Home Chuyên Đề BÀN LUẬN VỀ SÁCH KHẢI HUYỀN – Phần 2: Tác Giả, Độc Giả Nguyên Thủy, Thời Điểm Viết Sách

BÀN LUẬN VỀ SÁCH KHẢI HUYỀN – Phần 2: Tác Giả, Độc Giả Nguyên Thủy, Thời Điểm Viết Sách

by Sưu Tầm
30 đọc

Tín Hữu:

Thưa mục sư. Xin Mục Sư cho phép xưng con cho thân mật, vì mục sư cũng bằng tuổi ba con.

Chưa bao giờ trong cuộc đời con thấy thế giới bị đảo lộn như vậy. Chiến tranh, thiên tai, đói khát, dịch lệ… đặc biệt là dịch lệ với tốc độ lây lan rộng và nhanh như vậy. Không biết đây có phải thời tận thế hay không? Kinh Thánh có nói gì về giai đoạn này hay không?

Mục sư:

Kinh Thánh có nói, qua các tiên tri thời Cựu Ước xa xôi, qua tiên tri của Chúa Giê-su trong sách Phúc âm, qua các sứ đồ và đặc biệt qua sách Khải Huyền.,

Tín Hữu:

Con có đọc qua Khải Huyền. Vì sao cuốn sách cuối cùng của Kinh Thánh có tên là Khải Huyền? Sao không đặt tên là sách Tận Thế để đối diện với cuốn đầu tiên là Sáng Thế?

Mục Sư:

Ngay trong dòng đầu tiên có câu “Sự mặc khải của Đức Chúa Jêsus Christ”. (1:1) Mặc dầu sách có nói về sự Tận Thế và Tái lâm – đặc biệt trong câu cận cuối: “Phải, Ta đến mau chóng, A-men. Lạy Chúa là Đức Chúa Jêsus, xin hãy đến!”(22:20) – chủ đề chính của cuốn sách vẫn là sự bày tỏ của Chúa Giê-su. Chúa Giê-su bày tỏ chính mình cho Giăng trong khải thị trên đảo Pát-mô (1:9), Chúa Giê-su bày tỏ chính mình trên Ngai của Đức Chúa Trời trong Thiên Đàng (5:6), Chúa Giê-su bày tỏ chính mình trong chiến trận với tư cách là Vua trên muôn vua, Chúa trên muôn Chúa (19:11-16), và Chúa Giê-su bày tỏ chính mình khi Tái Lâm (22:12). Trong khi các vị tu hành khoe Đức Phật có trước Chúa Giê-su, Chúa Giê-su khẳng định “Chúa là Đức Chúa Trời, ĐẤNG HIỆN CÓ, ĐÃ CÓ VÀ ĐANG ĐẾN, là Đấng Toàn Năng phán rằng: “Ta là An-pha và Ô-mê-ga.”” (1:8) và “Ta là Đấng Đầu Tiên và là Đấng Cuối Cùng, là Đấng Sống; Ta đã chết, hiện nay Ta sống đời đời, cầm chìa khóa của Sự chết và Âm phủ.” (1:17-18). (chữ An-pha và chữ Ô-mê-ga là chữ đầu tiên và chữ cuối cùng trong tiếng Hy-lạp , ám chỉ không những Chúa có trước Đức Phật, nhưng còn có trước tổ tiên loài người, trước mọi tạo hóa, (theo thần học gọi là sự Tiền Tại). Sách không đặt tên là Tận Thế, vì mặc dầu có nói về chung kết, nhưng đó không phải là chủ đề duy nhất hay chủ đề chính. Mặc khải Chúa Hằng Hữu, Toàn Quyền Tể Trị, Đắc Thắng mới là chủ đề chính của cuốn sách cuối cùng này.

Tín Hữu:

Ai là tác giả của cuốn sách và ông viết sách này cho ai? Hoàn cảnh của họ như thế nào trong bối cảnh lịch sử, và dụng ý bài viết của tác giả là gì vậy?

Mục sư:

Con chắc còn nhớ chuyện Chí Phèo. Độc giả ngày nay lý thú đọc chi tiết lãng mạn giữa một đôi trai gái ngoài lề xã hội, nhưng không thể hiểu được thâm thúy ý nghĩa câu chuyện, nếu không xét về bối cảnh Chí Phèo sống thời địa chủ, cũng như dụng ý của tác giả nói lên sự bế tắc của ngưòi nông dân.

Cũng vậy để hiểu biết sách Khải huyền chúng ta cần phải xét đến tác giả, độc giả nguyên thủy, hoàn cảnh cuộc sống thời đó và dụng ý tác giả qua cuốn sách. Đó là những điều con cần hỏi khi để tâm nghiên cứu một cuốn sách.

Tác Giả không ai khác là Sứ Đồ Giăng (1:1,4,9 và 22:8), người đã chứng kiến Chúa Giê-su thi hành chức vụ trên trần gian,  bị hành quyết và sống lại. Ông là người duy nhất trong 12 Sứ Đồ còn sống sót đến cuối thế kỷ thứ nhất. Độc giả nguyên thủy là các tín hữu trong 7 hội thánh vùng Tiểu Á, Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. Các điạ phương này là những trung tâm thương mại, quân sự, văn hóa, tín ngưỡng, bởi nó nằm trên trục đường giao thông Âu-Á. Sứ điệp cho các hội thánh này sẽ đi theo những người lữ hành tới khắp miền của thế giới văn minh bấy giờ. Khi đó đạo Chúa bị bắt bớ bởi những người theo đạo Do-thái giáo, bởi những người ngoại theo tôn giáo địa phương, bởi chính quyền La-mã và đạo thờ Hoàng Đế. Bản thân Giăng bị bắt đi đày trên đảo Pát-mô. Các tín hữu trong sự bắt bớ cảm thấy lo sợ, thất vọng, nản chí và tự hỏi khi nào Chúa sẽ đến và minh chứng, bênh vực cho mình. Trong hoàn cảnh như vậy Chúa Giê-su hiện ra cho Giăng và qua các thư của Giăng khích lệ các hội thánh sơ khởi.

Thời gian viết: Trong thời Hoàng đế Đô-mi-xi-an, (Domitian) 81-96 S.C.N với bối cảnh bắt bớ đạo Chúa đang gia tăng tới mức độ cao điểm. Đô-mi-xi-an hùng cường, nhưng cuối đời trở nên tàn bạo đối với đạo Chúa, tương tự như Nê-rô (37-68) là người đã đốt  thành Rô-ma và đổ lỗi cho cơ đốc nhân để lấy cớ bắt bớ, trong số người tử đạo có Phao-lô và Phi-ê-rơ. Các tín hữu thời đó cho rằng Đô-mi-xi-an là Nê-rô sống lại. (3 hoàng đế ngắn hạn trước đó cũng tự cho mình là Nê-rô sống lại). Tuy nhiên Giăng viết Khải Huyền sau thời Nê-rô, nên chỉ sử dụng hình ảnh Nê-rô để minh họa một nhân vật tương tự sẽ đến. Đô-mi-xi-an là hoàng đế đầu tiên tự phong mình các danh hiệu phạm thượng như: “Chúa Đức Chúa Trời” và bắt quần thần tung hô “Chúa Trần Gian”, “Bất Khả Chiến Bại”, “Đấng Vinh Hiển” “Đấng Thánh” và “Hỡi Ngài Độc Nhất Vô Nhị” … . Đây là những điều mà tín đồ không thể chấp nhận và vì đó mà họ bị bắt bớ khốc liệt. Để hiểu thêm về bối cảnh lịch sử con nên đọc tìm hiểu các hoàng đế La-mã (theo Wikipedia: Roman Caesars ). Phần 11 trong buổi bàn luận này cũng sẽ bàn về “năm vua đã đổ, một vua đang trị, một vua sẽ tới và vua thứ tám” (17:10-11) góp phần xác định được thời điểm Khải Huyền được viết.[1]

Độc giả nguyên thủy tất nhiên là Cơ đốc nhân thế kỷ thứ nhất. Độc giả tiếp theo là cơ đốc nhân suốt 20 thế kỷ qua, ai cũng nghĩ là mình ở trong thời tận thế. Độc giả cuối cùng là chúng ta đây, có đầy đủ thông tin về lịch sử nhân loại, Hội Thánh và nền tảng thần học để giải thích những điều có thể ứng nghiệm trong Khải Huyền.

Nhiều người không nhìn Khải Huyền qua ống kính lịch sử, nhưng qua biểu tượng nói về tình trạng chuyển giao giưã thời điểm Chúa phục sinh và thời điểm Chúa tái lâm. Thuật ngữ thần học về tình trạng này là kỷ nguyên xung khắc (age of tenssion) giữa Nước Trời và Thế Gian; trạng thái chồng chéo giữa công chính và tội lỗi; cuộc tranh chiến giữa tâm linh và xác thịt trong con người. Nước Trời đã đến, nhưng chưa hoàn tất, (Aldready here, yet not consummated). Trong kỷ nguyên này, Hội Thánh bị bắt bớ (như con của Ha-gai bắt bớ con của Sa-rai), Hội Thánh  cần phải trung tín, đặt trọng tâm thờ phượng Chúa làm ưu tiên, Chúa toàn quyền tể trị và cuối cùng Chúa sẽ trừng phạt kẻ ác và bênh vực Hội Thánh.

Dù giải kinh theo nghĩa trắng đen hay nghĩa bóng, sách Khải Huyền cho nhắc nhở tín hữu một chân lý: Thế gian thù ghét đạo Chúa, bắt bớ con cái Chúa là điều dĩ nhiên, nhưng Chúa là Đấng Tể Trị, Khải Hoàn và trong Ngài những người trung tín sẽ được bênh vực và đắc thắng. Điều này được thấy trong phần kết của các thư cho hội thánh (2:7, 10, 17, 26; 3:5,12,21), đặc biệt trong câu Kinh Thánh được chọn làm câu gốc của Khải Huyền, “Chúng sẽ giao chiến với Chiên Con và Chiên Con sẽ chiến thắng chúng, vì Chiên Con là Vua của các vua, Chúa của các chúa; và những người ở với Ngài, tức là những người được kêu gọi, được tuyển chọn và trung tín, cũng sẽ chiến thắng.” (17:14)Nó cũng thích hợp với câu của Chúa Giê-su trong Giă 16:33 “ Các ngươi sẽ bị hoạn nạn trong thế gian, nhưng hãy vững lòng, Ta đã thắng thế gian rồi”

Vì đây là cuốn sách cuối cùng nên nó cũng là phần kết luận của cả Kinh thánh. Như Sáng thế Ký giải thích sự bắt đầu, thì Khải Huyền giải thích sự kết thúc tất cả những gì liên quan đến nhân loại. Sự chung kết không phải là ai sẽ thay thế hoàng đế La mã đương thời, nhưng là sự kiện Chúa Tái Lâm và cõi đời đời.

Nếu quý độc giả có bình luận hoặc thắc mắc gì về bài viết trên xin liên hệ với tác giả qua email: ChanLyChanTinh@yahoo.com


[1]  Về 3 hoàng đế Nê-rô, Đô-mi-xi-an và Tra-jan xin tham khảo:

https://vietchristian.com/kinhthanh/reader.asp?pid=,src=/kinhthanh/tklk/tklk.xml,name=Chuong,enc=2,nl=0,id=82,max=114

(Còn tiếp)

Mục sư: Nguyễn Ngọc Hà

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like