“Ngài có được vinh hiển không nếu chúng ta phục vụ Ngài như những đầy tớ không biết mệt mỏi?” Câu trả lời cho câu hỏi này quá rõ ràng và dễ hiểu: Không, Ngài không hề được tôn vinh nếu chúng ta làm như vậy.
Tuy nhiên để trả lời câu hỏi này cách thuyết phục nhất không phải là đào sâu vào bản chất của Chúa để giải thích vì sao lại như vậy. Đó thực ra là điều mà tôi định làm bởi vì không khó để làm điều đó, và đúng hơn nó còn là vinh dự cho tôi nữa. Nhưng tôi nghĩ điều tốt nhất mà chúng ta cần làm trước tiên là đào sâu vào Kinh Thánh để chứng minh được điều này—không chỉ giải thích tại sao—mà còn chắc chắn một điều là Ngài không tìm kiếm những đầy tớ làm việc không biết mệt mỏi. Bởi vì điều đó sẽ mang lại câu trả lời có tính cơ sở và phù hợp với Kinh Thánh hơn so với việc chúng ta cứ cố gắng nhảy từ sách vở này qua tài liệu khác rồi bỏ qua bản chất của một Đức Chúa Trời toàn năng để tranh luận lý do tại sao Ngài không cần lao động của đầy tớ. Vậy, chúng ta bắt đầu nhé.
Sẽ có câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi tại sao Chúa được vinh hiển khi chúng ta nhận được quyền năng và phước lành từ Ngài hơn là công việc của tôi tớ. Rồi chúng ta sẽ có các câu trả lời thỏa đáng. Nhưng ngay cả khi chúng ta không thể trả lời những câu hỏi tại sao này, thì điều quan trọng là chúng ta phải tuân theo lời chân lý của Kinh Thánh (Lời Chúa nói vậy thì nó là như vậy). Chúa không cần và cũng không sử dụng lao động cưỡng ép. Ngài ghét cái ý tưởng rằng mình đang được phục vụ như một ông chủ tội nghiệp, cần sự giúp đỡ từ người làm công vì mình mất đi khả năng làm việc. Chúa được vinh hiển bởi sự tự nguyện phục vụ của chúng ta, bởi đức tin vào năng lực Chúa ban cho chúng ta hơn là sự bắt buộc cống hiến. Vì thế, chúng ta hãy nhìn vào một số phân đoạn Kinh Thánh và quay lại câu hỏi vì sao Chúa được tôn cao qua sự phục vụ cách tự nguyện hơn là công việc của đầy tớ không biết mệt mỏi.
Chúa ban sức “…Ai phục vụ, hãy lấy hết sức Ðức Chúa Trời ban cho mà phục vụ—để trong mọi sự Ðức Chúa Trời được vinh hiển qua Ðức Chúa Giê-xu Christ. Nguyện vinh hiển và quyền bính đều thuộc về Ðức Chúa Giê-xu Christ đời đời vô cùng.” (I Phi-e-rơ 4:11). Vậy, Chúa được vinh hiển bởi vì Ngài ban sức mạnh cho người nhờ cậy Ngài. Người ban cho được sáng danh. Nếu chúng ta là người cho sức lao động trên tinh thần đầy tớ và Chúa là ông chủ đang cần sự giúp đỡ phải phụ thuộc vào sức lao động của chúng ta, thì chúng ta là người nhận lấy sự vinh hiển—bằng chính sức lực, sự khôn ngoan và tài nguyên mà chúng ta có được để làm thỏa mãn sự cần dùng của Chúa. Đó là lập luận chính được nhắc đến trong I Phi-e-rơ 4:11. Tiếp theo, II Tê-sa-lô-ni-ca 1:11-12 có chép “Vì lẽ ấy chúng tôi luôn cầu nguyện cho anh chị em, để Ðức Chúa Trời của chúng ta kể anh chị em xứng đáng là những người được kêu gọi, và để bởi quyền năng Ngài, anh chị em có thể hoàn thành những ước vọng tốt đẹp và những công việc của đức tin, hầu danh Ðức Chúa Giê-xu, Chúa chúng ta, được vinh hiển qua anh chị em,…”
Vậy, danh Đức Chúa Trời được vinh hiển bởi vì Ngài làm trọn mọi ý định và công việc của đức tin. Chúng ta không cung cấp sức lao động cho Ngài như đầy tớ. Ngài trao năng lực để làm lợi ra thêm. Đó là lý do Ngài được vinh hiển theo như II Tê-sa-lô-ni-ca 1:12.
Chúa làm chủ mọi thứ
“Đức Chúa Trời là đấng đã tạo dựng vũ trụ và mọi vật trong đó, Ngài là Chúa của trời đất, … Ngài cũng không cần bàn tay con người phục vụ, như thể ngài cần điều gì, vì chính ngài ban cho mọi người sự sống, hơi thở và mọi thứ.” (Công-vụ 17:24-25). Cho nên, sự vinh hiển của Chúa là ở chỗ Ngài không cần ai phục vụ như thể Ngài cần bất cứ điều gì, cũng như Ngài không cần ai phục dịch mình. Đức Chúa trời là Đấng ban cho, Ngài không phải Người nhận lãnh. Rô-ma 11:34-36 có nêu: “Vì ai biết được Chúa nghĩ gì? Hay ai có thể làm mưu sĩ cho Ngài?” [câu 34]
Trả lời: Không một ai. Không ai có thể làm cố vấn cho Ngài. Không điều chi là Ngài không biết nên không cần người đưa lời khuyên.
Hay ai đã cho Ngài điều gì, để được Ngài ban thưởng lại? [Rô-ma 11:35]
Trả lời: Không một ai. Bạn không thể thương lượng hay trao đổi với Chúa. Chúa không bao giờ mắc nợ ai vì Ngài nắm trong tay mọi sự. Bạn chỉ trao cho Ngài điều Ngài đang làm chủ mà thôi. Muôn vật đều từ Ngài, nhờ Ngài, và hướng về Ngài. Vinh hiển thuộc về Ngài đời đời vô cùng. [Rô-ma 11:36]
Vì vậy, Chúa được sáng danh vì không ai có thể dâng cho Ngài thứ mà Ngài không cho chúng ta trước, vì mọi thứ đều từ Chúa, nhờ Chúa và hướng về Chúa. Đấng ban cho được vinh hiển. Chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời là bởi đức tin vào giải pháp, và sự ban cho của Ngài cũng như uy quyền Chúa ban. Chắc chắn, những điều đó là đến từ Chúa, nhờ Chúa, và hướng về Chúa từ lúc khởi đầu cho đến cuối cùng.
Đức Chúa Trời thực hiện điều Ngài hứa.
Sứ đồ Phao-lô nói về Áp-ra-ham trong Rô-ma 4:20-21,
“Người chẳng có lưỡng-lự hoặc hồ-nghi về lời hứa Đức Chúa Trời, nhưng càng mạnh-mẽ trong đức-tin, và ngợi-khen Đức Chúa Trời, vì tin chắc rằng điều chi Đức Chúa Trời đã hứa, Ngài cũng có quyền làm trọn được.” Đức tin vào lời hứa chu cấp của Chúa là cách mà chúng ta làm vinh hiển danh Chúa, chứ không phải bằng cách phô trương rằng chúng ta là những đầy tớ có năng lực để đóng góp vào lực lượng của những người hầu việc Chúa đang quá yếu kém. Chúa Giê-xu nói với các môn đệ của Ngài,
“Ta chẳng gọi các ngươi là đầy tớ nữa, vì đầy tớ chẳng biết điều chủ mình làm nhưng ta đã gọi các ngươi là bạn hữu ta, vì ta từng tỏ cho các ngươi biết mọi điều ta đã nghe nơi Cha ta.” (Giăng 15:15)
Chúa cũng nói rõ rằng Ngài được vinh hiển bởi vì Ngài là Đấng ban cho, chứ không phải người nhận lãnh. Giăng 14:13, “Các ngươi nhân danh ta mà cầu xin điều chi mặc dầu, ta sẽ làm cho, để Cha được sáng danh nơi Con.” Do đó, Chúa được sáng danh bằng sự giàu có, tinh nhuệ, là nguồn cung ứng dồi dào như Cha chúng ta là Đấng ban cho.
Được gắn kết bởi sự vui mừng Thế nên, câu trả lời cho câu hỏi, “Đức Chúa Trời liệu có được vinh hiển khi chúng ta làm việc cho Ngài như những đầy tớ không biết mệt mỏi chăng?” là KHÔNG, bởi vì địa vị đầy tớ bày tỏ rất ít vinh hiển: có chút tiền bạc là có thể mua được đầy tớ, chút quyền lực là có thể cưỡng ép họ làm công việc phục dịch và một ít khôn ngoan là có thể thu lợi từ số tiền đã bỏ ra. Vậy, đó chỉ là sự cao trọng của một chủ nô.
Nhưng sự vinh hiển trọn vẹn của Chúa không được thể hiện theo cách đó. Ân điển của Chúa, lòng thương xót, sự nhẫn nại, sự nhân từ của Ngài, sẽ không tỏa sáng theo cách đó. Đức Chúa Trời biết Ngài được tôn cao hơn khi vẻ đẹp hoàn hảo của chính Ngài là điều gắn kết chúng ta vào Ngài, không phải bằng xiềng xích, nhưng bằng sự quý trọng; không phải bằng sự áp bức, nhưng bằng sự thỏa lòng, không phải vì Ngài là một bạo chúa, nhưng vì Ngài là một kho báu mà chúng ta không nỡ cách rời. Ngài không phải là một bạo chúa mà chúng ta không thể thoát ra được; nhưng Ngài là một kho báu mà chúng ta sẽ không chịu từ bỏ. Vì lẽ đó, danh Ngài được tôn cao hơn là khi chúng ta bị ép buộc phải hầu việc Ngài cách miễn cưỡng mà không được vui vẻ gì.
Không, Đức Chúa Trời không được vinh hiển từ sự phục vụ kiểu đầy tớ đối với ông chủ mà chúng ta dành cho Ngài. Danh Ngài được tôn cao nhiều hơn như thế nhờ vào tính cách đẹp đẽ của chính Ngài và trong cái cách mà chúng ta chịu ràng buộc chính mình vào với Ngài, không phải chúng ta bị cầm tù, mà vì chúng ta được cầm giữ bởi sự vui mừng thỏa nguyện.
Hãy cầu nguyện cùng tôi:
Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Ngài vì tình yêu Chúa dành cho chúng con là những tội nhân chẳng đáng được Chúa đoái đến. Nhưng Ngài đã yêu, đã kêu gọi và chọn chúng con để chúng con được phục vụ và góp phần trong chương trình của Ngài trên đất. Nguyện mong đời sống chúng con được Ngài sử dụng và kết quả tốt cho Chúa. Amen.
Dịch: Hữu Đức
Nguồn: Desiringgod.org
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com