Home Chuyên Đề Thêm Nhiều Bằng Chứng Khẳng Định Tall el-Hammam Chính Là Sô-đôm – Phần 1: Bằng chứng về địa lý

Thêm Nhiều Bằng Chứng Khẳng Định Tall el-Hammam Chính Là Sô-đôm – Phần 1: Bằng chứng về địa lý

30 đọc

Bài của Brian Nixon, đăng ngày 21/08/2018

Tiến sĩ Steven Collins, nhà khảo cổ, đưa ra thông tin mới về công trình khai quật Tall el-Hammam ở Jordan

Công trình khai quật Tall el-Hammam ở JordanALBUQUERQUE, NEW MEXICO— Tôi rất vui mỗi năm khi tiến sĩ Steven Collins (hiện là Giám Đốc của  Khoa Khảo Cổ Học ở Viện Đại Học Quốc Tế Veritas) từ công trình khai quật Tall el-Hammam ở Jordan trở về. Dường như sau 13 năm ở khu khảo cổ, mỗi cái bay và xẻng đào xới trên đất bẩn đã thêm bằng chứng rằng Tall el-Hammam chính là vùng đất Sô-đôm trong Kinh Thánh. Năm nay cũng vậy.

Khám Phá Thành phố Sô-đôm

Nhưng trước khi nói đến bản tin cập nhật nầy, cho phép tôi quay lại câu chuyện vì các độc giả của chúng ta chưa quen với khám phá của tiến sĩ Collins, như đã trình bày trong quyển sách bán chạy nhất của ông: Quyển Discovering the City of Sodom(Khám Phá Thành Phố Sô-đôm, Simon & Schuster/Howard Books 2013), viết cùng với tiến sĩ Latayne Scott.

Cách đây ít năm, tiến sĩ Collins nói với tôi quan tâm của ông về việc định vị trí thành Sô-đôm bắt đầu vào năm 1996. Rồi sau đó, ông làm việc trên một khu khai quật khác nhưng cũng làm hướng dẫn các vòng du lịch khảo cổ tại Trung Đông.

Tại một trong những chuyến đi đó, Giáo sư Collins bắt đầu đặt nghi vấn về khu vực mà truyền thống vẫn cho là Sô-đôm, được biết đến như là Thuyết phía Nam (cho rằng Sô-đôm ở phía nam của Biển Chết)

Collins nói, “Tôi bắt đầu đọc văn bản Kinh Thánh trong Sáng Thế Ký 13-19, và nhận ra rằng khu vực theo truyền thống ấy không đúng với vị trí địa lý được mô tả trong Kinh Thánh.”

“Để tôi giải thích,” ông nói tiếp: “Nhiều học giả không tôn trọng Kinh Thánh. Một số người còn chau mày về việc sử dụng văn bản Kinh Thánh làm công cụ để tìm ra nơi chốn. Nhưng theo tôi, Kinh Thánh rất đáng tin và có thể – và phải được sử dụng, ít nhất, như là một hướng dẫn căn bản về mặt địa hình.”

“Do đó khi đọc mô tả của tác giả Sáng Thế Ký về khu vực của Sô-đôm và rồi nhìn vào khu vực theo truyền thống ở vùng phía Nam, tôi tự nhủ ‘Đây không thể là chỗ của Sô-đôm. Có quá nhiều khác biệt so với mô tả của Kinh Thánh.‘“

Vị trí địa lý đang trong vòng tranh luận, theo Collins, là chỗ Sáng Thế Ký mô tả vùng Kikkar, được hiểu như là “vùng đĩa Jordan,” thường được dịch sai là “đồng bằng Giô-đanh.”

Tiến sĩ Collins nói, “Khi dùng chữ ‘Kikkar’, Kinh Thánh chỉ muốn nói đến một khu vực có hình tròn ở ngay phía bắc của Biển Chết. Kikkar chỉ có một ý nghĩa là ‘dĩa tròn’ hay ‘vòng tròn’. Vùng nầy là một giỏ bánh/mảnh đất trù phú của cả khu vực, có đầy nước mát và đất trồng trọt. Tất cả những điều nầy thật thú vị đối với tôi, bởi vì trong ngôn ngữ Do Thái cổ, chữ kikkar còn có nghĩa là ‘miếng bánh dẹp’, giống như cái bánh dẹt ở New Mexico này.”

Nội dung chính mà Collins nói tới đó là khu vực Sô-đôm theo Thuyết phía Nam của truyền thống không giống như đã được mô tả về mặt địa lý trong Kinh Thánh. Chủ yếu đó là: 1) Người ta có thể thấy được toàn bộ khu vực từ chân đồi; 2) khu vực đó phải là một chỗ có nhiều nước (mà Kinh Thánh mô tả “giống như ở Ê-díp-tô“); 3) có một con sông chảy qua (sông Giô-đanh); và 4) phải đi theo hành trình của Lót (ông đã từ Bê-tên và Ai, phía trên Giê-ri-cô đi về hướng đông, để tới Sô-đôm)

Tiến sĩ Collins đi đến kết luận như thế đòi hỏi nhiều năm tìm kiếm, khai quật, và nhiều công trình phân tích Kinh Thánh với nhiều bạn đồng nghiệp, trong đó có tiến sĩ Peter Briggs.  Tiến sĩ Collins và tiến sĩ Briggs khai triển một cách để xác định xem văn bản Kinh Thánh có phải là một “ký thuật trung thành“ hay không qua một phương pháp khoa học có tên là “sàng lọc theo tiêu chuẩn.“

Kết quả? Sáng Thế Ký đáng tin cậy trong việc mô tả địa hình, và do đó có thể dùng để định vị các khu vực khảo cổ.

Với mảng kiến thức ấy, tiến sĩ Collins đã khởi hành công trình khám phá.

“Khi mới có ý tưởng rằng khu vực mà truyền thống vẫn cho là Sô-đôm (trong vùng phía nam của Biển Chết) là không đúng (dựa trên những chỉ định về địa lý), tôi bắt đầu suy ngẫm Kinh Thánh, rồi đi đến kết luận rằng Sô-đôm nằm ở phía đông bắc của Biển Chết.”

Sau hằng trăm giờ nghiên cứu – ở Mỹ, Y-sơ-ra-ên và Jordan – Collins kết luận rằng vùng đất Tall el-Hammam chính là nơi có thành Sô-đôm.

“Tôi đi đến kết luận nầy dựa trên việc xác định vị trí địa lý của Sô-đôm và dựa trên văn bản Kinh Thánh. Trong Kinh Thánh, Sô-đôm được kể tới trước hết; vì vậy Sô-đôm phải là một thành phố rộng lớn và nổi bật nhất trong vùng. Chúng tôi tìm ra được rằng Kinh Thánh thường xếp hạng các thành phố theo sự nổi bật và kích thước lớn rộng của các thành phố ấy. Với hiểu biết đó, chúng tôi đã chọn vùng đất rộng nhất.”

“Thực tế cho thấy,” Collins nói tiếp, “Tall el-Hammam có khả năng chính là vùng đất rộng nhất.”

Các công trình khai quật mới nhất cho thấy rằng khu vực tổng quát của Tall el-Hammam có ít nhất là 40 hectares (độ chừng 100 acres), là rất lớn đối với những tiêu chuẩn của thời kỳ đồ đồng.

Tôi hỏi tiến sĩ Collins thêm vài bằng chứng nữa.

“Trước hết, khu vực Tall el-Hammam có 25 chỉ định địa lý trùng hợp với mô tả trong Sáng Thế Ký 13:1-12. Hãy so điều nầy với một địa điểm nổi tiếng – như Giê-ru-sa-lem – chỉ có 16 điểm trùng hợp. Hầu hết những khu khảo cổ đều chỉ có 5 hoặc 6 điểm trùng hợp hoặc ít hơn. Do đó, khu Tall el-Hammam là nơi có nhiều ‘chỉ dẫn‘ địa lý nhiều hơn bất kỳ một thành phố nào trong Kinh Thánh. Thật là một điều lạ lùng.

“Thứ hai, các vật chúng tôi tìm thấy – đồ gốm, các lớp kiến trúc và tàn phá – đều phù hợp với mô tả của khung thời gian. Điều đó còn có nghĩa là, chúng tôi trông mong sẽ tìm được những mẫu vật, như những gì chúng tôi đã tìm thấy được, từ giữa thời kỳ đồ đồng, thời của Áp-ra-ham. Đó là chính xác những gì chúng tôi đã tìm được.”

(Còn nữa)

Dịch: Ân Điển

Nguồn: Assistnews.net

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Thêm Nhiều Bằng Chứng Khẳng Định Tall el-Hammam Chính Là Sô-đôm – Phần 2 và hết: Bằng chứng về đồ gốm

Bình Luận:

You may also like