Home Chuyên Đề Các Biến Đổi Xã Hội Đầy Quyền Năng Của Cuộc Cải Cách Tin Lành

Các Biến Đổi Xã Hội Đầy Quyền Năng Của Cuộc Cải Cách Tin Lành

by Richard Huỳnh
30 đọc

Cuộc Cải Cách Tin Lành đã kêu gọi những người tin kính Chúa quay lại với Lời Chúa trong Kinh Thánh thay vì đi theo những giáo luật, giáo lệ của giáo hội thời trung cổ. Từ đó, những nước tiếp nhận Tin Lành như Anh, Đức, và các nước Bắc Âu đã có những tiến bộ vượt bậc về kinh tế xã hội, vượt trên những nước không cải cách như Pháp, Ý, và các nước Nam Âu. Một nghiên cứu của Stanford cho thấy ở Tây Âu, từ năm 1500 đến 1940, so với các nước không cải cách, các nước Tin Lành có GPD đầu người từ thua kém 18% đã vượt lên cao hơn 40% – tốc độ tăng gần gấp đôi [B]. Dưới đây là những biến đổi xã hội đầy quyền năng của cuộc Cải Cách Tin Lành đã góp phần đem lại thành công này.

1. Thúc đẩy việc đọc sách và học thuật

Bản dịch Kinh Thánh sang tiếng Đức của Luther là thời điểm quyết định cho sự phát triển của nỗ lực xóa mù chữ cho người dân thường, đồng thời kích thích việc in ấn và phổ biến sách và tiểu luận tôn giáo. Kể từ năm 1517, các loại tiểu luận tôn giáo ngập tràn nước Đức và nhiều nơi khác ở châu Âu. Đến năm 1530 đã có hơn 10 000 xuất bản phẩm với tổng cộng 10 triệu ấn bản. Những tác phẩm viết bằng tiếng Đức như bản dịch Kinh Thánh, sách giáo lý dành cho trẻ em, và sách giáo lý dành cho mục sư của Luther đã có ảnh hưởng rộng rãi” [A]

Cuộc Cải Cách Tin Lành lấy việc học Kinh Thánh làm tâm điểm của lòng thành kính mộ đạo. Ở nhà thờ thời trung cổ, Kinh Thánh bị xem là quá khó để người bình dân có thể đọc và hiểu, tín đồ chỉ được biết Lời Chúa qua điều linh mục giảng. Cuộc Phản Cải Cách (Counter-Reformation) còn đốt sách, bắt bớ học giả, bỏ tù các nhà khoa học khi họ bất đồng với giáo hội. Ngược lại, Tin Lành xem mọi tín hữu đều là thầy tế lễ của Đức Chúa Trời. Mỗi người cần phải học và hiểu Kinh Thánh để có thể kết nối với đức tin mình một cách cá nhân và riêng tư. Học giả được bảo vệ và suy nghĩ được tự do. Do Kinh Thánh dạy đánh giá qua kết quả, không qua lời nói (Ma-thi-ơ 7:16), nên khoa học thực nghiệm được xem trọng để đánh giá các suy nghĩ tự do qua kết quả của chúng. Nhờ đó, các nước Tin Lành có những bước phát triển vượt trội về giáo dục, tư tưởng và khoa học, đến độ Voltaire – triết gia nổi tiếng của Pháp từng nói “Chúng ta nhìn sang Scotland (một quốc gia Tin Lành) cho mọi ý tưởng về văn minh của mình” [B].

2. Phục hồi nền tảng đạo đức và các lời giáo huấn bị quên lãng của Kinh Thánh

Về tâm linh, cuộc Cải Cách Tin Lành đã phục hồi sự nhận thức sâu sắc và sinh động về nền đạo đức độc thần giáo của Cựu Ước, là niềm xác tín từng được các nhà tiên tri thể hiện bằng nhiều phương cách khác nhau bên trong thế giới Cơ Đốc giáo. Luther thiết lập lễ thờ phượng buổi chiều với nội dung tập chú vào các giáo huấn của Cựu Ước. Công cuộc dịch thuật toàn bộ Kinh Thánh khơi mở cho dân chúng kiến thức về phần quan trọng này của Kinh Thánh từ lâu hầu như đã bị quên lãng.” [A]

Kinh Thánh không chỉ là câu chuyện về Chúa Giê-xu, mà còn là Lời Chúa để dạy dỗ, khiển trách, sửa trị và huấn luyện người tin Chúa trong sự công chính để sẵn sàng cho mọi việc lành (2 Ti-mô-thê 3:17). Kinh Thánh dạy những điều luật công chính (sách Xuất Ê-díp-tô Ký, Phục Truyền), đường lối khôn ngoan (sách Châm Ngôn, Truyền Đạo), chỉ ra những suy nghĩ thiển cận tội lỗi của con người qua đường lối dân Ca-na-an và dân Y-sơ-ra-ên, cùng các tấm gương sáng bước đi với Chúa giữa thế gian như Áp-ra-ham, Đa-vít, Đa-ni-ên.

Ở nhà thờ thời trung cổ, người tin Chúa chỉ được biết Lời Chúa qua những gì linh mục giảng lại vào lễ Chủ Nhật. Việc tự học Lời Chúa không được khuyến khích, và cãi lại giáo hội sẽ bị bắt bớ. Điều này khiến khả năng Lời Chúa đến với người tin Chúa bị giới hạn và khống chế bởi giáo hội.

Ngược lại, bằng việc lấy việc học và làm theo Kinh Thánh làm tâm điểm lòng thành kính và cho phép tự do suy ngẫm, cuộc Cải Cách Tin Lành giúp người tin Chúa được hấp thụ cách trực tiếp và đầy đủ Kinh Thánh một cách cá nhân. Điều này giúp Lời Chúa có thể sửa trị và huấn luyện họ để sẵn sàng cho các việc lành Ngài muốn tùy theo nỗ lực học hỏi của mỗi người.

3. Kêu gọi ý thức trách nhiệm nỗ lực thay đổi bản thân của mỗi cá nhân tin Chúa và thể hiện đức tin qua đời sống

Do đó, theo quan điểm Kháng Cách, khi mỗi cá nhân trải nghiệm ân điển cứu chuộc của Thiên Chúa, cùng lúc họ sẽ nhận thức về trách nhiệm của mình trong nỗ lực thay đổi bản thân. Trong khi ấy, những tín hữu chấp nhận giáo thuyết tiền định cũng nhận ra rằng sự bảo đảm duy nhất cho sự cứu rỗi chính là những chỉ dấu về nếp sống thánh khiết, đức hạnh và nhân ái.” [A]

Khác với suy nghĩ của giáo hội thời trung cổ, theo Cải Cách Tin Lành, việc một người đi nhà thờ, dự thánh lễ hay mua bùa giải tội không có nghĩa là người đó đã thuộc về đấng Christ và được cứu rỗi. Trong nhà thờ có lúa mì và cỏ lùng (Ma-thi-ơ 13:24-30), chiên và dê (Ma-thi-ơ 25:31-46), người được Chúa cứu và kẻ vẫn bị chối bỏ. Một người có thể lạy Chúa Giê-xu và nhân danh Chúa nói tiên tri, đuổi quỷ, làm nhiều phép lạ, nhưng vẫn bị Chúa chối bỏ khỏi nước thiên đàng (Ma-thi-ơ 7:21). Quan điểm Tin Lành cho rằng một người được Chúa cứu sẽ trải nghiệm ân điển cứu chuộc của Ngài, được Đức Thánh Linh ngự vào lòng để dẫn dắt dạy dỗ. Đời sống họ sẽ cho thấy kết quả của Thánh Linh và chế ngự được tham dục của xác thịt (Ga-la-ti 5). Và đó là cách duy nhất để biết một người đã được cứu chuộc.

Vậy nên thay vì dựa vào nhà thờ và giáo lễ, người Tin Lành tập trung vào việc học và làm theo Lời Chúa để đời sống họ cho thấy kết quả của Đức Thánh Linh, dấu hiệu của sự cứu rỗi. Từ đó họ làm việc hết lòng, sống cách đơn giản và tiết kiệm [B]. Tiền nhàn rỗi để xây dựng và tái đầu tư chứ không hưởng lạc như lời của J.D. Rockefeller: “Tôi tin rằng trách nhiệm tôn giáo của mọi người là thu nhập cách chính đáng mọi thứ có thể và dâng hiến mọi thứ có thể.” [F]. Trong quyển “Đạo Đức Tin Lành và Tinh Thần Tư Bản Chủ Nghĩa“, nhà kinh tế – xã hội học nổi tiếng Max Weber nhận định chính điều này đã phát sinh chủ nghĩa tư bản và giúp cho các nước Tin Lành phát triển kinh tế cách thần kỳ.

4. Xóa bỏ ranh giới giữa đời sống tôn giáo và xã hội, khuyến khích tín hữu tham gia mọi hoạt động của giáo hội, và xây dựng xã hội qua đời sống tin kính

Cộng đồng Kháng Cách khuyến khích tín hữu tham gia tích cực vào mọi lĩnh vực của giáo hội. Chủ trương này lập nền trên giáo huấn của Kinh Thánh khẳng định quyền tư tế của mỗi tín hữu.” [A].

Khác với giáo hội thời trung cổ cho rằng hoạt động giáo hội chủ yếu là của giáo sĩ, Cải Cách Tin Lành tin rằng mọi người tin Chúa đều là “thầy tế lễ hoàng gia” của Đức Chúa Trời (1 Phi-e-rơ 2:9) và đều cần góp phần trong các công việc của Chúa. Cuộc Cải Cách Tin Lành không thừa nhận tu viện và đời sống tu hành là thánh thiện. Các tăng lữ và tu sĩ được kêu gọi hoàn tục, lập gia đình, làm việc, kinh doanh cách chăm chỉ và sống đời sống kết quả bông trái Thánh Linh. Tài sản của tu viện bị tịch thu. Đất đai, tài chính và lao động vốn dùng để xây dựng trang trí các nhà thờ tu viện cho hoành tráng được chuyển sang cách sử dụng hiệu quả để sản xuất và phát triển kinh tế xã hội. Kinh doanh và chính trị không còn bị ràng buộc theo cảm tính của các giáo sĩ nhà thờ. [C]
Ngược lại, mọi người tin Chúa trong mọi lĩnh vực được kêu gọi đóng góp ân tứ và năng lực của mình cho việc Chúa trong và ngoài hội thánh. Các giáo sư như triết gia C.S. Lewis viết sách thần học và biện giáo [E], khoa học gia Michael Faraday tham gia giảng luận và lãnh đạo hội thánh [D]. Các doanh nhân như Rockefeller làm thủ quỹ hội thánh từ năm 21 tuổi, và tư vấn giúp đỡ hội thánh và các quỹ Tin Lành trong nhiều lĩnh vực, từ truyền giáo đến phát triển kinh tế, y tế và giáo dục [F]. Nhờ đó, công tác hội thánh Tin Lành có sự đóng góp ân tứ và kinh nghiệm của những tín hữu tài giỏi trong đời sống. Xã hội Tin Lành cũng nhận được sự đóng góp xây dựng với nhiệt huyết và sự trung tín của Cơ Đốc nhân cùng các phước lành của Chúa.

Điều đáng buồn là từ những năm gần đây có vẻ quá trình suy thoái Tin Lành đang diễn ra [G]. Nhiều hội thánh và xã hội Tin Lành đang dần mất đi những biến đổi quyền năng này của cuộc Cải Cách Tin Lành mà trở nên suy thoái như nhà thờ thời trung cổ ngày xưa.

Nhiều người Tin Lành đã mất đi ý thức tự học và suy ngẫm Kinh Thánh, chỉ nghe qua lời giáo hội và các thầy truyền đạo. Sự tiếp cận với Lời Chúa của họ theo đó mà cũng bị thu hẹp và giới hạn trong những gì được dạy ở nhà thờ, mất đi tính trọn vẹn từ toàn bộ Kinh Thánh và sự kết nối cách riêng tư cá nhân cần có. Nhiều người cũng dần cậy vào đi nhà thờ và các giáo lễ để đảm bảo sự cứu rỗi của mình, mà không tự dò xét xem đời sống mình có kết nối với Chúa, có trải nghiệm ân điển của Ngài và kết quả Thánh Linh hay không. Đời sống tâm linh và đời sống xã hội cũng dần tách biệt. Công việc trong nhiều giáo hội Tin Lành dần trở thành chuyên môn của các giáo sĩ, tín hữu chỉ đóng góp tay chân vòng ngoài. Việc đóng góp xây dựng phát triển kinh tế, y tế và giáo dục dần mất đi ý nghĩa tôn giáo và ít được tham gia với lòng thành tín như trước. Khi những điều này xảy ra, Tin Lành mất đi quyền năng màu nhiệm vốn có và trở nên giống như những tôn giáo nhà thờ khác.

Nếu là một người Tin Lành, ta hãy tự dò xét xem Tin Lành của mình có còn những biến đổi quyền năng đã đem lại thành công của người Tin Lành từ Cuộc Cải Cách không? Hay lại giống như Tin Lành đang thoái hóa thời hiện đại?

1. Ta có xem việc học Kinh Thánh và áp dụng vào đời sống làm tâm điểm của đức tin và lòng thành kính mộ đạo không? Hay ta chỉ nghe Kinh Thánh qua lời các giáo sĩ?

2. Ta có học trọn vẹn cả Kinh Thánh để được dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong lẽ công bình? Hay ta chỉ biết vài phân đoạn hay được giảng ở nhà thờ?

3. Ta có ý thức học và làm theo Lời Chúa để đời sống kết quả Thánh Linh là bằng chứng của sự cứu rỗi? Hay ta tin rằng mình được cứu rỗi nhờ đi nhà thờ và nhận các giáo lễ?

4. Ta có xem mình là thầy tế lễ của Đức Chúa Trời và có trách nhiệm đóng góp tài năng ân tứ của mình cho các việc Chúa trong hội thánh cũng như ngoài xã hội? Hay ta cho rằng việc Chúa là việc của các giáo sĩ trong giáo hội, không liên quan đến đời sống thế gian?

Richard Huynh

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Tài liệu
[A] Cải cách Kháng nghị
https://vi.m.wikipedia.org/wiki/C%E1%BA%A3i_c%C3%A1ch_Kh%C3%A1ng_ngh%E1%BB%8B
[B] Religion and Economic Growth in Western Europe: 1500-2000.
https://web.stanford.edu/~cy10/public/Religion_and_Economic%20Growth_Western_Europe.pdf
[C] Reallocation and Secularization: The Economic Consequences of the Protestant Reformation
https://economics.stanford.edu/sites/g/files/sbiybj9386/f/reallocation_and_secularization_-_the_economic_consequences_of_the_protestant_reformation.pdf
[D] Michael Faraday – Sức Mạnh Của Chúa Và Sức Mạnh Của Dòng Điện
https://hoithanh.com/41147/michael-faraday-suc-manh-cua-chua-va-suc-manh-cua-dong-dien.html
[E] C.S. Lewis, IRISH-BORN AUTHOR AND SCHOLAR
https://www.britannica.com/biography/C-S-Lewis
[F] John D. Rockefeller, 1839-1937
https://rockarch.org/resources/about-the-rockefellers/john-d-rockefeller-sr/
[G] The Protestant Deformation
https://www.the-american-interest.com/2005/12/01/the-protestant-deformation/

Bình Luận:

You may also like