Home Chuyên Đề Lại hỏi: Ai tạo ra Chúa? – Phần 1: Sự bất lực của tư duy lý lẽ

Lại hỏi: Ai tạo ra Chúa? – Phần 1: Sự bất lực của tư duy lý lẽ

by Viethungpham.com
30 đọc

Câu hỏi “Ai tạo ra Chúa?” là một câu hỏi đã được nhiều người hỏi, và đã được trả lời trong một bài viết nhan đề “Who created the Creator? Ai tạo ra Đấng Sáng tạo?”, trên PVHg’s Home ngày 19/09/2016. Nhưng một số người vẫn tiếp tục hỏi câu hỏi đó, dường như họ chưa đọc bài viết nói trên, hoặc bài viết đó không đủ thuyết phục.

Bài viết hôm nay hy vọng đưa ra một câu trả lời rõ ràng, đầy đủ hơn, để không bao giờ cần hỏi lại câu hỏi này nữa.

1/ Câu trả lời của Kurt Gödel 

Trong thời đại ngày nay, khi khoa học và công nghệ đạt được những thành tựu giống như những phép lạ, tư duy toán học, tư duy logic, tư duy lý lẽ thể hiện sức mạnh vượt trội, và chủ nghĩa duy lý (rationalism) nghiễm nhiên lên ngôi chúa tể trong vương quốc nhận thức – tư duy duy lý được coi là dạng nhận thức đáng tin cậy nhất, thậm chí là dạng tư duy duy nhất đúng.

Trong bối cảnh ấy, tư duy siêu hình ngày càng lép vế và có nguy cơ mất chỗ đứng. Niềm tin vào Đấng Sáng tạo bị chất vấn bởi một câu hỏi vĩnh viễn không có câu trả lời nhưng lại được nhiều người hưởng ứng: Nếu Chúa sáng tạo ra mọi thứ thì “ai tạo ra Chúa?”

Những người nêu câu hỏi này tỏ ra đắc chí vì đinh ninh rằng câu hỏi của mình sẽ là đòn quyết định dồn tư duy siêu hình vào chỗ bế tắc, và do đó sẽ tự động bác bỏ niềm tin vào mọi thứ không thể giải thích hoặc chứng minh được bằng logic.

Nhưng…  đó là cái đắc chí ngây ngô, để lộ cho thấy sự thiếu hiểu biết về tính chất hạn chế của tư duy logic mà Pascal[1] đã khẳng định từ thế kỷ 17 và Gödel đã chứng minh trong thế kỷ 20.

Cái vô minh ấy dường như đã trở nên phổ biến đến nỗi Kurt Gödel, cha đẻ Định lý Bất toàn nổi tiếng, từ lâu đã phải thốt lên những lời giáo huấn nhắc nhở người đời, rằng:

● “Không thể giải thích mọi thứ được![2].

● “Nếu quả thật có những bài toán toán học không thể quyết định được bởi trí óc con người thì điều đó ngụ ý rằng lý lẽ của con người là hoàn toàn vô lý khi hỏi những câu hỏi không thể trả lời, trong khi khẳng định dứt khoát chỉ có lý lẽ mới có thể trả lời những câu hỏi đó[3].

Thiết tưởng giáo huấn của Gödel đã quá rõ:

Nếu trong toán học (hệ logic mạnh nhất) tồn tại những sự thật không thể quyết định được là đúng hay sai, thì trong thế giới nói chung càng có nhiều sự thật không thể giải thích được. Ai đó nghĩ rằng lý lẽ của con người có thể giải thích được mọi thứ thì người ấy chắc chắn phải là người rất ngây thơ, ấu trĩ, kém hiểu biết − không biết những bài học về triết học nhận thức mà Pascal trong thế kỷ 17 và Gödel trong thế kỷ 20 đã khai sáng cho nhân loại. Một khi đã không biết nhưng lại cố nêu lên những câu hỏi vĩnh viễn không thể trả lời bằng logic, rồi nhất định đòi phải trả lời bằng logic, thì như Gödel đã nói, đó là sự cực kỳ vô lý của lý trí con người, nếu không muốn nói là ấu trĩ, ngớ ngẩn.

Trong thời đại ngày nay, rất nhiều người thích tranh cãi bằng lý lẽ logic, tưởng rằng mọi thứ đều có thể đặt lên bàn cân của chiếc cân logic để làm rõ trắng đen, phải trái, đúng sai, lại không hề biết rằng trong khoa học và trong thế giới quanh ta, có hàng đống sự thật không thể giải thích hoặc chứng minh được. Cụ thể, triết học toán học của Pascal trong thế kỷ 17 vả Định lý Bất toàn của Gödel trong thế kỷ 20 đã chỉ ra rằng tư duy logic không thể chứng minh HỆ TIÊN ĐỀ của toán học. Và vì toán học là hệ logic mạnh nhất, nên có thể mở rộng kết luận này cho mọi hệ logic khác, rằng tư duy logic không thể giải thích hoặc chứng minh NGUYÊN NHÂN ĐẦU TIÊN hoặc NGUỒN GỐC của mọi hệ thống tuân thủ logic nói chung.

Khốn thay, khát vọng của con người luôn luôn hối thúc con người đi tìm nguyên nhân đầu tiên hoặc nguồn gốc của các hệ thống thế giới mà con người chứng kiến: Nguồn gốc vũ trụ, Nguồn gốc sự sống, Nguồn gốc các loài, Nguồn gốc loài người…

Khát vọng ấy cháy bỏng trong tâm can con người từ hàng trăm năm nay, nếu không phải từ hàng ngàn năm nay, nhưng chưa bao giờ và sẽ không bao giờ có câu trả lời chung cuộc bằng logic đối với những câu hỏi về nguồn gốc.  

Đây chính là điểm giới hạn của tư duy lý lẽ, do chính lý lẽ chỉ ra cho chúng ta thấy, như Blaise Pascal đã từng mô tả:

Điểm kết thúc của tư duy lý lẽ là chỉ ra giới hạn của tư duy lý lẽ[4].

Để vươn tới sự thật ở phía bên kia giới hạn, con người buộc phải vận dụng trực giác, tức là “phải nhờ cậy đến Chúa trong việc khám phá chân lý”, như Blaise Pascal đã nhấn mạnh trong tác phẩm “Về nghệ thuật thuyết phục” (De l’art de persuader) của ông[5].

Tóm lại, câu hỏi “ai tạo ra Chúa?” không phải là một câu hỏi khôn ngoan. Ngược lại, đó là một câu hỏi kém hiểu biết, vì nó không hiểu 2 quy luật sau đây:

Một, nhận thức lý trí có giới hạn – nó không thể giải thích nguyên nhân đầu tiên, hoặc nguồn gốc của các hệ thống tự nhiên.

Hai, chính sự bế tắc về logic trong việc trả lời những câu hỏi về nguyên nhân đầu tiên hoặc nguồn gốc đã buộc con người phải tìm đến những cách tiếp cận không duy lý.

Nhưng phải chăng chúng ta đã từng được nghe nói đến các lý thuyết về nguồn gốc, như nguồn gốc vũ trụ, nguồn gốc sự sống, nguồn gốc các loài, nguồn gốc loài người,… trong đó đã có những câu trả lời rõ ràng, dứt khoát và thuyết phục?

(Còn tiếp)

Nguồn: Viethungpham.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Lại hỏi: Ai tạo ra Chúa? – Phần 2: Sự thật về lý thuyết nguồn gốc vũ trụ

Lại hỏi: Ai tạo ra Chúa? – Phần 3 và hết: Sự thật về lý thuyết nguồn gốc sự sống

Bình Luận:

You may also like