Home Dưỡng Linh Nhận Diện Chính Mình – Phần 4: Nhận Diện Của Chúng Ta Là Con Cái Đức Chúa Trời

Nhận Diện Chính Mình – Phần 4: Nhận Diện Của Chúng Ta Là Con Cái Đức Chúa Trời

by AdrianChua
30 đọc

1 Giăng 3:1 – “Hãy xem Đức Chúa Cha đã tỏ cho chúng ta sự yêu thương dường nào, mà cho chúng ta được xưng là con cái Đức Chúa Trời; và chúng ta thật là con cái Ngài. Ấy là vì đó mà thế gian chẳng biết chúng ta, vì họ chẳng từng biết Ngài.”

Đức Chúa Trời không chỉ tha thứ tội lỗi của chúng ta mà còn cho chúng ta mặc lấy sự công bình trọn vẹn của Chúa Giê-xu, Ngài cũng đã nhận chúng ta làm con nuôi trong gia đình của Ngài. Trong thực tế, vì yêu, Ngài đã định trước kế hoạch này ngay từ đầu.

Ê-phê-sô 1:4-5 – “Trước khi sáng thế, Ngài đã chọn chúng ta trong Đấng Christ, đặng làm nên thánh không chỗ trách được trước mặt Đức Chúa Trời, bởi sự thương yêu của Ngài đã định trước cho chúng ta được trở nên con nuôi của Ngài bởi Đức Chúa Giê-xu Christ, theo ý tốt của Ngài”

Việc được xưng công bình bảo đảm mối quan hệ pháp lý của chúng ta với Đức Chúa Trời khi Ngài là một thẩm phán. Trong sự được xưng công bình , Đức Chúa Trời tuyên bố rằng chúng ta là công bình trong Chúa Giê-xu. Việc được nhận làm con nuôi  bảo đảm mối quan hệ của chúng ta với Đức Chúa Trời như một người cha. Thông qua việc nhận chúng ta làm con nuôi, Đức Chúa Trời khiến chúng ta trở nên con cái của Ngài và điều đó cũng khiến Ngài phải chịu trách nhiệm một cách cá nhân về mặt phúc lợi, trên mọi khía cạnh của đời sống chúng ta.

A-ba! Cha!

Ga-la-ti 4:6 – “Lại vì anh em là con, nên Đức Chúa Trời đã sai Thánh Linh của Con Ngài vào lòng chúng ta, kêu rằng: A-ba! Cha!”

Ro-ma 8:15 – “Thật anh em đã chẳng nhận lấy thần trí của tôi mọi đặng còn ở trong sự sợ hãi; nhưng đã nhận lấy thần trí của sự làm con nuôi, và nhờ đó chúng ta kêu rằng: A-ba! Cha!”

‘A-ba’ là một từ trong tiếng A-ram, một cách gọi thân mật trong gia đình, được sử dụng chủ yếu bởi trẻ em Do Thái khi gọi cha của chúng. Nó ngụ ý một sự phụ thuộc giống như con trẻ và cũng là một sự kỳ vọng rằng A-ba sẽ đáp ứng mọi nhu cầu của chúng. Đây cũng là biểu hiện tương tự khi Chúa Giê-xu cầu nguyện với Cha Ngài trong Vườn Ghết-sê-ma-nê.

Làm thế nào mà Đấng Tạo Hóa của muôn loài vạn vật, Đấng cai trị toàn cõi vũ trụ, một Đức Chúa Trời toàn năng, hằng hữu và tuyệt vời như vậy lại có mối quan hệ gần gũi cách cá nhân như một người Cha với chúng ta? Đó là bởi vì chúng ta ở trong Chúa Giê-xu, chúng ta được hiệp một với Ngài. Chúa Giê-xu là con của Đức Chúa Trời; và bởi vì chúng ta ở trong Con, nên chúng ta cũng trở nên con trai và con gái của Đức Chúa Trời.

Không một tôn giáo nào trong lịch sử thế giới mà từng có một vị thần được gọi bằng những lời lẽ thân mật như vậy. Nói cách khác, tất cả các tôn giáo khác đều “không có cha”. Ngay cả dân Y-sơ-ra-ên trong Cựu Ước, bao gồm Áp-ra-ham, Môi-se, Nô-ê, Đa-vít, Ê-li-sê, những người này đã thờ phượng một Đức Chúa Trời chân thật, cũng không có được đặc ân để bước vào một mối quan hệ mật thiết như chúng ta họ không thể gọi Đức Chúa Trời là Cha.

Giờ đây, thông qua sự hiệp nhất của chúng ta với Chúa Giê-xu, chúng ta có thể đến với Ngài trong đức tin con trẻ giống như những đứa trẻ Do Thái đang kêu lên “A-ba, Cha!” để bày tỏ sự phụ thuộc của chúng ta vào Ngài, và tin chắc rằng Ngài nghe chúng ta và sẽ đáp lại lời cầu nguyện của chúng ta theo như sự khôn ngoan và tình yêu vô hạn của Ngài.

Những trở ngại để đến với Đức Chúa Trời như một người cha yêu thương

Thật không may, nhiều người trong chúng ta lớn lên mà không có cha bên cạnh hoặc với những người cha vô trách nhiệm và điều này đã làm hỏng hình ảnh của Cha Thiên Thượng chúng ta, khiến chúng ta khó có thể hình dung Ngài như một người cha yêu thương và nhân từ. Thực tế là ngay cả những người cha tốt nhất trên đất cũng thua xa sự hoàn hảo vô lượng vô biên của Cha trên trời.

Một trở ngại lớn khác là ý thức của chúng ta về sự yếu đuối và tội lỗi của mình. Nếu thành thật, chúng ta sẽ nhận thấy rằng chúng ta càng tăng trưởng về mặt thuộc linh bao nhiêu, thì chúng ta càng nhìn thấy nhiều tội lỗi trong chính bản thân mình bấy nhiêu. Và bởi vì bản chất chúng ta có xu hướng chú trọng vào thành tích, chúng ta dễ cảm thấy cơn giận của Đức Chúa Trời hơn là nhìn thấy sự yêu thương, quan phòng của một người cha. Một cảm giác sai lầm về nhân thân của mình kiến ta hành động như một “con người bị chèn ép” thay vì là một “con người sống, động và tự do”. Chúng ta cảm thấy rằng phải luôn chứng tỏ mình là người được chấp nhận, ngay cả với Chúa, Đấng đã hứa yêu chúng ta vô điều kiện. Chúng ta thường quên rằng mối quan hệ của chúng ta với Chúa không còn dựa trên những gì chúng ta làm nữa, mà là dựa trên con người chúng ta.

Chúng ta cần dừng lại việc chấp nhận những gì người khác đã nói về chúng ta hoặc dán mác cho chúng ta. Con người chúng ta được định nghĩa bởi duy Chúa và chỉ Chúa, chứ không phải bởi ý kiến ​​của người khác. Vấn đề là, nếu chúng ta không biết mình là ai hoặc vẫn không chắc chắn được về việc chúng ta là ai trong Chúa Giê-xu, chúng ta sẽ dễ bị người khác định nghĩa về bản thân mình. Nhận định chính xác “nhân thân” của mình là điều cần thiết để có một đời sống dư dật

Lu-ca 2:42, 49 -50 – “Khi Ngài lên mười hai tuổi, theo lệ thường ngày lễ, cùng lên thành Giê-ru-sa-lem… Ngài thưa rằng: Cha mẹ kiếm tôi làm chi? Há chẳng biết tôi phải lo việc Cha tôi sao?Nhưng hai người không hiểu lời Ngài nói chi hết.”

Năm mười hai tuổi, Chúa Giê-xu đã biết về nhân thân của Ngài. Tuy nhiên, Ngài tiếp tục dành 18 năm tiếp theo trong im lặng, với một thân phận được giấu kín, Ngài đã làm việc như một thợ mộc. Sự an ninh và con người thật của Ngài không được gói gọn trong những gì Ngài đã làm. Và chính sự an ninh mà Ngài có trong nhân thân của mình đã cho Ngài sức mạnh để đánh bại Sa-tan, khi hắn ra sức cám dỗ Ngài trong đồng vắng để chứng minh thân phận làm Con của Ngài.

Ma-thi-ơ 4:3  “Quỉ cám dỗ đến gần Ngài, mà nói rằng: Nếu ngươi phải là Con Đức Chúa Trời, thì hãy khiến đá nầy trở nên bánh đi”

Ma-thi-ơ 4:6 “ và nói rằng: Nếu ngươi phải là Con Đức Chúa Trời, thì hãy gieo mình xuống đi; vì có lời chép rằng: Chúa sẽ truyền các thiên sứ gìn giữ ngươi, thì: các đấng ấy sẽ nâng ngươi trong tay, kẻo chân ngươi vấp nhằm đá chăng.”

Do đó, để kinh nghiệm được thực tế của việc được nhận làm con, chúng ta cần phải lưu tâm đến danh phận thật sự của mình trong Chúa Giê-xu. Chúng ta phải liên tục nhắc nhở bản thân rằng Chúa yêu chúng ta không phải vì chúng ta đáng yêu đâu, nhưng vì chúng ta ở trong Chúa Giê-xu; và tình yêu mà Đức Chúa Cha dành để yêu Con của Ngài, chảy qua chúng ta vì chúng ta ở trong Chúa Giê-xu.

Dịch: Hoàng Gia

Nguồn: Adrian Chua

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like