Home Chuyên Đề Những Người Lính Canh Của Đức Chúa Trời – Phần 6: Cách người lính canh cầu nguyện

Những Người Lính Canh Của Đức Chúa Trời – Phần 6: Cách người lính canh cầu nguyện

by Sưu Tầm
30 đọc

Trường Cầu Nguyện và những buổi huấn luyện cầu nguyện khác có thể rất quan trọng trong việc giữ vững những tường thành cầu nguyện. Những ý tưởng rất đơn giản được truyền đạt cho những người lính canh có thể giúp họ duy trì cam kết của mình. Một ví dụ là một khái niệm mà ai đó đã mô tả như là “kế hoạch ghế ba chân”. Ba chân này là: nơi chốn, thì giờ, và phương pháp.

Nếu một chân của chiếc ghế yếu đi và hỏng sẽ làm sụp đổ toàn cả chiếc ghế. Cũng vậy, nếu một trong những chân này của sự cầu nguyện chịu nhượng bộ thì đời sống cầu nguyện của bạn sẽ bỏ cuộc.

1. CHÂN THỨ NHẤT: NƠI CẦU NGUYỆN

Một nơi chốn để cầu nguyện có thể là một văn phòng, phòng ngủ, hành lang… yên tỉnh. Hãy chọn một chỗ và tự động đến đó đúng giờ quy định. Điều này rất hữu ích để tạo thành một thói quen.

2. CHÂN THỨ HAI: PHƯƠNG PHÁP CẦU NGUYỆN.

Phương pháp có thể thay đổi và ta nên thử để giữ cho nó luôn tươi mới. Một ý tưởng đơn giản là hãy bắt đầu bằng sự ngợi khen và thờ phượng, đọc Lời Chúa với một tinh thần lắng nghe, và rồi cầu thay cho người khác (bao gồm những điều gì mà tường thành người lính canh của bạn tập chú vào trong ngày đó). Cũng hãy dành thời gian yên lặng chờ đợi Chúa và ghi chép lại những gì bạn nghe được. Một số người thấy rằng việc nghe nhạc thờ phượng cũng hữu ích. (Xem sơ đồ vòng tròn kế hoạch cầu nguyện 12 bước nằm ở cuối sách hướng dẫn này được rút ra từ cuốn “Giờ Làm Thay Đổi Thế Giới” của Dick Eastman. Quyển sách này được viết ra để giúp những người dành ra một giờ đồng hồ để cầu nguyện mỗi ngày bằng cách chia nhỏ một giờ đó thành mười hai phần, mỗi phần 5 phút).

3. CHÂN THỨ BA: THÌ GIỜ ẤN ĐỊNH ĐỂ CẦU NGUYỆN.

Thì giờ ấn định để cầu nguyện cũng là một chìa khóa để duy trì thói quen cầu nguyện. Có người đã nói cách khôn ngoan rằng nếu bạn chờ đợi để tìm thì giờ cầu nguyện, bạn sẽ chẳng bao giờ cầu nguyện cách kiên định. Ta phải “tạo ra” thì giờ dành để cầu nguyện. Nếu bạn chờ đợi để có những khoảnh khắc phụ thêm trong ngày và dùng làm thì giờ cầu nguyện thì thường là không bao giờ có được. Mục sư Nghê Thác Thanh người Trung Quốc, một người cầu thay đầy ơn đã nói: “Ai không thiết lập thì giờ cầu nguyện thì không cầu nguyện được!”

Nếu một trong những chân này lơi đi, thì sự kiên định của bạn trong việc duy trì thì giờ ở riêng với Chúa hằng ngày cũng sẽ lơi đi. Khi Chúa phán bảo và giao cho bạn một nhiệm vụ trong thời gian bạn ở trên tường thành thì hãy tìm cách vâng lời và thi hành chỉ thị đó. Ngài có thể hướng dẫn những người khác cầu nguyện theo cùng một cách giống như vậy trong cùng thời gian đó. Nếu bạn lo lắng cho rằng điều đó có thể là tiếng nói của kẻ thù (hoặc một ai khác) thì bạn có thể yên tâm rằng Chúa sẽ luôn luôn cho phép chỉ có tiếng nói của Ngài trổi hơn mọi lúc. Chỉ hãy trung tín lắng nghe bằng hết sức của bạn.

Có lẽ bạn đã có thì giờ cầu nguyện hằng ngày rồi – thậm chí đến một giờ đồng hồ hay nhiều hơn nữa. Một người lính canh đã có đời sống cầu nguyện kiên định hằng ngày sẽ được ban cho quyền năng nhiều hơn khi cầu nguyện một giờ hằng ngày đó với tư cách một thành phần của một tường thành. Điều này có được là vì những người cầu thay như vậy sẽ sớm ý thức rằng họ không đang cầu nguyện một mình và họ sẽ được nâng đỡ trong những lúc họ cầu nguyện.

NHỮNG PHƯƠNG CÁCH NGƯỜI LÍNH CANH CẦU NGUYỆN

Mỗi tuần vào phiên canh của mình, người lính canh có thể quyết định vừa đi bách bộ vừa cầu nguyện, và tuần tiếp theo họ có thể cầu nguyện tại một địa điểm khác nhau như: tại sân thượng, tại mái hiên hoặc trong sân vườn. Một số người có thể cầu nguyện đang khi họ lái xe nếu họ là thương nhân hoặc tài xế xe tải. Người mẹ và người cha có thể cùng cầu nguyện với con của mình. Người lính canh có thể chỉ đọc lớn tiếng những nhu cần cầu nguyện đã được liệt kê và rồi sau đó dành trọn thời gian chỉ để thờ phượng Chúa dựa trên những nhu cần đó. Thỉnh thoảng, người lính canh có thể cảm thấy được dẫn dắt để dành trọn cả giờ cho một hoặc hai nhu cầu được liệt kê hơn là tập trung vào quá nhiều nhu cầu có trong danh sách đã được gởi đến cho người lính canh tại địa phương. Điều này cũng tốt, vì có lẽ Chúa Thánh Linh đang hướng dẫn người cầu thay chú tâm vào điều gì đó quan trọng tại thời điểm ấy.

Người thức canh nên liên tục “canh thức” và xem Chúa Thánh Linh chỉ dạy mình phải cầu nguyện thế nào cho được hiệu quả nhất. Mỗi người lính canh biết rằng mình xếp hàng trên tường thành, người này sau người kia, đang tấn công kẻ thù của Đấng Christ trong khi đến gần ngôi ân phước để cầu xin sự toàn thắng! Việc cầu nguyện trên tường thành chắc chắn là một trong những hoạt động quyền năng nhất mà một môn đồ Đấng Christ có thể tham gia vào. Hãy nhớ rằng sự kêu gọi nầy trực tiếp đến từ chính Chúa. Hãy chú ý lần nữa điều Ê-sai, người đang nêu lên vấn đề người thức canh, đã viết:

“Hỡi Giê-ru-sa-lem, ta đã đặt các vọng canh trên thành ngươi; cả ngày và đêm chúng nó chẳng hề im lặng. Hỡi các ngươi là kẻ nhắc nhở Đức Giê-hô-va, chớ có nghỉ ngơi chút nào. Đừng để Ngài an nghỉ cho đến chừng nào đã lập lại Giê-ru-sa-lem và dùng nó làm sự ngợi khen trong cả đất!” (Ê-sai 62:6,7)

LỜI CẦU NGUYỆN CỦA CÁC THÁNH ĐỒ QUAN TRỌNG VÀ CÓ NĂNG QUYỀN

Khải Huyền 8:1 “Khi Chiên Con mở ấn thứ bảy, trên trời yên lặng chừng nửa giờ.”

Khải Huyền 8:2 “Tôi thấy bảy vị thiên sứ đứng trước mặt Đức Chúa Trời, và có người trao cho bảy ống loa.”

Khải Huyền 8:3 “Đoạn, một vị thiên sứ khác đến, đứng bên bàn thờ, người cầm lư hương vàng, và được nhiều hương, để dâng hương ấy trên bàn thờ bằng vàng ở trước ngôi với các lời cầu nguyện của mọi thánh đồ.”

Khải Huyền 8:4 “Khói hương từ tay thiên sứ bay lên trước mặt Đức Chúa Trời, với những lời cầu nguyện của các thánh đồ.”

Khải Huyền 8:5  “Thiên sứ lấy lư hương, dùng lửa nơi bàn thờ bỏ đầy vào, rồi quăng xuống đất: Liền có sấm sét, các tiếng, chớp nhoáng và đất động.”

Trong các câu Kinh Thánh trên chúng ta thấy rằng Đức Chúa Trời xem những lời cầu nguyện của các thánh đồ là rất quan trọng đến nỗi Ngài thâu góp lại và cất giữ nơi bàn thờ bằng vàng của Ngài. Rõ ràng những lời cầu nguyện đã khai phóng quyền năng một cách đầy kịch tính.

Đức Chúa Trời thực sự dựa vào lời cầu nguyện của chúng ta và thậm chí dường như Ngài giới hạn những điều Ngài làm theo lời cầu nguyện của các Thánh đồ. John Wesley đã trích dẫn khi nói: “Chúa không làm điều gì tách rời lời cầu nguyện và mọi điều là bởi lời cầu nguyện!”. Về phân đoạn Kinh thánh trong Khải huyền được nêu trên, nhà thần học Walter Wink đã nói:

“Thiên đàng trở nên im lặng. Các đạo binh thiên đàng và toàn thể cõi trời dừng sự hát xướng không dứt của họ để lời cầu nguyện của các Thánh đồ trên đất có thể được nghe thấy. Bảy thiên sứ của định mệnh không thể thổi kèn báo hiệu thời kỳ tiếp theo cho đến khi vị thiên sứ thứ tám đã thâu góp đủ những lời cầu nguyện nầy… và trộn chúng với trầm hương trên bàn thờ. Chúng lặng lẽ bay lên đến Chúa.

Con người đã can thiệp vào nghi thức tế lễ của thiên đàng. Luồng những hậu quả không dứt đã bị chận lại trong một khoảng thời gian. Những điều khác được thay thế vào. Điều không mong đợi thình lình có thể xảy ra, bởi vì dân sự của Chúa trên đất đã cầu khẩn tới thiên đàng, nhà của những điều khả thi, và đã được đoái nghe. Những điều phải xảy ra kế tiếp đã xảy ra bởi vì dân sự đã cầu nguyện. Thông điệp ở đây thật rõ ràng: lịch sử thuộc về những con người cầu thay.” (Walter Wink, cuốn Lịch Sử Thuộc Về Người Cầu Thay, NXB Sojourners, 1990).

(Còn tiếp)

Dịch và ành: Faithful

Nguồn: Phil Bennett và Dick Eastman

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like