Home Chuyên Đề Kế Hoạch Truyền Giáo của Ying Kai – Phần 1: Huấn luyện để trở thành người huấn luyện

Kế Hoạch Truyền Giáo của Ying Kai – Phần 1: Huấn luyện để trở thành người huấn luyện

by Sưu Tầm
30 đọc

Cô Grace, vợ tôi và tôi làm giáo sĩ ở Châu Á được 21 năm với tổ chức truyền giáo quốc tế của Hội thánh Báp-tít Phương Nam. Sau một năm học tiếng Quảng Đông, chúng tôi bắt đầu mục vụ mở Hội thánh mới ở Hong Kong. Trong những ngày đó, chúng tôi vẫn sử dụng phương pháp rao giảng Phúc Âm truyền thống.

Mỗi năm 2 chúng tôi có thể dẫn được từ 40 đến 60 người đến với Chúa Cứu Thế và mở được một Hội thánh mới. Chúng tôi nghĩ mình không đến nỗi tệ lắm. Vào thời điểm đó, tổ chức truyền giáo đã cho mỗi người trong chúng tôi một quyển cẩm nang: Rằng mỗi nhà truyền giáo phải mở được 1 Hội thánh mới sau 5 năm, hoặc phải thuyên chuyển đến một vùng khác vì không đủ tiêu chuẩn phục vụ trong khu vực Đông Á. Trong báo cáo hàng năm, chúng tôi có thể tường trình hàng chục người tiếp nhận Chúa Cứu Thế và mở được 1 Hội thánh mới, cho nên chúng tôi nghĩ mình làm cũng khá tốt rồi. Chúng tôi tiếp tục hầu việc Chúa ở Hong Kong cho đến năm 2000. Thế rồi, sau sự phân nhiệm ở một vùng quê tại Hoa Kỳ, Đức Thánh Linh hướng dẫn chúng tôi đến hầu việc Chúa tại một nước rộng lớn Châu Á gần bên. Trước thời gian đó, chưa bao giờ chúng tôi có cơ hội phục vụ Chúa tại đất nước nầy. Trên thực tế, chúng tôi sợ phải đến một chỗ mới. Sau một thời gian chân thành cầu nguyện, chúng tôi quyết định vâng theo sự kêu gọi của Chúa. Cho nên chúng tôi đã liên hệ với văn phòng dịch vụ và yêu cầu chuyển đổi nhiệm sở.

Tháng 10 năm 2000, chúng tôi được gửi đến Singapore một tháng để tham dự huấn luyện điều phối chiến lược. Nhà Điều Phối Chiến Lược là một nhà truyền giáo đã đưa ra một chiến lược để đem Phúc Âm của Chúa Cứu Thế Giê-su đến với cả một nhóm người hay cho toàn thể dân chúng.

Ngày huấn luyện đầu tiên, viên giám đốc huấn luyện của chúng tôi yêu cầu mỗi đơn vị truyền giáo chuẩn bị một kế hoạch 3 năm (kế hoạch truyền giáo chiến lược) và đặt ra cho khải tượng một mục tiêu trong cái khung thời gian là 3 năm. Tôi không hiểu họ muốn nói gì với chữ mục tiêu của khải tượng, cho nên tôi đã hỏi vị giám đốc huấn luyện: „Mục tiêu khải tượng là cái gì?“ Ông trả lời: „Anh Ying, rất đơn giản, đó là: Trong ba năm tới anh có thể dắt được bao nhiêu người đến với Chúa Cứu Thế và thành lập được bao nhiêu Hội thánh?“

Sau khi được nghe lời giải thích của ông, Grace và tôi bàn với nhau thế nào trong ba năm chúng tôi chỉ mới có thể đem về độ chừng trên dưới 200 người và chỉ thành lập được có 3 Hội thánh.

Khi nghiên cứu vùng đất mới mà Chúa đang dẫn đến, chúng tôi biết được ở đó có 3 thành phố trong mỗi khu vực đều có số dân đăng ký là 5 triệu 8. Nhưng rồi chúng tôi khám phá rằng ở đó có hơn 15 triệu công nhân thời vụ của các hãng xưởng từ khắp cả nước, đến làm việc trong hàng ngàn hãng xưởng tại đây! Như vậy thực tế là có đến hơn 20 triệu dân trong nơi chúng tôi mới được phân nhiệm.

Đây thật là một con số dân quá lớn! Chúng tôi thầm nghĩ, nếu trong 3 năm mình mà dẫn được 200 người đến với Chúa và chỉ mở được 3 Hội thánh mới, thì con số nầy quả thật là khiêm tốn một cách đáng thương. Thậm chí nếu chúng tôi làm việc thật cực nhọc để dẫn được 1,000 người về với Chúa và mở được 10 nhà thờ, thì con số vẫn quá nhỏ nhỏi so với số dân 20 triệu người! Bởi thế, chúng tôi đã cầu nguyện và siêng năng học hỏi Kinh Thánh mỗi ngày, cầu xin Cha cho chúng tôi chiến lược chia sẻ Phúc Âm tốt nhất.

Tôi nhớ lại, vị giám đốc huấn luyện đã thách thức chúng tôi tìm ra hơn 100 cách khác nhau để chia sẻ Phúc Âm và đưa vào kế hoạch chiến lược của mình. Ở đó có một câu trích dẫn trên tường đã chạm đến lòng tôi: „Ngày hôm nay, sẽ có bao nhiêu người trong thành phố của bạn được nghe Phúc Âm?“ Chúng tôi đã cầu nguyện và học Kinh Thánh mỗi ngày để xin Đức Chúa Trời cho mình một chiến lược làm thế nào để Phúc Âm càng ngày càng lan ra thật nhanh và làm thế nào có được nhiều người quay về với Chúa. Mỗi ngày chúng tôi tiếp tục học Kinh Thánh và cầu nguyện cho đến một ngày kia, đang giữa đêm, bỗng dưng chúng tôi nhận ra chiến lược tốt nhất để rao truyền Phúc Âm nằm ngay ở trong Đại Mạng Lệnh của Chúa Giê-su! Chúng tôi biết Đại Mạng Lệnh của Chúa (Ma-thi-ơ 28:19-20) từ lúc còn bé, nhớ nằm lòng phân đoạn Kinh Thánh. Thậm chí có thể hát nó như một bài ca. Nhưng trong giờ phút đó, chúng tôi mới khám phá ra rằng mình chưa hề thật sự làm theo Đại Mạng Lệnh của Ngài!

Đại Mạng Lệnh

Chúa Giê-su phán với họ: “Tất cả quyền uy trên trời, dưới đất đều giao cho Ta.  Vậy, hãy đi làm cho muôn dân thành môn đệ Ta, làm phép báp-tem cho họ nhân danh Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh,  dạy họ giữ mọi điều Ta đã truyền cho các con. Và này, Ta hằng ở cùng các con luôn cho đến tận thế.” Ma-thi-ơ 28:19-20

 

Có 6 Điểm Chính

  1. “Đi” chứ không phải “Đến”
    Khởi đầu Đại Mạng Lệnh của Chúa Giê-su là lệnh truyền: „Hãy đi!“ Nhưng thay vì đi, cách làm truyền thống của chúng ta luôn luôn bảo rằng: „Hãy đến!“ Chúng ta luôn luôn mời gọi người ta đến với nhà thờ của mình, đến thông công với mình, đến với nhóm của mình. Mời người ta đến có thể là cách làm thông thường của chúng ta, nhưng Chúa Giê-su bảo chúng ta hãy đi và tìm kiếm những người hư mất.

Nếu không ra đi, làm sao chúng ta có thể dẫn người ta đến với Chúa? Ngày nay, mỗi một người đều có đường mà họ phải đi, cho nên nếu chúng ta không đi thì làm sao có thể tìm được họ? „Ra đi“ chính là bí quyết. Có ra đi, chúng ta mới có thể làm được nhiều điều. Nếu chúng ta chỉ ở lại một nơi, mọi người sẽ không tự động đến với chúng ta.

Chúng ta không thể chỉ ngồi chờ, chờ ở nhà thờ, hay chờ cho có ai đó đến với nhóm nhỏ của mình ở nhà – họ sẽ không đến một cách tự động. Cho nên, mạng lệnh đầu tiên đó là „Hãy ra đi!“ Anh chị em ơi, hãy quyết định ra đi ngay bây giờ, anh chị em sẽ thấy con đường Chúa đã mở ra cho mình- Khi bước ra ngoài, anh chị em sẽ thấy những người cần đến mình. Nếu anh chị em ở lì một nơi, anh chị em sẽ mất đi cơ hội thay đổi hay ảnh hưởng trên đời sống họ. Không ra đi chính là không bày tỏ một tấm lòng vâng phục uy quyền của Chúa Cứu Thế.

  1. Mỗi một người, chứ không phải chỉ có một số người

Chúa Giê-su phán rằng „mọi dân tộc“ – là mỗi một con người sẽ tiếp nhận Phúc Âm và trở thành môn đệ của Ngài. Nhưng nếu khi chia sẻ Phúc Âm chúng ta giới hạn những người mình chia sẻ. Thậm chí khi phát truyền đạo đơn, chúng ta cũng lựa chọn người để phát! Chúng ta đã làm sai; phải đem Phúc Âm đến với tất cả mọi người. Điều nầy đòi hỏi chúng ta mở rộng khải tượng của mình. Chúng ta phải đi ra ngoài khải tượng bị giới hạn của mình để đến với khải tượng Đại Mạng Lệnh mà Chúa đã ban cho.

Anh chị em có nhớ ẩn dụ về người gieo giống không? Người gieo giống là một nông dân, và có thể anh không biết phần đất nào trên cánh đồng là đất tốt và sẵn sàng. Nhưng người nông dân nầy không làm theo sự khôn ngoan cổ truyền. Anh rải hạt giống khắp mọi nơi trong lãnh địa của mình. Anh gieo rắc khắp mọi nơi.

Vâng, một số hạt đã rơi vào đất đá; một số rơi trên đường; một số rơi vào bụi gai. Dù vậy, một số hạt đã rơi trên đất tốt, và sinh sôi 30 lần, 60 lần, thậm chí đến 100 lần nhiều hơn! Trách nhiệm gieo giống rộng rãi bằng sự chia sẻ Phúc Âm khắp nơi là của chúng ta, nhưng sự lớn lên của hạt giống đến từ quyền năng của Đức Thánh Linh.

Khi Chúa Giê-su sai 70 sứ đồ chia sẻ Phúc Âm trong Lu-ca chương 10, Ngài đã cho họ một chiến lược rao truyền Phúc Âm: „Các con vào nhà nào, trước hết hãy nói: “Chúc nhà này được bình an! Nếu nhà ấy có người đáng hưởng bình an (người của sự bình an), thì sự bình an của các con sẽ ở cùng người ấy; nếu không, sự bình an sẽ trở về với các con (lúc đó bạn chính là người của sự bình an). Một „người của sự bình an giống như hạt giống đã được gieo ra trong đất tốt, sẽ thu hoạch một mùa gặt gấp trăm lần hơn! Nếu chúng ta giới hạn những người mình chia sẻ Phúc Âm, và không chia sẻ cho mỗi một người, chúng ta sẽ không gặp được những con người của sự bình an nầy.

  1. Một môn đồ, chứ không phải chỉ là một tín đồ trong Hội thánh

Chúa Giê-su muốn chúng ta hãy làm cho tất cả mọi người (toàn thể nhân loại) trở nên môn đệ của Ngài. Chúa Giê-su không bảo rằng một người chỉ có thể đơn thuần là một tín hữu, một Cơ đốc nhân, một người anh em, một tín đồ của Hội thánh, một hội viên … hay một cái gì đó. Chúa Giê-su nói rất rõ rằng – hãy khiến muôn dân trở nên môn đồ! Nếu chúng ta chỉ làm cho một người trở nên tín đồ của một Hội thánh, hay hội viên của Hội thánh, chúng ta sẽ không đáp ứng đúng yêu cầu của Chúa Giê-su. Ngài truyền lệnh cho chúng ta hãy khiến mỗi một người trở nên môn đệ của Ngài. Môn đệ là những người theo học. Họ theo bước chân Thầy của mình và học tất cả kỷ năng của Thầy cho tới khi họ có thể hoàn thành sự huấn luyện và chính mình trở thành người thầy. Đó là ý nghĩa của việc môn đồ hóa.

Cho nên, không phải chúng ta chỉ đem mọi người đến chỗ tin nơi Chúa, trở nên tín đồ của Hội thánh, một Cơ đốc nhân, …vv, mà còn phải huấn luyện họ trở nên một người huấn luyện người khác (một môn đồ thật sự), người có khả năng huấn luyện lại những người khác. Chúng ta phải huấn luyện mỗi một người để cho người đó trở thành một huấn luyện viên (Training For Trainers, T4T). Chúng tôi tin chắc rằng mỗi một Cơ đốc nhân, kể cả một người mới vừa tiếp nhận Chúa Cứu Thế, chưa có khả năng để huấn luyện người khác, nhưng chỉ là mang danh hiệu Cơ đốc nhân. Chỉ khi nào họ huấn luyện được những người khác, họ mới được tăng trưởng thành một môn đồ thật sự.

  1. Hãy kể câu chuyện đời tôi của bạn

Chúa Giê-su nói tiếp, hãy làm Báp-têm cho họ nhân danh Đức Cha, Đức Con và Đức Thánh Linh. Chúng ta hết thảy đều biết rằng phép Báp-têm là một bằng chứng rất quan trọng trong đời sống của các Cơ đốc nhân. Bởi đó, chúng ta phải huấn luyện mỗi một người kể câu chuyện đời tôi của họ. Trong nhiều lĩnh vực, môi trường có thể không cho phép anh chị em rao truyền Phúc Âm, nhưng không có chỗ nào trên thế giới, anh chị em bị cấm không cho kể câu chuyện cuộc đời mình. Do đó, chúng ta cần huấn luyện mỗi một người phải sẵn sàng kể lại câu chuyện của chính mình để chia sẻ tình yêu thương của Chúa Giê-su.

  1. Huấn luyện những người khác

Chúa Giê-su phán tiếp: „Hãy dạy họ giữ tất cả những điều ta đã truyền cho các con.“ Nếu chúng ta chỉ đem người ta đến với Chúa Cứu Thế và để cho họ trở thành hội viên của Hội thánh, thì công việc chúng ta chưa hoàn tất. Chúng ta phải huấn luyện họ trở nên những sứ đồ có khả năng huấn luyện lại những người khác. Chỉ lúc đó chúng ta mới hoàn thành Đại Mạng Lệnh của Chúa Giê-su. Bởi thế, vấn đề không phải chỉ là huấn luyện, mà huấn luyện cho đến lúc họ ra đi huấn luyện cho những người khác.

  1. Vâng phục
    Điểm nầy thật là quan trọng. Không có sự vâng phục thì không có kết quả. Một khi vâng phục Đại Mạng Lệnh, chúng ta mới chúng ta nhận được phước hạnh lớn lao nhất từ Chúa và nhận được lời Chúa Giê-su hứa trong Ma-thi-ơ 28:20: „Và chắc chắn, ta sẽ luôn ở cùng các con, cho đến tận thế.“

Chúa Giê-su đã dạy dỗ và huấn luyện chúng ta thế nào chính là cách chúng ta sẽ dạy dỗ và huấn luyện lại cho người khác. Chúng ta phải dạy cho người khác vâng phục lời của Chúa. Đây là một chân lý vô cùng quan trọng; để có được sự hiện diện của Chúa hoàn toàn khác với việc không có Chúa ở cùng. Cho nên, nếu chúng ta muốn nhận được lời hứa lớn nhất của Chúa Cứu Thế, chúng ta phải vâng theo sự sai phái của Ngài, và Chúa sẽ ở cùng chúng ta cho đến tận thế!

Những Người Được Cứu và Những Người Hư Mất

Do đó, chúng tôi đã đưa việc „Huấn Luyện Để Được Người Huấn Luyện“ (Training For Trainers, hay T4T) vào kế hoạch chính của mình. Chúng tôi cũng viết rằng chỉ có 2 loại người trên trần gian, đó là người được cứu và người bị hư mất. Với người bị hư mất, chúng tôi sẽ chia sẻ tình yêu thương của Chúa Giê-su, dẫn họ đến chỗ tin nhận Ngài, và rồi sẽ tức khắc huấn luyện họ trở nên những người huấn luyện lại cho người khác. Đối với những anh chị em tín hữu, chúng tôi quyết định huấn luyện họ trở thành những huấn luyện viên đi chia sẻ Phúc Âm và huấn luyện những người khác làm giống như vậy.

Chúng tôi đã lên bàn tính có bao nhiêu người mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng trong vòng 3 năm tới mình có thể dẫn đến với Chúa Cứu Thế. Chúng tôi cũng sẽ huấn luyện họ lập tức để họ đưa người khác đến với Chúa Giê-su, và đồng một lúc cũng sẽ để cho họ huấn luyện những tín hữu mới. Theo như những gì chúng tôi đã soạn thảo, nếu kế hoạch T4T khả thi, thì chúng tôi chẳng còn cần đến 99 phương pháp rao truyền Phúc Âm còn lại nữa!

Và rồi chúng tôi đặt mục tiêu cho khải tượng của mình: Là sẽ dẫn được 18.000 người đến với Chúa Cứu Thế trong 3 năm và mở được 200 Hội thánh mới. Sau đó, chúng tôi đã trình kế hoạch 3 năm của mình. Kế hoạch hoành tráng quá phải không? Người chỉ huy huấn luyện đọc kế hoạch chủ đạo của chúng tôi và nói rằng kế hoạch có vẻ rất tốt, nhưng phải xem kết quả như thế nào. Chúng tôi biết là ông không tin là kế hoạch có thể thực hiện được, nhưng chúng tôi rất phấn khởi trở lại với cánh đồng truyền giáo mới của mình vào tháng 11 năm 2000.

http://www.t4tglobalmissions.org/the-ying-kai-story

(Còn tiếp)

Dịch: Alice Hoàng Ái

Bình Luận:

You may also like