Home Văn Phẩm Đào Tạo Môn Đồ – Chương 7: Môn đồ hoá Người khác

Đào Tạo Môn Đồ – Chương 7: Môn đồ hoá Người khác

by daotaomondo.com
30 đọc

Đào Tạo Môn Đồ
Tác giả: Greg Laurie

Chương Bảy
Môn Đồ Hóa Người Khác

Không phải tự mình chúng tôi có tài năng mà nghĩ việc gì như bởi chính mình chúng tôi, nhưng tài năng của chúng tôi đến từ Đức Chúa Trời; và ấy là Ngài đã ban tài năng cho chúng tôi giúp việc giao ước mới. (2 Cô-rinh-tô 3:5-6)

Đây là chương quan trọng nhất của sách này. Đây là điều tôi muốn xây dựng trên hết, bởi lúc này chúng ta đã đi đến kết quả của sự trở thành môn đồ Chúa Giê-su: chuyển giao những điều chúng ta đã học để môn đồ hoá người khác.

Trước khi cất lên, Chúa Giê-su trao cho các môn đồ những mạng lệnh theo thứ tự:

“Đức Chúa Jêsus đến gần, phán cùng môn đồ như vầy: Hết cả quyền phép ở trên trời và dưới đất đã giao cho ta. Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp tem cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế.” (Ma-thi-ơ 28:18-20)

Để cảm thấy được sự ảnh hưởng của những mạng lệnh này trên cuộc đời chúng ta là môn đồ Ngài, chúng ta cần phải xem xét hai quan sát quan trọng.

Đầu tiên, ba câu bạn vừa đọc thường được gọi là Đại Mạng Lệnh. Chú ý rằng đây là mạng lệnh. Trái ngược với đề nghị. Chúa Giê-su không bao giờ đề nghị chúng ta nên rao phúc âm ra thế giới. Đây đã – và luôn – là mạng lệnh.

Thứ hai những từ này không trực tiếp chỉ đành cho mười hai môn đồ đầu tiên, cũng không chỉ dành cho các mục sư, nhà truyền giáo, và giáo sĩ. Chúng dành cho mọi người theo và môn đồ của Chúa Giê-su. Nếu tôi là môn đồ Ngài thì tôi được lệnh đi và môn đồ hóa người khác. Và nếu tôi không môn đồ hóa người khác thì tôi không thực sự là người môn đồ Chúa muốn.

Vậy thì môn đồ hóa có nghĩa là gì? Câu 20 định nghĩa là: “dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi.” Tức là chúng ta không chỉ chia sẻ đức tin với người khác, mà còn phải sống bày tỏ đức tin để mọi người có thể quan sát thấy trong hành động – chia sẻ sứ điệp phúc âm bằng lời nói và làm mẫu bằng tấm gương.

Với sự hiểu biết này, chúng ta giờ có một điều căn bản phù hợp để kiểm tra chi tiết hơn ý nghĩa của môn đồ hoá người khác.

 Có Năng quyền để Làm việc

 Tôi nhấn mạnh rằng Chúa sẽ không bao giờ yêu cầu chúng ta làm bất cứ điều gì mà Ngài không cho chúng ta quyền năng để làm thành. Sự kêu gọi của Chúa là sự làm thành của Chúa (xem 2 Cô-rinh-tô 3:4-6). Nếu Ngài đã ra lệnh cho chúng ta để đi môn đệ hoá thì chúng ta có thể tự tin rằng Ngài sẽ ở đó để trao cho chúng ta khả năng làm được.

Chú ý rằng Chúa Giê-su phán, “Hết cả quyền phép ở trên trời và dưới đất đã giao cho ta. Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân.” Từ câu này chúng ta thấy nếu năng quyền ở trong Chúa Giê-su và Ngài đang sống bên trong chúng ta, thì năng quyền và các tài nguyên của Ngài là để cho chúng ta thoải mái sử dụng để hoàn thành nhiệm vụ.

Chúng ta cần xin Chúa thêm liều thuốc dũng cảm từ Đức Thánh Linh. Trong Công vụ 4:23-32, chúng ta thấy một sự miêu tả thú vị về sự dũng cảm này trong cuộc đời của Phi-e-rơ và Giăng. Như tôi đã chỉ ra trong chương 2, họ giảng phúc âm khiến các nhà lãnh đạo tôn giáo bị chọc tức. Kết quả là họ bị bắt và cấm giảng. Họ không thể tuân theo, nên họ cầu nguyện,

“Nầy, xin Chúa xem xét sự họ ngăm dọa, và ban cho các đầy tớ Ngài rao giảng đạo Ngài một cách dạn dĩ, giơ tay Ngài ra, để nhờ danh Đầy tớ thánh của Ngài là Đức Chúa Jêsus, mà làm những phép chữa lành bịnh, phép lạ và dấu kỳ.” (câu 29-30)

Sau khi họ cầu nguyện, Kinh Thánh cho chúng ta biết nơi họ gặp gỡ chấn động và họ được đầy dẫy Đức Thánh Linh và nói Lời Chúa một cách dạn dĩ.

Phi-e-rơ và Giăng từng gặp rắc rối bởi những điều họ nói, vậy họ đã làm gì? Họ thậm chí còn cầu nguyện để có nhiều gan dạ hơn. Họ đã nắm chắc lấy Lời hứa Chúa Giê-su cho họ trong Công vụ 1:8: “Nhưng khi Đức Thánh Linh giáng trên các ngươi, thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền phép, và làm chứng về ta.” Hầu hết chúng ta tự dưng trở nên “nhát cáy” khi chia sẻ phúc âm. Chúng ta cần xin Chúa năng quyền Ngài đã cho sẵn chúng ta.

Điều khó khăn nhất khi chia sẻ đức tin với những người chưa tin là bắt đầu thế nào, để ép cho những từ đầu tiên ra khỏi miệng chúng ta. Đó là khi năng quyền Thánh Linh cần tới. Sau khi quả bóng đã lăn, bạn sẽ phát hiện ra rằng chia sẻ đức tin có thể trở thành một niềm vui cũng như một phước hạnh lớn. Thậm chí bạn có thể đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi định mệnh cuộc đời ai đó.

Muối của Đất

Chúa Giê-su kết luận cho định nghĩa của Ngài về môn đồ hóa trong sách phúc âm Lu-ca bằng cách nói, “Muối là giống tốt; nhưng nếu muối mất mặn, thì lấy chi làm cho nó mặn lại được?” (Lu-ca 14:34). Để tiếp nhận trọn vẹn ích lợi của những gì Chúa Giê-su phán, chúng ta cần hiểu về quan điểm của những người ở thế kỷ đầu tiên. Trong văn hóa Rô-ma, muối rất quan trọng. Ngoài mặt trời thì muối là thứ quan trọng nhất. Binh lính Rô-ma thường được trả lương bằng muối, và đó là lý do xuất hiện câu nói, “Anh ta không đáng giá bằng muối.” Với quan niệm này, Chúa Giê-su đang nói, “Con sẽ là muối của đất. Con có giá trị. Con có thể tạo nên sự khác biệt.”

Một phẩm chất đặc biệt của muối là nó tác động lên mọi thứ nó tiếp xúc. Ví dụ, một chút muối trong cốc nước thủy tinh sẽ bị phát hiện ngay khi nếm thử. Tương tự, một Cơ đốc nhân trung tín trong tình huống hay tại nơi không tin kính có thể làm nên sự khác biệt.

Muối cũng có thể khơi dậy cơn khát. Khi bạn mua bỏng ngô ở rạp chiếu phim, bạn nhanh chóng nhận ra rằng nó rất mặn, có lẽ với mục đích khuấy động cơn khát để bạn phải mua nước uống kèm theo.

Tương tự, nếu bạn sống cuộc đời tin kính, bạn có thể khuấy động cơn khát thuộc linh trong cuộc đời người khác. Nếu những người chưa tin thấy điều khác biệt trong bạn, nếu họ thấy rằng bạn không giống những người khác và bạn sống một cuộc đời được dẫn dắt bởi những nguyên tắc thuộc linh nhất định, họ sẽ thấy bị thu hút. Nhiều người chưa tin cũng bị ảnh hưởng khi họ thấy Cơ đốc nhân đối mặt với những tình huống khó khăn nhưng vẫn giữ được sự bình tĩnh và an yên. Cuộc đời của chúng ta có khi là quyển Kinh Thánh duy nhất mà nhiều người từng đọc. Cơ đốc nhân là những thư tín sống động được viết bởi Chúa và đọc bởi con người (xem 2 Cô-rinh-tô 3:2).

Một trong những lời khen tốt nhất dành cho Cơ đốc nhân là khi một người chưa tin nói rằng, “Bạn có gì đó khác biệt? Có một phẩm chất mà tôi rất ngưỡng mộ, và tôi muốn biết thêm. Hãy nói với tôi về điều bạn tin.” Đó chính là muối.

Ngược lại, lấy quyển Kinh Thánh đập vào đầu những người chưa tin Chúa không phải là cách làm chứng về Chúa Giê-su. Một cách làm chứng có hiệu quả hơn là phải để cho những người không tin xung quanh xem thấy sự khác biệt Chúa đã làm trên cuộc đời chúng ta. Kể cả những thứ kín đáo như mang Kinh Thánh đến chỗ làm và đọc thầm trong bữa trưa hoặc trong giờ giải lao có thể mang đến sự ảnh hưởng tốt.

Chúa Giê-su kêu gọi chúng ta trở thành kẻ đánh lưới người, và một điều có thể giúp hoàn thành trách nhiệm đó là ném mồi trước. Nếu tôi muốn bắt đầu một cuộc nói chuyện với người kế bên trên máy bay, tôi thường lấy Kinh Thánh ra và để trên khay. Một vài người nhìn tôi như thể tôi có bệnh lây nhiễm vậy và họ muốn rời đi ngay lập tức. Nhưng có những người thì vẫn hỏi anh đọc cái gì và đây chính là cánh cửa mở cho tôi chia sẻ về lẽ thật của Chúa.

Khi bạn muốn chia sẻ đức tin với ai đó, thì cách phổ biến đó là đầu tiên hãy nói về cách Chúa đang hành động trong đời bạn. Cho mọi người cơ hội và nếu họ đáp ứng, quay họ một chút bằng cách kể đôi điều về Chúa Giê-su. Nếu họ bắt đầu thích thú hơn thì bạn có thể giải thích về biết Đấng Christ là gì, Đấng Christ đã làm gì và chúng ta nên đáp ứng như thế nào với Ngài.

Đôi khi cuộc nói chuyện sẽ khiến người ta không muốn nghe nữa. Trong trường hợp đó thì đừng có cố thúc đẩy làm gì. Như 2 Ti-mô-thê 2:24-25 nói rằng,

Vả, tôi tớ của Chúa không nên ưa sự tranh cạnh; nhưng phải ở tử tế với mọi người, có tài dạy dỗ, nhịn nhục, dùng cách mềm mại mà sửa dạy những kẻ chống trả, mong rằng Đức Chúa Trời ban cho họ sự ăn năn để nhìn biết lẽ thật.

Và sẽ có lúc người ta đã nghe đủ. Đó là lúc mà chúng ta nên dừng lại và nói, “Nếu bạn muốn biết thêm thì cứ đọc Kinh Thánh và tôi sẽ cầu nguyện cho bạn.” Tôi thường gợi ý họ đọc sách Phúc âm Giăng bởi vì sách được viết để chúng ta tin rằng Chúa Giê-su là con Đức Chúa Trời (xem Giăng 20:31). Trong tương lai, có lẽ người đã từng khước từ đó sẽ có cuộc nói chuyện như này lần nữa.

Kinh Thánh nói rằng chúng ta cần phải “khôn khéo như rắn, đơn sơ như chim bồ câu” (Ma-thi-ơ 10:16). Chúng ta cần phải có sự khôn ngoan mà không quá ép buộc. Vài Cơ đốc nhân cố gắng nhồi nhét phúc âm cho ai đó, nhưng cách tiếp cận đấy sẽ không hiệu quả. Một số người thích tranh cãi và dùng những chiến thuật gây áp lực để ép buộc ai đó bước vào vương quốc Chúa. Tôi cho rằng họ cảm thấy kết quả bỏ qua mọi sai lầm. Nhưng hãy nhớ lấy điều này, nếu mọi người tin qua tranh luận thì họ cũng có thể thối lui bằng tranh luận. Nếu bạn có thể áp lực lên họ thì họ cũng có thể bị áp lực đẩy ra ngoài. Trách nhiệm của chúng ta là những Cơ đốc nhân chỉ cần tuyên bố lẽ thật phúc âm và để cuộc nói chuyện cho Chúa dẫn dắt.

Sự Sáng của Thế gian

Chúa Giê-su dùng hai dụ ngôn để cho thấy sự ảnh hưởng Cơ đốc nhân nên có trên thế gian: muối và ánh sáng. Chúng ta đã biết tác dụng của muối. Ngược lại với muối, vốn bày tỏ cách sống mà bạn tin, sự sáng lại tuyên bố điều bạn tin.

 Chúa Giê-su nói, “Sự sáng các ngươi hãy soi trước mặt người ta như vậy, đặng họ thấy những việc lành của các ngươi, và ngợi khen Cha các ngươi ở trên trời” (Ma-thi-ơ 5:16). Rất nhiều Cơ đốc nhân cố gắng là sự sáng mà không trở thành muối trước. Họ nói như Cơ đốc nhân nhưng họ không bước đi như Cơ đốc nhân. Nói thật, thà họ không nói một lời nào nếu họ không thể chứng minh bằng cách sống của mình.

Ngược lại, có những người là muối nhưng không là sự sáng. Họ sống cuộc đời tin kính nhưng họ không cho mọi người biết lý do. Chúng ta phải tìm thấy sự cân bằng. Rô-ma 10:14 chép, “Nhưng họ chưa tin Ngài thì kêu cầu sao được? Chưa nghe nói về Ngài thì làm thế nào mà tin? Nếu chẳng ai rao giảng, thì nghe làm sao?” Chúa muốn chúng ta trở thành công cụ để Ngài phán.

Có cách đúng và cách sai để chia sẻ sứ điệp phúc âm. Do đó, cần phải phụ thuộc vào Chúa Giê-su và để Ngài dẫn dắt chúng ta. Tôi tin rằng Chúa muốn chúng ta là khẩu súng bén chứ không phải là máy bắn. Tôi thấy nhiều nhà truyền giáo máy bắn đo độ thành công của họ qua số lượng người họ nói chuyện trong một tiếng. Nếu bạn đang làm điều này thay vì dành thời gian cho ai đó, thì bạn không thể có bất kỳ một sự ảnh hưởng thật hay kéo dài. Thậm chí còn đẩy người ta xa ra.

Tôi thấy cách chia sẻ hiệu quả nhất thường tốn thời gian. Thà ngồi xuống một tiếng và có một cuộc nói chuyện chân thật với một người hơn là luyến láu nói liên tục để nói được với nhiều người. Một trong những lời sâu sắc Chúa Giê-su từng nói là các cuộc hội thoại một đối một. Chúa nói chuyện với người đàn bà Sa-ma-ri (xem Giăng 4:5-42) và với Ni-cô-đem (xem Giăng 3:1-21) là những phân đoạn được dùng để truyền giáo. Chúa Giê-su dành thời gian với những cá nhân này. Vậy chúng ta sẽ càng phải dành thời gian cho những người mình nói chuyện hơn.

Chúng ta cần học cách để Đức Thánh Linh dẫn dắt chúng ta chia sẻ đức tin. Khi mọi người đến với Đấng Christ, đó là kết quả của công việc Chúa chứ không phải của chúng ta. Chúa Giê-su nói, “nếu Cha chẳng ban cho, thì chẳng ai tới cùng ta được” (Giăng 6:65). Không có cuộc tranh cãi thông minh nào từng thu thập được người khác. Đó phải là công việc của Đức Thánh Linh và trong thời điểm của Chúa. Kinh Thánh nói với chúng ta, “hãy giảng đạo, cố khuyên, bất luận gặp thời hay không gặp thời, hãy đem lòng rất nhịn nhục mà bẻ trách, nài khuyên, sửa trị, cứ dạy dỗ chẳng thôi” (2 Ti-mô-thê 4:2). Hay bản dịch khác nói rằng, “Hãy chuẩn bị dù thời gian có phù hợp hay không” (NLT). Chúng ta cần luôn luôn sẵn sàng, bởi vì chúng ta không bao giờ biết khi nào sẽ được gọi đi.

Trạng thái Sẵn sàng

Hãy nghĩ về Phi-líp, người Chúa kêu đi đến đến sa mạc. Chúa không nói với ông là sẽ có một người giàu có và quyền lực đến từ Ethiopia đang tìm kiếm Chúa và chờ đợi khi Chúa đến. Chúa chỉ bảo ông đi đến sa mạc. Phi-líp vâng lời và khi đến đó, ông ta đã thấy người kia. Thời gian chuẩn xác. Nếu Phi-líp chậm lại hay chạy đi trước, có lẽ ông sẽ bỏ mất cơ hội để dẫn người đấy đến với Đấng Christ.

Chúng ta thường bỏ lỡ cơ hội Chúa mang đến chỉ bởi vì chúng ta không chú ý. Hiển nhiên Chúa có thể hoàn thành công việc mà không cần chúng ta. Ngài sẽ tìm ai đó, còn bạn sẽ mất đi đặc ân được sử dụng bởi Ngài.

Chúng ta cũng có thể học được từ phương pháp của Phi-líp. Ông hỏi người Ethiopia một câu hỏi thú vị khi ông nghe thấy người này đọc từ sách của tiên tri Ê-sai: “Ông hiểu lời mình đọc đó chăng?” (câu 30). Hoạn quan trả lời rằng: Nếu chẳng ai dạy cho tôi, thể nào tôi hiểu được?” (câu 31).

Chúng ta có ĐQuan tâm để Chia sẻ?

Chúng ta có thường xuyên chia sẻ đức tin với người khác? Nếu không, tại sao không? Nếu hầu hết Cơ đốc nhân ngày nay đều trung thực thì nhiều người trong chúng ta phải thừa nhận rằng chúng ta không thực sự quan tâm đến cảnh ngộ của những người chưa tin. Sứ đồ Phao-lô nói, “Ví bằng tôi rao truyền Tin Lành, tôi chẳng có cớ khoe mình, vì có lẽ cần buộc tôi; còn không rao truyền Tin Lành, thì khốn khó cho tôi thay” (1 Cô-rinh-tô 9:16).

Truyền giáo phải bắt đầu với sự quan tâm thật cho người hư mất. Người chúng ta nói chuyện có thể thấy nếu chúng ta thật tâm. Phao-lô cũng có sự quan tâm như vậy. Ông rất muốn đưa dân mình đến với Đấng Christ nên ông nói, “Tôi buồn bực lắm, lòng tôi hằng đau đớn. Bởi tôi ước ao có thể chính mình bị dứt bỏ, lìa khỏi Đấng Christ, vì anh em bà con tôi theo phần xác” (Rô-ma 9:2-3). Phao-lô nói rằng ông sẵn lòng bị lìa khỏi Đấng Christ để ông có thể tin chắc rằng những người Do Thái sẽ đến với Ngài.

Môi-se cũng có tấm lòng như vậy cho dân Y-sơ-ra-ên. Chúng ta đọc trong sách Ai Cập ký chương 32 khi Môi-se lên núi Si-nai để nhận lấy 10 Điều Răn của Chúa. Hết ngày mà Môi-se vẫn chưa trở về trại, mọi người bắt đầu lo lắng và tìm cách thay thế Chúa trong cuộc đời họ. Ở dưới sự lãnh đạo sai lầm của A-rôn, một con bê vàng được dựng lên và mọi người bắt đầu thờ phượng nó.

Khi hành động tội lỗi của con người bị tỏ ra, Chúa bảo Môi-se: “Hãy xuống đi, vì dân mà ngươi đưa ra khỏi xứ Ê-díp-tô đã bại hoại rồi” câu 7.

Chúa tiếp tục phán về tội lỗi của dân sự, và Môi-se đã ngắt lời Ngài bằng lời cầu thay: “Môi-se bèn nài xin Giê-hô-va Đức Chúa Trời người rằng: Lạy Đức Giê-hô-va, sao nổi thạnh nộ cùng dân Ngài? Là dân mà Ngài đã dùng quyền lớn lao mạnh mẽ đưa ra khỏi xứ Ê-díp-tô” (câu 11).

“Chúng là dân sự của ngươi,” Chúa nói với Môi-se.

“Không, họ là dân sự của Ngài,” Môi-se trả lời Chúa.

Rõ ràng là cả Môi-se lẫn Chúa đều không muốn những người này ở trong tình trạng đó: trần truồng và nhảy múa xung quanh con bê bằng vàng. Khi Môi-se xuống trại và thấy cái cảnh kinh khủng đó, ông, trong lửa giận công chính, đập vỡ bảng đá Chúa cho ông.

Ngày tiếp theo Môi-se bắt đầu lên núi với sự quyết tâm trong lòng mình. Khi mới lên tới đỉnh núi, ông bắt đầu nói với Chúa. Câu nói mà nhà tiên tri nặng gánh dâng lên Chúa rất khác biệt. Đó là tiếng thở dài, tiếng than khóc. Đó là câu nói không có hồi kết. Ngay cả trong bản King James, người phiên dịch để phần cuối của câu kéo dài, dùng dấu gạch ngang làm dấu câu. Bạn có thể nói rằng đó là câu bị ngắt ở giữa bởi tiếng than khóc của người đàn ông xin được đi xuống địa ngục … nếu dân sự được tha thứ khỏi lửa giận công chính của Chúa thánh khiết: “Vậy, Môi-se trở lên đến Đức Giê-hô-va mà thưa rằng: Ôi! dân sự nầy có phạm một tội trọng, làm cho mình các thần bằng vàng; nhưng bây giờ xin Chúa tha tội cho họ ––” (câu 31-32). Lúc này, câu trên tạm dừng và dịch giả kết thúc với một dấu gạch ngang. Đây hẳn phải là phần tạm dừng dài bởi Môi-se hiển nhiên đang cân nhắc trọn vẹn ý nghĩa của điều ông đang cầu xin. Ông tiếp tục nói rằng, “Bằng không, hãy xóa tên tôi khỏi sách Ngài đã chép đi” (câu 32).

Bạn có thể thấy Môi-se có gánh nặng lớn với dân sự mà ông cầu thay. Và ông sẵn lòng đứng vào nơi sứt mẻ. Chúa, nói về khao khát tìm kiếm ai đó mang lấy gánh nặng này, phán: “Ta đã tìm một người trong vòng chúng nó, đặng xây lại tường thành, vì đất mà đứng chỗ sứt mẻ trước mặt ta, hầu cho ta không hủy diệt nó; song ta chẳng tìm được một ai” (Ê-xê-chi-ên 22:30).

Tác giả Cơ đốc vĩ đại Alexander McClaren viết những từ này: “Bạn hãy nói với tôi về chiều sâu của sự thương xót trong Cơ đốc nhân và tôi sẽ cho bạn biết mức độ hữu ích của anh ta.”

Linh hoạt là Chìa khoá

Trong 1 Cô-rinh-tô 9, Phao-lô cho chúng ta chìa khoá để chia sẻ đức tin hiệu quả:

“Tôi ở yếu đuối với những người yếu đuối, hầu được những người yếu đuối; tôi đã trở nên mọi cách cho mọi người, để cứu chuộc được một vài người không cứ cách nào. Mọi điều tôi làm, thì làm vì cớ Tin Lành, hầu cho tôi cũng có phần trong đó” (câu 22-23).

Bạn có thể tóm tắt khía cạnh truyền giáo này trong một từ: linh hoạt. Bạn cần thích ứng với những người khác. Chúa Giê-su là một ví dụ tuyệt vời cho điều này. Bạn có bao giờ để ý rằng Ngài không bao giờ nói với hai người theo cùng một cách? Ngài nhìn mọi người như những cá nhân. Một vài Cơ đốc nhân chia sẻ lẽ thật phúc âm như thể đọc từ máy chạy chữ. Họ chỉ lặp lại các thông tin họ ghi nhớ. Ghi nhớ Kinh Thánh, biết điều bạn tin, và có thể trình bày hiệu quả là đúng và tốt, nhưng chúng ta cũng cần nhạy cảm với đối tượng chúng ta nói tới.

Khi Chúa Giê-su nói chuyện với Bôn-xơ Phi-lát, lãnh đạo Rô-ma hỏi Ngài. Chúa Giê-su trả lời theo điều mà Phi-lát muốn biết. Ngài nói với Phi-lát sự thật. Nhưng Chúa yên lặng khi Ngài đến chỗ vua Hê-rốt. Chúa Giê-su nhìn thấy sự tò mò thật của Phi-lát và trả lời. Ngược lại, Chúa biết vua Hê-rốt không thực sự thích những điều thuộc linh. Hê-rốt muốn được làm cho kinh ngạc chứ không phải được thay đổi. Chúng ta cũng vậy, cần phải phân biệt và tránh trao ra lẽ thật của Chúa cho người không thực sự muốn biết.

Chúa Giê-su phân biệt rõ ràng khi Ngài nói với những người khác. Khi Ni-cô-đem đến với Ngài và nói, “vì những phép lạ thầy đã làm đó, nếu Đức Chúa Trời chẳng ở cùng, thì không ai làm được” (Giăng 3:2). Chúa đi thẳng vào vấn đề, “Kìa, Ni-cô-đem, sự thật là: Ngươi phải sinh lại.” Có những lúc Chúa muốn chúng ta làm điều tương tự. Tôi phải đến với một người lạ và nói, “Có ai đã từng nói với anh về Chúa Giê-su chưa? Tôi muốn chia sẻ về Ngài với anh.”

Tuy nhiên, có những lúc tôi cảm thấy tốt nhất là không nên tiếp cận theo cách đó. Chúng ta thấy điều này xảy ra với Chúa Giê-su và người đàn bà Sa-ma-ri. Chúa ngồi xuống cạnh giếng nước tại Sa-ma-ri khi bà đến lấy nước vào buổi trưa. Bà chọn thời thời điểm đó trong ngày đi đến giếng bởi vì bà thuộc tầng lớp bị ruồng bỏ của xã hội. Bà đã bị li dị mấy lần và hiện đang sống với một người đàn ông không hôn thú. Và không chỉ thế, bà là người Sa-ma-ri.

Trong thời đó, nhiều người Do Thái coi thường người Sa-ma-ri vì định kiến chủng tộc. Tuy nhiên, Chúa Giê-su đi đến giếng nước và ngồi đó. Khi người phụ nữ bắt đầu kéo nước, Chúa Giê-su hỏi xin bà nước uống.

Bà quay ra nhìn Ngài ngạc nhiên nói, “Người đàn bà Sa-ma-ri thưa rằng: Ủa kìa! ông là người Giu-đa, mà lại xin uống nước cùng tôi, là một người đàn bà Sa-ma-ri sao?” (Giăng 4:9)  

Sau đó Chúa Giê-su thả mồi bằng cách nói, ‘Ví bằng ngươi biết sự ban cho của Đức Chúa Trời, và biết người nói: “Hãy cho ta uống” là ai, thì chắc ngươi sẽ xin người cho uống, và người sẽ cho ngươi nước sống’ (câu 10).

Và khi đã mắc câu thì bà trả lời, “Vậy bởi đâu có nước sống ấy?” (câu 11).

 Có những lúc tôi thấy phương pháp này rất hiệu quả. Nhưng tất nhiên trong cuộc nói chuyện với người chưa tin, tôi có thể nói, “Tôi rất vui vì Chúa đã kiểm soát cuộc đời tôi.” Câu này thường khiến người ta phản ứng lại. Nhướn một bên lông mày, nhìn vào đồng hồ và có lẽ tìm cách bỏ đi ngay. Hay họ có thể nói, “Ý ông là gì, ‘Chúa kiểm soát cuộc đời ông’?” Những kiểu nói này có thể là miếng mồi tốt để thu hút sự chú ý. Nếu ai đó muốn biết thì bạn có thể nói nhiều hơn.

Sử dụng sự Khéo léo

Tôi thường nghe người chưa tin trách Cơ đốc nhân không khéo léo. Thậm chí họ còn phê phán thẳng, khiến cho Cơ đốc nhân bỏ đi và nghĩ rằng họ bị bắt bớ. Nhưng đấy không phải là bắt bớ nếu Cơ đốc nhân tắc trách, không nhạy cảm trong phương pháp chia sẻ về Đấng Christ.

Ví dụ về cách đúng để làm chứng đến từ câu chuyện Phi-líp và hoạn quan Ethiopi, mà chúng ta xem xét ở chương này. Người hoạn quan đến Giê-ru-sa-lem để tìm kiếm Chúa, nhưng tiếc thay ông ta không thể tìm thấy Ngài trong tôn giáo trống rỗng thời đó. Tuy nhiên, ông đã mang theo một thứ giá trị trong suốt chuyến đi. Ông cầm theo cuộn giấy có sách Ê-sai. Trên đường về nhà, ông đọc lớn tiếng Ê-sai 53, một trong những chương về Đấng Mê-si có nhắc đến Chúa Giê-su.

Lúc này, Chúa dẫn dắt Phi-líp tới chỗ người đàn ông quyền lực, giàu có, nhưng trống rỗng và tìm kiếm. Cách Phi-líp tiếp cận người này là một minh hoạ hay về sự khéo léo.

Khéo léo được hiểu là biết nói đúng điều đúng thời điểm. Phi-líp chỉ cần nói với người hoạn quan: “Ông có hiểu chỗ mình đang đọc không?” Phi-líp có thể hỏi, “Ông có biết rằng ông sẽ bị Chúa phán xét và ném xuống hoả ngục không? Ông nghĩ sao về điều này?” Nhưng bởi vì Phi-líp nhạy cảm với nhu cầu của người này nên ông đã mở cánh cửa chia sẻ phúc âm.

Có Lòng

Một khía cạnh khác của lời chứng hiệu quả cần kèm theo tấm lòng. Khi Chúa Giê-su ở gần ai đó, Ngài thực sự yêu họ. Chúa sẽ quan tâm đến họ. Sự quan tâm thật lòng sẽ nói với người đó trước cả khi bạn thốt ra lời. Có rất ít người thực sự quan tâm mọi người. Mọi người dường như đều có động cơ thầm kín – họ muốn có được điều gì đó từ bạn. Kết quả là chúng ta có một thế giới đầy dẫy nghi ngờ bất cứ ai nói chuyện với họ.

Một lần tôi được cho vé đi Disneyland. Bởi tôi sẽ gặp bạn trong công viên nên tôi không cần hai vé – tôi chỉ cần một. Khi tới bước vào, tôi cảm thấy có lỗi vì đã lãng phí một cái vé. Bởi vì ai đó có thể muốn đi công viên nhưng không có tiền mua vé. Cho nên tôi rời đi và tìm thấy một vài đứa trẻ ở trong bãi đỗ xe và cho chúng vé. Cách chúng phản ứng theo kiểu của bất cứ ai lớn lên trong sự nghi hoặc về những lời đề nghị “miễn phí”: “Ý ông là sao? Tại sao ông cho tôi vé?” Chúng không muốn lấy. Thế là tôi phải mất 30 phút để tìm được ai đó muốn lấy vé.

Thế giới ngày nay đầy dẫy tà giáo. Sa-tan không khờ dại. Hắn đặt quá nhiều những kẻ giống hắn ngoài đó khiến cho những người chưa tin nghi ngờ bất cứ ai chia sẻ về Chúa. Những Cơ đốc nhân giả mạo đầy dẫy trong sân bay, cửa hàng và trên đường phố, chia sẻ những điều họ cho là lẽ thật. Chúng ta có thể không thích những điều họ nói hay cách họ bày tỏ sai về Chúa, nhưng chúng ta phải tự hỏi chính mình, Lần cuối tôi thực sự bày tỏ Chúa là khi nào?

Chúa Giê-su thực sự yêu con người và chúng ta phải làm điều tương tự. Đó là khía cạnh của chúng ta. Tà giáo không có tình yêu thực sự của Chúa Giê-su cho nhân loại. Chúng ta, tuy nhiên, có tình yêu của Ngài hành động trong cuộc đời chúng ta, “vì sự yêu thương của Đức Chúa Trời rải khắp trong lòng chúng ta bởi Đức Thánh Linh đã được ban cho chúng ta” (Rô-ma 5:5).

Một trong những Công cụ Năng quyền nhất của Bạn

Bạn đã sở hữu một trong những công cụ hiệu quả nhất để kể về đức tin của mình: Lời chứng của bạn (bạn biết Chúa Giê-su cách cá nhân như thế nào). Nếu bạn xem sách Công vụ và đọc một vài sứ điệp truyền giáo của sứ đồ Phao-lô, bạn sẽ thấy ông thường dùng lời chứng cá nhân của mình. Chắc chắn lời chứng của ông ấy rất kịch tính, nhưng Chúa có thể sử dụng lời chứng cá nhân của bạn bởi vì nó khác biệt.

Qua lời chứng cá nhân, bạn có thể điều chỉnh suy nghĩ và cảm xúc để người khác dễ liên hệ. Thiết lập mặt bằng chung, rồi lúc này bạn có thể chia sẻ cách Chúa hành động trong cuộc đời bạn. Theo cách này, bạn quay trở lại với sứ điệp trung tâm: Chúa Giê-su và sự đóng đinh của Ngài.

Khi bạn có cơ hội chia sẻ Phúc âm, bạn phải hướng người ta đến Kinh Thánh. Nhưng bạn nên chia sẻ câu Kinh Thánh nào? Ở cuối quyển sách này tôi có đính kèm phần Kế hoạch Cứu rỗi bao gồm những câu chìa khóa mà bạn muốn ghi nhớ.

Môn đồ Thật

Quan niệm đầy đủ về môn đồ hóa là chia sẻ đức tin, dẫn dắt người ta đến với Đấng Christ và sau đó giúp họ trưởng thành. Nhưng đâu đó, chúng ta có những người tách biệt truyền giáo ra khỏi môn đồ hóa. Tuy nhiên, hai điều này không hề tách biệt trong Kinh Thánh. Tức là không chỉ cầu nguyện với ai đó và để họ đi. Chúng ta phải giúp người mới tăng trưởng thuộc linh và trở nên một môn đồ nghiêm túc, kết ước, kết quả và trưởng thành của Chúa Giê-su. Sau đó, chúng ta tin rằng tín hữu sẽ lặp lại quá trình này với ai đó. Và vòng tròn tiếp tục.

Sau khi Sau-lơ cải đạo, có một sự nghi ngờ lớn giữa vòng tín hữu là ông có đức tin thật trong Đấng Christ không. Sau-lơ từng là người bắt bớ Hội thánh ban đầu nhiều nhất. Ông không chỉ chỉ huy cuộc xử tử Cơ đốc nhân đầu tiên trong Tân Ước, một người trai trẻ tên Ê-tiên. Khi nghe thấy Sau-lơ khét tiếng trở thành tín hữu, các môn đồ sợ rằng đấy chỉ là kế hoạch để tìm ra nơi họ gặp gỡ, để hắn có thể giao họ cho chính quyền. Nhưng Chúa phán với một người tên là A-na-nia và bảo ông đi thăm Sau-lơ. A-na-nia vâng lời, tìm thấy Sao-lơ (người sau này đã đổi tên thành Phao-lô) và dành thời gian cầu nguyện cho ông và khích lệ ông (xem Công vụ 9:10-19).

Sau đó Chúa mang đến một người tên là Ba-na-ba bước vào cuộc đời Phao-lô. Ba-na-ba giới thiệu Phao-lô cho các sứ đồ và tự mình đảm bảo rằng sự cải đạo của ông là thật.

Đây là một minh họa rất hay về môn đồ hóa thật. Môn đồ hóa ai đó không chỉ là dạy mà còn làm bạn nữa. Đáng buồn thay, tôi thấy rất nhiều người khi mới tiếp nhận Đấng Christ thường vấp ngã bởi vì không ai giúp họ đứng vững trong đức tin. Có lẽ do những người này khó thích nghi với Hội thánh.

Tân tín hữu có thể đến nhà thờ lần đầu và được khích lệ bởi sự thông công tuyệt vời, nhưng khi giờ học Kinh Thánh bắt đầu và họ nghe những thứ như, “Mở Ma-thi-ơ 5,” họ lập tức cảm thấy bị lạc bởi vì họ không hề biết phải tìm ở đâu.

Đây chính xác là những gì tôi cảm thấy khi tôi bắt đầu tham gia nhà thờ. Tôi nhớ rằng tôi đã không hiểu ngôn ngữ của Cơ đốc nhân. Họ có những từ vựng riêng của mình – bạn có thể gọi là ngôn ngữ Cơ đốc. Tôi tạ ơn Chúa vì một tín hữu thấy tôi và đã che chở tôi dưới cánh của anh. Anh mời tôi đến nhà thờ và giới thiệu tôi với những người bạn Cơ đốc. Sau buổi nhóm, anh giải thích những từ đó nghĩa là gì và trả lời câu hỏi của tôi.

Trong Công vụ 18, chúng ta thấy câu chuyện về A-qui-la và Bê-rít-xin, họ đã làm mẫu về cách để chúng ta giúp tân tín hữu. Họ thấy một chàng trai trẻ tên A-bô-lô, người đầy rẫy lòng nhiệt thành với những điều thuộc về Chúa. Tuy nhiên anh cần thêm hiểu biết về những điều anh dạy dỗ. A-qui-la và Bê-rít-xin mời anh đến nhà và “giải bày đạo Đức Chúa Trời cho càng kĩ lưỡng hơn nữa” (câu 26). Kết quả là A-bô-lô trở nên năng động hơn trong những điều Chúa gọi anh làm.

Khi chúng ta đưa ai đó đến với Đấng Christ hay gặp gỡ Cơ đốc nhân mới, chúng ta phải chủ động để thấy họ vững vàng trong đức tin mới. Đưa họ đến nhà thờ, giới thiệu họ với bạn bè của bạn, và quan trọng nhất trở thành bạn họ. Tân tín hữu không chỉ cần nghe sự thật, họ cần thấy sự thật sống động. Họ không thể chỉ thấy từ bục giảng. Họ cần thấy điều đó trong phong cách sống của một người mỗi ngày. Tất nhiên, họ sẽ có nhiều câu hỏi: Cơ đốc nhân ở chỗ làm thì nên như thế nào? Cơ đốc nhân lái xe như thế nào? Cơ đốc nhân đối xử với vợ và con cái như thế nào? Cơ đốc nhân dành thời gian rảnh rỗi như thế nào? Nên xem bộ phim nào? Tất cả đều là một phần của quá trình môn đồ hóa.

Một tín hữu trưởng thành có thể là tấm gương để áp dụng lẽ thật của Chúa. Như Cô-lô-se 1:28 nói rằng, “Ấy là Ngài mà chúng tôi rao giảng, lấy mọi sự khôn ngoan răn bảo mọi người, dạy dỗ mọi người, hầu cho bày tỏ mọi người trở nên trọn vẹn trong Đấng Christ.”

Kinh Thánh cho thấy nhiều tấm gương về quá trình môn đồ hóa. Với chàng trai Ti-mô-thê, Phao-lô lập lại quá trình môn đồ hoá mà ông đã trải qua. Ê-li môn đồ hóa Ê-li-sê. Và cao quý nhất, Chúa Giê-su môn đồ hoá các sứ đồ của Ngài. Nói về quá trình này, Phao-lô nói trong 1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:11-12, “Anh em cũng biết rằng chúng tôi đối đãi với mỗi người trong anh em, như cha đối với con, khuyên lơn, yên ủi, và nài xin anh em ăn ở một cách xứng đáng với Đức Chúa Trời”.

Một điều đã giữ cho Cơ đốc nhân không còn là môn đồ năng động là sợ hãi mình không có đủ kiến thức Kinh Thánh. Bạn không cần phải là một học giả Kinh Thánh để dẫn người khác tới Đấng Christ và môn đồ hoá họ. Nhớ rằng, bạn có thể biết nhiều hơn cả một tín hữu mới. Bạn có thể bắt đầu bằng cách chia sẻ về những nền tảng đầu tiên xây dựng đời sống Cơ đốc nhân mà quyển sách này đề cập đến. Đó là cách đọc Kinh Thánh, cách cầu nguyện, sự quan trọng của việc tham gia Hội thánh, và cách để sống một đời sống tin kính. Cuộc sống của bạn có thể ảnh hưởng cuộc đời của một tân tín hữu theo một cách tuyệt vời.

Lợi ích của Môn đồ hóa

Môn đồ hoá người khác rất quan trọng trong cuộc đời của một người môn đồ, bởi vì thất bại trong việc này sẽ mang đến kết quả phá hỏng chính hành trình của bạn với Đấng Christ. Tham gia nhiều lớp học Kinh Thánh hơn, các buổi cầu nguyện hơn, đọc nhiều sách Cơ đốc hơn và lắng nghe nhiều sự dạy dỗ mà không có lẽ thật sẽ khiến chúng ta bị thối nát thuộc linh. Chúng ta cần phải nhận lấy những gì Chúa cho chúng ta và dùng nó để xây dựng cuộc đời người khác.

Khi bạn đưa một tân tín hữu đến dưới cánh mình, bạn không chỉ khích lệ một con trẻ mới trong Chúa, mà bạn còn đang cứu chính mình khỏi sự đình trệ thuộc linh. Tân tín hữu cần sự khôn ngoan, trí hiểu và kinh nghiệm của bạn, và chúng ta cần đức tin nóng cháy, nhiệt tình, đơn sơ như con trẻ mà một tân tín hữu có.

Bạn đã từng dẫn ai đó đến với Đấng Christ chưa? Bạn đã từng môn đồ hoá ai chưa? Bạn đã từng mang một tín hữu mới nào đến dưới cánh và giúp người đó chưa? Nếu bạn làm rồi thì chúng sẽ châm lửa cho cuộc sống thuộc linh của bạn khi người đó khám phá ra lẽ thật của Chúa lần đầu tiên (và như thể bạn được khám phá lại điều đó nữa).

Trẻ con là minh họa tốt nhất cho quá trình này. Khi bạn ở với một đứa trẻ, bạn bắt đầu thấy mọi thứ qua con mắt con trẻ lần nữa. Khi đứa trẻ khám phá mọi thứ lần đầu tiên, bạn cũng khám phá lại sự tươi mới của những điều này. Thật tuyệt vời khi một đứa trẻ lần đầu khám phá đại dương, bước trên cát, nắm tuyết hay nếm kem. Có những thứ người trưởng thành đã quá quen thuộc, nhưng khi chúng ta thấy một đứa trẻ khám phá chúng thì chúng ta cũng có chung sự thích thú đấy.

Tương tự, chúng ta thấy tân tín hữu khám phá những điều đến từ Lời Chúa và sự phấn khích mang lại cũng nhóm lại ngọn lửa cho chúng ta. Họ thường sẽ hỏi những câu hỏi khó khiến chúng ta phải tìm kiếm Kinh Thánh để có câu trả lời . Luôn cónhững thứ chúng ta đã học nhưng lại quên mất. Câu hỏi của tân tín hữu có thể giúp chúng ta khám phá lại (hay khám phá lần đầu tiên) nhiều lẽ thật thuộc linh quan trọng.

Thực tế thì có nhiều Cơ đốc nhân trưởng thành cũng có lúc bắt đầu bị khô hạn. Khi điều này xảy ra, nhiều người bắt đầu thắc mắc xem họ sai ở đâu. Một số thì tìm kiếm giải pháp như tìm Hội thánh mới hay sự dạy dỗ mới có thể mang đến sự biến đổi cuộc đời. Trong hầu hết các trường hợp, vấn đề thực sự chỉ đơn giản là sự uể oải thuộc linh. Người ở trong tình trạng này nên chuyển giao những điều họ đã học cho tân tín hữu. Chúng ta có một sự lựa chọn: truyền giáo hay hóa đá.

Chúa Giê-su nói rằng, “Vì sẽ cho thêm kẻ nào đã có, thì họ sẽ được dư dật; nhưng kẻ nào không có, thì lại cất luôn điều họ đã có nữa” (Ma-thi-ơ 13:12). Tôi thấy rằng tôi càng ban ra, Chúa càng trao lại nhiều cho tôi. Như Châm ngôn 11:25 nói, “Lòng rộng rãi sẽ được no nê; Còn ai nhuần gội, chính người sẽ được nhuần gội.”

Có lúc, con cái Y-sơ-ra-ên phải đối mặt với nan đề uể oải thuộc linh. Chúa phán với họ qua tiên tri Ê-sai để xoay mắt họ khỏi nan đề của chính mình và ban ra những gì họ đã được ban: “Sự kiêng ăn mà ta chọn lựa, há chẳng phải là bẻ những xiềng hung ác, mở những trói của ách, thả cho kẻ bị ức hiếp được tự do, bẻ gãy mọi ách, hay sao?” (Ê-sai 58:6).

Lời hứa của Ngài cho họ nếu vâng lời được tìm thấy trong mấy câu sau: “Bấy giờ sự sáng ngươi sẽ hừng lên như sự sáng ban mai, ngươi sẽ được chữa lành lập tức; sự công bình ngươi đi trước mặt ngươi, sự vinh hiển của Đức Giê-hô-va sẽ gìn giữ sau ngươi” (câu 8).

Bạn có thể dự phần với lời hứa đó nếu bạn để cuộc đời mình môn đồ hóa người khác. Bạn có thể bắt đầu vào ngay hôm nay, tại nơi bạn ở, với những người Chúa đã mang đến trong cuộc đời bạn. Nhớ rằng cần một người để tạo nên một người.

Vì cớ những người chưa biết Đấng Christ, đừng từ bỏ mạng lệnh của Chúa để “đi dạy dỗ muôn dân.” Bởi cớ những tân tín hữu, đừng để sự thờ ơ cướp mất cơ hội trở thành phước hạnh cho người khác. Và để duy trì bước đi kết quả, vui mừng với Chúa, đừng phớt lờ các mạng lệnh này của Chúa Giê-su. Lời hứa và phước hạnh dành cho những người sẽ áp dụng những nguyên tắc này. Quả thật đồng ruộng thì chín nhưng con gặt thì ít. Chúng ta cần thêm con gặt, thêm môn đồ. Xin Chúa giúp bạn và tôi làm được điều này.

Nguồn: daotaomondo.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like