Được đặt để tại một nơi mà Chúa là niềm hy vọng duy nhất là một trải nghiệm của sự thương xót. Nhưng tôi không hề nói với một thái độ hời hợt đâu. Bởi vì hầu như đó vẫn luôn là một trải nghiệm kinh khủng. Một tác động ngoại cảnh hoặc khủng hoảng nội tâm nào đó đẩy chúng ta vào vị trí mà sự tiện nghi và các đối tượng khác mà ta hay đặt để sự trông cậy bị cất đi hoặc không thể giúp ích gì cho ta lúc đó. Trong những lúc như vậy, chúng ta cảm nhận được sự yếu đuối và mong manh của mình một cách sâu sắc, và rồi chúng ta thường sẽ mong mỏi và nài xin sự giải cứu từ Chúa.
Nhưng trong chính những thời kỳ mà sự kiên định của đức tin được tôi luyện. Và lắm khi nhìn lại những trải nghiệm đó, những trải nghiệm khiến chúng ta nhận thấy được rằng – chỉ duy Chúa thật sự là vầng đá, rằng sự trông cậy của chúng ta duy đến từ Ngài – chính là những trải nghiệm ngọt ngào nhất trong cuộc đời chúng ta. Đây là lúc mà chúng ta gọi những điều đó là sự thương xót.
Vua Đa-vít đương phải trải qua một giai đoạn tuyệt vọng khi ông sáng tác Thi thiên 62. “Linh hồn tôi nghỉ an nơi một mình Đức Chúa Trời; Sự cứu rỗi tôi từ Ngài mà đến. Một mình Ngài là hòn đá tôi, sự cứu rỗi tôi, Và là nơi ẩn náu cao của tôi; tôi sẽ chẳng bị rúng động nhiều.” (Thi thiên 62: 1-2). Vua Đa-vít có khá nhiều trải nghiệm tuyêt vọng trong cuộc đời mình. Ông sống trong thời kì bạo quyền và phải chịu nhiều áp lực khủng khiếp. Hầu hết trong quãng đời mình sau giai đoạn niên thiếu, Đa-vít sống với việc bị đe dọa về tính mạng như hình với bóng. Trong khoảng thời gian vua Sau-lơ mắc phải chứng hoang tưởng, ông sống như một kẻ đào tẩu. Đa-vít cũng đã có những năm tháng lãnh đạo quân binh đối đầu với các nước thù địch hung hãn đồng thời tiêu diệt nội gián. Tệ hơn hết, ông đã sống những năm tháng thống khổ khi chứng kiến những người bạn mà ông tin tưởng (Thi thiên 55: 13–14), thậm chí cả con trai (II Sa-mu-ên 15: 10) trở nên kẻ phản bội mình, cũng là những kẻ vui sướng trong cơn hoạn nạn của ông và âm mưu lấy mạng ông.
Nhưng ngay từ lúc ban đầu, Đa-vít đã “để lòng tin cậy nơi Chúa”(Thi thiên 40: 4). Ông quyết không làm hại Sau-lơ – người mà được Chúa xức dầu để làm vua (I Sa-mu-ên 24: 6). Ông tìm cầu sự hướng dẫn đến từ Chúa khi có chiến tranh (II Sa-mu-ên 5: 19). Và khi bị người khác lập mưu hãm hại hoặc rủa sả, ông cũng không báo thù (II Sa-mu-ên 16: 5 – 14 ). Mọi người biết rằng Đa-vít quả quyết về niềm tin mình nơi Đức Chúa Trời. Vì thế, danh của Chúa được cả sáng hay bị dèm chê phụ thuộc vào cách ông biểu hiện bản thân. Vậy, nếu như sự trả thù thuộc về Chúa (Phục truyền 23: 35), thì ông phải tin Chúa gìn giữ và bênh vực cho ông, chẳng phải là ông cố tự mình giải quyết.
Và Chúa đã làm gì trên đời sống của ông? Ngài cho phép nhiều hoàn cảnh xảy đến buộc Đa-vít đặt Đức Chúa Trời trở thành sự trông cậy duy nhất, và là vầng đá duy nhất, là nguồn của sự cứu rỗi. Ngài buộc Đa-vít chỉ trông chờ một mình Chúa mà thôi.
Hàng Rào Sắp Đổ
Đa-vít cảm thấy như thế nào trong những lúc tuyệt vọng? Ông mô tả trong thơ ca: “Các ngươi xông vào một người cho đến chừng nào, Đặng chung nhau đánh đổ người. Như một cái vách nghiêng, khác nào một rào hầu ngã? Chúng nó chỉ bàn bạc đánh đổ người khỏi cao vị người; Họ ưa chuộng điều dối giả, lấy miệng mình chúc phước, nhưng trong lòng thì rủa sả.” (Thi thiên 62: 3 – 4)
Dường như Đa-vít không thấy đức tin mình trở nên mạnh mẽ hơn. Ngược lại, ông cảm thấy mình yếu đuối, trơ trọi và kiệt sức. Ông thấy mình như bức tường đã cũ, muốn buông xuôi và chực chờ để sụp đổ. Như hàng rào cũ ọp ẹp, có thể ngã rạp bất cứ lúc nào.
Chúng ta đang học cách đặt Chúa là sự trông cậy duy nhất. Thử nghiệm đức tin trong một thời điểm sẽ khiến ta thấy như là một sự đe dọa đến niềm tin của chúng ta. Điều ta kinh nghiệm trong thời khắc khó khăn đó dường như vượt quá giới hạn của mình. Chúng ta cũng cảm thấy yếu đuối và mong manh, giống như mình chuẩn bị sụp đổ và vỡ vụn. Chúng ta có thể cảm thấy dễ hoảng loạn. Vậy thì, điều cần làm là gì?
Niềm trông cậy của tôi đến từ Chúa
Đa-vít cho chúng ta thấy bằng cách đặt một căn phòng khám trong Thi thiên 62. Ông giảng cho tâm hồn bối rối, yếu đuối, mong manh và dễ vấp ngã của ông (và của chúng ta): “5Hỡi linh hồn ta, hãy nghỉ an nơi Đức Chúa Trời; Vì sự trông cậy ta ở nơi Ngài. 6 Chỉ một mình Ngài là hòn đá tôi, sự cứu rỗi tôi, Và là nơi ẩn náu cao của tôi; tôi sẽ chẳng bị rúng động. 7 Sự cứu rỗi và sự vinh hiển tôi nơi Đức Chúa Trời; Hòn đá về sức lực tôi, và nơi nương náu mình cũng đều ở nơi Đức Chúa Trời.” (Thi thiên 62:5 – 7) Đây là cách nói của vua Đa-vít mà con cháu Cô-rê đã nói trong Thi thiên 42 và 43: “11 Hỡi linh hồn ta, cớ sao ngươi sờn ngã và bồn chồn trong mình ta? Hãy trông cậy nơi Đức Chúa Trời; ta sẽ còn khen ngợi Ngài nữa: Ngài là sự cứu rỗi của mặt ta, và là Đức Chúa Trời ta.” (Thi thiên 42:11)
Đa-vít nói với linh hồn ông hãy nhớ đến nguồn của sự trông cậy: là Chúa. Chính xác hơn, là lời Chúa hứa với ông. Dĩ nhiên, kinh nghiệm Đa-vít trải qua là độc nhất vô nhị, dành riêng cho ông, như việc trở thành vua của Y-sơ-ra-ên (I Sa-mu-ên 16: 13) và ngôi nước ông sẽ “được vững lập đến mãi mãi” qua hậu tự của ông (II Sa-mu-ên 7: 12 – 17).
Đối với tất cả các thánh, sự trông cậy nơi Chúa được đặt trên nền tảng lời hứa của Ngài. Lời hứa của Chúa là đồn lũy cho chúng ta chạy đến nương náu trong những lúc lo sợ. Chính vì thế nên Đa-vít nói rằng: “Trong ngày sợ hãi, Tôi sẽ để lòng nhờ cậy nơi Chúa” (Thi thiên 56: 3).
Thành Lũy Của Tôi Đa-vít không chỉ nương dựa vào lời hứa mà Chúa đặc biệt dành cho ông. Nhưng ông còn nương náu vào toàn bộ lời Chúa mà ông có được trong thời điểm đó. Chính vì thế mà Thi thiên 19, Đa-vít đã nói từng lời của Chúa đều là sự mặc khải đặc biệt vì có năng quyền để bổ linh hồn lại, làm cho lòng vui mừng, làm cho mắt sáng sủa, ai gìn giữ lấy, được phần thưởng lớn thay (Thi thiên 19: 7 – 11).
Những Cơ Đốc nhân trong giao ước mới cũng nhận thấy những điều tương tự là đúng. Nhiều lúc, Chúa Thánh linh soi sáng một lời hứa cụ thể cho chúng ta trong một thời điểm khó khăn để giúp chúng ta nhịn nhục. Nhưng sự thật lớn hơn là “các lời hứa của Đức Chúa Trời đều là phải trong Ngài cả” (II Cô-rinh-tô 1: 20). Tất cả những lời hứa từ Đức Chúa Trời chính là nơi nương náu, là đồn lũy mà chúng ta nương vào trong lúc yếu đuối, cô đơn và kiệt sức:“Ta sẽ chẳng lìa con đâu, chẳng bỏ con đâu”(Hê-bơ-rơ 13: 5); “Ta để sự bình an lại cho các con; ta ban sự bình an ta cho các con; ta cho các con sự bình an chẳng phải như thế gian cho. Lòng các con chớ bối rối và đừng sợ hãi.”(Giăng 14: 27); “Ví bằng các ngươi cứ ở trong ta, và những lời ta ở trong các ngươi, hãy cầu xin mọi điều mình muốn, thì sẽ được điều đó.”(Giăng 15: 7); “Đức Chúa Trời tôi sẽ làm cho đầy đủ mọi sự cần dùng của anh em y theo sự giàu có của Ngài ở nơi vinh hiển trong Đức Chúa Jêsus Christ.”(Phi líp 4: 19); “Ta bảo các con, đừng lo âu rằng mình phải ăn gì, uống gì để sống, phải mặc áo quần gì để che thân. Mạng sống quí hơn thức ăn, thân thể quí hơn quần áo… Việc các con cần tìm hơn cả là Nước Trời và ý muốn Thượng Đế. Rồi tất cả những nhu cầu ấy sẽ đương nhiên được ban cho các con”(Ma-thi-ơ 6: 25, 33);“Vả, chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho kẻ được gọi theo ý muốn Ngài đã định.”(Rô-ma 8: 28); “Đức Chúa Trời ban mọi ơn đã gọi anh em đến sự vinh-hiển đời đời của Ngài trong Đấng Christ, thì sau khi anh em tạm chịu khổ, chính Ngài sẽ làm cho anh em trọn-vẹn, vững-vàng, và thêm sức cho” (I Phi-e-rơ 5: 10); “Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế” (Ma-thi-ơ 28: 20).
Và vô số lời hứa khác nữa. Trong kỳ đau buồn, khi một việc hay một người nào đó làm niềm trông cậy của chúng ta chông chênh như đang đứng trên bờ vực của sự sụp đổ, thì chúng ta phải chuyển hướng từ nhìn vào nan đề sang nhìn vào nguồn trông cậy để có thể nói như Đa-vít rằng, “Sự cứu rỗi và sự vinh hiển tôi ở nơi Đức Chúa Trời; Hòn đá về sức lực tôi, và nơi nương náu mình cũng đều ở nơi Đức Chúa Trời”(Thi thiên 62: 7).
Tin Cậy Chúa Trong Mọi Đường Một sự thật rằng, những thời kỳ tuyệt vọng dạy chúng ta về định nghĩa của niềm tin và trui rèn chúng ta trong sự tin kính Chúa. Câu nói của vua Đa-vít sống động hơn bao giờ hết trong những lúc khó khăn: “Hỡi bá tánh, khá nhờ cậy nơi Ngài luôn luôn, hãy dốc đổ sự lòng mình ra tại trước mặt Ngài: Đức Chúa Trời là nơi nương náu của chúng ta” (Thi thiên 62: 8).
Sự tuyệt vọng không chỉ là phương tiện hiệu quả trong sự luyện tập tin kính Chúa, mà nó còn là phương tiện hữu ích trong việc đưa chúng ta đến sự cầu nguyện. Có những điều cảm động bạn tuôn đổ với Chúa trong sự cầu nguyện khẩn thiết hơn là khi mọi thứ vẫn đang có vẻ đang đi đúng hướng. Đa số mọi người không chạy đến “đồn lũy” trừ khi họ thật sự đối diện với mối nguy hiểm đang cận kề mình.
Đây là lý do vì sao tôi nói rằng được đặt để tại nơi mà Chúa là nguồn trông cậy duy nhất của chúng ta chính là trải nghiệm của sự thương xót. Và tôi không nói theo một cách hời hợt, vì tôi biết những trải nghiệm như vậy. Chúng là phần khó nhất trong cuộc đời tôi. Một phần trong con người tôi không mong muốn bất kì ai phải trải qua điều tương tự. Nhưng phần khôn ngoan khác trong tôi lại ước sự đó xảy đến với mọi người.
Vì sao? Bởi vì không điều gì trong thế gian này có thể so sánh được sự êm dịu ngọt ngào trong những nghịch cảnh khi chúng ta thật sự biết niềm trông cậy lớn nhất đến từ Chúa và duy Chúa là vầng đá vững an, nơi nương náu và tin luôn luôn. Bất kì điều gì dạy chúng ta những điều trên sẽ thực chất là sự thương xót lớn dành cho ta.
Cầu nguyện: Thưa Chúa, cảm tạ Chúa vì Ngài không chỉ đặt để chúng con trong thuận cảnh mà còn nghịch cảnh. Trong tâm chấn cơn bão, chúng con vẫn cứ bình an vì Chúa là nguồn của sự hy vọng. “Chỗ kẻ đá vững an” khi ma quỷ hăm he đe dọa thì Chúa là nơi ẩn núp của chúng con. Amen.
Dịch: Hữu Đức
Nguồn: desiringgod.org
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com