Home Chuyên Đề Lại hỏi: Ai tạo ra Chúa? – Phần 2: Sự thật về lý thuyết nguồn gốc vũ trụ

Lại hỏi: Ai tạo ra Chúa? – Phần 2: Sự thật về lý thuyết nguồn gốc vũ trụ

by Viethungpham.com
30 đọc

2/ Sự thật các lý thuyết về nguồn gốc

2.1 Lý thuyết nguồn gốc vũ trụ

Cho đến nay không có một lý thuyết khoa học nào liên quan đến vấn đề nguồn gốc vũ trụ được đa số các nhà khoa học ủng hộ hơn Lý thuyết Big Bang. Lý thuyết đa vũ trụ cũng có tham vọng giải thích nguồn gốc vũ trụ, nhưng còn quá xa để có thể coi là một lý thuyết khoa học thực sự, bởi nó hoàn toàn chỉ là một giả thuyết không thể kiểm chứng. Vì thế chúng ta chỉ cần thảo luận về Lý thuyết Big Bang.

Vậy Lý thuyết Big Bang có trả lời được câu hỏi nguồn gốc vũ trụ không?

Câu trả lời là KHÔNG! Để biết rõ điều này, xin đọc:

● Nan đề Sáng Thế (Genesis Problem)

● Big Bang’s Challenge / Thách thức của Big Bang

● The Most Beautiful Explanation of Creation / Lời giải thích đẹp nhất về sự Sáng tạo

Tại sao Lý thuyết Big Bang không hề trả lời được nguồn gốc của vũ trụ? Đơn giản vì nó dừng lại ở điểm kỳ dị (singularity) – điểm khởi đầu của vũ trụ, từ đó vũ trụ bùng nổ và giãn nở dần dần thành vũ trụ ngày nay. Không ai biết “điểm kỳ dị đó từ đâu mà ra?”, “ai gây ra vụ nổ lớn?”, và “trước vụ nổ lớn là gì?”. Những câu hỏi này được coi là THÁCH THỨC LỚN đối với khoa học hiện đại. Chừng nào không trả lời được những câu hỏi này, chừng ấy không thể nói là đã trả lời được câu hỏi về nguồn gốc vũ trụ. Đã có một số cố gắng trả lời, nhưng đều ở mức giả thuyết viển vông, không được đông đao giới khoa học ủng hộ.

Thậm chí nhiều nhà khoa học có uy tín lớn còn coi Lý thuyết Big Bang như một bằng chứng xác nhận Thuyết Sáng tạo của Kinh Thánh. Điều này đã được trình bày rõ trong bài “Nan đề Sáng thế”, trong đó dẫn lời của Robert Jastrow, một nhà khoa học nổi tiếng của NASA, trong cuốn “Chúa và các nhà thiên văn” rằng:

Đối với nhà khoa học sống bằng niềm tin vào lý lẽ, câu chuyện kết thúc giống như một giấc mơ buồn. Anh ta đã leo lên ngọn núi vô minh; sắp chinh phục được đỉnh cao nhất; nhưng khi trèo lên tảng đá cuối cùng, anh ta lại được chào đón bởi một nhóm các nhà thần học đã ngồi ở đó từ hàng thế kỷ nay…”

Có nghĩa là sau bao nhiêu công lao khó nhọc của các nhà toán học và thiên văn trong nhiều thế kỷ, cuối cùng các nhà khoa học trong thế kỷ 20 lại đi đến kết luận giống y như Sách Sáng thế trong Kinh Thánh rằng vũ trụ ắt phải có một sự khởi đầu, thay vì vũ trụ là một cái gì đó có sẵn từ muôn thủa và cố định, không thay đổi.

Chú ý rằng trước khi có Lý thuyết Big Bang thì tư tưởng của Aristotle về một vũ trụ tĩnh, có sẵn từ muôn thủa, và cố định không thay đổi đã thống trị trong tư duy của các nhà khoa học, bao gồm cả Isaac Newton, Albert Einstein. Tư tưởng này trái với Kinh Thánh, vì Kinh Thánh nói rằng Chúa sáng tạo ra vũ trụ trong 6 ngày, từ chỗ không có gì cả, có nghĩa là phải có sự khởi đầu. Mặc dù Newton là người rất sùng đạo, nhưng ông không thể hình dung nổi một vũ trụ vật lý có sự khởi đầu và một lịch sử biến đổi. Mô hình vũ trụ của ông là một không gian tuyệt đối và một thời gian tuyệt đối. Mặc dù Einstein khám phá ra rằng không gian và thời gian không tuyệt đối, nhưng ông cũng quan niệm vũ trụ xét trên tổng thể là tĩnh. Nhưng chính phương trình của Thuyết Tương đối Tổng quát của ông lại chỉ ra rằng vũ trụ không tĩnh, mà có thể co giãn.

Khi Alexandre Friedman, nhà vũ trụ học người Nga, phát hiện ra tính co giãn này từ phương trình của Thuyết Tương đối Tổng quát, Einstein đã phải tìm cách chống lại sự co giãn đó bằng cách thêm vào phương trình của mình một hằng số vũ trụ. Không ngờ Edwin Hubble, bằng những quan sát thiên văn, khám phá ra hiện tượng vũ trụ giãn nở là có thật!

Đến lượt George Lemaître, một thầy tu Công giáo người Bỉ, công bố một lý thuyết hoàn chỉnh mang tên “Giả thuyết về Nguyên tử Nguyên thuỷ” (Hypothesis of Primeval Atom), tức Lý thuyết Big Bang sau này, thì khoa học lần đầu tiên đã thực sự thừa nhận rằng vũ trụ không tĩnh như mô hình Aristotle, mà giãn nở, và do đó ắt phải có điểm khởi đầu và một lịch sử biến đổi. Ban đầu Einstein phản đối lý thuyết của Lemaître, đơn giản vì lý thuyết này ủng hộ Kinh Thánh (Einstein tin vào Đấng Sáng tạo nhưng không tin vào Chúa của Kinh Thánh – một đấng quan phòng đến xã hội loài người). Tuy nhiên, sau khi gặp Lemaître tại Pasadena năm 1932 và trực tiếp nghe Lemaître thuyết trình, Einstein đã thốt lên:

Đây là lời giải thích tuyệt vời và thỏa đáng nhất về sự sáng tạo mà tôi từng được nghe[6]

Câu nói ấy chỉ nói lên sự thán phục của Einstein đối với lý thuyết của Lemaître, thay vì giải thích được nguồn gốc của vũ trụ một cách logic. Mọi phân tích khoa học vẫn phải dừng lại ở điểm kỳ dị, mà Lemaître gọi là “nguyên tử nguyên thuỷ”. Bản thân Lemaître, mặc dù là một thầy tu Công giáo sùng đạo, không hề khẳng định rằng Chúa tạo ra “nguyên tử nguyên thuỷ”. Để tránh hiểu lầm, ông nhiều lần nhắc đi nhắc lại rằng “điểm kỳ dị ban đầu không phải là “sự sáng tạo” (theo nghĩa thần học) mà chỉ là “sự khởi đầu tự nhiên””.

Chú ý rằng trong những năm 1968 – 1970, Roger Penrose, Stephen Hawking, và George Ellis lần lượt công bố những công trình nghiên cứu chứng minh một cách toán học rằng sự khởi đầu của vũ trụ là điều không thể tránh khỏi.

Quả thật, vũ trụ không thể cố định và vĩnh hằng. Bởi nếu vũ trụ đã có sẵn từ muôn thủa thì theo Định luật Entropy, vũ trụ đã bị tan rã từ lâu rồi.

Nhiều thí nghiệm vật lý và thiên văn cũng xác nhận Lý thuyết Big Bang, chẳng hạn như năm 1964, Arno Penzias và Robert Wilson khám phá ra những “tiếng ồn vi sóng” vũ trụ, vết tích của những vi sóng phát đi từ vũ trụ nóng bỏng lúc sơ sinh sau Big Bang. Nhờ đó hai người này được tặng Giải Nobel vật lý năm 1978.

Với cơ sở logic toán học chính xác và được xác nhận bởi nhiều hiện tượng thiên văn vũ trụ, Lý thuyết Big Bang đến nay vẫn được coi là một trong những thành tựu vĩ đại nhất của khoa học. Murray Gell-Mann, nhà vật lý đoạt Giải Nobel năm 1969, ca ngợi Lý thuyết Big Bang như “một cuộc phiêu lưu bền bỉ và vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại, nhằm hiểu vũ trụ vận hành ra sao và từ đâu tới”[7].

Vậy dù bạn tin hay không tin, đứng trước Lý thuyết Big Bang, bạn chỉ có thể có một trong hai lựa chọn:

Một, thừa nhận sự bế tắc của tư duy lý trí trong việc giải thích nguồn gốc vũ trụ, vì tư duy lý trí hoàn toàn bất lực trước việc giải thích nguồn gốc của “nguyên tử nguyên thuỷ” và vụ nổ lớn.

Hai, tán thành Robert Jastrow, thừa nhận “nguyên tử nguyên thuỷ” và vụ nổ lớn đều do Chúa sáng tạo!

(Còn tiếp)

Nguồn: Viethungpham.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Lại hỏi: Ai tạo ra Chúa? – Phần 1: Sự bất lực của tư duy lý lẽ

Lại hỏi: Ai tạo ra Chúa? – Phần 3 và hết: Sự thật về lý thuyết nguồn gốc sự sống

Bình Luận:

You may also like