Home Văn PhẩmBài Giảng BÀN LUẬN VỀ SÁCH KHẢI HUYỀN – Phần 7: Bảy Ấn, Bảy Kèn, Bảy Chén

BÀN LUẬN VỀ SÁCH KHẢI HUYỀN – Phần 7: Bảy Ấn, Bảy Kèn, Bảy Chén

by Sưu Tầm
30 đọc

Tín hữu:

Xin mục sư giải thích sơ qua về dấu ấn, tiếng kèn và chén thịnh nộ.

Mục sư: Dấu ấn trong ngữ cảnh chương 6 là những niêm phong của cuốn sách. Mỗi một ấn được mở là một sự kiện định đặt từ trước được phép xảy ra. Tiếng kèn dùng để tập hợp dân sự, hoặc để phát lệnh hành trình, hoặc xung trận. Trong ngữ cảnh chương 8,9 mục đích xung trận rõ ràng hơn. Chén nói về cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời. Chén thịnh nộ dành cho các tín đồ đã được Chúa Giê-su uống thay trong vườn Ghết-sê-ma-nê và trên cây Thập tự (Lu-ca 22:42, 23:36). Bảy chén thịnh nộ trong Khải Huyền dùng cho thế gian vô tín. Xin nhớ ý nghĩa con số bảy là tổng số, bảy ấn là hết cả mọi bí ẩn sẽ được phơi bày. Bảy kèn là một cuộc tổng động viên, bảy chén thịnh nộ có nghĩa là sự trút giận tối đa.

Có một số nhà giải kinh cho rằng bảy ấn, bảy kèn và bảy chén là cùng bảy sự kiện được nhìn từ các góc cạnh khác nhau, bởi có một số sự trùng lặp[1]. Có nhóm khác cho rằng đây là 3 đợt phán xét của Đức Chúa Trời với mức độ tăng dần để nhân loại liên tưởng, biết sợ và ăn năn.

Tín hữu:

Các dấu ấn sau không gì khó hiểu lắm, so với dấu đầu tiên về con ngựa trắng. Mục sư nghĩ thế nào về biểu tượng của nó?

Mục sư:

Ngựa trắng ở đây (6:2) giống như ngựa trắng trong 19:11 nói về Chúa tái lâm cùng con dân Chúa. Ngựa trắng là điểm tương đồng duy nhất giữa hai phân đoạn, nhưng quá ít để kết luận danh tính người cưỡi ngựa. Người này có thể (1) là kẻ Nghịch-Chúa (kẻ chống Đấng Christ), hoặc (2) là người của Chúa, là Phúc Âm.

Màu trắng của ngựa và mão trên kỵ sỹ nói về kẻ chiến thắng. Thời La-mã, các vị tướng khải hoàn được diễu hành trên cỗ xe với 4 ngựa trắng và đội mão… Mão “stephanos” thực ra như vòng lá cây, hoặc mão danh dự (2 Tim 4:8, KH 6;2) dành cho kẻ chiến thắng (đấu trường hoặc chiến trường), khác với “diadema” – vương miện dành cho vua chúa, (chương 12, 13), và cho Chúa Giê-su trong 19:11.   (bản dịch 2011: mão chiến thắng là đúng, còn bản dịch truyền thống : mão triều  thiên, vương miện là không chính xác)

Một số nhà giải kinh cho đây là kẻ ‘Nghịch-Chúa,’ trong ngữ cảnh các con ngựa sau đó đem theo chiến tranh, đói khát và chết chóc. Cái cung không có tên ám chỉ kẻ chinh phục thế gian không cần vũ khí, nhưng bằng lừa đảo như Đa-niên 9:27, 10:21; 2 Thêsa 5:11; 1Giă 2:22…

Nhưng ngược lại, người cưỡi ngựa trắng, đội mão chiến thắng có thể là người của Chúa. Người có cái cung không mũi tên liên tưởng việc Đức Chúa Trời đặt cái cung của mình làm cầu vồng sau nạn Hồng Thủy, (sáng Thế 9:13-14), hay Đức Giê-hô-va là một chiến binh (Thi-thiên 45:4-5; Ê-sai. 41:2; 49:2-3; Ha-ba-cúc. 3:9; Xa-cha-ri 9:13 Sáng Thế Ký. 9:13). Cái cung tượng trưng cho sự thành tín của Đức Chúa Trời sau nạn Hồng Thủy và một trong các danh của Chúa Giê-su là Đấng thành Tín, (Khải Huyền 19:11). Trong đoạn này chúng ta không những thấy Chúa Giê-su cưỡi ngựa trắng nhưng tất cả đạo quân trên trời cũng cưỡi ngựa trắng (19:14) Nếu đây không phải là Chúa Giê-su, thì có thể là Hội Thánh, là Phúc Âm. Vì sao Chúa, Hội Thánh, Phúc Âm đi trước chiến tranh, đói khát và chết chóc? Xin nhớ lời Chúa Giê-su “Chớ tưởng Ta đến để đem bình an cho thế gian. Ta đến, không phải để đem bình an, mà là gươm giáo” Ma-thi-ơ 10:34. Có lẽ dấu ấn đầu tiên mở ra Kỷ nguyên Hội Thánh Chinh phục và Chiến Thắng, đồng thời xung đột và bắt bớ, bởi Sa-tan không biết mình còn bao nhiêu thời gian nữa. (Khải Huyền 12:12).

Tóm lại xin hãy chấp nhận đây đang nói về kẻ chiến chắng trong giai đoạn cuối. Chiến thắng mà không dùng vũ khí. Họ có thuộc Chúa, hay thuộc Kẻ Nghịch-Chúa hay không hồi sau sẽ rõ.

Tín hữu:

Thưa mục sư, con ngựa đỏ biểu hiện chiến tranh không gì khó hiểu, con ngựa xanh lợt biểu hiện chết chóc cũng vậy. Còn con thứ ba là con ngựa ô mà kỵ sỹ cầm cái cân, xin mục sư giải thích?

Mục sư:

Kỵ sỹ cầm cân, vừa đi vừa tuyên bố “Một lon lúa mì giá một đơ-na-ri, ba lon lúa mạch giá một đơ-na-ri.” Con còn nhớ 1 đơ-na-ri là một ngày công thời Giăng sống (Ma-thi-ơ 20:1-16). Vậy làm việc cả ngày mới có thể mua được 1 lon lúa mỳ… chứng tỏ sự khan hiếm lương thực. Câu này chưa nói đến chuyện chết đói, nhưng chỉ nói về sự khan hiếm vì hậu quả cuả chiến tranh gây ra bởi con ngựa đỏ. Khan hiếm lương thực chỉ là điển hình, nhưng chắc chắn khan hiếm trong mọi lĩnh vực, trừ rượu và dầu. Vì sao trừ rượu và dầu vậy, mục sư không biết. (Có lẽ ám chỉ nhu yếu phẩm căn bản, chứ không động đến xa xỉ phẩm).

Đây là sự liên tưởng Cựu Ước tới một vài phân đoạn nói về cảnh đói khát khi Israel bị quân thù vây hãm như Ê-xê-chiên 4:10-11 “Lương thực ngươi ăn sẽ được tính theo cân lượng, hai trăm ba mươi gờ-ram mỗi ngày, và phải ăn đúng các giờ giấc quy định. Ngươi sẽ uống nước cũng theo cân lượng, hai phần ba lít mỗi ngày, và phải uống theo giờ giấc đã quy định”. Ca thương 4:9 “Có lẽ những kẻ chết vì gươm được may mắn hơn những kẻ chết vì đói, Bởi đói làm cho gầy yếu kiệt sức mau chóng, vì không được ăn hoa quả của ruộng đồng”. (Xin đọc thêm cả phân đoạn Ca thương 4:4-10, 2 Các vua 6:24-29 , Lê-vi 26:26-29, để thấy bức tranh tổng thể của nạn đói).  Mỗi ngày được ăn 230 gram bánh mỳ, uống 2/3 lít nước… nếu vậy thì không đến nỗi, nhưng đó là thời Ê-xê-chiên, Giê-rê-mi. Còn thời Khải Huyền, khi con ngựa đen xuất hiện, một người làm cật lực một ngày (nếu như còn có việc) thì chỉ mua được 1 lon lúa mỳ (thay vì 8 lon, theo J.Dake). Bây giờ đem chia 1 lon lúa mỳ cho 5 thành viên của gia đình, mỗi người được bao nhiêu? Ý tác giả muốn nói rằng nếu thời Ê-xê-chiên , Giê-rê-mi bị đói đến mức người ta phải ăn thịt con mình, thì thời tận thế sẽ còn tệ hơn ít nhất 8 lần.

Một lần nữa đây là ví dụ “liên tưởng Cựu Ước”, rất quan trọng để hiểu Khải Huyền.

Tín hữu:

Mục sư nghĩ gì về những con số: 1/4 đất bị giết bằng gươm giáo, bệnh tật, đói kém và thú dữ, khi con ngựa xanh lợt xuất hiện? (Khải Huyền 6:8)

Mục sư:

Con số 1/4 trong dấu ấn thứ năm là con số rất lớn, nhưng con số 1/3 bị huỷ hoại sau những tiếng kèn trong chương 8 còn lớn, hơn đặc biệt khi nói đến tinh tú mặt trời, mặt trăng và ngôi sao. Nếu 1/4 loài người bị giết trong Khải Huyền 6:8) rồi sau đó 1/3 bị giết trong Khải huyền 9:15, tổng cộng hết khoảng một nửa so với 7 tỷ người hiện nay. Rồi trong các tai họa, tất cả những sự thiệt hại đều là 1/3: cá, nước, tinh tú v.v… gợi ý tính tượng trưng của con số, hơn là tổng số toán học. Có lẽ những con số này mang ý nghĩa biểu tượng, hoặc thành ngữ quen thuộc cho độc giả nguyên thủy, là rất hằng hà vô số, không thể đếm được, nhưng không phải tất cả mọi người bị sát hại. Xin để ý mức độ hủy diệt tăng dần: bởi ấn: 1/4=25%, bởi kèn:1/3=33%, sau cùng là toàn bộ 100% bởi chén thịnh nộ.

Theo ngữ cảnh Khải Huyền 6:7-10, có lẽ con số 1/4 nói về những người chết vì các nguyên nhân con người có thể hiểu được như qua gươm giáo, nạn đói và dịch lệ, hoặc qua hai con thú trong chương 13. (6:8). Còn 1/3 nói về người chết do nguyên nhân mà con người không hiểu được, như do đoàn kỵ binh 200 triệu trong kèn thứ sáu (KH 9:13-19). Số còn lại cũng xử sự những cách khác nhau:  nhóm 3/4 thì trốn vô núi, hoặc nhóm 2/3 thì không ăn năn…

Tín hữu:

Vậy con số 144 ngàn người … Đây có phải con số chính xác không?

Mục sư:

Đây là con số những người được biệt riêng với dấu ấn của Chúa trên trán (Khải Huyền 7:4). Xin để ý đây là tên 12 bộ tộc I-sơ-ra-en, với dân số 12 ngàn người mỗi bộ tộc, đồng đều con số. Nhưng thực tế có các bộ tộc lớn nhỏ khác nhau. Danh sách tên các bộ tộc ở đây khác với danh sách cuối cùng trong Cựu-ước (Ezek 48:2-7 là danh sách dân tuyển trong thời tận thế). Thêm vào đó bộ tộc Đan không được nhắc đến và Ê-phra-im được thay thế bởi Giô-sép. Chính vì vậy giải thiết đây là con số và danh tính chính xác khó đem lại sự thỏa lòng. Tôi mạn nghĩ đây là con số tượng trưng cho tín đồ người Do-thái (Khải Huyền 7:4), bên cạnh đám đông không ai đếm nổi từ các dân tộc là tín đồ ngoại bang (Khải Huyền 7:9).

Một các nhìn khác: 144 ngàn = (12×12)x(10x10x10) = (Cựu Ước, Tân Ước)(muôn vàn) thánh đồ theo cách nói nhấn mạnh.

Nhóm 144 ngàn dường như còn ở lại trái đất trong kỳ đại nạn. Nếu không thì đóng dấu thuộc về Chúa trên trán họ để làm gì, khi họ đã ở trên thiên đàng đâu cần được bảo vệ khỏi các tai họa bởi kèn hoặc chén?

Tín Hữu:

Sau các dấu ấn có các tai họa xảy ra bởi tiếng kèn liên hệ đến tinh tú trên trời, sông, núi, biển, đảo, cá và tàu thuyền. (Khải huyền 6:12-14, 8:6-12 Phải chăng chúng ta nên hiểu theo nghĩa đen?

Mục sư:

Khả năng của Đức Chúa Trời có thể khiến mọi vật thể tinh tú được liệt kê ở đây bị tác động. Mặt Trời trở nên tối, Mặt Trăng trở nên đỏ, mưa sao sa là những điều chúng ta đã thấy trong tự nhiên. Núi đảo bị di chuyển bởi động đất. sóng thần cũng xảy ra hàng ngày  v.v…. Chúng ta đã chứng kiến và trong những ngày cuối cùng sẽ bùng nổ ở trong mức độ tăng lên. Cá chết hàng loạt cũng có … Đây có thể là lời tiên tri của Chúa Giê-su: “Sẽ có những trận động đất lớn, nạn đói và ôn dịch, sẽ có những điềm lớn lạ trên không trung. Sẽ có những điềm lạ trong mặt Trời, mặt Trăngvà các ngôi sao… Trên mặt đất các nước sẽ lo sợ, bối rối trong viễn cảnh biển dậy, sóng thần. Người ta sẽ ngất xỉu vì sợ hãi, vì hồi hộp chờ đợi những gì sẽ xảy đến trên thế giới, bởi các quyền lực trên trời sẽ rúng động.” Luca 21:11,25,26 , dường như Chúa tiên tri theo nghĩa đen. Xin tham khảo thêm Ma-thi-ơ 24:29-31và để ý có tiếng kèn trong đó.

Về biểu tượng, Mặt Trời, Mặt Trăng và các ngôi sao cũng tượng trưng cho I-sơ-ra-en trong Khải Huyền 12:1, Sáng Thế 37:9-11, vậy những sự kiện liên hệ tới các tinh tú cũng có thể là ám chỉ I-sơ-ra-en trong thời kỳ cuối.

Khải huyền 12:1 nói về “Một phụ nữ mình được bao phủ bằng mặt trời, chân đứng trên mặt trăng, đầu đội mão miện bằng mười hai ngôi sao”.  Câu này liên tưởng tới giấc mơ của Giô-sép  (Sáng thế 37:9-11) về việc cha mẹ và các anh em sẽ đến quỳ lạy mình. Vậy các tinh tú rơi xuống khi kèn thổi, chén đổ xuống có thể là cấp bậc lãnh tụ các nước trên thế gian. Đối với độc giả nguyên thủy, đất tượng trưng cho dân Do-thái và biển tượng trưng cho các dân tộc. Tàu thuyền là phương tiện sinh sống trên biển, trong ngữ cảnh có nghĩa là của người ngoại. Về phần thuộc linh người ngoại cũng đồng nghĩa với người vô tín (Khải Huyền 11:2) Vậy biển, hải đảo, cá, tàu thuyền bị phá hủy ở đây được nói ở đây liên hệ tới thế gian chống nghịch Đức Chúa Trời.Tàu thuyền cũng dính dáng tới Ba-by-lon trong hệ thống thương mại bị sụp đổ (Khải Huyền 18:17a).

Các sự kiện liên hệ đến Mặt Trời tối tăm, Mặt Trăng ra máu v.v… cũng được ghi chép trong Giô-ên 2:30, ngữ cảnh nói về sự cứu rỗi bắt đầu từ câu 18. Trong Khải Huyền các hiện tượng này liên hệ đến sự phán xét. Có lẽ ở đây chúng ta thấy ví dụ về sự “liên tưởng Cựu Ước” (alusion), nhưng không trích dẫn (quote) một cách chính xác, thường được thấy rất thường xuyên trong Khải Huyền. Vì vậy chúng ta hiểu rằng các sự kiện này mang tính biểu tượng.

Ngoài ra đối tượng bị tác động bởi các tiếng kèn gợi ý tới 10 tai họa mà Đức Chúa Trời giáng trên Ê-díp-tô trong Xuất Ê-gýp-tô Ký.

Cá tượng trưng cho người (cả I-sơ-ra-en và ngoại bang bởi có cả cá nước ngọt và nước mặn). Cá cũng có thể là người có tiềm năng được cứu, suy ra từ việc Chúa sai các môn đồ đi đánh lưới người. Chúa giúp các môn đồ đánh được 153 con cá trong Giăng 21, nhắc nhở các môn đồ về sự kêu gọi thiêng liêng khi họ muốn quay lại cuộc sống nghề nghiệp thuộc thể. 153 là con số các loài cá được biết trong thời đó cũng có thể đại diện các dân tộc trên thế gian. Trong ngụ ngôn về nước trời cũng có câu chuyện lưới cá thả xuống biển bắt đủ loại cá… người đánh cá lựa cá tốt để giữ, cá xấu bỏ đi. Cũng vậy trong ngày tận thế, thiên sứ sẽ đến tách rời người công chính và kẻ gian ác, ném kẻ ác vào hồ lửa, nơi đó có khóc lóc và nghiến răng” Ma-thi-ơ 13: 47-50

Tín hữu:

Xin mục sư giải thích ý nghĩa việc biển và sông ngòi biến thành máu là điều được nhắc đi nhắc lại vài lần.

Mục sư:

Đây là sự liên tưởng Cựu Ước tới tai họa đầu tiên Chúa khiến sông Nin trở nên máu. Đó là phép lạ. Khả năng thứ hai là tảo đỏ trong nước phát triển bất thường. Nhưng trong Khải Huyền cả vùng nước mặn và nước ngọt bị tảo đỏ là điều khó xảy ra. Một khả năng tự nhiên nữa là có rất nhiều trận đánh lớn trên biển, trên sông khiến nhiều người và sinh vật thiệt mạng, máu nhuộm đỏ nước. Điều này có thể thấy trong KH 14:20, nói về cơn thịnh nộ của Chúa khiến huyết ngập đến khớp ngựa suốt một chặng dài 1600 Ếch-ta-đơ, (hay 200 dặm, 300 km). Người Việt mình cũng có những câu tương tự, như huyết đổ thành biển, máu chảy thành sông. Điều này phù hợp với tiên tri của Chúa Giê-su: sẽ có nhiều chiến tranh, nước này nghịch cùng nước kia… Ma-thi-ơ 24:6-7.

Tín Hữu:

Ghê gớm quá, nhưng bởi vì 1/3 các loài cá và sinh vật dưới nước bị giết mà biển và sông hóa máu có thể hiểu được. Còn đạo binh châu chấu từ vực sâu, đoàn kỵ binh 200 triệu phóng ra khi thiên sứ thổi tiếng kèn thứ năm và thứ sáu … Hai loại sinh vật này là thuộc thể hay thuộc linh? Trong số những người bị chúng hại, có ai là tín đồ không?

Mục sư:

Mọi người hầu hết đồng ý đại binh châu chấu là ma quỷ được phép làm con người đau đớn mà không bị sát hại. Để hiểu rõ thêm về các con châu chấu, xin hãy suy nghĩ về nạn châu chấu trong tai họa ở Ai cập (trong Xuất Êdíptô Ký). Đó là đội quân châu chấu thật. Một ví dụ khác là đội quân châu chấu các loại thay nhau cắn xé phá hoại cuộc sống con người, Giô-ên1:4-7; 2:2-11. Sự mô tả châu chấu trong Giô-ên có thể giải thích được châu chấu trong Khải huyền. Tuy nhiên châu chấu trong Giô-ê phá hoại dân Israel, còn châu chấu trong Khải Huyền thì tấn công những người không có ấn chiên con. (Đây lại là một ví dụ về “liên tưởng”, nhưng không “trích dẫn” Cựu Ước – nhắc độc giả về tính biểu tượng của sự kiện)

Minh họa châu chấu từ vực sâu: mặt người, tóc dài, đội mão chiến thắng, đuôi như bò cạp

Nếu châu chấu được hiểu theo nghĩa đen, thì thực đáng sợ. Một người bị cả ngàn con muỗi đốt là khiếp lắm, nếu bị cả ngàn con ong đốt cùng kinh khủng hơn nhiều, huống chi là châu chấu có đuôi như bò cạp. Vậy không ngạc nhiên gì mà người ta mong cầu sự chết… Châu chấu được phép làm người đau đớn trong 5 tháng – là thời gian sống của loài châu chấu theo nghĩa đen.

Vì sao chỉ hành hạ con người trong năm tháng? Số năm cũng có thể là biểu tượng ân điển, cũng là biểu tượng một nửa tổng thể (số 10). Nếu vậy châu chấu hành hạ con người trong 5 tháng có nghĩa là bởi ân điển Đức Chúa Trời chỉ cho phép chúng hành hạ loài người trong một thời gian ngắn, khiến con người có thể ăn năn chăng. Còn nếu số 5 là biểu tượng Israel, thì châu chấu khiến người Do thái bị đau dớn, còn Kỵ binh sau đó khiến 1/3 thế gian bị sát hại?

Minh họa 200 triệu kỵ binh: Đầu sư tử, miệng phun lửa, đuôi rắn

Về những kỵ binh 200 triệu thì có nhóm tin rằng đây cũng là tà linh, còn nhóm khác tin đây là quân lực thuộc thể của các cường quốc, đặc biệt từ các vua phương Đông, được phép sát hại 1/3 loài người (9:13-19, 16:12). Họ tin rằng hiện tượng lửa và khói phun ra từ miệng chúng có thể là vũ khí hiện đại mà Giăng thấy trong khải thị mà không hiểu nổi.

Tôi muốn nghiêng về quan điểm đạo quân con người lắm, nhưng không dám chắc. Vì sao các đội quân ác độc này chỉ nhằm giết những người không có dấu ấn bảo vệ của Đức Chúa Trời (9:4) và những người thờ thần tượng (9:20). Chính vì vậy tôi nghĩ chúng không phải là đạo quân thuộc thể, nhưng là thuộc linh.

Còn một khả năng nữa có thể là dịch lệ côn trùng làm cho người ta đau đớn như 9:5, 16:2, hoặc vi khuẩn sát hại nhiều người 9:15.

Ví dụ về con số thiệt mạng trong các dịch lệ, xin đơn cử Dịch Hạch Justinian năm 541 SCN giết 30-50 triệu, Dịch Cái Chết Đen năm 1347 ở Châu Âu giết 200 triệu. Dịch Hạch London tái xuất nhiều lần với chu kỳ 20 năm, mỗi lần giết 20% dân số (1348-1665). Dịch Đậu Mùa giết 90-95% dân da đỏ vùng châu Mỹ La-tinh khi người da trắng theo chân Cô-lôm-bô đến xứ của họ. Người Mê-xi-cô trước đó có 11 triệu người, chỉ còn 1 triệu sống sót. (Nguồn TTTTXVN). Thêm vào đó nạn dịch Cúm Tây Ban Nha, giết 20-40 triệu người cuối thế chiến thứ nhất (Wikipedia cho biết 17-100 triệu bị chết, 500 triệu bị nhiễm, tức 1/4 dân số thế giới bấy giờ). Nạn dịch cúm heo Châu Phi giết nửa triệu người, dịch Ebôla,  dịch Vũ-hán 2020 là những ví dụ đang xảy ra trước mắt thế hệ chúng ta. Với những thống kê như vậy thì loài người bị sát hại 1/3 không phải là những con số không thể tin được.

Sự khá giống nhau của hai sự kiện (9:13-19, 16:12) khiến có người nghĩ đây là một sự kiện được nhìn từ hai phía. Nếu vậy thì nên giải thích thế nào khi lúc đầu con người bị hành hạ 5 tháng mà không chết, còn lần sau thì con người bị giết tới 1/3. Hay là mức độ trừng phạt tăng dần để con người biết sợ và ăn năn.

Một số chi tiết đáng để ý, hình ảnh châu chấu bay ám chỉ một tai họa này có thể tỏa lan khắp nơi. Đoàn kỵ binh nói về tốc độ tấn công chớp nhoáng, vũ bão không thể ngăn chặn được. Giờ, ngày, tháng, năm, nói về tính bất ngờ của các sự kiện này. Các sự mô tả hình dáng, áo giáp, khí cụ khác giúp người đọc nhận thấy tác nhân của các tai họa mang tính chất hung dữ, tàn bạo, không thỏa hiệp. Quyền lực của cả châu chấu và ngựa đều ở miệng và đuôi, ám chỉ cả thực tại của chúng đều khí cụ sát nhân. Chặn đầu này thì nó hại đầu kia. Tuy hung dữ tàn bạo, nhưng chúng có tổ chức và chỉ được làm hại theo khuôn khổ Chúa cho phép.

Tóm lại đội quân châu chấu và đội quân kỵ binh có thể là các tinh binh âm phủ theo biểu tượng, hoặc vi khuẩn, vi trùng, vi-rút theo hiểu biết khoa học.


[1]                Thể loại “tóm lược thuyết”, các nhà giải kinh thấy những điểm giống nhau về bản chất, tuy khác nhau về chi tiết gữa chu kỳ 7 ấn, 7 kèn và 7 chén. Họ cho rằng chu kỳ sau tóm lược chu kỳ trước. Đặc biệt 7 kèn và 7 chén. Xin xem cụ thể trong phần Phụ Lục.

Nếu quý độc giả có bình luận hoặc thắc mắc gì về bài viết trên xin liên hệ với tác giả qua email: ChanlyChanTinh@yahoo.com

(Còn tiếp)

Mục sư: Nguyễn Ngọc Hà

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like