Home Chuyên Đề BÀN LUẬN VỀ SÁCH KHẢI HUYỀN – Phần 13: Một Ngàn Năm (Thiên Hỷ Niên)

BÀN LUẬN VỀ SÁCH KHẢI HUYỀN – Phần 13: Một Ngàn Năm (Thiên Hỷ Niên)

by Sưu Tầm
30 đọc

Tín hữu:

Cám ơn mục sư, con tạm hài lòng vì vụ hai Con Thú và Dâm Phụ Ba-by-lôn. Con thích nhất là chương 19, nói về sự Tái lâm của Chúa Giê-xu. Và con hy vọng được sống trong thế hệ cuối cùng để chứng kiến ngày Khải hoàn ấy. Trong chương 20 có nói chuyện Sa-tan bị giam một ngàn năm và Chúa Giê-xu cùng các thánh đồ sẽ trị vì thế gian 1000 năm, Mục sư nghĩ sao về một ngàn năm?

Mục sư:

Vì đây là thể văn chương Khải Huyền, chứa đựng rất nhiều biểu tượng, nên mục sư hết sức cảnh giác khi xác nhận đây là ngàn năm theo nghĩa đen. Một ngàn năm theo nghĩa đen rất dễ hiểu cho độc giả Tây phương và những người có đầu óc khoa học chính xác, suy nghĩ theo các định luật vật lý và thời gian.

Về biểu tượng. Sau đây là một số cách giải thích:

(a) Có người nói một ngàn năm cũng như một ngày trong văn chương Tận Thế (2 Phi-e-rơ 3:10), nhưng ngữ cảnh câu này nói về sự kiên nhẫn của Chúa. Đức Chúa Trời tạo dựng 6 ngày, ngày thứ bảy là ngày thánh, vậy thế gian sau 6 ngàn năm sẽ có 1 ngàn năm nghỉ ngơi.

(b) Có người cho rằng một ngàn năm bằng 10 thế hệ mỗi thế hệ tối thiểu 100 năm (Ê-sai 65:20) trong Tân Kỷ Nguyên (xin đọc cả phân đoạn Ê-sai 65:17-25).

(c) Có người cho rằng số 10 tượng trưng cho sự trọn vẹn (theo quan điểm con người), vậy 1000 năm bằng 10 x 10 x 10, có nghĩa là trọn vẹn ba chiều theo kích thước không gian ‘dài, rộng, sâu’. Chữ ‘năm’ là đơn vị thời gian. Sa-tan bị trói 1000 năm có thể ám chỉ là bị trói ở mọi chỗ mọi nơi và mọi thời điểm. 

(d) Lại có nhóm cho rằng 1000 năm tượng trưng cho giai đoạn Hội Thánh, khi Sa-tan bị trói, có nghĩa là y sẽ bị hạn chế để Phúc Âm có thể đến với mọi người. Khi Hội Thánh được cất đi, Sa-tan sẽ được thả ra và được tự do lừa dối mọi người, chuẩn bị cho trận Ha-ma-ghê-đôn trong Khải huyền 16 và 19. Theo giả thiết này thì ba trận chiến chương 16, 19, 20 là một. Tuy nhiên nếu 1000 tiêu biểu kỷ nguyên Hội Thánh thì cũng phải chấp nhận những người tử đạo sống lại và cai trị 1000 năm là sống lại theo ý nghĩa thuộc linh.

Tôi nghiêng về quan điểm thứ hai – tỷ lệ nghĩa đen nghĩa bóng 50%, với nhiều dẫn chứng liên hệ từ Kinh Thánh hơn. Đây cũng là phân đoạn khó giải thích, được phần này mất phần kia[1]. Nó cũng liên hệ tới các quan điểm về thời điểm Chúa tái lâm, trước ngàn năm (Tiền Thiên Hỷ Niên), hay sau ngàn năm (Hậu Thiên Hỷ Niên), hay biểu tượng không giới hạn (Vô Thiên Hỷ Niên, ngàn năm ám chỉ Hội Thánh).

Thiên Hỷ Niên là giai đoạn ngàn năm. Đây là một sự “gợi nhớ Cựu Ước”, giống như sự miêu tả trong Ê-sai 65:17-25 trong đó có nói về một kỷ nguyên trong đó “ai trăm tuổi mà qua đời coi là chết yểu… kẻ chỉ sống đến 100 tuổi bị coi như đáng nguyền rủa… Cây cối sống bao nhiêu tuổi dân Ta cũng thọ bấy nhiêu”… Trong thời kỳ này người ta xây nhà trồng nho, hưởng công việc tay mình làm… Muôn sói ăn chung với chiên, sư tử ăn rơm như bò, rắn ăn bụi đất…”  Đó là một hình ảnh cuộc sống thanh bình, phước hạnh và Sa-tan bị trói. Tuy nhiên đây không phải Thiên Đàng bởi vì còn có người chết, có người bị nguyền rủa… (bản truyền thống: kẻ có tội). Dường như sau cơn đại Nạn, Đức Chúa Trời sẽ cho phép con người sống phước hạnh trên trấn gian một thời gian dưới sự tể trị công chính của Đấng Christ và tín đồ phục sinh (Khải Huyền 20:4,5). Sau đó Sa-tan được thả tự do một lần nữa để thử thách tấm lòng con người. Lúc đó con người sẽ bị lừa dối và phản bội Đức Chúa Trời, dẫn đến trận chiến cuối cùng (Khải Huyền 20:7-10), và sự phán xét 20:11-15. Nếu giả thiết này hợp lý, thì quan điểm Tiền Hỷ Niên đáng được chấp nhận.

Tôi chưa dám kết luận, nhưng chờ Chúa Thánh Linh cho phép chúng ta biết trong thời điểm chín muồi.


[1] 1. Tiền Thiên Hỷ Niên: Chúa tái lâm trước 1000 năm, tín đồ được cất đi, và quay trở lại đồng trị cùng Chúa.

2. HậuThiên Hỷ Niên: Chúa tái lâm sau 1000 năm thì con người sẽ sống hạnh phúc trên đất vì Sa-tan đã bị trói.

 3. Vô Thiên Hỷ Niên: không liên hệ tới tái lâm, không biết thời điểm Chúa quay lại, tín đồ đang đồng trị.

(Còn tiếp)

Nếu quý độc giả có bình luận hoặc thắc mắc gì về bài viết trên xin liên hệ với tác giả qua email: ChanlyChanTinh@yahoo.com

Mục sư: Nguyễn Ngọc Hà

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like