Home Chuyên Đề Lịch Sử Truyền Giáo: Adoniram Judson

Lịch Sử Truyền Giáo: Adoniram Judson

by thetravelingteam.org
30 đọc

Adoniram Judson sinh ngày 09-08-1788 tại Malden, Massachusetts.

Mặc dù cha mình là một giám mục Công giáo, Judson đã không nhận được sự cứu rỗi cho đến năm 20 tuổi. Khi học tại đại học Brown, anh bị ảnh hưởng rất nhiều bởi niềm tin vào thuyết thần luận của Jacob Eames, một người bạn thân. Thật đáng kinh ngạc, người bạn đưa ông xa rời Chúa Giê-xu lại đóng vai trò rất lớn trong việc đưa Judson trở về với Cơ Đốc giáo. Ông đã tuyên bố với gia đình rằng ông khước từ Cơ Đốc giáo và sẽ rời New York để trở thành nhà soạn kịch. Một đêm nọ, ông đang ở lại một nhà trọ và nằm cạnh phòng của một người đàn ông sắp chết. Suốt đêm ông băn khoăn tự hỏi liệu người đàn ông đã sẵn sàng để ra đi, hoặc ông ta sẽ ở đâu trong cõi vĩnh hằng. Sáng hôm sau, Judson hỏi về danh tính của người đàn ông đã chết đêm đó. Judson ngạc nhiên khi nhận ra đó là Jacob Eames, người bạn vô tín đã phá hủy đức tin của ông. Với việc nhận ra mình cũng đã hư mất như người bạn đã chết của mình, Judson đã vượt ra khỏi ranh giới vùng an toàn của ông và hiến dâng cuộc đời mình cho Đức Chúa Trời.

Năm 1808, Judson bắt đầu tham dự hội thảo Thần học Andover, nơi ông đã mang lấy gánh nặng trở nên một nhà truyền giáo. Năm 1810, ông đã giúp đỡ thành lập Ủy ban Quốc tế Hoa Kỳ cho việc truyền giáo tại nước ngoài, và sau đó 2 năm, ông cùng người vợ mới cưới được 7 ngày của mình, Ann, đi thuyền đến Ấn Độ. Khi chính phủ Ấn Độ từ chối không cho Judson vào đất nước này, họ đã đến Ragoon, Burma (Miến Điện). Không có Cơ Đốc nhân nào được biết đến trong số hàng triệu người Miến Điện.

Sau 6 năm, Judson đã gặp được người Miến Điện đầu tiên nhận lãnh phép báp-têm. Judson đã viết trong cuộc hành trình của ông, “Có thể đây là sự khởi đầu cho một loạt những người Miến Điện nhận lãnh phép báp-têm và sự thành công đó sẽ duy trì cho đến cuối cùng của thời đại.” Trong 6 năm đầu tiên, Judson đã xuất bản nhiều truyền đạo đơn, dịch xong sách Tin Lành theo Ma-thi-ơ và sách Ê-phê-sô, rao giảng công khai, và lao động giữa vòng những người Miến Điện. Judson đã quyết định bối cảnh hóa Tin Lành khi khởi công xây dựng một Zayat (điện thờ theo văn hóa người Miến Điện), một phòng tĩnh nguyện theo phong cách Phật giáo, trên đường phố chính, nơi ông có thể tổ chức những buổi nhóm lại, dạy dỗ những người qua đường theo cách không xa lạ với mọi người. Điều này đã giúp phá vỡ rào cản giữa ông và những người nghe. Đây là điều đã dẫn đến việc một người Miến Điện đầu tiên cải đạo.

Năm 1824, Judson chuyển đến sống tại Ava. Khi cuộc chiến giữa người Anh và người Miến Điện nổ ra, Judson đã bị giam cầm 2 năm tại Ava vì làm gián điệp cho người Anh. Khi ở trong tù, Judson tiếp tục bản dịch Kinh Thánh của mình bằng cách giấu các bản thảo trong cái gối mà vợ ông đã lén đưa vào. Sự bền lòng của ông được ghi lại qua những lời cầu nguyện trong lúc bị giam cầm, “Chúa ôi, xin hãy để con hoàn tất công việc này. Xin cầm giữ sự sống con đủ lâu để con đặt những Lời ban sự cứu rỗi của Ngài vào trong tay những người đang bị hư mất”. Sự trung tín và bền đỗ của vợ ông đã cứu ông khỏi cảnh chết đói. Sau khi mua chuộc quản ngục, cô sẽ bò đến cửa phòng giam Judson, mang thức ăn và thì thầm những lời an ủi cùng hy vọng. Không lâu sau khi ra tù, Ann qua đời vì bệnh sốt phát ban. Bà ấy lúc đó chỉ mới 37 tuổi. Trong cuộc hôn nhân của ông với Ann, cả 3 người con đều qua đời. Người con thứ ba chết sau Ann khoảng 3 tháng.

Khi đã hồi phục sau cái chết của Ann, Judson tiếp tục dịch Kinh Thánh trong ngôn ngữ Miến Điện. Năm 1828, ông chuyển đến Maulmain, nơi ông và đồng nghiệp George Boardman được Đức Chúa Trời sử dụng làm công cụ để biến đổi một thành viên trong bộ tộc người Karen, tên là Ko Tha Byu. Chức vụ kết quả của Ko Tha Byu dẫn đến hàng ngàn người đã quy đạo. Trong vòng 25 năm, đã có 11.878 tín đồ người Karen nhận phép báp-têm.

Vào ngày 12-04-1850, Judson qua đời. Judson đã dành 38 năm cuộc đời mình sống tại Miến Điện. Adoniram Judson được nhớ đến qua việc thành lập Ủy ban Truyền giáo Hoa Kỳ, dịch hoàn tất Kinh Thánh theo ngôn ngữ Miến Điện, và việc đi tiên phong truyền giáo giữa vòng những người Miến Điện. Khi còn trẻ, ông đã khấn nguyện với Chúa rằng, “Con sẽ không bao giờ rời khỏi Miến Điện cho đến khi cây thập tự giá được trồng lên tại đây mãi mãi.” Ba mươi năm sau khi Judson qua đời, Miến Điện có 63 nhà thờ được xây dựng, 163 nhà truyền giáo, và hơn 7000 người cải đạo nhận phép báp-têm. Một trăm năm sau, vào ngày kỷ niệm ông qua đời, đã có hơn 20.0000 Cơ Đốc nhân Miến Điện.

NCMV dịch

Nguồn: thetravelingteam.org

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like