Home Văn Phẩm Đào Tạo Môn Đồ – Chương 2: Đặc điểm của môn đồ

Đào Tạo Môn Đồ – Chương 2: Đặc điểm của môn đồ

by daotaomondo.com
30 đọc

Đào Tạo Môn Đồ
Tác giả: Greg Laurie

Chương Hai
Đặc Điểm của Môn Đồ

Khi chúng thấy sự dạn dĩ của Phi-e-rơ và Giăng, biết rõ rằng ấy là người dốt nát không học, thì đều lấy làm lạ; lại nhận biết hai người từng ở với Đức Chúa Jêsus. (Công vụ 4:13)

Chúng ta ngày nay cần những người bước đi và nói chuyện với Chúa Giê-su, những người trước khi nói một từ nào, bày tỏ ra điều gì đó khác biệt về họ. Chúng ta cần những người mà đời sống tin kính của họ khiến họ được lắng nghe. Ngày nay chúng ta cần những người ở cùng với Chúa Giê-su.

Đó có phải là bạn không? Liệu có ai đó có thể nhìn vào bạn và cách sống của bạn mà nói, “Người đó ở cùng Chúa Giê-su” không? Mọi người có thể nói rằng bạn là người theo Chúa Giê-su qua cách bạn cư xử với người khác không? Qua cách bạn ở cùng gia đình mình? Qua quan điểm sống của bạn?

Ở trong

Như tôi đã chỉ ra ở chương trước, kết quả đầu tiên của người môn đồ là bạn sẽ kết quả. Nhưng như thế nào? Chúng ta tìm thấy câu trả lời trong Giăng 15:4, khi Chúa Giê-su nói rõ ràng rằng chúng ta phải ở trong Ngài: “Hãy cứ ở trong ta, thì ta sẽ ở trong các ngươi. Như nhánh nho, nếu không dính vào gốc nho, thì không tự mình kết quả được, cũng một lẽ ấy, nếu các ngươi chẳng cứ ở trong ta, thì cũng không kết quả được.”

Vậy ở trong có nghĩa là gì? Tương tự như theo Đấng Christ: liên tục bước đi với Ngài như Chúa và bạn của chúng ta. Nhưng còn hơn thế. Ở trong có nghĩa là chúng ta cẵm rễ sâu trong mối quan hệ yêu thương với Chúa Giê-su. Không chỉ là đồng đi và hầu việc Ngài khi mọi thứ dễ dàng, thuận tiện. Khi chúng ta ở trong Đấng Christ, chúng ta giữ mối thông công với Ngài mỗi ngày, bất kể ngoại cảnh và cảm xúc ra sao.

Trong câu này, Chúa Giê-su sử dụng phép ẩn dụ về vườn nho để miêu tả sự quan trọng của ở trong Chúa. Nó khiến chúng ta liên tưởng đến cây cối nhận được sức mạnh từ đất. Nếu chúng ta nhổ cái cây và di chuyển đến khu vực khác, sau đó lại nhổ đi và trồng chỗ khác, có thể chúng ta đang hại cái cây đấy. Và nếu chúng ta lặp lại hành động này thêm vài lần, cái cây chắc chắn sẽ chết. Và đó lại là cách Cơ đốc nhân đang cố gắng sống.

Có những Cơ đốc nhân chưa từng kiên định trong hành trình với Chúa. Họ thường là những người liên tục đáp ứng lời mời tiếp nhận Đấng Christ. Họ cứ lặp lại vòng tròn “kết ước” với Đấng Christ, nhưng nhanh chóng rơi rụng khi đối mặt với áp lực và cám dỗ của thế giới thật.

Ngay sau khi phạm tội với Bát-sê-ba, Đa-vít nói rằng, “Đức Chúa Trời ôi! xin hãy dựng nên trong tôi một lòng trong sạch, và làm cho mới lại trong tôi một thần linh ngay thẳng” ( Thi thiên 51:10). Một thần linh “ngay thẳng” có thể được dịch là thần linh “kiên định.” Vậy để kết quả, chúng ta phải kiên định cắm rễ sâu vào mối quan hệ với Chúa Giê-su và bước đi với Ngài.

Tăng trưởng thuộc linh thật chỉ có thể đến qua sự kỷ luật và bền lòng. Không may thay, chúng ta thường chọn các hoạt động thay vì mối thông công với Chúa. Chúng ta thấy điều này được ghi lại trong Lu-ca 10, khi Ma-thê và Ma-ri mời Chúa Giê-su về nhà họ ăn uống. Ma-thê mất công chuẩn bị một bữa tiệc cho vua, theo đúng nghĩa đen, cô điên cuồng làm việc. Chúng ta thấy Ma-thê “mảng lo về việc vặt,” trong khi Ma-ri thì ngược lại, bỏ lại mối bận tâm nơi thế gian để ngồi dưới chân Chúa và nuốt lấy từng Lời của Ngài. Ma-ri là hình ảnh của người môn đồ hiểu được tầm quan trọng của lắng nghe, trong khi Ma-thê là hình ảnh của Cơ đốc nhân ngày nay.

Trong thế giới hỗn loạn này, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra mình như Ma-thê khi chúng ta thường lựa chọn một hoạt động cụ thể thay vì biệt riêng thời gian với Chúa. Và như Ma-thê, khi chúng ta thất bại trong việc ngồi dưới chân Chúa Giê-su, chúng ta rốt cuộc sẽ cáu giận.

Hiển nhiên Ma-thê có ý tốt; tuy nhiên, cô đã đánh đổi thờ phượng lấy công việc. Có những lúc cũng cần năng nổ hầu việc Chúa, nhưng trước khi chúng ta có thể làm việc hiệu quả cho Ngài, chúng ta cần học cách chờ đợi Ngài trước. Trước khi chúng ta có thể trao đi cho người khác, chúng ta phải nhận lấy cho chính mình. Trước khi chúng ta có thể môn đồ hoá người khác, chúng ta phải học cho chính mình môn đồ hoá nghĩa là gì. Người môn đồ sẽ luôn dành thời gian ngồi xuống nơi chân Chúa Giê-su.

Câu chuyện này có nhiều điểm thú vị hơn khi bạn coi môn đồ là người học, là người đến để được dạy dỗ. Hơn cả một học sinh nghe bài giảng thụ động, câu chuyện kể về người dạy dỗ có trọn vẹn trí hiểu, và người nghe nghiêm túc ăn nuốt từng từ được dạy và khao khát áp dụng điều được học.

Thái độ của người môn đồ thật nên giống với người ở trên chiếc máy bay bị tai nạn. Người đó sẽ lắng nghe cẩn thận mọi hướng dẫn về cách sống sót khi gặp tai nạn, nghe lấy từng từ. Nếu tôi là người đó và phi hành đoàn nói cho tôi cách sử dụng dù, tôi sẽ không thèm để ý đến quyển sách tôi mới mua. Tôi sẽ chú tâm nghe vì mạng sống tôi phụ thuộc vào nó. Đó là cách Ma-ri lắng nghe Chúa Giê-su, và cũng là cách chúng ta nên lắng nghe.

Chúa ưa thích sự hào hứng của chúng ta hơn là khổ lao. Ma-ri đã học được bí mật của sự ở trong, và chúng ta cũng cần phải học điều này – nếu chúng ta muốn thực sự là môn đồ Ngài.

“Hai Người Từng với Đức Chúa Jêsus

Trong sách Công vụ, chúng ta thấy câu chuyện khác về hai môn đồ, Phi-e-rơ và Giăng, người đã dành thời gian ở với Chúa Giê-su và được ảnh hưởng lớn qua mối quan hệ của họ với Ngài. Kết quả là, họ muốn nói cho càng nhiều người hơn về điều này, khiến họ bị bắt và mang tới Toà công luận.

Những lãnh đạo tôn giáo vô cùng ngạc nhiên khi những người vốn là người đánh cá này lại rất hiểu biết Kinh Thánh, và quan trọng là hiểu cả về họ. Họ cho thấy họ hiểu Lời của Đức Chúa Trời hơn cả các thầy dạy luật, những người được huấn luyện bài bản. Sao lại có thể thế được? Công vụ 4:13 mang đến câu trả lời: “Lại nhận biết hai người từng ở với Đức Chúa Jêsus.”

Hai người này từng xuất hiện trong lễ Ngũ tuần, khi quyền năng của Chúa giáng xuống. Tiếng như tiếng gió thổi ào ào đầy khắp nhà, và lưỡi bằng lửa đậu trên mỗi môn đồ khi họ chờ đợi quyền năng từ trên cao.

Lễ Ngũ tuần đã kết thúc, và những lưỡi bằng lửa không còn thấy trên đầu các môn đồ, nhưng chúng được thay thế bằng những tấm lòng rực lửa. Nên Phi-e-rơ và Giăng, với tấm lòng nóng cháy, đi đến đền thờ cầu nguyện một ngày nọ. Lúc đó là ba giờ chiều. Chúng ta không thấy ghi là thiên sứ bảo họ đến đền thờ vì một phép lạ sẽ xảy ra tại đó, chúng ta cũng không thấy một cột lửa đi trước dẫn đường cho họ. Một ngày như mọi ngày. Họ không hề biết Chúa sẽ làm những gì.

Trong sách Công vụ, chúng ta chưa bao giờ đọc về một phép lạ được báo trước. Chúng xảy ra khi Chúa tể trị muốn chúng xảy ra. Phi-e-rơ và Giăng không có dán thông báo quanh thành nói rằng, “Mục vụ phép lạ tại Cổng Đẹp! 3 giờ chiều.” Họ không có mục vụ phép lạ trong sách Công vụ, nhưng họ có mục vụ rao giảng phúc âm và dạy Kinh Thánh. Họ hầu việc Chúa với ân tứ Ngài cho họ, và Chúa tể trị làm phép lạ tại thời gian và địa điểm Ngài muốn.

Khi Phi-e-rơ và Giăng đi đến đền thờ, họ đi qua Cổng Đẹp, nơi một người què ngồi đó xin ăn, có lẽ là ở ngay ngoài đền thờ. Anh ta có thể có bạn bè mang mình ra đó và cố tình đặt anh ta ở chỗ dễ thấy khi người ta ra khỏi chỗ cầu nguyện, vì anh ta hi vọng họ sẽ cho chút tiền bố thí kẻ thiếu thốn. Tôi không biết liệu họ có dừng lại để nhìn anh ta một chút không. Có khi họ bước qua người anh ta trên đường đi.

Đôi khi chúng ta có thể cũng làm như vậy. Có lẽ chúng ta thờ ơ với người xung quanh, hiển nhiên là với nỗi đau họ đang chịu. Phần lớn lại bận việc gì đó, buôn chuyện trên điện thoại, vội đi đây đó. Kết quả là chúng ta bỏ lỡ nhu cầu của mọi người và cơ hội ở ngay dưới chân.

Nhưng trong ngày đó tại Giê-ru-sa-lem, sự siêu nhiên trổi hơn tự nhiên. Chúa quyết định rúng động mọi thứ một chút. Si-môn Phi-e-rơ không hề có đức tin để làm điều ông sắp làm. Chúa cho Phi-e-rơ một lượng đức tin đặc biệt đủ để ông nói với người đàn ông, “Ta chẳng có vàng bạc chi hết, song điều ta có thì ta cho ngươi: nhân danh Đức Chúa Jêsus Christ ở Na-xa-rét, hãy bước đi!” (Công vụ 3:6). Và Phi-e-rơ không chỉ dừng ở đó. Ông đỡ tay và giúp anh ta đứng lên. Đây là một khoảng khắc được ăn cả ngã về không cho Phi-e-rơ. Đây sẽ là một chiến thắng lớn hoặc thảm hoạ kinh khủng. Phi-e-rơ chuẩn bị mất hết như mọi khi.

Một lần, khi ông thấy Chúa Giê-su bước đi trên nước tại biển hồ Ga-li-lê, ông nói, “Lạy Chúa, nếu phải Chúa, xin khiến tôi đi trên mặt nước mà đến cùng Chúa” (Ma-thi-ơ 14:28). Chúa hẳn đã mỉm cười khi Ngài bảo Phi-e-rơ đến. Khi Phi-e-rơ đặt chân ra khỏi thuyền và chầm chậm hạ xuống mặt nước, ngạc nhiên thay, ông đứng được. Ông bước một bước … và một bước khác … và bước khác…. Chúng ta không biết điều gì đã làm Phi-e-rơ mất tập trung, nhưng ông đã rời mắt khỏi Chúa. Có thể ông ngoảnh mặt về phía sau để xem các môn đồ khác đang nhìn mình. Dù gì thì nó đã khiến ông ngã. Ông bất đầu chìm và kêu to, “Chúa ơn, xin cứu lấy tôi!” Nên Chúa Giê-su kéo ông lên.

Và giờ đây, ông chuẩn bị bước một bước khác. Khi ông kéo người què đứng lên, “tức thì bàn chân và mắt cá người trở nên cứng vững; người liền nhảy, đứng lên và bước đi cùng hai người vào đền thờ, vừa đi vừa nhảy, vừa ngợi khen Đức Chúa Trời” (Công vụ 3:7-8). Khi mọi người bắt đầu nhận thấy điều gì đang xảy ra, rằng đó chính là người đàn ông ngồi xin ăn tại Cổng Đẹp, họ bắt đầu xúm lại vây quanh ba người. Chúa cho Phi-e-rơ biết ông cần giảng phúc âm, nên Phi-e-rơ đã có một phần trình bày xuất sắc về Chúa Giê-su là ai.

Tuy nhiên, điều này không làm vừa lòng tất cả những người ở trong đền thờ. Người Sa-đu-sê (những lãnh đạo tôn giáo không tin vào sự sống lại của kẻ chết) gọi lính gác đền bắt Phi-e-rơ và Giăng và tống họ vào tù. Ngày tiếp theo, cả hai bị đưa đến Toà công luận, nơi có An-ne và Cai-phe, những người đã khiến Chúa Giê-su bị đóng đinh. Có lẽ họ kết luận là Chúa Giê-su chết, vấn đề đã được giải quyết. Mỉa mai thay, Phi-e-rơ và Giăng lại ở đây. Họ tưởng họ đã tiêu diệt đức tin Cơ đốc bằng cách giết Chúa Giê-su, nhưng họ không hiểu rằng họ là một phần của kế hoạch và mục đích của Đức Chúa Trời. Chúa Giê-su đang sống trong mỗi một người theo Ngài.

Câu chuyện này, trong nhiều chuyện khác, cho chúng ta thấy cách Đức Chúa Trời có thể sử dụng những con người bình thường theo cách phi thường. Chúng ta cần phải hiểu, tuy nhiên, những phép lạ chúng ta đọc trong sách Công vụ không có xảy ra mỗi ngày. Công vụ được viết trong khoảng thời gian hơn ba mươi năm. Phần lớn thời gian đều giống như của bạn và tôi. Nhưng Cơ đốc nhân này sẽ dậy sớm mỗi ngày và bước đi bằng đức tin, để Chúa dẫn dắt họ. Và với những môn đồ như Phi-e-rơ và Giăng, mọi người biết rằng họ đã ở với Chúa Giê-su.

Bốn Đặc điểm của một Môn đồ Hiệu quả

Bạn có từng ở với Chúa Giê-su? Bốn đặc điểm này làm việc trong cuộc đời môn đồ khiến họ xoay chuyển thế giới.

  1. Một người từng ở với Chúa sẽ dũng cảm chia sẻ về đức tin của mình. Chỉ mấy tháng trước, chính Phi-e-rơ này đã chối Chúa Giê-su và hổ thẹn vì Ngài. Giờ đây ông dường như không sợ hãi, dám lên tiếng như Chúa Giê-su từng làm. Khi bạn dành thời gian với Chúa Giê-su, bạn sẽ trở nên giống Ngài hơn.

Đôi khi những người ở với nhau lâu, họ bắt đầu mang lấy đặc điểm của người kia. Họ có thể kết thúc câu nói của người kia. Vợ tôi và tôi thường nói đùa với nhau rằng hai chúng tôi có cùng bộ não. Khi bạn ở gần ai đó lâu, bạn càng trở nên giống họ.

Mục đích của Chúa cho cuộc đời Cơ đốc nhân là khiến chúng ta mang lấy hình ảnh của Chúa Giê-su. Ngài muốn bạn trở nên càng giống Ngài mỗi ngày. Rô-ma 8:29 chép rằng, “Vì những kẻ Ngài đã biết trước, thì Ngài cũng đã định sẵn để nên giống như hình bóng Con Ngài, hầu cho Con nầy được làm Con cả ở giữa nhiều anh em.”

Cơ đốc nhân không phải danh xưng đến từ những người theo Chúa Giê-su. Đó là cách người ta miêu tả họ bởi nó có nghĩa là, “Họ giống Chúa Giê-su.” Bạn thuộc về nhóm của Chúa Giê-su chứ? Hay bạn hổ thẹn vì bị nhận định với Chúa Giê-su? Các lãnh đạo tôn giáo của thế kỷ thứ nhất nhận ra họ không thể ngăn cản Cơ đốc nhân, vì họ đã ở với Chúa Giê-su. Liệu mọi người có nhận thấy như vậy về bạn?

  • Một người từng ở với Chúa Giê-su sẽ biết Kinh Thánh. Một điều đã khiến Toà công luận chú ý là hiểu biết về Kinh Thánh của Phi-e-rơ. Khi bạn giọng bài giảng của ông (xem Công vụ 3:11-26; 4:6-13), để ý số lần ông trích các đoạn Kinh Thánh. Chúng ta thấy rằng khi bạn ở với Chúa Giê-su, bạn sẽ dành thời gian với Lời của Ngài. Kinh Thánh là quyển tự truyện của Đức Chúa Trời. Sách cho chúng ta biết mọi điều cần biết về Chúa, về cuộc đời, và về chính bạn. Sách cho chúng ta biết cách sống, điều cần làm, và điều không cần làm. Sách bảo chúng ta cách nghĩ, hành động, và đáp ứng. Nếu bạn muốn đến gần hơn với Chúa, bạn phải học Kinh Thánh, vì Chúa Giê-su phán, “Hỡi Đức Chúa Trời, nầy tôi đến. Trong sách có chép về tôi. Tôi đến để làm theo ý muốn Chúa” (Hê-bơ-rơ 10:7).

Bạn có thể đọc những ghi chép hoặc tiểu sử của một số người để hiểu về họ, nhưng Chúa đã cho chúng ta quyển sách của Ngài, Kinh Thánh, để chúng ta có thể học về Ngài.

  • Một người từng ở với Chúa Giê-su sẽ là người cầu nguyện. Sau khi được thả ra và bị yêu cầu không được giảng sứ điệp nữa, Phi-e-rơ và Giăng đến gặp những môn đồ khác. Và họ đã làm gì? Họ có buổi cầu nguyện (xem Công vụ 4:29), giúp họ dạn dĩ hơn.
  • Một người từng ở với Chúa Giê-su sẽ bị bắt bớ. Phi-e-rơ và Giăng bị bắt. Và bởi vì chúng ta ở với Chúa Giê-su, chúng ta sẽ trở nên như Chúa Giê-su và bị đối xử như Ngài đã bị. Nếu mọi người thích bạn, mọi người nghĩ bạn tuyệt vời, nếu bạn không có kẻ thù ở bất cứ đâu, vậy bạn có vấn đề đâu đó. Có lẽ bạn từng nghĩ ngược lại, rằng nếu bạn là Cơ đốc nhân, bạn trở nên ngọt ngào và sáng láng và mọi người nên yêu mến bạn. Cũng đúng. Bạn nên là người yêu thương, ngọt ngào và nhân từ. Nhưng bạn cũng phải là người tin kính, chân thật và công chính. Và nếu vậy, bạn sẽ làm phiền vài người. Bạn có thể biết về người khác qua bạn bè và kẻ thù của họ. Nếu bạn thực sự bước đi với Chúa Giê-su, vậy bạn sẽ phải đối mặt với sự bắt bớ. Và nếu bạn là tín hữu thật, bắt bớ sẽ không làm bạn yếu đi, mà còn làm bạn mạnh mẽ. Nếu bạn không phải tín hữu thật, bạn sẽ đánh mất đức tin non trẻ bạn có.

Lại nữa, đôi khi chúng ta bị bắt bớ vì khó chịu và tự ái không cần thiết. Chúng ta cư xử theo kiểu tự mãn, và dồ dại vô ý, rồi thắc mắc tại sao mọi người không thích chúng ta. Chúng ta an ủi chính mình với suy nghĩ là chúng ta được phước bởi chúng ta bị bắt bớ, trong khi thực ra chúng ta bị bắt bớ bởi cư xử như kẻ dại và vì chúng ta không biết cách yêu thương hay thương xót mọi người. Phúc âm có đủ sự tấn công bám theo rồi. Đừng làm rối thêm nữa. Hãy chia sẻ với tình thương.

Chúa Giê-su nói, “Phước cho những kẻ chịu bắt bớ vì sự công bình, vì nước thiên đàng là của những kẻ ấy!” (Ma-thi-ơ 5:10). Có lẽ sự bắt bớ bạn gặp phải là kết quả của việc bạn bày tỏ Đấng Christ, hay do bạn giống Ngài. Đây mới là lý do đúng đắn cho sự bắt bớ.

Cuộc đời Cơ đốc nhân có những lúc khó khăn. Nhưng nếu, với bạn, chỉ có cảm nhận tốt và mọi thứ diễn ra theo ý bạn, vậy thì bạn không phải người môn đồ. Làm người theo Đấng Christ là cuộc đời vui mừng nhất. Cuộc đời thú vị nhất. Cuộc đời thách thức nhất. Nhưng đó cũng là cuộc đời mà bạn ở dưới quyền ai đó thay vì chính bạn,

Như người lính nhận và mang theo mệnh lệnh từ người chỉ huy, chúng ta phải đáp ứng mệnh lệnh của tổng tư lệnh, Chúa Giê-su. Kinh Thánh nói, “Hãy cùng ta chịu khổ như một người lính giỏi của Đức Chúa Jêsus Christ” (2 Ti-mô-thê 2:3). Người lính đã hứa nguyện phục vụ và bảo vệ đất nước, vì thế họ đáp ứng mệnh lệnh được giao. Họ không tranh cãi với tướng chỉ huy. Tương tự, người môn đồ đã hứa nguyện sẽ hầu việc Chúa Giê-su. Họ cần sẵn sàng đáp ứng với Ngài khi Ngài dẫn dắt họ. Họ làm những gì Ngài bảo. Họ đi đến nơi Ngài bảo họ đi. Họ nói điều Ngài muốn họ nói. Và càng hơn, họ trở nên giống như Ngài cho đến ngày họ được gặp Ngài mặt đối mặt. Vậy nếu bạn không muốn sống như vậy, nếu tất cả phải chỉ về bạn, vậy bạn sẽ không thể trở thành người môn đồ, và bạn sẽ bị bỏ lỡ.

Bạn đã từng ở với Chúa Giê-su chưa? Ngày nay khi bạn liên hệ với mọi người, tôi hi vọng bạn có thể nói về điều bạn có. Tôi hi vọng có một điều mơ hồ nào đó về cách bạn hành động, bạn nói, và cách bạn khiến họ băn khoăn về điều bạn có.

Trong khi tất nhiên có những chỗ mà phúc âm được giảng ra, khi chúng ta có quyền được lắng nghe qua cách chúng ta sống cũng rất tuyệt, khi ai đó nói, “Có điều gì đó đặc biệt về bạn. Có điều gì đó khác biệt về bạn, và tôi muốn biết thêm về điều bạn tin. Xin hãy nói cho tôi.”

Bạn không bao giờ biết cơ hội nào sẽ mở ra cho bạn mỗi ngày. Đó là lý do tại sao Cơ đốc nhân luôn cần sẵn sàng đáp ứng sự dẫn dắt của Chúa, như Phi-e-rơ. Chúng ta được dạy trong Kinh Thánh, “bất luận gặp thời hay không gặp thời” (2 Ti-mô-thê 4:2). Hay bản dịch khác nói rằng , “Hãy chuẩn bị, dù thời điểm phù hợp hay không” (NLT). Xin Chúa giúp chúng ta trở nên như những tín hữu ở thế kỷ thứ nhất và xoay chuyển thế giới trong khi bị bắt bớ, thách thức và cám dỗ. Mong mọi người có thể nói được là chúng ta ở với Chúa Giê-su.

Nguồn: Viện Đào Tạo Môn Đồ Việt Nam (VMI)

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like