Home Chuyên Đề Miền Đất Hứa Xa Vời – Quan điểm của các nhà khoa học hàng đầu thế giới về Nguồn gốc sự sống – Phần 2

Miền Đất Hứa Xa Vời – Quan điểm của các nhà khoa học hàng đầu thế giới về Nguồn gốc sự sống – Phần 2

by Viethungpham.com
30 đọc

4/ Robert Gange, tiến sĩ vật lý thuộc Viện Nghiên cứu David Sarnoff ở Princeton, Mỹ

Robert Gange là viện sĩ Viện hàn lâm khoa học New York, từng được NASA vinh danh chín lần, và là chủ nhân của hơn 30 bằng sáng chế phát minh. Trong cuốn “Origins and Destiny” (Các nguồn gốc và Số phận) do Word xuất bản tại Dallas năm 1986, trang 77, ông viết:

“Vì mọi ý định và mục đích, khả năng sự sống hình thành một cách tình cờ thông qua các phản ứng hoá học là zero. Điều này không có nghĩa là niềm tin vào một sự tình cờ mầu nhiệm sẽ dừng lại. Mà có nghĩa là những ai tin vào điều đó sẽ tin như vậy, bởi vì họ đã bị trói buộc về mặt triết học vào cái khái niệm cho rằng tất cả mọi thứ tồn tại xung quanh chúng ta đều là vật chất và sự chuyển động của vật chất. Nói cách khác, họ tin như vậy vì lý do triết học chứ không phải khoa học”

BÌNH LUẬN:

Nhận định của Robert Gange hoàn toàn đồng điệu với Hubert Yockey − nếu Hubert Yockey bác bỏ thuyết phi tạo sinh bằng việc khẳng định rằng vấn đề nguồn gốc sự sống là bài toán không thể giải quyết được bằng khoa học, thì Robert Gange cũng bác bỏ lý thuyết nguồn gốc sự sống bằng việc tuyên bố rằng cơ may để thuyết phi tạo sinh khả thi là ZERO!

Chú ý rằng Fred Hoyle, nhà toán học và thiên văn học lỗi lạc người Anh, đã tính toán và đưa ra kết quả xác suất để sự sống hình thành tự phát từ vật chất không sống là (1/10)^40000. Tuy xác suất vô cùng bé này là một số lớn hơn 0, nhưng Émile Borel, một nhà lý thuyết xác suất bậc nhất trong thế kỷ 20, đã chứng minh rằng mọi sự kiện có xác suất nhỏ hơn (1/10)^50 đều không thể xảy ra. Vì thế, Fred Hoyle đã tuyên bố: Con số (1/10)^40000 “đủ để chôn vùi Darwin cùng với toàn bộ thuyết tiến hoá”. Và đó cũng là lý do để Robert Gange tuyên bố rằng cơ may để sự sống hình thành một cách tình cờ thông qua các phản ứng hoá học là zero!

Trước những sự thật đã quá rõ ràng như thế, những ai còn tin vào “phép lạ” của thuyết phi tạo sinh ắt phải là những người mê tín bậc nhất.  

5/ Francis Crick, một trong 2 người khám phá ra cấu trúc DNA

Công trình khám phá ra cấu trúc của DNA năm 1953 được coi là một trong những khám phá vĩ đại nhất thế kỷ 20. Nhờ đó Francis Crick (1916 – 2004) cùng với James Watson đoạt Giải Nobel sinh y học năm 1962. Trong cuốn “Life Itself: Its Origin and Nature” (Bản thân sự sống: Nguồn gốc và Bản chất của nó) do Simon & Schuster xuất bản tại New York năm 1981, trang 88, Crick viết:

“Một người trung thực, được vũ trang bởi tất cả các kiến thức ngày nay chúng ta biết, chỉ có thể tuyên bố rằng theo một nghĩa nào đó, vào thời điểm hiện nay vấn đề nguồn gốc sự sống xuất hiện dường như là một phép mầu, có quá nhiều điều kiện đã phải được thoả mãn để cho nó xảy ra”

BÌNH LUẬN:

Rất tiếc là sau khi tuyên bố như thế, Crick vẫn không chịu thừa nhận vấn đề nguồn gốc sự sống là cái ngưỡng không thể vượt qua của khoa học. Với niềm tin vô hạn vào thuyết tiến hoá, ông lại tìm cách vượt qua cái ngưỡng không thể vượt qua đó bằng một câu chuyện tưởng tượng mới được gọi là “Panspermia” − những mầm mống của sựu sống đã có sẵn trong vũ trụ, và một ngày nào đó chúng đã đến trái đất theo các thiên thạch, rồi sinh sôi nẩy nở tiến hoá trên trái đất. Giả thuyết này hiện nay vẫn đang được theo đuổi, tạo nên một nhánh mới của lý thuyết nguồn gốc sự sống được gọi là “thuyết tiến hoá vũ trụ” (cosmic evolution).

Giả sử “Panspermia” đúng, nó sẽ nói lên điều gì về nguồn gốc sự sống? Nói chẳng nói lên điều gì cả, đơn giản là nó chỉ chuyển bài toán nguồn gốc sự sống từ trái đất lên vũ trụ mà thôi. Có nghĩa là bài toán nguồn gốc sự sống vẫn không có câu trả lời.

6/ Klaus Dose, Giám đốc Viện sinh hoá Đại học Johannes Gutenberg, Đức

Trong bài báo “The Origin of Life: More Questions than Answers” (Nguồn gốc sự sống: Nhiều câu hỏi hơn câu trả lời), trên tạp chí Interdisciplinary Science Reviews số 13:4, 1988, trang 348, Klaus Dose viết:

“Hơn 30 năm thí nghiệm về nguồn gốc sự sống trong lĩnh vực tiến hoá hoá học và phân tử đã dẫn tới một sự hiểu biết sâu sắc hơn về sự bao la mênh mông của vấn đề nguồn gốc sự sống trên Trái Đất, hơn là giải đáp vấn đề đó. Hiện nay, mọi cuộc thảo luận về các lý thuyết và thí nghiệm cơ bản kết thúc trong bế tắc hoặc trong sự thú nhận là dốt nát”.

BÌNH LUẬN:

Những người mê tín thờ phụng thuyết tiến hoá, nhất là những người lười nghiên cứu nhưng thích tranh luận, xin hãy bình tâm lắng nghe Klaus Dose. Lời lẽ của ông khó nghe, nhưng đó là sự thật − lý thuyết nguồn gốc sự sống khám phá ra nhiều câu hỏi hơn câu trả lời, và thực tế là đã kết thúc trong BẾ TẮC, hoặc phải thú nhận rằng mình dốt nát, chẳng biết gì cả. Ai dám tuyên bố đã tìm thấy nguồn gốc sự sống, thì đó là “một kẻ ngốc hoặc bất lương”, đúng như Stewart Kauffman đã nói.

(Còn tiếp)

Nguồn: Viethungpham.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like