Home Chuyên Đề Sự Cứu Rỗi Qua Thập Tự Giá – Phần 4: Quyền Năng Của Thập Tự Giá

Sự Cứu Rỗi Qua Thập Tự Giá – Phần 4: Quyền Năng Của Thập Tự Giá

by Van Anh
30 đọc

“Vì sứ điệp của thập tự giá đối với những người hư mất là điên rồ; nhưng với chúng ta, những người được cứu chuộc, thì đó là quyền năng của Đức Chúa Trời.”

I CÔ-RINH-TÔ 1:18

Thật khó mà hình dung ra một điều gì đó yếu ớt hơn hình ảnh một người bị treo cây thập tự. Bởi vì người ấy lõa lồ và hoàn toàn bị xỉ nhục. Không chỉ hoàn cảnh mà cả sự nhục nhã vì lõa lồ của anh ta cũng bị phơi bày ra hết. Thân thể anh ta bị treo lên đó để ai cũng đều xem thấy tất cả sự yếu đuối của anh.

Thập tự cũng nói đến sự yếu đuối về mặt thể chất. Người bị treo trên thập tự càng lâu thì càng trở nên yếu ớt. Nhịp tim và hơi thở của người ấy càng lúc càng yếu cho đến khi cạn kiệt. Anh ta chẳng thể làm gì để thoát khỏi cái chết không tránh khỏi. Một người bị đóng đinh là một người yếu đuối. Anh ta là một nạn nhân, chứ không phải một người chiến thắng.

Sự yếu đuối của một người đàn ông bị đóng đinh có thể giúp giải thích lý do tại sao nhiều người khước từ Chúa Giê-su Christ. Có thể họ đã nghe Ngài giảng. Họ biết rằng chỗ nào đó trong Kinh Thánh có viết về tiểu sử của Ngài. Nhưng điều đó dường như không quan trọng. Có gì hay ho về một người đàn ông bị treo trên cây thập giá?

CÂY THẬP TỰ CŨ KỸ, RỒ DẠI

Cơ Đốc nhân tin rằng việc Chúa Giê-su chịu đóng đinh cùng với sự phục sinh của Ngài là sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử nhân loại. Đối với họ, thập tự giá của Đấng Christ là nguồn hy vọng và an ủi. Tuy nhiên, chính cây thập tự rất thu hút những người theo Đấng Christ ấy lại ngăn trở những người khác đến với Ngài.

Điều này đúng từ thời Đấng Christ còn trên đất. Những người Do Thái tìm kiếm điều siêu nhiên. Dưới thời La Mã chiếm đóng, chính quyền La Mã kiểm soát cả kinh tế cũng như định đoạt số phận người Do Thái. Vì thế người Do Thái “đòi hỏi dấu lạ” (1Cô-rinh-tô 1:22). Họ trông mong Chúa cử một vua đến để giải phóng họ khỏi sự đàn áp của người La Mã. Họ tìm kiếm một sự giải phóng siêu nhiên bởi một chiến binh mạnh mẽ. Họ sẽ không tin Chúa Giê-su trừ khi Ngài tỏ cho họ một dấu lạ.

Người Hy Lạp thì tìm kiếm bằng chứng kiểu khác. Họ là những người trí thức trong thế giới cổ đại. Họ chỉ dành thì giờ để nói về “điều mới lạ” mà thôi (Công vụ 17:21). Khi nói đến tôn giáo, họ là những người duy lý. Họ sẽ không tin rằng Chúa Giê-su là Đấng Cứu Thế nếu không có ai chứng minh điều đó cho họ trên cơ sở bằng chứng hợp lý. “Người Hy Lạp tìm kiếm sự khôn ngoan” (1Cô-rinh-tô 1:22).

Những quan điểm này giải thích tại sao người Do Thái và người Hy Lạp đều không mấy hứng thú về Chúa Giê-su Christ. Ngài chỉ là một người bị treo trên thập tự giá. Đấng Christ chịu đóng đinh là một sự ngăn trở đối với người Do Thái. Kinh Thánh gọi sự đóng đinh là một “cớ vấp phạm” (câu 23) ngăn cản nhiều người Do Thái đến với sự cứu rỗi. Có gì diệu kì về một người bị hành hình như một tội phạm thông thường? Thập tự giá là một chướng ngại đối với người Do Thái vì nó yếu đuối.

Đối với người Hy Lạp, thập tự giá thậm chí còn không được xem là một vật cản trở bởi vì họ cho nó là một sự rồ dại. Sự khôn ngoan ở đâu khi chết một cái chết bị Đức Chúa Trời ruồng bỏ? Làm thế nào huyết của một người có thể chuộc tất cả tội lỗi của toàn nhân loại? Thập tự giá đã không gây được ấn tượng cho người Hy Lạp vì nó không hấp dẫn được trí tuệ siêu việt của họ. Vì thế, Đấng Christ chịu đóng đinh là một “sự điên rồ đối với dân ngoại” (câu 23) và là một “chướng ngại” cho người Do Thái.

Thập tự giá của Đấng Christ vẫn còn là một trở ngại đối với con người thời nay. Nhiều người có đạo ngày nay vẫn đang trông đợi đúng những gì mà những người sống trong thời Chúa Giê-su đã trông đợi. Nếu Đức Chúa Trời chưa bày tỏ cho họ thêm phép lạ hay đưa ra thêm bằng chứng thì họ sẽ không tin vào Chúa Giê-su.

Giống như những người Do Thái thời cổ đại, nhiều người đang chờ một điềm siêu nhiên. Điều này giải thích tại sao những thầy bói được người ta ưa chuộng. Chỉ cần trả họ một ít tiền, họ sẽ tiết lộ những điều tương lai hoặc biểu diễn một phép lạ nào đó. Khi nghe đến đạo Cơ Đốc, một số người đòi hỏi phải thấy phép lạ rồi mới tin vào Chúa Giê-su Christ. Họ nói: “Chỉ khi nào Chúa từ trên thiên đàng xuống đây và tỏ cho tôi thấy thì tôi mới tin.”

Những người tìm kiếm phép lạ cũng giống như cậu bé trong một truyện ngắn của John Updike tựa là Pigeon Feathers (Những chiếc lông bồ câu): “Mặc dù thử nghiệm đó làm cho cậu sợ hãi, nhưng cậu vẫn giơ hai tay mình lên trong bóng đêm phía trên mặt mình và nài xin Chúa chạm đến chúng. Với hy vọng: chỉ cần một lần được cảm thấy Chúa trong đời.” Cuối cùng Chúa cũng đụng chạm cậu bé nhưng không phải bằng đôi tay thể xác.

Những người khác tìm kiếm sự khôn ngoan. Không nhiều, nhưng chí ít cũng có một số người như vậy. Họ học đại học. Họ học triết học. Họ đọc về những tiến bộ khoa học mới nhất của loài người. Còn đối với vấn đề tôn giáo, họ muốn Chúa trả lời tất cả những câu hỏi của họ. Họ khước từ tin vào Chúa Giê-su Christ trừ khi ai đó có thể giải gỡ những bí ẩn về tự nhiên, hoặc giải quyết thắc mắc về ý chí tự do của con người, hoặc đưa ra chứng cớ vật lý về sự tồn tại của linh hồn cho họ thấy. Họ cũng giống như triết gia Bertrand Russell (1872-1970), người đã từng chia sẻ với phóng viên về điều mà ông ta sẽ nói với Chúa nếu đột nhiên một ngày ông ta thấy mình trên thiên đàng và tận mắt gặp Chúa: “Thưa ngài, tại sao ngài đã không trao cho tôi bằng chứng tốt hơn?”

Thế gian vẫn đang tìm kiếm bằng chứng lý trí hoặc phép lạ. Nhưng tất cả những gì Niềm tin Cơ Đốc cung cấp là một con người – Đức Chúa Trời chết trên cây thập tự. Sự đóng đinh thậm chí còn không phải là mục tiêu mong đợi của những người hậu hiện đại. Nếu Chúa muốn thực hiện phép lạ nào khác hay cung cấp bằng chứng nào khác thì chắc hẳn thế gian sẽ chú ý. Nhưng cho đến khi đó, cây thập tự cũ kỹ rồ dại vẫn là một sự ngăn trở đức tin.

NĂNG QUYỀN TÌNH YÊU

Thập tự giá Đấng Christ từ chối đáp ứng mong đợi của con người. Ở một mức độ, việc đóng đinh Chúa Giê-su chỉ là một vụ hành hình khác của người La Mã. Điều đó dường như yếu đuối đối với những ai tìm kiếm sức mạnh. Nó có vẻ rồ dại đối với những người tìm kiếm sự khôn ngoan. Nhưng đó chỉ là quan điểm của loài người.

Theo cái nhìn của Đức Chúa Trời, thập tự giá không bất lực cũng không ngu dại, nhưng đầy quyền năng và sự khôn ngoan: “Vì sứ điệp của thập tự giá đối với những người hư mất là điên rồ; nhưng với chúng ta, những người được cứu chuộc, thì đó là quyền năng của Đức Chúa Trời” (1 Cô-rinh-tô 1:18). Để hiểu điều này, tốt nhất hãy nhớ rằng Đức Chúa Trời thì khôn ngoan và mạnh hơn loài người rất nhiều. Chúa có sự khôn sáng hơn tất cả các thiên tài trên thế gian này cộng lại. Ngón út bàn tay trái của Ngài còn quyền năng hơn bắp tay của người mạnh nhất thế gian này. Xin trích dẫn một lần nữa từ Kinh Thánh, “Vì điều xem như điên rồ của Đức Chúa Trời còn khôn ngoan hơn loài người; điều xem như yếu đuối của Đức Chúa Trời còn mạnh hơn loài người” (câu 25).

Cho dù thập tự giá trông có vẻ yếu đuối hay ngu dại thế nào đối với loài người hay chết, thì nó vẫn bày tỏ quyền năng và sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời. Thập tự giá thực hiện điều đó theo một vài cách. Thứ nhất, đó là một minh chứng mạnh mẽ về tình yêu của Đức Chúa Trời.

Khi nói đến tình yêu thì hành động có sức mạnh hơn lời nói. Một chàng trai nói yêu một cô gái nhưng làm thế nào cô ấy biết thật hay không? Cô ấy sẽ biết anh ta có yêu cô thật hay không khi anh bày tỏ tình yêu của anh. Một món quà sẽ hay đấy, đặc biệt nếu món quà này quý hay hiếm. Hoặc nếu món quà ấy mắc tiền. Hoặc hay nhất là nếu món quà ấy là thứ mà cô đã đã luôn cần hoặc muốn có.

Đây chính là loại quà tặng mà Đức Chúa Trời đã ban khi Ngài sai Chúa Giê-su xuống thế gian chết trên cây thập tự. Món quà ấy quý giá bởi vì đó chính là con của Đức Chúa Trời. Món quà ấy quý hiếm vì Chúa Giê-su là con độc sanh của Đức Chúa Trời. Món quà ấy đắt giá, thậm chí đắt nhất, vì nó được trả bằng huyết của Chúa Giê-su. Và tuyệt vời hơn cả là thập tự giá của Đấng Christ chính là món quà mà loài người mong đợi. Chúa Giê-su chết trên thập tự giá để thiết lập tình bằng hữu đời đời giữa con người với Đức Chúa Trời, đây là điều mà lòng người vẫn luôn khao khát: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời” (Giăng 3:16).

Quyền năng của thập tự giá là quyền năng tình yêu. Khi Chúa Giê-su chịu đóng đinh, Ngài bày tỏ mức độ đầy trọn của tình yêu Đức Chúa Trời. Đối với những người đang tìm kiếm bằng chứng, thập tự giá là một bằng chứng đầy đủ. Việc Chúa Giê-su chịu đóng đinh là bằng chứng duy nhất cần có để chứng minh tình yêu bất diệt của Đức Chúa Trời đối với tội nhân.

SỰ KHÔN NGOAN CỦA SỰ THA THỨ

Thập tự giá cũng là một minh chứng mạnh mẽ về sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời – sự khôn ngoan của sự tha thứ của Ngài. Con người không đến với Chúa trong một vị thế cân bằng. Khi chúng ta đến với Ngài, một món nợ khổng lồ chồng chất trên chúng ta, vì tội lỗi của mình mà chúng ta nợ Chúa. Tất cả những lời nói dối, những lời chửi rủa mà chúng ta từng nói, tất cả những tổn thương chúng ta từng gây ra, và tất cả những sự thờ phượng mà chúng ta giữ lại cộng lại thành một món nợ tội lỗi khổng lồ. Làm thế nào món nợ ấy có thể được giải quyết?

Đây là lúc sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời vào cuộc. Chúa đã không lập một kế hoạch trả nợ phức tạp đến nỗi mãi mãi đời đời tội nhân không thể trả nổi. Thay vào đó, toàn bộ món nợ đã được giải quyết tại thập tự giá. Đức Chúa Trời chấp nhận sự chết hy sinh của Con Ngài làm giá chuộc tội lỗi. Chúa Giê-su đã trả giá cho mọi tội lỗi khi Ngài chịu đóng đinh. Ngài đã chết trên thập tự để Đức Chúa Trời có thể tha thứ cho tất cả mọi tội lỗi của tất cả dân Ngài một lần đủ cả.

Vì thế, tại thập tự giá có một sự khôn ngoan khôn lường cũng như quyền năng vô hạn. Sự khôn ngoan và quyền năng của thập tự giá là sự khôn ngoan và quyền năng của việc tha thứ tội lỗi. Đối với những ai đang tìm kiếm phép lạ, thập tự giá là đủ phép lạ cho họ. Việc Chúa Giê-su chịu đóng đinh trên thập tự cung cấp sự tha thứ đầy trọn và nhưng không.

QUYỀN NĂNG CỨU RỖI

Bạn nghĩ gì về thập tự giá Đấng Christ? Thập tự giá Đấng Christ là khôn ngoan hay ngu dại? Là mạnh mẽ hay yếu đuối? Những câu hỏi trên cần câu trả lời. Thập tự giá hoặc như thế này hoặc như thế kia, không thể vừa thế này vừa thế kia được. Nếu thập tự giá Đấng Christ là quyền năng của Đức Chúa Trời để cứu chuộc, thì nó chắc chắn phải là thứ mạnh mẽ nhất, khôn ngoan nhất mà Đức Chúa Trời từng thực hiện. Nhưng nếu thập tự giá không có quyền năng để cứu rỗi, thì nó chẳng có liên quan gì đến đời sống ngày nay. Vì thế câu hỏi trên cần được nhắc lại: Bạn nghĩ gì về thập tự giá của Đấng Christ?

Đáng buồn thay, một số người không hiểu thập tự giá, và một số họ sẽ không bao giờ hiểu được. Họ vẫn coi việc Chúa Giê-su chịu đóng đinh là ngu dại cho tới ngày phán xét. Điều này là bởi vì chỉ những người được thập giá cứu mới hiểu được nó: “Vì sứ điệp của thập tự giá đối với những người hư mất là điên rồ; nhưng với chúng ta, những người được cứu chuộc, thì đó là quyền năng của Đức Chúa Trời” (1Cô-rinh-tô 1:18). Nói theo cách khác, thập tự giá chỉ có ý nghĩa đối với những người tin vào Chúa Giê-su Christ để được cứu rỗi. Đối với họ, thập tự giá là bằng chứng tình yêu Đức Chúa Trời và là phép lạ về sự tha thứ của Ngài. Nó không yếu đuối và cũng không ngu dại, nhưng mạnh mẽ và khôn ngoan.

Một người nên làm gì nếu vẫn cảm thấy thập tự giá là ngu dại? Chắc chắn người ấy nên tiếp tục cố gắng để hiểu thập tự giá và cầu hỏi Chúa ý nghĩa của nó. Đối với những ai cầu xin sự giúp đỡ thay vì xin phép lạ hay bằng chứng, Chúa Giê-su Christ luôn ban cho họ tình yêu và sự tha thứ của thập tự giá, tức quyền năng của Đức Chúa Trời.

(Còn tiếp)

Nguồn: Vietnamese Missionary Institute

Bình Luận:

You may also like