Kinh thánh: Ma-thi-ơ 3:1-12
1Lúc ấy, Giăng Báp-tít đến giảng đạo trong đồng vắng xứ Giu-đê, 2rằng: Các ngươi phải ăn-năn, vì nước thiên-đàng đã đến gần! 3Ấy là về Giăng Báp-tít mà đấng tiên-tri Ê-sai đã báo trước rằng:
Có tiếng kêu trong đồng vắng:
Hãy dọn đường Chúa,
Ban bằng các nẻo Ngài.
4Vả, Giăng mặc áo bằng lông lạc-đà, buộc dây lưng bằng da; ăn, thì ăn những châu-chấu và mật ong rừng. 5Bấy giờ, dân thành Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, và cả miền chung-quanh sông Giô-đanh đều đến cùng người; 6và khi họ đã xưng tội mình rồi, thì chịu người làm phép báp-têm dưới sông Giô-đanh.
7Bởi Giăng thấy nhiều người dòng Pha-ri-si và Sa-đu-sê đến chịu phép báp-têm mình, thì bảo họ rằng: Hỡi dòng-dõi rắn lục kia, ai đã dạy các ngươi tránh khỏi cơn giận ngày sau? 8Vậy, các ngươi hãy kết-quả xứng-đáng với sự ăn-năn, 9và đừng tự khoe rằng: Áp-ra-ham là tổ chúng ta; vì ta nói cho các ngươi rằng Đức Chúa Trời có thể khiến đá nầy sanh ra con cái cho Áp-ra-ham được. 10Bây giờ cái búa đã để kề rễ cây; vậy hễ cây nào không sanh trái tốt, thì sẽ phải đốn và chụm. 11Về phần ta, ta lấy nước mà làm phép báp-têm cho các ngươi ăn-năn; song Đấng đến sau ta có quyền-phép hơn ta, ta không đáng xách giày Ngài. Ấy là Đấng sẽ làm phép báp-têm cho các ngươi bằng Đức Thánh-Linh và bằng lửa. 12Tay Ngài cầm nia mà dê thật sạch sân lúa mình, và Ngài sẽ chứa lúa vào kho, còn rơm-rạ thì đốt trong lửa chẳng hề tắt.
Lời ngỏ: Người nông dân suốt ngày bán mặt cho đất bán lưng cho trời với mong đợi nhận được mùa thu hoạch bội thu. Người công nhân suốt ngày lăn xả trong đống nguyên liệu và dàn máy móc với những công việc đầy bụi bặm nhưng trong lòng mong đợi đến đúng kỳ được lãnh lương và có kèm tiền thưởng hậu hĩnh… Ai trong chúng ta sốt sắng làm việc đều mong đợi được kết quả tốt đẹp. Cũng vậy, các đầy tớ Chúa sốt sắng truyền bá sứ điệp của Chúa cho người khác với mong đợi những điều công bố được đáp ứng nhiệt liệt và đời sống của những người đó được thay đổi.
Quan trọng hơn, chính Chúa là Đấng trông đợi hơn hết về việc chúng ta có kết quả như thế nào. Bởi vì Ngài luôn muốn ban phước, muốn ban cho cách dư dật; nhưng con người chúng ta hay từ chối Chúa và hay lánh xa Ngài. Cho nên, Chúa phải sai các đầy tớ trung thành của Ngài kêu gọi chúng ta rằng: “Các ngươi phải ăn năn, vì nước thiên đàng đã đến gần.” Đây không chỉ là lời khuyên ‘nên’ hay ‘hãy’ mà là ‘phải’ ăn năn như là một mệnh lệnh cấp bách vì thời gian không còn nhiều. Sự cấp bách này được Giăng Báp-tít miêu tả như “cái búa đã để kề rễ cây”. Tức là người chủ vườn cây đã có một chương trình là sẽ đốn bỏ những cây lâu năm không ra trái, hay những cây không ra trái tốt giống như người chủ mong đợi.
Giăng Báp-tít là một người được Đức Chúa Trời lựa chọn cách đặc biệt trước khi ông được hoài thai trong lòng mẹ mình là Ê-li-sa-bét khi cả bố mẹ ông đều ở tuổi già bóng xế, không còn khả năng sinh con cái theo lệ thường của con người. Và sau khi lớn lên thì ông được chuẩn bị để làm việc rất đặc biệt. Ông đã rời khỏi xã hội phồn hoa, vào trong nơi sa mạc để chịu thử thách và sống cuộc đời khổ hạnh để học biết sứ mạng Chúa giao. Ông đã mặc áo bằng lông của lạc đà, ăn những châu chấu và mật ong rừng. Sống như vậy không chỉ để tu tâm dưỡng tính mà còn để chuẩn bị cho chức vụ đặc biệt. Ông được sai phái như người tiền khu, tức là người đi trước dọn đường cho một vị vua là Chúa Giê-xu, là Đấng Cứu Thế sẽ đến ngay sau đó. Cho nên, sứ mạng của ông được các tiên tri như Ê-sai, và sau này là thiên sứ loan báo rõ ràng cho người cha của ông tại đền thờ trong phiên cầu nguyện cho dân sự. Đó là: “Hãy dọn đường Chúa, ban bằng các nẻo Ngài. Mọi nơi sũng thấp sẽ lấp cho đầy, Các núi các gò thì bị hạ xuống; Đường quanh quẹo thì làm cho ngay, đường gập ghềnh thì làm cho bằng; Và mọi loài xác thịt sẽ thấy sự cứu của Đức Chúa Trời.” (Lu 3:4-6).
Hiển nhiên, chúng ta phải biết rõ con đường này không phải là con đường đá sỏi, đường nhựa hay đường bằng xi-măng cốt thép; nhưng đó là con đường của “tấm lòng con người”. Như có chép rõ ràng hơn là: “Người sẽ làm cho nhiều con trai Y-sơ-ra-ên trở lại cùng Chúa, là Đức Chúa Trời của họ; chính người lại sẽ lấy tâm thần quyền phép Ê-li mà đi trước mặt Chúa, để đem lòng cha trở về con cái, kẻ loạn nghịch đến sự khôn ngoan của người công bình, đặng sửa soạn cho Chúa một dân sẵn lòng.” (Lu 1:16-17). Lòng con người ta là vô cùng phức tạp và khó đoán, làm sao có thể làm ngay, làm thẳng, làm bằng được? Giăng Báp-tít đã kêu gọi làm điều đó bằng việc “hạ mình xuống, ăn năn”. Nhưng không phải ăn năn âm thầm trong lòng, mà phải bày tỏ ra bên ngoài bằng phép “báp-têm” bằng nước. Người đó phải xưng nhận tội lỗi từ trong lòng ra trước mặt mọi người, và công khai chấp nhận từ bỏ tội lỗi giống như việc nhận chìm vào trong nước giữa dòng sông có nhiều người chứng kiến.
Việc hạ lòng mình xuống, ăn năn bằng cách xưng ra ngoài miệng đã khó rồi mà bây giờ phải công khai xưng tội ấy trước cộng đồng. Hơn nữa, phải chấp nhận chịu báp-têm bằng nước như sự kiên quyết đồng chết về tội lỗi và chôn tội lỗi trong dòng nước. Qua đó, bởi dòng nước đó nhắc nhở rằng chúng ta được thanh tẩy, được đổi mới đời sống và thân phận, giống như việc dân Do thái đi bộ qua Biển Đỏ khỏi Ai-cập là nhà nô lệ để được trở nên dân tộc độc lập và tuyển dân của Chúa. Đó là việc không dễ dàng, phải đòi hỏi sự tranh đấu trong tâm hồn trong nhiều ngày tháng cho đến khi quyết định thực hiện trước cộng đồng xã hội.
Thế nhưng, điều tiếp theo là phải chứng tỏ đời sống có kết quả xứng đáng với điều mình đã ăn năn trước đó. Có kết quả tương ứng thì mới chứng tỏ sự ăn năn là điều chân thật. “Chúng bèn hỏi Giăng rằng: Vậy thì chúng tôi phải làm gì? Người đáp rằng: Ai có hai áo, hãy lấy một cái cho người không có; và ai có đồ ăn cũng nên làm như vậy. Cũng có những người thâu thuế đến để chịu phép báp-tem; họ hỏi rằng: Thưa thầy, chúng tôi phải làm gì? Người nói rằng: Đừng đòi chi ngoài số luật định. Quân lính cũng hỏi rằng: Còn chúng tôi phải làm gì? Người nói rằng: Đừng hà hiếp, đừng phỉnh gạt ai hết, nhưng hãy bằng lòng về lương hướng mình.” (Lu 3:10-14) Đó là những điều rất cụ thể của đời sống biết ăn năn và biến đổi mà ai cũng có thể ăn năn và cũng có thể được thay đổi rõ ràng; chứ không mơ hồ hay chỉ ăn năn suông.
Tuy nhiên, Giăng Báp-tít khẳng định những điều mà ông kêu gọi và thi hành cũng mới chỉ là giai đoạn chuẩn bị sẵn sàng trước khi Đấng Cứu Thế xuất hiện cách công khai. Cho đến lúc bấy giờ thì chưa một ai, thậm chí Giăng Báp-tít cũng không biết Đấng Cứu Thế là ai và khi nào chính thức xuất hiện. Nhưng ông khẳng định là phép báp-têm bằng nước mà ông đang thực hiện chỉ bày tỏ về biểu hiện ban đầu của sự ăn năn. Chính Đấng Cứu Thế khi Ngài đến sẽ dùng quyền năng Thánh Linh và lửa linh để thiêu hủy tội lỗi và chính Ngài mới là Đấng cất bỏ tội lỗi đi.
Bài học áp dụng: Tâm tình và đời sống công bình, chính nghĩa của Giăng Báp-tít là gương sáng cho bất kỳ ai đang được Đức Chúa Trời giao cho một sứ mạng hoặc một trọng trách nào đó. Qua chức vụ của ông khiến cho các vị vua quan bất công, bất nghĩa cũng phải nể sợ vì sự công bình ấy. Con người khi thành công thì dễ dẫn đến sự kiêu ngạo và muốn đoạt lấy mọi danh thơm tiếng tốt để đem lại ích lợi cho bản thân, gia đình mình. Nhưng trước mặt Chúa sự thành công không phải là sứ mạng đó quan trọng và lớn lao thế nào nhưng phẩm hạnh của sứ giả mới làm cho sứ mạng đó có giá trị chân thật. Sự kêu gọi của Giăng Báp-tít là một thách thức cho chúng ta: chúng ta phải nhanh chóng có kết quả xứng đáng với sự ăn năn. Nhưng trên mọi sự đó là chúng ta cần đến với Đấng Christ để tội lỗi được tha thứ và nhận được sự cứu rỗi của Ngài.
Cầu nguyện:
Lạy Thiên Phụ từ ái của con! Cầu xin Chúa sử dung con như Ngài đã sử dung Giăng Báp-tít để kêu gọi dân tộc chúng con biết ăn năn và trở về cùng Chúa. Nguyện xin Chúa thương xót chúng con và dân tộc chúng con, xin gia ơn để chúng con có kết quả xứng đáng với sự ăn năn mà Chúa đã cảm động chúng con. Amen
Nguồn: Radiomanavn.blogspot.com
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gởi về tintuc@hoithanh.com