phạm tội với Chúa là đại ác. Giô-sép không bị sa chước cám dỗ vì kính sợ Chúa. Nếu ông không kính sợ Chúa thì bị sập bẩy và có thể mất mạng. Nhờ kính sợ Chúa Giô-sép trở thành ‘người lãnh đạo cả xứ Ai-cập.’ “Pha-ra-ôn cũng cho Giô-sép ngồi xe đi sau xe nhà vua, nhân vật thứ hai trong nước, có người đi trước hô to: “Quỳ xuống!” Như thế Giô-sép được cầm quyền trên cả xứ Ai-cập” (Sáng 41:43).

Trái lại, những ai không kính sợ Chúa:

  • Bị các tai vạ kinh khiếp, các chứng bệnh hiểm nghèo dai dẳng (Phục truyền 28:59),
  • Thần của Chúa không thể ở cùng người ấy (1 Sa-mu-ên 16:14), một người không được xức dầu không thể thành công,
  • Chúa không dung ta thẩm phán thiên vị hoặc nhận hối lộ (2 Sử 19:7).

Kinh thánh kể chuyện vua Sau-lơ. Chúa truyền cho vua: “Vậy bây

giờ, con hãy đi đánh dân A-ma-léc, hủy diệt hết mọi người, mọi vật thuộc về chúng, đừng thương tiếc. Con phải giết cả đàn ông, đàn bà, trẻ em, con nít còn bú, bò chiên, lạc đà, lừa” (1 Sa-mu- 15:3). Vua Sau-lơ vâng lịnh Chúa, nhưng không thi hành trọn vẹn lịnh Chúa; “Vua Sau-lơ và binh sĩ tha chết cho A-ga; họ cũng tiếc và không chịu hủy diệt những con thú tốt nhất trong bầy chiên dê và bò, những con thú được nuôi cho mập, những chiên con, và tất cả những con gì tốt; nhưng họ diệt hết tất cả những con thú vô dụng và không có giá trị” (câu 9).  Kết quả là: “Nhưng Thần Linh của CHÚA rời khỏi vua Sau-lơ, và một ác thần từ CHÚA đến quấy nhiễu vua” (1 Sa-mu-ên 16:14). Khi Thần của Chúa rời một người thì ác thần trám vào khoảng trống.

Dân số ký 20 kể lại thế nào Môi se làm Chúa nổi giận. Lúc ấy Môi-se dẫn dân Chúa lang thang trong đồng vắng được 40 năm, và sắp tiến vào vùng Đất Hứa. Nhưng Môi se không thi hành đúng lời dạy của Chúa, đó là thay vì bảo vầng đá phun nước ra cho dân chúng uống Môi se lấy gậy đập vào hòn đá, nên Chúa không ban cho ông ân huệ được vào Đất Hứa. Mặc dù Môi se là người “được Chúa biết mặt đối mặt” nhưng vẫn bị phạt vì thiếu vâng phục. Như vậy một con dân bình thường của Chúa còn bị phạt nặng hơn thế nào?

Sau khi Môi se qua đời và dân Chúa mới vượt qua sông Giô-đanh và thắng trận đầu tại thành Giê-ri-cô, một người tên A-can không theo lệnh Chúa, lấy những vật đáng diệt trong thành Giê-ri-cô. Chẳng những anh mà cả gia đình đều bị giết (Giô-su-ê 7).

Trước khi dân Chúa tiến vào Đất Hứa Ngài đã cẫn thận cho họ biết ý của Ngài: “Đừng kết ước với các dân tộc ấy hay với các thần của họ… Phải cẩn thận đừng kết ước với các dân bản xứ, vì khi họ hành dâm với các tà thần, cúng tế lễ vật cho các thần đó rồi mời mọc các ngươi và các ngươi sẽ ăn của cúng” (Xuất 23:32; 34:15). Nhưng sau khi đã định cư rồi, sau khi Giô-suê qua đời và dân Chúa chưa có vua, họ lập giao ước với dân cư trong xứ và không phá đổ các bàn thờ của chúng đi. Cho nên dân Ca-na-an “sẽ trở thành như gai góc bên cạnh họ (các ngươi), và các thần tượng của chúng sẽ là cạm bẫy cho họ (các ngươi) (Quan xét 2:2). 

Ngay khi còn lang thang trong đồng vắng dân Chúa đã không nghe lời Chúa. Dân số ký  kể chuyện một số con dân Chúa được phụ nữ Mô-áp mời tham dự vào việc cúng thần Ba-anh Phê-Ô, ăn uống và quỳ lạy các thần ấy, khiến Chúa nổi giận. Kềt quả là các nhà lãnh đạo dân chúng bị treo dưới ánh nắng và số người chết vì tai họa này lên đến 24 ngàn người (Dân số 17:1, 9).   

Trong thời Các Quan xét dân Chúa tiếp tục cứng lòng và cứ phạm tội cùng Ngài. Ngài phó họ vào tay các kẻ thù để bị hành hại. Dân Chúa cứ tiếp tục phạm tội, và cuối cùng vào khoảng 722 B.C. (trước công nguyên) dân Y-sơ-ra-ên của Vương quốc miền Bắc bị dân Ba-by-lôn bắt lưu đày. Và vào năm 586 B.C dân Giu-đa thuộc Vương quốc miền nam cũng bị bắt lưu đày.

Khi Môi-se đã đưa đoàn dân ra khỏi xứ Ai-cập, ông gia của Môi-se đem vợ con của Môi-se trả lại cho ông. Khi nhìn thấy Môi-se một mình xét xử dân chúng, Giê-trô gợi ý: “Trong toàn dân con cũng phải lựa chọn những người có khả năng, kính sợ Đức Chúa Trời, đáng tin cậy và ghét lợi bất chánh, rồi bổ nhiệm họ vào cấp lãnh đạo, chỉ huy từng ngàn, trăm, năm mươi và mười người” (Xuất-ê-díp-tô 18:21)

Người lãnh đạo phải là người ‘kính sợ Chúa.’ Tân Ước không lặp lại điều kiện này dành cho Chấp sự và giám mục (1 Ti-mô-thê 3:2-4), nhưng những phẩm hạnh của họ là bằng chứng của sự ‘kính sợ Chúa.’   

Mệnh lệnh mà Đức Chúa Trời ban cho dân Ngài trong thời Cựu Ước cũng còn giá trị trong thời kỳ hiện đại. Chúa Giê-xu phán, “Ai yêu kính Ta sẽ vâng giữ lời Ta. Cha Ta sẽ yêu quý người, chúng ta sẽ đến ở với người đó” (Giăng 14:23).

Kinh Thánh Tân Ước khẳng định rằng ai tin Chúa Giê-xu thì được sự sống đời đời. Đó là lẽ thật không chối cải được. Một người tin Chúa thật sự khi họ vâng giữ lời Ngài. Chắc chúng ta cần xem quả để biết cây, cần biết điều họ làm có ứng hợp với điều họ nói hay không?

Trong sách Truyền đạo Thầy Truyền đạo trình bày ý kiến của ông về cuộc sống. Trong chương ông khẳng định:

  • Cuộc đời không đáng sống (Chương 1 và 2),
  • Cuộc sống đơn điệu (Chương 3:1-5:9),
  • Của cải thì vô ích (Chương 5:10-6:12),
  • Khôn ngoan thì hư không (Chương 7:1-8:18),
  • Chết thì chắc chắn (Chương 9:1-10:20
  • Để kết luận Thầy Truyền đạo gợi ý:
  • Sống bởi đức tin (11:1-6),
  • Vui hưởng cuộc sống ngay bây giờ (11:7-12:8)
  • Chuẩn bị cho ngày phán xét (12:9-14).[1]

Thế giới quan của sách Truyền đạo vừa bi quan vừa hưởng thụ. Tuy nhiên, kết luận của sách thì đáng chú ý:

“  Con đã nghe hết mọi lời khuyên dạy rồi.

    Tóm lại,

Hãy kính sợ Đức Chúa Trời, và vâng giữ các điều răn Ngài,

    Vì đó là bổn phận của mọi người.

Vì Đức Chúa Trời sẽ xét xử mọi việc,

    Dù lành hay dữ,

    Kể cả mọi việc kín giấu” (12:13-14).

Dù cuộc sống thế nào, dù chúng ta sống ra sao, điều quan trọng là ‘kính sợ Đức Chúa Trời, và vâng giữ các điều răn của Ngài.”


[1] Sách Giải kinh Truyền đạo, Warren W. Wiersbe

(Còn tiếp)

Giáo sư Huỳnh Ngọc Ẩn

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like