Home Giải Đáp Thắc Mắc BÀN LUẬN VỀ SÁCH KHẢI HUYỀN – Phần 3: Bố cục, Thể loại văn chương, Biểu tượng

BÀN LUẬN VỀ SÁCH KHẢI HUYỀN – Phần 3: Bố cục, Thể loại văn chương, Biểu tượng

by Sưu Tầm
30 đọc

Tín hữu:

Theo Mục sư, sách Khải huyền nên được phân chia như thế nào? Con thấy đọc sách này thấy mênh mông quá.

Mục sư:

Bố cục đại cương giúp ta hiểu được nội dung tổng quan của cuốn sách cũng như mục lục vậy[1]. Sau đây là một gợi ý của giáo sư Bob Utley:

-Lời giới thiệu: chương 1

-Thư cho các hội thánh: chương 2-3

-Khuôn cảnh thờ phượng trên Thiên Đàng, giới thiệu Chiên Con: Chương 4-5

-Bảy dấu ấn: Chương 6 -7 (kể cả câu 8:1)

-Bảy chiếc kèn, (kể cả hai Chứng Nhân): Chương 8-11

-Các diễn viên chính: Người Nữ, Con Rồng, hai Con Thú, Chiên Con và nhóm 144.000 người, Chương 12-14

-Bảy chén thịnh nộ cuối cùng: chương 15-16

-Ba-by-lon sụp đổ: chương 17-18 (cho đến 19:5)

-Chúa Tái Lâm: chương 19

-Sự phán xét cuối cùng: chương 20

-Trời Mới, Đất Mới và Giê-ru-salem mới: chương 21 đến 22:5

-Phần kết: chương 22:6-21

Tín hữu:

Nhìn và bố cục đại cương thấy dễ hiểu, nhưng về chi tiết thì sao? Con thấy càng đọc càng bối rối.

Mục sư:

Con đã bao giờ tìm cách giải thích bộ phim “Chúa Tể của những chiếc Nhẫn” chưa? Khó lắm. Mình không thể giải thích văn vần theo thể văn xuôi, không thể giải thích văn học viễn tưởng theo thể phóng sự được.

Sách Khải Huyền được viết theo thể văn chương Khải Huyền, một thể loại văn chương phổ biến trong những thế kỷ cận kế (trước và sau) Công Nguyên. Có những sách trong Kinh Thánh cùng thể loại là Đa-niên, Xa-cha-ri, Giô-ên v.v. Thể loại văn chương Khải Huyền được đặc trưng bởi sự tham gia của các thiên sứ, với khung cảnh hùng vĩ của màu sắc, âm nhạc, âm thanh, thú vật, tinh tú vũ trụ, tranh chiến và sự kiện. Đặc biệt có rất nhiều các biểu tượng mà độc giả thời đó hiểu dễ dàng, còn chúng ta dễ bị lầm lẫn. Văn chương Khải huyền không được viết theo trình tự thời gian, nhưng theo trình tự của khải thị, sự gia tăng của kịch tính, dẫn đến cao điểm của chủ đề theo ý của tác giả. Để minh họa về một tác phẩm không theo thứ tự thời gian là một bộ phim có những đoạn hồi-tưởng và viễn-tưởng, trong kịch bản có màn chính và màn phụ, (còn gọi là màn chen)… Nếu ai coi phim này theo ý nghĩa thứ tự thời gian, sẽ lắc đầu chê bai, nhưng những ai coi với cách nhìn tổng quan, sẽ thấy điều hợp lý của tác phẩm và tinh tú của đạo diễn. Sách Khải huyền có thể được coi như một kịch bản 7 màn, mỗi màn có 7 cảnh, giữa các màn hoặc cảnh có màn chen (hay màn phụ). Xin xem sơ đồ bố cục theo bảng trong phần Phụ lục:

Sách Khải Huyền cần phải được đọc với khuôn khổ ý nghĩ không theo trình tự thời gian, nhưng trình tự khải thị và cần phải để ý tới có nhiều ẩn ý trong biểu tượng.

Tín hữu:

Nghe nói các con số trong Khải huyền đều là biểu tượng, có ý nghĩa tượng trưng.

Mục sư:

 Đúng vậy. Sau đây là một số ví dụ về con số biểu tượng

-Số hai tượng trưng cho đôi cặp (tương đồng). Trong tạo hóa hai con đực cái, đôi nam nữ…. Trong Khải Huyền có hai Chứng Nhân (chương 11), hai Con Thú (chương 13), Trời mới Đất mới (chương 21), hai Giao Ước (Cựu và Tân Ưóc), hai bờ sông, hai cây sự sống, …

-Số ba tượng trưng cho Ba Ngôi Chân Thần (Đức Chúa Trời), hoặc ba ngôi giả (Con Rồng và Hai Con Thú). Ba tà linh là ba con ếch từ 16:13)

-Số bốn tượng trưng cho Tạo Hóa: bốn phương, bốn góc, bốn sinh vật, bốn mùa – (nói chung về môi trường sinh sống của con người, trần thế…), bốn Phúc Âm, bốn ngựa… bốn thiên sứ giữ gió

-Số năm là biểu tượng của ân điển. Điều này khó thấy ngay, nhưng trong Giă 1:16,17 có câu … “tất cả chúng ta đều nhận được ân điển càng thêm ân điển… Vì luật pháp đã được ban bố bởi Môi-se, (Chúng ta biết được Mô-sê có năm sách, ) …ân điển và chân lý thì đến từ Đức Chúa Jêsus Christ”. Ba chữ ân điển trong một đoạn văn ngắn là cách nói nhấn mạnh. Ý nghiã ân điển được thể hiện qua năm Hân Hỷ (Jubilee) theo chu kỳ 50 năm, trong đó nô lệ được trả tự do. Mặt khác, qua câu chuyện năm phù dâu khôn và 5 phù dâu dại, hay 5 ta-lăng thành 10 ta-lăng, chúng ta thấy số năm là nửa số mười, cũng như 3,5 là một nửa của số bảy.. Số năm cũng là biểu tượng của Israel, như trong câu chuyện Chúa hóa bán cho 5 ngàn người ăn bên này biển Ga-li-lê, là người Do-thái, số bánh còn sót lại là 12 rổ, ám chỉ 12  gia tộc con Gia-cốp. So với 4 ngàn người được ăn ở “bờ bên kia”[2] là người ngoại, số bánh còn sót lại là 7 rổ, ám chỉ các dân tộc Ca-na-an, cũng tượng trưng cho dân ngoại bang. (Ma-thiơ 14:20,21, 16:37,38)

-Số sáu tượng trưng cho sự khiếm toàn, vì số bảy tượng trương cho sự toàn hảo. Số sáu cũng tượng trưng cho con người, vì con người được dựng nên trong ngày thứ sáu. Khi Chúa dựng nên A-đam, “Ngài phán Con người ở một mình không tốt…” nên Ngài dựng thêm người nữ (Sáng Thế Ký 2:18-22) Điều này, cộng với khái niệm tội lỗi trong con mắt độc giả nguyên thủy, khẳng định sự khiếm toàn của con người (xem Rô-ma 3:12 đặc biệt 3:23 “hết thảy mọi người đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời). Số sáu-sáu-sáu trong 13:18 có thể được giải thích là ‘khiếm toàn’ – ‘khiếm toàn’ – ‘khiếm toàn’, hoặc: “con người’ – ‘con người’ – ‘con người’ với sự nhấn mạnh về mức độ tối hậu. Theo cách hiểu ngày nay, chúng ta thấy dường như 666 tượng trưng cho ‘nhân bản chủ nghĩa’ cấp số ba. Mặc dù chữ Hy-lạp, La-Tinh, Hê-bơ-rơ có giá trị con số, tên của hoàng đế Nê-rô có giá trị tổng cộng là 666. Tương tự tên của Hít-le, Mô-ha-met. Hay có người chỉ ra chữ www của internet cũng có giá trị 666 (một cách sai lầm 6+6+6=18, thay vì 600+60+6). An toàn hơn nếu chúng ta chấp nhận số sáu là biểu tượng của ‘nhân bản’, của ‘khiếm toàn’, của ‘tội lỗi’.

-Số bảy tượng trưng cho sự toàn hảo, (bảy màu cầu vồng, bảy nốt nhạc, tuần bảy ngày), không thể kém hơn hoặc không thể nhiều hơn.  Ví dụ bảy cơn thịnh nộ tượng trưng cho cơn thịnh nộ tối đa của Đức Chúa Trời giáng trên thế gian vô tín. Khải huyền có ít nhất 21 số bảy trực tiếp: 7 hội thánh, 7 thần linh, 7 ngôi sao, 7 tiếng sấm, 7 đầu, 7 ngọn đồi v.v…

-Số mười tượng trưng cho sự tổng số, (tương tự như số bảy), ví dụ như 10 Điều Răn, 10 tai họa ở Ai-cập, 10 người nữ rước chờ chú rể (Ma-thi-ơ 25), mười thế hệ A-đam tới Nô-ê, và Nô-ê tới Áp-ra-ham.

– Số mười hai, tượng trưng cho dân tuyển, Cựu-ước gồm 12 con trai của Gia-cốp, Tân-ước gồm 12 sứ đồ. Mặc dầu số 12 tượng trưng cho 12 con giáp, các con giáp không được nhắc đến trong Kinh Thánh, thêm vào đó con số mười hai trong Kinh Thánh mang ý nghĩa tích cực hơn. Thành Giê-rus-sa-lem mới, có ‘chiều dài’ = ‘chiều rộng’=’chiều cao’ = 12 ngàn ‘Ếch-ta-đơ’, chiều dày 12×12 cu-bít. Có 12 nền và 12 cổng (Khải Huyền 21:12, 16, 17) , Cây Sự Sống có 12 loại trái (22:2) Nhiều nhà giải kinh cho rằng con số người biệt thánh 144.000 người (7:4 14:1-5) là 12×12 ngàn. Con số ”ngàn” cũng là sự nhấn mạnh sự nhiều lắm, sự vô số bởi vì 1000 = 10x10x10, tương đương với cách nói người việt: hàng ngàn, hàng vạn, ngàn ngàn, vạn vạn, tỷ, tỷ…

-Số hai mươi bốn (Khải Huyền 4:4): 24 vị trưởng lão. Có thể 12 từ Cựu-ước + 12 từ Tân-ước

-Số bốn mươi hai ( Khải Huyền 11:2, 13:5), giai đoạn Con Thú bắt bớ Hội Thánh và Tín Đồ. Xét về ý nghĩa số 6 tượng trưng cho con người và số 7 tượng trưng tổng số tối đa, chúng ta thấy 6×7=42 là thời gian Đức Chúa Trời cho phép sự khiếm toàn, chủ nghĩa nhân bản, hay tội lỗi  hoành hành và chống đối, bắt bớ đạo Chúa.

-42 tháng cũng tương đương với 3 năm rưỡi, hay 1260 ngày. Vì sao tác giả dùng nhiều dạng khác nhau của đơn vị thời gian? Đây là cấu trúc văn chương cân đối ‘Chiastic’[3] A-B-C-C-B-A, trong đó:

A = 42 tháng (Khải Huyền 11:2)

                                    B= 1260 ngày  (Khải Huyền 11:3)

                                                C= 3,5 ngày (Khải Huyền 11:9 mỗi ngày tượng trưng cho 1 năm)

                                                C= 3,5 ngày (Khải Huyền 11:11)

                                    B=1260 ngày (Khải Huyền 12:6)

A= 42 tháng (Khải Huyền 13:5)

42 tháng là biểu tượng của thời gian cho phép dân ngoại chà đạp Thành Thánh (Khải Huyền 11:2), Con Chú được phép lộng ngôn (13:6 ), cũng là thời gian Người Nữ bị Sa-tan bắt bớ (12:6). Dân ngoại tượng trưng cho thế gian vô tin, Thành Thánh tượng trưng cho dân tuyển. Xem thêm Đa-ni-ên 7:25, 8:14, 12:7,

Một lần nưã xin gợi nhớ cách nhấn mạnh của người Israel là nhắc lại một thuật ngữ 2 lần hoặc 3 lần… ví dụ Chúa Giê-su nói “bảy mươi lần bảy”  (7x7x10 Ma-thiơ 18:22), “quả thật, quả thật” (2 lần, Giă 10:1,7)), “đất, đất, đất” (3 lần Giê 22:29), “thánh thay, thánh thay, thánh thay” (3 lần, Kh 4:8, Ês 6:3), “khốn thay, khốn thay, khốn thay”  (2 lần KH 18:10, 19, hoặc 3 lần 8:13). Chính vì lẽ đó mà chúng ta nên để ý tới con số 12×12, 10x10x10, 666, 777 (7 ấn, 7 kèn, 7 chén).

Một số biểu tượng khác cần được xác định trước khi đọc Khải Huyền:

Tiếng sấm ám chỉ tới lời phán của Đức Chúa Trời

Cầu vồng tượng trưng cho dung nhan, vinh quang của Chúa (Khải huyền), sự thành tín (Sáng thế)

Con thú: biểu tượng một đế quốc, như Sy-ria, Ba-by-lon, Hy-lạp, La-mã (Đa-niên 7, 8)

Đầu thú là vương quốc trong đế quốc: như Medi và Persia của đế quốc Ba-tư, (Đa-ni-ên 7,8)

Sừng: vua, chúa, lãnh tụ, quyền bính. Khái niệm đầu và sừng có thể tương đồng, có thể khác biệt.

Núi: đỉnh cao của lãnh thổ, thủ đô

Dâm phụ: thờ thần tượng, bội đạo.

Trên đây là ví dụ về biểu tượng trực tiếp xuất hiện trong sách Khải Huyền. Biết được ý nghĩa chúng ta có thể đoán hiểu phần nào đó dụng ý của tác giả và sự tiếp nhận của độc giả nguyên thủy. Tuy nhiên chúng ta không nên quá cứng nhắc về giả thiết mình tin là đúng, để nhường chỗ cho sự giáo dục của Chúa Thánh Linh. Muốn tránh sai lầm khi giải kinh theo biểu tượng, độc giả phải xem xét các ứng dụng khác dùng trong Kinh Thánh, và ngữ cảnh trực tiếp của câu văn, phân đoạn chứa đựng biểu tượng. Ví dụ trong Sáng Thế Ký 1:19 Chúa dựng nên mặt Trời, Mặt Trăng, và các Vì Sao trong vòng 1 ngày chứ không phải 1 tỷ năm, bởi ngữ cảnh cho biết “Có buổi sáng và buổi tối, đó là ngày thứ tư”. Trong Giô-suê 24:31 “trong những ngày của Giô-suê, I-sơ-ra-ên phụng sự Đức Chúa Trời”, chữ ngày ở đây mang số nhiều ám chỉ thời gian Giô-suê lãnh đạo, chứ không phải vài ngày 24 giờ. Trường hợp thứ nhất là nghĩa đen, trường hợp thứ hai là biểu tượng và ngữ cảnh quyết định điều đúng sai.

Còn một điểm rất đặc thù và phổ biến trong Khải Huyền là tác giả không “trích dẫn” (quote)[4] Cựu Ước một cách chính xác, nhưng chỉ “liên tưởng” (allusion) tới hình ảnh sự kiện trong Cựu Ước. Nhiều lắm. Có người chỉ ra 348 điều liên tưởng từ Cựu Ước. Trung bình 16 điều liên tưởng cho mỗi chương. Từ đó suy ra 2 điều: (1) người đọc biết Cựu Ước mới hiểu sâu nhiệm Khải Huyền, (2) cùng một hình ảnh, trong Cựu Ước có thể là sự kiện lịch sử, người thực việc thực, còn trong Khải Huyền có thể là biểu tượng, dùng hình ảnh trong Cựu Ước để giải thích những điều khó giải thích trong Khải Huyền. Nói nôm na, sự liên tưởng Cựu Ước có nghĩa là “nó giống như vậy, nhưng không chính xác như vậy…”. Ví dụ châu chấu trong Exodus, và châu chấu trong chương 9 của Khải huyền. Chúng giống nhau ở điểm hàng đàn, ngàn ngàn vạn vạn con, không gì ngăn cản được, nhưng khác nhau là thời Mô-sê châu chấu chỉ phá hoại cây cối, thời Giăng viết Khải Huyền châu chấu chỉ cắn người.

Nếu quý độc giả có bình luận hoặc thắc mắc gì về bài viết trên xin liên hệ với tác giả qua email: ChanlyChanTinh@yahoo.com


[1]                Xin xem các bố cục theo biểu đồ õ ràng hơn trong phần mục lục

[2]                Trong  các sách Phúc Âm, khi Chúa xuống thuyền đi sang “bờ bên kia” chúng ta biết được Chúa đi sang vùng dân ngoại sống. “Bờ bên kia” là thành ngữ của dân Do-thái nói về vùng dân ngoại bên Biển Ga-li-lê.

[3] Cấu trúc Chiastic (A-B-C-C-B-A) được minh họa như bánh mỳ sandwich: ở hai bên ngoài là bánh mỳ (A-A), tiếp bên trong là lớp bơ , hoặc rau (B-B), ở giữa là thịt (C-C). Phần giá trị nhất là thịt ở giưã.

[4]                – Direct quote, “Trích dẫn”, ví dụ Mat 1:22-23 là ứng nghiệm của Esai :14. – một cách chính xác. Điển hình thường gặp trong Ma-thi-ơ.

 -Allusion: “Liên tưởng”,ví dụ cuốn sách nhỏ trong Khải huyền  10:9-10 liên tưởng Ê-xê-chiên 2:8-3:3, ám chỉ rằng Giăng ăn cuốn sách nhỏ cũng giống như Ê-xê-chiên vậy. Nhưng đây là hai sách khác nhau, sách Giăng ăn trở nên đắng, còn sách Ê-xê-chiên ăn trở nên ngọt. Ý giống nhau là Họ ăn Lời Chúa để nói tiên tri.

Mục sư: Nguyễn Ngọc Hà

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like