Home Giáo Lý Tin Lành Bài 37: Sự Nên Thánh Trong Tâm Tánh – Ý Nghĩa Sự Nên Thánh

Bài 37: Sự Nên Thánh Trong Tâm Tánh – Ý Nghĩa Sự Nên Thánh

by Ban Biên Tập
30 đọc
1-Nên Thánh trong giáo nghi hay trong địa vị.

2-Nên Thánh trong tâm tánh hay trong kinh nghiệm.

Đây là Nên Thánh trong hành vi, ngôn ngữ và tư tưởng qua nếp sống hàng ngày của mỗi Tín đồ.

IIPhierơ 3:11: “Vì mọi vật đó phải bị tiêu tán thì anh em đáng nên Thánh và tin kính trong mọi sự ăn ở của mình là dường nào”.

Đấy là sự nên Thánh toàn diện: Linh, hồn và thân.

ITêsalônica 5:23: “Nguyền xin chính Đức Chúa Trời bình an khiến anh em nên Thánh trọn vẹn, và nguyền xin tâm thần linh hồn, và thân thể của anh em đều được giữ vẹn, không chỗ trách được, khi Đức Chúa Giêxu Christ chúng ta đến”. Để dễ hiểu và dễ nhớ, xin gộp lại hai phần: Linh hồn và thân thể phải nên Thánh.

I. NÊN THÁNH VỀ PHẦN LINH HỒN:

IICôrinhtô 7:1: “Hỡi những kẻ rất yêu dấu của tôi, chúng ta đã có lời hứa dường ấy, thì hãy làm cho mình sạch khỏi mọi sự dơ bẩn phần xác thịt và phần thần linh, lại lấy sự kính sợ Đức Chúa Trời mà làm cho trọn mọi việc nên Thánh của chúng ta”.

1-Ý muốn phải nên Thánh.

IPhierơ 4:2-3: “Hầu cho còn sống trong xác thịt bao lâu thì chớ lại theo những sự người ta ưa thích, một phải theo ý muốn Đức Chúa Trời. Ngày trước cũng đã đủ làm theo ý muốn người ngoại đạo rồi, mà ăn ở theo tà tịch, tự dục, say rượu, ăn uống quá độ, chơi bời và thờ hình tượng đáng gớm ghiếc”. Có hai phần của đời sống: Trước kia theo ý riêng, bây giờ phải ăn ở theo ý của Chúa.

Hêbơrơ 13:21: “Nguyền xin Ngài bởi Đức Chúa Giêxu Christ khiến anh em nên trọn vẹn trong mọi sự lành, đặng làm thành ý muốn Ngài, và làm ra sự đẹp ý Ngài trong chúng ta”. Tin Chúa là thôi làm điều mà mình muốn làm, song bắt đầu làm điều Chúa muốn mình làm. Khi Ađam đưa tay hái trái cấm mà ăn là nói rằng: “Tôi muốn ăn trái cấm, mặc dầu Chúa không”, tức là bỏ ý Chúa theo ý mình, và gây tai hại không ai lường hết. Êsai đã nói: “Chúng ta đều như chiên đi lạc, ai theo đường nấy”, tức là ai nấy theo ý riêng của mình, càng đi sai lạc.

Khi Phaolô gặp Chúa trên đường Đamách, ông hỏi: “Lạy Chúa, tôi phải làm chi” (Công 22:10). Trước khi gặp Chúa ông theo ý riêng, tưởng mình có đủ khôn ngoan quyết định mọi sự. Nhưng khi gặp Chúa ông thấy mình ngu dại, lầm lạc, yếu đuối, chẳng ra chi cả. Nếu ông thành kính thưa rằng: “Lạy Chúa tôi phải làm chi?”. Bí quyết thành công của Phaolô bắt đầu từ chỗ đó.

Khi Chúa Giêxu đến thế gian, khẩu hiệu của Ngài là: “Hỡi Đức Chúa Trời, tôi vui mừng làm theo ý muốn Chúa. Luật pháp Chúa ở trong lòng tôi” (Thi 40:8).

Thi thiên 143:10: “Xin dạy tôi làm theo ý muốn Chúa, vì Chúa là Đức Chúa Trời tôi”. Ngài là Chúa, vì vậy tôi làm theo ý muốn của Ngài nên xin Chúa dạy tôi. Nếu cầu xin một cách thành thật có ngay ý muốn được nên Thánh.

2-Tư tưởng phải nên Thánh.

Châm ngôn 23:7: “Vì hắn tưởng trong lòng thể nào thì hắn quả thể ấy”, nghĩa là tư tưởng thể nào thì hành động cũng vậy, tư tưởng làm sao thì ngôn ngữ cũng vậy, tư tưởng thế nào con người thể ấy.

Châm ngôn 24:9: “Tư tưởng ngu dại là tội lỗi, kẻ nhạo báng lấy làm gớm ghiếc cho loài người”. Tư tưởng là một phần của linh hồn. Một nhà văn nói rằng: “Người chỉ là một cậy sậy, một loài yếu đuối hơn nhất của thiên nhiên, song là một cây sậy có tư tưởng”. Muốn sống cuộc đời nên Thánh. Cho nên chúng ta phải giữ gìn tư tưởng.

IICôrinhtô 10:5: “Và bắt hết các ý tưởng làm tôi vâng phục Đấng Christ”, tức là kiểm soát tư tưởng, hướng dẫn tư tưởng, bắt các tư tưởng phải phục Chúa Giêxu. Cầu Chúa kiểm soát các tư tưởng của chúng ta.

Thi thiên 139:23-24: “Đức Chúa Trời ơi, xin hãy tra xét tôi, và biết lòng tôi. Xin xem thử tôi có lối ác nào chăng, xin dắt tôi vào con đường đời đời”. Tôi không biết tôi rõ ràng, Chúa biết tôi hơn tôi biết, nếu tôi có sai lầm, xin Chúa dẫn tôi trở lại. Con người Thánh khiết lúc nào cũng cảm thấy mình cần được Chúa hướng dẫn tư tưởng, để tư tưởng được nên Thánh, hầu cho linh hồn được nên Thánh.

3-Trí nhớ phải nên Thánh.

Chúng ta có trí nhớ thật là kỳ diệu. Cũng như ý muốn, tư tưởng, thì trí nhớ cũng phải nên Thánh. Trí nhớ những điều đáng nhớ.

ICôrinhtô11:24-25: “Tạ ơn rồi bẻ ra mà phán rằng: Nầy là thận thể Ta, vì các ngươi mà phó cho, hãy làm điều nầy để nhớ Ta…”. Trí nhớ của chúng ta trước nhất phải sử dụng vào việc nhớ đến chính mình Chúa. Ôi, chúng ta thường nhớ nhau, cha mẹ nhớ con cái, con cái nhớ cha mẹ, vợ chồng nhớ nhau, anh em nhớ nhau. Điều đó rất cần, nhưng trên hết mọi sự chúng ta phải nhớ Chúa. Hai lần Chúa nhắc lại ý đó. Ngoài ra chúng ta nhớ lại những lời Chúa phán mà Kinh thánh ghi lại cho chúng ta (Luca 24:6).

Hêbơrơ 13:2: “Chớ quên sự tiếp khách, có khi kẻ làm điều đó, đã tiếp đãi Thiên sứ mà không biết”. Chớ quên, hãy nhớ tiếp khách. Ápraham đang ngồi trong trại tại một buổi trưa, thấy cò ba người khách đi ngang qua, ông vội vàng chạy ra tha thiết mời khách: “Hãy vào trại tôi, để rửa chơn, quí vị nghỉ ngơi một chút. Xin cho phép tôi làm một bữa ăn nhẹ tiếp quí vị” . Ápraham thật là chu đáo trong việc tiếp khách, nhưng có ngờ đâu một vị trong đó là Đức Chúa Trời, bằng hình ảnh một Thiên sứ. Không những Ápraham đã tiếp Thiên sứ, mà tiếp chính Đức Chúa Trời. Ngày nay, chúng ta có thể được như vậy, vì Chúa Giêxu bảo rằng: “Ai tiếp các ngươi là tiếp ta, ai tiếp ta là tiếp Đấng đã sai ta …Ai sẽ cho một người trong bọn nhỏ nầy uống một chén nước lạnh, vì người nhỏ đó là môn đồ ta ;quả thật ta nói cùng các ngươi, kẻ ấy sẽ chẳng mất, phần thưởng của mình đâu” (Mat 10:40,42).

Hêbơrơ 13:3: “Hãy nhớ những kẻ mắc vòng xiềng xích, như mình cùng phải xiềng xích với họ, lại cũng hãy nhớ những kẻ bị ngược đãi, vì mình cũng có thân thể giống như họ”. Ai nấy nhớ những người đó chăng? Nếu chưa, hãy hết lòng làm đi, kể rằng tôi cũng có thân thể như anh em tôi, họ đau đớn bao nhiêu, tôi đau đớn bấy nhiêu. Hãy cảm thông, chia xẻ để an ủi họ bằng mọi cách.

Hêbơrơ 13:7: “Hãy nhớ những người dẫn dắt mình, đã truyền đạo Đức Chúa Trời cho mình, hãy nghĩ xem sự cuối cùng đời họ là thể nào, và học đòi đức tin họ”. Mỗi chúng ta được đến với Chúa nhờ có người dẫn dắt. Sau khi dẫn dắt đến với Chúa, người đó còn chăm sóc, thăm viếng, an ủi, khích lệ chúng ta. Vậy, chúng ta phải nhớ đến người, đó là tỏ lòng biết ơn (Gal6:6).

Galati 2:10: “Các người ấy chỉ dặn dò tôi phải nhớ đến kẻ nghèo nàn, là điều tôi cũng đã ân cần làm lắm”. Các Sứ đồ dặn dò nhau nhớ đến những người nghèo khó. Phaolô nói: “Tôi rất ân cần về việc làm đó”. Mỗi chúng ta là anh em trong Chúa, là chi thể trong một thân, nên hãy cảm thông nhau, yêu thương nhau, không những là người trong một nhà, mà mọi người trong thế giới. Nếu có anh em nghèo khổ bên cạnh mình, hãy nhớ đến họ, xin Chúa thăm viếng, an ủi họ, và nếu có thể chia xẻ gì được thì chia xẻ cho. Cơ hội tốt là có anh em nghèo khó bên cạnh để được mình giúp đỡ. Nếu hết thảy đều giàu có thì không ai nhờ ai, nhưng may mắn có những kẻ giàu có. Không ai nên nói: “Tôi là người nghèo hơn hết không thể giúp đỡ ai”. Dầu chúng ta nghèo đến đâu, vẫn còn những kẻ nghèo hơn mình. Vì vậy, chúng ta phải nhớ đến mọi người, dầu chia một miếng bánh nhỏ, một chén nước lạnh.

Đừng nhớ những điều không đáng nhớ như dân Ysơraên đã nhớ (Xuất 16:3; Dân 11:5).

4-Lòng phải nên Thánh.

Mathiơ 5:8: “Phước cho những kẻ có lòng trong sạch, vì sẽ thấy Đức Chúa Trời”. Lòng trong sạch là lòng nên Thánh. Nếu chúng ta được trong sạch thì chúng ta được tương giao với Đức Chúa Trời như thấy Ngài. Thế thì lòng của chứng ta cần được nên Thánh dường nào.

Châm ngôn 4:23: “Khá cẩn thận giữ tấm lòng của con hơn hết, vì các nguồn sự sống do nơi đó mà ra”. Chúng ta thường giữ tiền của, danh dự, và nhiều điều khác, nhưng không giữ tấm lòng cho nên Thánh. Khi nào chúng ta mất lòng Thánh khiết là mất nhiều quá, nếu không nói là mất hết. Thà chúng ta mất gì thì mất, nhưng giữ tấm lòng Thánh khiết để được tương giao với Chúa. Được tương giao với Chúa là được mọi ơn phước.

Châm ngôn 23:26: “Hỡi con, hãy dâng lòng con cho cha, và mắt con khá ưng đẹp đường lối của cha”. Đây là lời âu yếm, tha thiết của cha nói với con, tức là Đức Chúa Trời nói với chúng ta. Dầu chúng ta đã dâng bao nhiêu của cải, nhưng chưa dâng mình cho Chúa, thì chưa có thể nói là dâng đúng. Chúng ta có thể dâng mọi sự khác, nhưng phải dâng theo tấm lòng. Vì vậy, chúng ta dâng lòng mình cho Ngài để Chúa ngự vào, và làm cho nên Thánh.

Linh hồn nên Thánh là ý muốn nên Thánh, tư tưởng nên Thánh, trí nhớ nên Thánh và lòng nên Thánh.

y nghia nen thanh

II. NÊN THÁNH VỀ PHẦN THÂN THỂ:

Không những nên Thánh về phần Linh hồn, cũng phải nên Thánh về phần thân thể. Vì thân thể là Đền thờ của Đức Chúa Trời Chí Thánh.

ICôrinhtô 3:16: “Anh em há chẳng biết mình là Đền thờ của Đức Thánh Linh đang ngự trong anh em”. Phaolô nhấn mạnh giá trị của thân thể chúng ta, nên cần được nên Thánh.

ITêsalônica 4:3-5: “Vì ý muốn Đức Chúa Trời ấy là khiến anh em nên Thánh, tức là phải lánh sự ô uế, mỗi người phải biết giữ thân mình cho Thánh sạch và tôn trọng, chẳng bao giờ sa vào tình dục luông tuồng như người ngoại đạo, là kẻ không nhìn biết Đức Chúa Trời”. Chúng ta có làm như vậy không. Thân thể chúng ta có nên Thánh vì chúa chúng ta là Thánh.

Rôma 12:1: “Vậy hỡi anh em, tôi lấy sự thương xót của Đức Chúa Trời khuyên anh em dâng thân thể mình làm của lễ sống và Thánh đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của anh em”. Nếu chưa dâng thân thể mình cho Chúa, thì sự thờ phượng của anh em chưa đẹp lòng Ngài, chưa hợp pháp, chưa phải lẽ. Phải dâng thân thể này cho Chúa như một của lễ toàn thiêu đặt trên bàn thờ của Ngài. Khi dâng như vậy, Chúa sẽ cho thân thể ta nên Thánh.

1-Tai nên Thánh.

Mathiơ 11:15: “Ai có tai mà nghe, hãy nghe”. Đây là một câu ngắn lắm của Chúa Giêxu phán lập lại nhiều lần.

Mathiơ 13:9: “Ai có tai, hãy nghe”. Câu 43: “Ai có tai, hãy nghe”. Nghe ai? – Nghe Chúa. Chúng ta muốn có tai nên Thánh thì phải luôn luôn nghe tiếng Chúa.

Khi Giôsuê gặp Chúa, ông nằm sấp xuống đất, lạy và thưa: “Chúa truyền cho tôi điều gì?”. Samuên cũng thưa: “Xin hãy phán, kẻ tôi tớ Ngài đang nghe”. Lắm khi chúng ta nói, nói, nói mà không nghe, bắt Chúa phải nghe. Người Thánh khiết nhất là người nghe tiếng Chúa. Nghe lời Chúa, tai nầy sẽ được nên Thánh, vì lời Chúa là Thánh khiết.

Khải huyền từ đoạn 2 đến 3 có bảy lần lặp lại: “Ai có tai hãy nghe lời Đức Thánh Linh phán cùng các Hội Thánh rằng: Kẻ nào thắng, ta sẽ cho ăn trái cây sự sống ở trong Barađi của Đức Chúa Trời” (Khải 2:7,11,17,20; 3:5,13,22).

Lần cuối cùng trong Khải huyền 13:9: “Ai có tai hãy nghe”. Chúa hết sức quan tâm đến vấn đề chúng ta nghe, nên Ngài luôn nhắc nhở. Chúa đã hà hơi trong mũi của Ađam và Chúa cũng muốn hà hơi vào tai chúng ta để nghe được tiếng Ngài .

Dân Ysơraên được nghe tiếng của Chúa rất nhiều, nhưng họ chỉ nghe mà chưa làm theo (Êxê 33:30-33). Giacơ cũng cảnh cáo chúng ta như vậy (Gia 1:22-25).

2-Mắt phải nên Thánh.

Châm ngôn 4:25: “Mắt con hãy ngó ngay trước mặt, và mí mắt con khá xem thẳng trước mặt con”. Con mắt phải ngó ngay thẳng một cách thành thật, đừng bao giờ nhìn xem những gì không đang nhìn xem. Khi con mắt không nên Thánh thì toàn thân cũng không nên Thánh.

Con mắt bị cám dỗ (Sáng 3:6). Bà Êva có cả một vườn trái cây, nhưng khi quỷ nói cho bà biết rằng: “Trái cấm ngon, đẹp mắt, mở trí”. Thì mỗi ngày bà cứ nhìn vào trái đó. Đến một lúc nào đó bà đưa tay hái trái cấm mà ăn. Đó là bà nhìn chỗ không đáng nhìn. Từ xưa đến nay đã bao nhiêu người sa vào tội lỗi, vì sự dụng con mắt không đúng chỗ. Samsôn nhìn một thiếu nữ ngoại đạo (Quan xét 14:1-3). Đavít nhìn một người đàn bà đẹp (IISam 11:2-5).

Con mắt quí vô cùng (Mat 6:22-23), song đừng sử dụng con mắt vào chỗ không xứng đáng (IPhi 2:14). Phải triệt để bảo vệ con mắt cho được Thánh khiết, thà nó bị đui đi còn hơn nó xui mì nh phạm tội (Mat 18:9). Họ quí như vậy thì chúng ta phải học lời của Chúa để con mắt chúng ta lúc nào cũng nên Thánh.

3-Miệng lưỡi phải nên Thánh.

Mathiơ 12:33-37: “Hoặc cho là cây cối cùng trái cũng tốt, hoặc cho là cây xấu thì trái cũng xấu, vì xem trái thì biết cây. Hỡi dòng dõi rắn lục bay vốn là loài xấu, làm sao nói được sự tốt? Bởi vì do sự đầy dẫy trong lòng mà miệng mới nói ra. Người lành do nơi đã chứa điều thiện mà phát ra điều thiện, nhưng kẻ dữ do nơi đã chứa điều ác mà phát ra điều ác. Vả ta bảo các ngươi đến ngày phán xét, người ta sẽ khai ra mọi lời hư không mà mình đã nói, vì bởi lời nói mà ngươi sẽ được xưng danh là công bình, cũng bởi lời nói mà ngươi sẽ bị phạt”. Chúa dạy chúng ta giữ gìn miệng lưỡi, vì miệng lưỡi ô uế, thì lòng cũng bị ô uế theo.

Êphêsô 4:29: “Chớ có một lời dữ nào ra từ miệng anh em”.

Êphêsô 5:4: “Chớ nói lỡi tục tĩu, chớ giễu cợt, chớ giả ngộ tầm phào, là những điều không đáng, nhưng thà cảm tạ ơn Chúa thì hơn”. Người nhà giàu ở trong hồ lửa la lên rằng: “Hỡi Ápraham tổ tôi, xin thương xót tôi, sai Laxarơ nhúng đầu ngón tay vào nước, làm cho mát lưỡi tôi vì tôi bị khổ trong lửa này quá đỗi”. Cái Lưỡi không nên Thánh đã bị hình phạt nặng nề lắm (Gia cơ 3:1-12). Phải có miệng lưỡi vàng (Êsai 50:4).

4-Tay phải nên Thánh.

Êsai 1:15-16: “Vậy nên khi các ngươi giơ tay, thì ta che mắt khỏi các ngươi. Khi các ngươi cầu nguyện rườm rà, ta chẳng thèm nghe. Tay các ngươi đầy những máu. Hãy rửa đi, hãy làm cho sạch !Hãy tránh những việc ác khỏi trước mắt ta. Đừng làm dữ nữa”. Tay của chúng ta phải giữ cho được Thánh khiết, đừng đặt vào việc ô uế nào, đừng đặt vào tiền bạc hay của cải nào không phải của mình. Giữ Thánh khiết để có thể đưa tay lên trời mà cầu thay cho mọi người (ITim 2:8) tay càng thanh sạch, thì càng mạnh mẽ (Gióp 17:9). Tay thanh sạch dám đứng trước mặt Chúa (Thi 24:3-4) Phải có bàn tay giúp đỡ mọi người (Êph4:28; Châm 30:19-20).

5-Chơn phải nên Thánh.

Thi thiên 1:1: “Phước cho người nào chẳng theo mưu kế của kẻ dữ, chẳng đứng trong đường tội nhân, không ngồi chỗ của kẻ nhạo báng. Một cô thiếu nữ hỏi: “Tôi bán vé hát được không, vì tôi bị lương tâm cáo trách cảm thấy chỗ đó không xứng đáng cho mình ngồi?”. Sự Thánh khiết trong lòng cho cô biết điều đó. Hãy tránh con đường gian ác (Châm 1:15;4:14:26-27). Hãy đi con đường của Chúa đã đi (IPhi2:21-23).

Khi mặc chiếc áo trắng và sạch, thì rất cẩn thận trong chỗ mình đi, chỗ mình đứng, chỗ mình ngồi, để bảo vệ chiếc áo không bị hoen ố. Chúng ta phải giữ đời sống Thánh khiết của mình như vậy và hơn nữa,vì nó quí vô cùng.

Trên đây là ý nghĩa của đời sống Thánh khiết cách thực tế quan trọng kinh nghiệm hàng ngày của mỗi chúng ta. Thánh khiết trong linh hồn và Thánh khiết trong thên thể do Đức Chúa Trời làm cho chúng ta (ITêsalônica 5:23).

Mục sư Đoàn Văn Miêng

Bình Luận:

You may also like