Home Chuyên Đề Sự Cứu Rỗi Qua Thập Tự Giá – Phần 1: Sự Cần Thiết của Thập Tự Giá

Sự Cứu Rỗi Qua Thập Tự Giá – Phần 1: Sự Cần Thiết của Thập Tự Giá

by Van Anh
30 đọc

“Ngài đã bị phản nộp theo kế hoạch đã định

và sự biết trước của Đức Chúa Trời.”

Công Vụ 2:23

Toàn bộ niềm tin Cơ Đốc đều quy hướng về thập tự giá. Thập tự giá là cây gỗ mà trên đó Chúa Giê-su người Na-za-rét đã chịu đóng đinh. Đây là một hình thức hành hình quy chuẩn vào thời La Mã. Hai thanh gỗ được đóng vào nhau theo hình chữ thập hoặc chữ T. Sau khi đóng đinh cổ tay và cổ chân của nạn nhân vào cây gỗ ấy, người ta sẽ cắm nó xuống đất. Tại đó, nạn nhân sẽ bị treo cho đến chết.

Thập tự giá luôn là biểu tượng trung tâm của niềm tin Cơ Đốc. Khi các nhà khảo cổ học khai quật các đống di tích cổ đổ nát, họ có một cách riêng để nhận dạng nơi thờ phượng của Cơ Đốc nhân. Đó là tìm một thập tự giá. Khi họ tìm thấy hình thập tự giá được vẽ trên tường, khắc trên bia đá, hay thậm chí trên một bản vẽ thiết kế, thì họ biết rằng họ đã tìm thấy một hội thánh.

Từ ban đầu, người Cơ Đốc đã nhận mình thuộc về cây thập tự mà tại đó Chúa Giê-su đã chết. Thập tự giá là biểu tượng chính và định nghĩa niềm tin Cơ Đốc chân thật.

KHÔNG CÒN CẦN THIẾT NỮA?

Thật không may, thập tự giá ngày nay không còn quan trọng như trước đây. Đây là điều mà các nhà tư tưởng dẫn dắt ít nữa đã nói về hội thánh đương thời. George Lindbeck, một giáo viên dạy thần học tại Yale, cho rằng thập tự giá đã trở thành một biểu tượng chết: “Một chỗ trống đã mở ra ngay trung tâm của Niềm tin Cơ Đốc Tây phương. Nơi thập tự đã từng đứng trước đây bây giờ chỉ còn là một khoảng trống.”

Đương nhiên không phải thập tự giá đã biến mất hoàn toàn. Dù sao thì vẫn chưa. Thập tự giá vẫn được treo trên các đỉnh tháp chuông nhà thờ. Vẫn xuất hiện trên các bì thư của các hội thánh. Vẫn được in lên bìa Kinh Thánh và thậm chí trên các hộp kẹo bạc hà trong một nhà sách Cơ Đốc địa phương. Thời kỳ hậu hiện đại, người ta thi thoảng vẫn nhắc đến thập tự giá. Tuy nhiên, thập tự giá của Đấng Christ đã không còn là một hiện thực sống động trong lòng dân sự Chúa.

Tại một buổi hội nghị thần học tai tiếng diễn ra vào đầu thập niên 90, một diễn giả đã phản đối việc Niềm tin Cơ Đốc dường như đang đắm chìm trong thập tự giá. Ông này phát biểu rằng: “Tôi không nghĩ rằng chúng ta cần ai đó treo trên thập tự giá và máu tuôn ra và những thứ kì quặc như vậy.” Hay nói cách khác, ai cần thập tự giá?

Đúng là việc bị đóng đinh vào thập tự giá có gì đó khó coi, thậm chí kì cục. Kinh Thánh không bỏ qua chi tiết kinh khủng này. Khi nói về Chúa Giê-su, tiên tri Ê-sai mô tả rằng: “Ngài bị khinh như kẻ mà người ta che mặt chẳng thèm xem.” (Ê-sai 53:3) Thập tự giá là một thứ khó coi và bị khinh rẻ. Nhưng vẫn rất cần thiết. Khi thập tự giá biến mất thì đạo thật cũng biến mất, bởi vì sẽ không có niềm tin Cơ Đốc nếu không có thập tự giá.

CẦN THIẾT ĐỂ HOÀN TẤT KẾ HOẠCH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

Tại sao thập tự giá của Đấng Christ là cần thiết cho niềm tin Cơ Đốc? Vì một vài nguyên do. Thứ nhất, thập tự giá là cần thiết để hoàn tất kế hoạch đời đời của Chúa.

Có một lần chính Chúa Giê-su cũng đã tự hỏi liệu thập tự giá có thật sự cần thiết. Đó là vào cái đêm mà Ngài đi cầu nguyện trong vườn Ghết-sê-ma-nê. Ngài đã biết rằng kẻ thù của mình đang đến rất gần. Đúng là sau đó, chính trong đêm này, Ngài đã bị bán, bị bắt và xử tội chết.

Lúc đó Chúa Giê-su biết rằng chung kết đã rất gần. Giống như bất cứ con người nào, Ngài cũng cảm thấy kinh khủng khi nghĩ đến cái chết. Mặc dù Chúa Giê-su là Đức Chúa Trời, Ngài cũng là một con người. Là một con người, Ngài đã tự hỏi liệu Ngài có cần phải chết một cách đau đớn như thế không. Khi nghĩ đến việc bị đóng đinh sẽ như thế nào, Ngài nói rằng: “Linh hồn ta đau buồn cho đến chết.’ Đi thêm một quãng nữa, Ngài sấp mình xuống đất và cầu nguyện: “Cha ơi! Nếu có thể được, xin cho chén này lìa khỏi con’” (Ma-thi-ơ 26: 38-39). Chúa Giê-su đã hỏi Cha Ngài xem có cách nào khác để cứu chuộc dân của Ngài mà không phải chịu đóng đinh.

Nhưng bởi vì thập tự giá là phần cần thiết trong kế hoạch của Ngài nên Đức Chúa Cha đã không miễn cho Chúa Con khỏi thập tự giá. Chúa Giê-su giải thích điều này sau khi Ngài đã chịu đóng đinh và phục sinh. Khi hai môn đồ của Ngài đang bối rối về những việc đã xảy ra với Ngài. Ngài trả lời họ rằng: “Chẳng phải Đấng Christ cần phải chịu thương khó như thế?” (Lu-ca 24:26). Theo kế hoạch đời đời của Đức Chúa Trời, thập tự giá của Đấng Christ là điều không thể tránh khỏi.

Vì thế, Cơ Đốc nhân luôn luôn tin và dạy về sự cần thiết của thập tự giá. Không lâu sau khi Ngài về trời, bạn Ngài là Phi-e-rơ đã rao giảng cho dân thành Giê-ru-sa-lem. Ông nói rằng: “Ngài [Chúa Giê-su] đã bị phản nộp theo kế hoạch đã định và sự biết trước của Đức Chúa Trời, các ông đã mượn tay những kẻ gian ác đóng đinh Ngài trên thập giá và giết đi” (Công vụ 2:23). Đức Chúa Trời đã biết về việc Con Ngài phải chịu đóng đinh trước khi điều đó xảy ra. Ngài đã không chỉ biết về việc ấy, Ngài còn đã cho phép điều đó xảy ra. Ngài đã không chỉ cho phép điều ấy xảy ra mà Ngài còn có mục đích cho điều ấy. Thập tự giá là cần thiết cho kế hoạch của Ngài dành cho nhân loại.

Điều này rất đáng để ghi nhớ mỗi khi ta cảm thấy dường như Chúa không biết điều Ngài đang làm. Những nan đề và thử thách trong cuộc sống thường làm chúng ta rối trí. Đức Chúa Trời có biết điều đang diễn ra trong đời sống tôi không? Ngài có quan tâm chăng? Ngài có thể làm gì để giải quyết nó? Câu trả lời là Đức Chúa Trời biết và Ngài quan tâm. Và nếu bạn tin cậy Ngài, Ngài sẽ hành động.

Thập tự giá của Đấng Christ chứng tỏ kế hoạch của Đức Chúa Trời là tốt lành. Việc đóng đinh Chúa Giê-su là một hành động gian ác nhất từng thấy trên hành tinh này. Con Một hoàn hảo của Đức Chúa Trời đã bị giết dưới tay những kẻ ác. Điều gì có thể dã man hơn thế? Tuy nhiên, việc Chúa Giê-su chịu đóng đinh đồng thời cũng là điều tuyệt vời nhất từng xảy ra trên hành tinh này. Như chúng ta đã thấy, thập tự giá đã đem sự cứu chuộc đến cho thế gian. Nếu Chúa đã tạo ra điều tốt đẹp nhất từ điều xấu xa nhất, thì Ngài cũng có thể tạo nên những điều tốt đẹp từ những thứ dường như là xấu trong đời sống của chính chúng ta. Tất cả đều là các phần trong kế hoạch của Ngài.

 

CẨN THIẾT ĐỂ TRẢ GIÁ CHO TỘI LỖI

Điều gì làm cho việc đóng đinh trở thành một phần trong kế hoạch của Chúa? Tại sao thập tự giá lại cần thiết? Thập tự giá cần thiết cho điều gì?

Thập tự giá là một phần trong kế hoạch của Đức Chúa Trời vì đó là cách duy nhất để cứu loài người khỏi tội lỗi. John Owen, một tín hữu Thanh Giáo và là một giáo sư thần học nổi tiếng tại đại học Oxford, từng phát biểu rằng: “Tội lỗi sẽ không chết nếu không có sự chết của Đấng Christ.” Vì thế, hiểu về tội lỗi là một phần trong việc hiểu thập tự giá.

Tội lỗi là gì? Có hai cách trả lời câu hỏi này. Tội lỗi là: (1) làm những điều Chúa cấm, hoặc (2) không thể làm điều Chúa muốn.

Thứ nhất, tội lỗi là làm điều Chúa cấm, như Kinh Thánh đã quy định. Bất cứ khi nào chúng ta báng bổ Chúa, nói một chút điều dối trá, ăn cắp vật dụng văn phòng, hoặc ra tay đánh ai trong cơn giận dữ, chúng ta đã phạm tội. Chúng ta đã phá vỡ mạng lệnh của Chúa về việc cấm báng bổ, nói dối, trộm cắp hoặc giết người.

Thứ hai, tội lỗi cũng bao gồm việc không thực hiện những điều Kinh Thánh yêu cầu. Chúa muốn con người thờ phượng Ngài, tôn trọng người khác hơn mình, quan tâm người đau ốm và ban cho người nghèo khó. Với những yêu cầu ấy, chúng ta nên tự hỏi, “Gần đây tôi đã làm được gì cho Chúa?” Nếu câu trả lời là “Không có gì nhiều,” thì chúng ta đã đang phạm tội vì không làm những điều Chúa yêu cầu.

Vì Đức Chúa Trời là thánh khiết nên tội lỗi là một vấn nạn. Chúa thánh khiết một cách hết sức hoàn hảo đến nỗi không một con người tội lỗi nào có thể đứng trước mặt Ngài. Tội lỗi đặt chúng ta dưới sự xét đoán thiên thượng. Chúng ta đáng bị rủa sả và chịu đọa đày vì tội lỗi mình.

Đó là lý do vì sao việc Đấng Christ phải chết trên thập tự giá lại cần thiết như vậy trong kế hoạch của Đức Chúa Trời. Chúa muốn cứu dân Ngài khỏi tội. Nhưng làm sao Ngài có thể giải quyết tội lỗi nếu không hy sinh một trong hai điều là tình yêu của Ngài hoặc sự thánh khiết của Ngài? Đó chính là vấn đề.

Đức Chúa Trời không thể chỉ đơn thuần bỏ qua tội lỗi của chúng ta. Vì như thế có thể gọi là yêu thương, nhưng không thể là thánh khiết được. Sự công bình sẽ không được đáp ứng và tội lỗi của chúng ta không được đền nếu Ngài làm như thế. Chúa cũng đã không đơn thuần xử chúng ta phải chết vì tội lỗi của chính chúng ta. Vì làm vậy có thể gọi là thánh khiết, nhưng không thể bày tỏ đầy trọn tình yêu thương của Ngài.

Nơi tình yêu và sự thánh khiết của Đức Chúa Trời quyện vào nhau chính là tại thập tự giá. Chúa Cha đã sai Con của Ngài, Con độc sanh của Ngài đến để chịu khổ và chết cho tội lỗi chúng ta. Sự sống Ngài hi sinh cho chúng ta được sống, đau đớn Ngài chịu là để cho chúng ta được ích lợi: đây chính là tình yêu của Đức Chúa Trời. Và đây, tại thập tự giá này, cũng chính là sự thánh khiết của Ngài. Hình phạt cái chết được thực hiện để chống lại tội lỗi. Tội lỗi của dân Ngài đã được trả hoàn toàn.

Thập tự giá của Đấng Christ là cần thiết để giữ trọn vẹn cả tình yêu và sự thánh khiết của Đức Chúa Trời trong việc cứu chuộc dân Ngài. Nhà thần học người Đức Emil Brunner (1889-1966) giải thích rằng thập tự giá của Đấng Christ “là một sự kiện mà qua đó Chúa khiến cho sự thánh khiết và tình yêu của Ngài được biết đến đồng thời trong một sự kiện và trong một phương thức tuyệt đối… Thập tự giá là nơi duy nhất bày tỏ Đức Chúa Trời của tình yêu thương, sự tha thứ và thương xót theo cách để chúng ta hiểu rằng sự thánh khiết và tình yêu của Ngài đều vô hạn như nhau.”

 

CẦN THIẾT ĐỂ CỨU CHUỘC

Một điều khác nữa cho thấy thập tự giá là cần thiết. Thập tự giá là cần thiết để cứu chuộc chúng ta. Bất cứ ai muốn lên thiên đàng thì trước tiên phải đi đến chỗ thập tự giá. Sự sống đời đời là món quà dành cho bất cứ ai tin rằng Chúa Giê-su đã chết cho tội lỗi của người ấy trên thập tự giá.

Nghĩa là để được cứu, trước tiên phải tin rằng Chúa Giê-su đã thực sự chịu đóng đinh trên cây thập tự. Lịch sử ghi nhận rằng Chúa Giê-su, người Na-za-rét đã bị lính La Mã đóng đinh trên một ngọn đồi ngay bên ngoài thành Giê-ru-sa-lem vào năm 30 sau Công nguyên. Tin vào cái chết của Chúa Giê-su trên thập tự giá tức là tin rằng nếu bạn có mặt ở đó vào ngày hôm ấy, bạn đã có thể sờ vào thánh giá Ngài và cảm nhận một cái giằm trong ngón tay mình – việc đó phải thật đến thể ấy. Đấng Christ trên thập tự giá hôm ấy đã đang sống, đổ máu và sắp chết. Để trở thành một tín hữu, bạn phải công nhận rằng Chúa Giê-su Christ đã thực sự sống và thực sự chết.

Tuy nhiên, tin vào việc Chúa Giê-su đã chết trên thập tự giá còn có ý nghĩa khác nữa. Điều đó nghĩa là tin vào điều Ngài đã làm để bạn được cứu rỗi. Bạn nhận thức được cá nhân mình là một tội nhân. Bạn xưng nhận bạn cần Chúa Giê-su Christ cứu bạn khỏi cơn giận và sự rủa sả của Đức Chúa Trời. Bạn tin Chúa Giê-su đã chết trên cây thập tự xưa cũ ấy vì tội lỗi của chính bạn. Để trở thành một tín hữu, bạn phải tin rằng Chúa Giê-su Christ không phải chỉ là một huyền thoại; mà Ngài đã thực sự sống và thực sự chết.

 

Việc hiểu rằng Chúa Giê-su đã chết, hay thậm chí rằng Ngài đã chết cho tội nhân mới chỉ là một phần của niềm tin mà Chúa đòi hỏi nơi chúng ta. Như việc một người nữ kia quyết định trở thành thành viên của một hội thánh bà đang tham dự. Bà được các trưởng lão trong hội thánh hỏi chuyện. Họ hỏi bà nghĩ việc trở thành một Cơ Đốc nhân có nghĩa là gì. Trong số những điều bà đã nói, bà giải thích về Chúa Giê-su đã chết trên thập tự giá để trả giá cho tội lỗi.

Sự hiểu biết thần học của người phụ nữ kia là đúng đắn, nhưng các trưởng lão vẫn cảm thấy hơi băn khoăn về lời chứng của bà. Họ không chắc chắn lắm liệu bà có phải là một Cơ Đốc nhân thật hay không. Điều này là vì bà đã trả lời câu hỏi của họ một cách bình thường, có vẻ như thập tự giá có liên hệ rất ít đến đời sống cá nhân bà. Trong hội thánh, có rất nhiều người giống như người phụ nữ này. Họ nhận mình là Cơ Đốc nhân, nhưng họ vẫn chưa kết ước sống và chết cho Chúa Giê-su Christ.

Vì thế các trưởng lão đã hỏi bà một câu hỏi tiếp theo: “Bà có tin rằng Chúa Giê-su đã chết trên thập tự giá, không chỉ cho tội lỗi của người khác, mà còn cho tội lỗi của bà?” Có một sự yên lặng thật lâu, và cuối cùng người phụ nữ trả lời rằng, “Trước đây tôi chưa bao giờ nghĩ về điều này theo cách ấy.”

Các trưởng lão giải thích cho bà rằng bà cần xưng nhận rằng bản thân bà là một tội nhân mà Đấng Christ đã chết thế cho. Buổi tối hôm ấy, bà đã tin Chúa Giê-su chết trên thập tự giá cho tội lỗi của bà và đón nhận Ngài làm cứu Chúa cho cá nhân mình.

Người phụ nữ này đã hiểu được điều mà mọi người cần phải hiểu để được cứu: sự cần thiết của thập tự giá. Thập tự giá là cần thiết, không chỉ trên phương diện chung như là một phần của kế hoạch đời đời của Đức Chúa Trời, mà còn cần thiết để cứu chính cá nhân bạn khỏi tội lỗi và sự chết.

(Còn tiếp)

Nguồn: Vietnamese Missionary Institute

Bình Luận:

You may also like