Home Lời Chứng Ký Sự: Một Ngày ở Sin Suối Hồ

Ký Sự: Một Ngày ở Sin Suối Hồ

by Độc Giả
30 đọc

“Chúng tôi không có ví đựng tiền như trên miền xuôi đâu. Anh em có vài đồng móc ra ngắm rồi lại nhét vào túi, vì nếu có nhiều tiền cũng không biết tiêu gì, chỉ mang ra ngắm thôi. Thế nhưng khi mình cầu nguyện với Chúa mở 5 Km đường vào bản, tiền không có, mình và các anh em xuống suối lấy cát, thiếu tiền nhà thì bán con gà, nhà thì bán con bò, con lợn dâng lên làm đường. Lúc cán bộ trong bản hỏi có biết làm không, mình chỉ bảo, ‘Kinh Thánh Chúa chỉ cho làm,’ thế là làm xong thôi,” Mục sư Hãng A Xà vừa nói vừa cười trước sự ngạc nhiên của chúng tôi.

ĐƯỜNG VÀO THIÊN ĐÀNG SIN SUỐI HỒ
Suốt 8 tiếng lái xe, chúng tôi đã đến Thành phố Lai Châu. Vượt thêm 30 Km đường đèo, với những chặng dốc ngoằn nghèo. Cung đường heo hút, thỉnh thoảng có vài em bé H’mông má đỏ địu gùi đi bán rau. Nhìn xuống triền núi một khung cảnh thật đẹp với ruộng bậc thang uốn lượn, mây trắng bồng bềnh ôm hôn những ngọn cây. Những bông hoa dại tươi tắn tinh khôi trong sương sớm, ngoẻn miệng cười trong nắng như đang muốn nói xin chào mọi người đã đến Sin Suối Hồ vậy.

Con đường dẫn lên Sin Suối hồ không như chúng tôi tưởng tượng trước khi đi. Ngay đầu bản mọi thứ đã rất trật tự sạch sẽ. Khung cảnh tuyệt đẹp như vườn Ê-đen xưa, không khí trong lành, dọc con đường vào bản toàn là Địa Lan. Người từ các nơi đến tấp nập chở địa lan rừng ra bán. Toàn bộ 5 Km đường vào bản do người làng tự làm. Con đường đổ bê tông vào từng nhà. Cuộc sống của Sin Suối Hồ chẳng thấy đói nghèo nhếch nhác, bẩn thỉu của một làng sắc tộc như chúng tôi nghĩ. Đời sống của người dân nơi đây rất đầy đủ, sung túc sạch sẽ, thánh thiện. Càng khám phá càng đi vào sâu chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước công việc lạ lùng của Chúa. Một làng cuối cùng heo hút của xã nếu không có sự thăm viếng, ban phước của Chúa, không có cánh tay nhân từ của Ngài đoái xem, cái làng từng mệnh danh là cả làng đều nghiện hút, đói nghèo đeo bám người dân nơi đây. Nhưng bây giờ nơi đây như được lột xác, được mặc chiếc áo mới, chiếc áo của sự phục hồi, không còn nghiện ngập đói nghèo, nay là làng Tin Lành làm du lịch, là làng Văn hoá, là làng tiêu biểu được Phó Thủ Tướng xuống tận nơi đem mô hình tuyên dương khuyến khích các xã huyện khác áp dụng và làm theo. Vì cớ gì mà họ được như thế? Bởi cớ Chúa, bởi tấm lòng khao khát truyền giáo đưa Tin Lành làm Phước Hạnh Cho Người Khác.

LÀNG TRUYỀN GIÁO
Trong làng có 123 hộ thì có đến 90% là tin Chúa. Ấn tượng đầu tiên khi tôi đặt chân đến Hội thánh là dòng chữ rất to: “Ai đến dâng 1/10 thì gọi số…” Mục sư Hãng A Xà chia sẻ: “Người dân ở đây họ dâng một phần mười rất trung tín và dâng theo ngày. Ngày bán được bao nhiêu thì trích ra một phần mười của ngày đó. Ở đây người ta bán một quả mướp cũng dâng, một vài bó rau cũng đến dâng. Mấy năm nay Chúa mở mắt cho làng trồng lan và thảo quả nên thu nhập họ cao lắm.”

Sau Hội thánh, đi vài chục mét chúng tôi đến chợ hát Thánh ca và học Lời Chúa. Chợ họp thứ 7 hàng tuần. Người dân nơi khác đến đây để mua bán, và dân trong làng vừa bán vừa truyền giáo cho người nơi khác đến. Vì thế mà rất nhiều người biết đến Sin Suối Hồ, khách du lịch từ các nơi đến có cả quốc tế lẫn trong nước.Trong làng có nhiều Homestay cho khách đến ở. Họ làm việc rất chuyên nghiệp. Khách đến được xếp thứ tự cho từng nhà, có hướng dẫn viên đưa đón tận nơi, hướng dẫn cho khách nơi ăn chốn ở. Không khí ấm cúng, gần gũi. Họ làm du lịch với mục đích: Truyền giáo.

“Chúng tôi là những người ít học, người học cao nhất là tôi mới hết lớp 5 thôi, để tiếp xúc và truyền giáo chắc khó ai tiếp những kẻ ít học như chúng tôi. Nên tôi và các anh em trong Hội thánh, mới cầu nguyện với Chúa, mình phải thu hút làng khác đến làng mình. Và rồi ý tưởng trồng lan xuất hiện từ đó. Ban đầu anh em chỉ nghĩ trồng cho đẹp để mọi người từ làng khác đến ngắm. Không ngờ Chúa lại mở cơ hội lớn cho chúng tôi. Địa lan là nguồn thu nhập chính, dân nơi khác đến mua lan và chúng tôi truyền giáo luôn cho họ. Anh em chúng tôi thường bảo địa lan như ma-na mà Chúa gửi đến cho chúng tôi vậy,” câu chuyện của chúng tôi bị cắt ngang. Một tín đồ thấy Mục sư Hãng A Xà và hai người trao đổi gì đó, hai người trao đổi với nhau bằng tiếng H’mông, tôi thấy Mục sư Xà đếm tiền người đó đưa. Mục sư Xà cười với tôi và bảo: “Tín hữu gặp tôi và dâng một phần mười. Hôm nay anh ta bán được 8 triệu tiền lan, sợ quên nên vừa bán xong anh ta chạy đến đây và dâng luôn.” Tôi thật sự xúc động. Con người nơi đây tấm lòng đơn sơ và mộc mạc. Họ yêu Chúa, kính Chúa, họ làm vì cớ Chúa nên họ được ban phước đặc biệt.

Vùng đất này thật sự nó như Thiên đàng trên đất. Khung cảnh tuyệt đẹp của những khóm lan, làm tôi như đang bước vào Thiên Đàng của Chúa. Càng khám phá tôi càng thấy Chúa tuyệt vời. Nơi đâu có sự thăm viếng của Chúa, nơi đâu có sự khao khát thì nơi đó có sự Phục Hưng. Lửa Thánh Linh của Chúa như bao trùm nơi đây, tôi thấy sự xức dầu của Chúa trên cả cây cỏ và con người.

Vì có việc nên tôi phải về Hà Nội gấp. Buổi sáng hôm đó khi rời khỏi bản tôi gọi điện chào mục sư. Mục sư Xà bảo tôi, có thể ở lại để khích lệ anh em một chút được không? Đức Thánh Linh hun đốt trong lòng và tôi quyết định ở lại với anh em, trong đầu tôi nghĩ, ở lại để khích lệ anh em, khích lệ Hội thánh. Mục sư đợi tôi ở cổng làng, trời mưa tầm tã. Khi thấy vợ chồng tôi, mục sư hồ hởi và nhét vào tay hai đứa con của tôi 400 ngàn và nói muốn chúc phước cho hai con tôi. Vợ chồng chúng tôi hết sức là ngạc nhiên. Mục sư bảo, “Tôi muốn chúc phước cho tất cả những ai đến đây. Và đây là quà mà tôi tặng cho hai cháu.” Tôi nghĩ mình ở lại để khích lệ Hội thánh, khích lệ anh em, mà chính Chúa đã dạy cho tôi bài học về sự ban phát, sự rời rộng về phước của Chúa. Giờ thì tôi đã hiểu đó là lý do Sin Suối Hồ luôn được giàu có, luôn dư dật trong ân điển Chúa.

Lời Chúa có chép “Nước nào có Giê-hô-va làm Đức Chúa Trời mình, Dân tộc nào được Ngài chọn làm cơ nghiệp mình có phước thay!” – THI THIÊN 33:12

Bùi Văn Hảo

Bài vở cộng tác và góp ý xin gởi về tintuc@hoithanh.com

 

Bình Luận:

You may also like