Home Khoa học -Khảo cổ Nơi Năng Quyền Nhất Ở Giê-ru-sa-lem Mà Hầu Như Không Ai Thấy

Nơi Năng Quyền Nhất Ở Giê-ru-sa-lem Mà Hầu Như Không Ai Thấy

30 đọc

Một trong những khu tuyệt vời nhất ở Giê-ru-sa-lem đã bị 99,9% du khách bỏ qua, và đáng buồn là thậm chí những hướng dẫn viên du lịch có học thức nhất cũng không nhận ra được ý nghĩa của nó. Mỗi năm có hằng triệu du khách đi qua nơi nầy. Trên thực tế, tôi đoán rằng chưa tới 1% người nhận thức được rằng khi đứng trong Phòng Cao, là họ đang đứng trong một căn nhà nơi đã trở thành Nhà Hội của Chúa Cứu Thế (Messianic) đầu tiên.

Các tín hữu Do Thái đầu tiên không có nhu cầu phải có nhà hội cho riêng mình. Họ tiếp tục đến nhà hội truyền thống – nơi duy nhất họ được nghe đọc Kinh Thánh mỗi tuần – và rồi, họ đã nhóm lại vào ngày đầu tiên của tuần (mà người ta tin rằng đó là buổi chiều Thứ Bảy, chứ không phải là Chúa Nhật – ngày làm việc tại Y-sơ-ra-ên). Những buổi nhóm đó được tổ chức ở tư gia, và họ cũng nhóm lại mỗi ngày ở Sân Đền Thờ (Công Vụ. 2:46).

Mặt khác, vào những năm 60, bách hại gia tăng dữ dội. Truyền thống vẫn tin rằng Yaakov (Gia-cơ), mặc dù là một trong những người Do Thái được tôn trọng nhất Giê-ru-sa-lem, đã tử đạo bởi âm mưu của những người Pha-ri-si vào năm 62 S.C. Sách Hê-bơ-rơ khích lệ các tín hữu Do Thái hãy đứng vững khi đương đầu với sự bách hại (Hê. 12:1-4).

Người Tin Chúa Cứu Thế Chạy Trốn Khỏi Giê-ru-sa-lem

Rồi những năm cuối thập niên 60, những người Xê-lốt, một nhóm người Do Thái muốn độc lập, thoát khỏi sự thống trị của La-mã đã dấy loạn. Quân đội La-mã bao vây Giê-ru-sa-lem và chuẩn bị san bằng thành phố nầy. Theo sử gia Eusebius, những người Do Thái tin Chúa Cứu Thế  đã được thiên sứ cảnh báo phải chạy trốn khỏi đó. Họ nhớ lại lời của Yeshua (Chúa Giê-xu).

“Khi các ngươi thấy Giê-ru-sa-lem bị các đạo quân vây hãm, hãy biết rằng thời kỳ hoang tàn của nó đã gần. Bấy giờ ai đang ở Giu-đê, hãy trốn lên núi; ai đang ở trong thành, hãy tìm cách thoát ra; ai đang ở ngoài đồng, đừng trở vào thành…“ (Lu-ca 21:20-21).

Cho là ngày Chúa tái lâm đã gần kề, họ đã chạy trốn bên kia sông Giô-đanh. Sau khi Giê-ru-sa-lem bị tiêu hủy và những người Xê-lốt hoàn toàn bị đánh bại, cộng đồng Do Thái tin Chúa Giê-xu đã quay trở lại Giê-ru-sa-lem.

Một Khám Phá Lạ Lùng

Bây giờ, chúng ta đi đến hồi ly kỳ của câu chuyện.

Vào năm 1948, trong thời kỳ chiến tranh dành độc lập của Y-sơ-ra-ên, có một quả bom đã nổ gần khu mà theo truyền thống người ta cho là mộ của Vua Đa-vít (bây giờ chúng ta biết rằng chỗ nầy không phải là mộ của ông) và khu Phòng Cao. Năm 1951, một nhà khảo cổ người Y-sơ-ra-ên, ông Jacob Pinkerfeld, được giao trách nhiệm sửa chữa nơi hư hại. Đang khi làm công việc, ông khám phá ra tầng nguyên thủy của căn nhà và một phòng nhỏ. Ông Bargil Pixner, một tu sĩ dòng Benedictine, là học giả và cũng là khảo cổ gia nổi tiếng, viết thế nầy:

 „Trong các nhà hội cổ người ta đã tìm thấy những hốc tường giống nhau, có chiều cao bằng nhau phía trên nền nhà và cho rằng đó là nơi được sử dụng để cất giữ  hòm đựng các cuộn Kinh Torah.

Nói cách khác, căn Phòng Cao nầy chính là một nhà hội cổ. Câu hỏi đặt ra là, phải chăng nơi đây đã là một nhà hội, và nếu không phải, thì căn phòng ấy đã trở thành nhà hội từ bao giờ? Một số người cho là trong cuộc chinh phục Giê-ru-sa-lem vào năm 70 SC, Tướng La-mã Titus đã giữ toàn vẹn khu vực nầy. Mặt khác, rất có thể – vì cả thành phố đều bị tàn phá – sau cuộc chiến năm 70 SC nơi nầy đã được xây lại thành một nhà hội. Chúng ta biết rằng trong thời kỳ của Yeshua, 40 năm trước đó, đây không phải là một nhà hội, mà chỉ là một căn phòng bình thường.

Pinkerfeld nhất trí rằng đây thật sự là một nhà hội, không như những nhà thờ có mặt tiền hướng về phía đông, ngôi nhà hướng về đền thờ hay nơi trước kia là đền thờ. Pinkerfeld nói đúng; đây là một nhà hội, nhưng ông kết luận rằng nơi đây không thể là một nhà thờ, hoặc theo quả quyết của chúng tôi, đây là nơi nhóm lại của những người tin Chúa Yeshua, lấy lý do rằng nhà có mặt tiền không hướng về phía đông để kết luận là sai lầm. Theo Bixler, các nhà thờ chỉ bắt đầu xây mặt về hướng đông vào hậu bán thế kỷ thứ tư.

Không Hướng Mặt về Đền Thờ, Nhưng …

Bixler cũng xác nhận mình đã lầm khi cho rằng tòa nhà hướng mặt về đền thờ. Đây rõ ràng chỉ là một giả thuyết, nhưng trên thực tế, khi được đo, hốc tường hay căn phòng nhỏ chen giữa tường mà người ta tìm ra có hơi bị thụt vào trong. Thay vì hướng về đền thờ, căn phòng ấy hướng về một chỗ ly kỳ nhất.

Hãy để ít phút suy nghĩ. Bạn quay trở về Giê-ru-sa-lem. Cả thành phố là một đống đổ nát. Vào năm 72 hay 73 gì đó SC. Đền thờ không còn nữa! Hãy lưu ý tầm quan trọng của điều nầy. Đền thờ là trung tâm sinh hoạt và tôn giáo của người Do Thái. Đền thờ cũng thật quan trọng trong đời sống của những anh chị em Do Thái tin nhận Chúa Cứu Thế vào thế kỷ thứ nhất. Anh chị em tín hữu nhóm nhau tại đó để thờ phượng và giảng dạy cũng như đến với người chưa tin (Công Vụ. 3-4, 5:25). Thực trạng không còn đền thờ là một thảm trạng. Hơn nữa, vào thời kỳ đó đền thờ thứ hai là một công trình kiến trúc đẹp tuyệt vời. Nó là một kỳ quan. Và giờ đây chỉ còn là đống đổ nát.

Tác giả thư Hê-bơ-rơ cảnh báo về điều nầy khi nói rằng: Khi Ngài phán, “một giao ước mới,” có nghĩa là Ngài làm cho giao ước thứ nhất trở nên lỗi thời; và những gì trở nên lỗi thời và cũ kỹ sẽ biến mất chẳng bao lâu. (Hê. 8:13)

Các học giả đã sai lầm khi cho rằng tác giả muốn nói đến toàn bộ nghi lễ thờ phượng trong đền thờ – chỉ một vài năm sau đó, đền thờ đã bị lửa san bằng.

Một Lời Rủa Sả Đặt Ra Cho Mình Buộc Họ Phải Rời Bỏ Nhà Hội Truyền Thống

Bởi thế, không có đền thờ, những người Do Thái tin Chúa Cứu Thế đã quay trở về một nơi quan trọng khác – là Phòng Cao, được xem như tổng hành dinh của họ. Bị những người Do Thái truyền thống ruồng rẫy, khước từ, người Do Thái tin Chúa Cứu Thế đã xây nơi đó lại thành nhà hội riêng cho mình. Chỉ trong một vài năm, những người Pha-ri-si dưới thời Gamaliel II, đã thêm một „phước lành“ vào bài cầu nguyện Amidah – Bài Cầu Nguyện Đứng, gồm 18 phước lành, hiện nay là 19 (theo Wikipedia) dùng để cầu nguyện ba lần trong ngày – gọi người Do Thái tin Chúa Cứu Thế là tà giáo và rủa sả họ. Trên thực tế, chúng ta biết rằng những người Do Thái tin Chúa Cứu Thế trở về lại Giê-ru-sa-lem vào năm 72-73 SC có thể đã xây nhà hội cho riêng mình từ lúc lời rủa sả nầy trở thành một phần trong bài cầu nguyện Amidah và không cho phép họ được đến nhà hội nữa.

Hướng Nhà Được Đặt Thật Lạ Thường

Nhưng đến khi đặt hướng, họ quyết định không để cho căn phòng hướng về chỗ đền thờ cũ, mà hướng vào chỗ thay thế cho đền thờ.

Trên thực tế, nhà hội hướng về chỗ hiện nay là nhà thờ Mộ Thánh, nơi mà vào thời điểm nhà hội được xây, người ta cho rằng đó là khu vực có mộ của Chúa Giê-xu và là Gô-gô-tha, nơi Ngài bị đóng đinh trên thập tự giá.

Thật thuyết phục biết bao! Không có đền thờ, chỗ để người ta dâng tế lễ và được tha thứ, các Cơ đốc nhân đầu tiên đã phân biệt được rằng giờ đây nguồn của sự tha thứ vĩnh viễn và sự chuộc tội chính là ở Gô-gô-tha. Nhưng nơi nầy phải hướng về chỗ Chúa Giê-xu bị đóng đinh và thốt ra câu: „Mọi sự đã xong rồi,“ hay phải hướng về chỗ Chúa phục sinh, nơi có bằng chứng của sự cứu chuộc? Và phải chăng đó là một hướng bao gồm cả hai? Chúa được chôn ngay nơi mà Ngài bị đóng đinh, Kinh Thánh nói:

“Vả, gần chỗ Ngài chịu đóng đinh có một cái vườn, trong vườn ấy có một hang mộ còn mới, chưa chôn ai“ (Giăng 19:41).

Thêm Một Bằng Chứng!

Nếu cần có thêm bằng chứng rằng tòa nhà nầy chính là nhà hội của người Do Thái đầu tiên, dựng lên dành cho những người Do Thái tin Chúa Cứu Thế sử dụng, chúng ta còn có các chữ  khắc trên tường mà Pinkerfeld tìm ra ở dưới những lớp nền được xây sau nầy (ông đã dời nhiều lớp nền để đi đến với lớp nền nguyên thủy). Những chữ khắc sau đó đã được in ra và xác định rằng tòa nhà đã được xây vào thế kỷ thứ nhất:

Một chữ khắc tường có các mẫu tự đầu của các từ Hy Lạp, có thể được dịch là: „Đấng Chiến Thắng, Chúa Cứu Thế, thương xót.“ Một mẫu khắc tường khác gồm những chữ có thể được dịch là: „Ôi Chúa Giê-xu, xin cho con được sống, lạy Chúa quyền uy.“

Sự kiện các chữ được dùng trong tiếng Hy Lạp là bằng chứng cho thấy sau nầy, vào năm 135 SC, khi tất cả những người Do Thái bị đuổi ra khỏi thành phố, tòa nhà đã được những Cơ đốc nhân người ngoại sử dụng. Việc nầy là để đáp trả lại sự bạo loạn vừa qua của người Do Thái. Hoàng đế La-mã Hadrian đã trục xuất hết tất cả những người Do Thái và biến Giê-ru-sa-lem thành một thành phố ngoại giáo. Ông thậm chí còn xây cả một đền thờ nữ thần Venus trên chỗ mà Yeshua bị đóng đinh.

Nhưng làm thế nào những người ngoại giáo nầy biết một cách chắc chắn rằng đây là nơi Phòng Cao và là Nhà Hội của Người Do Thái tin Chúa Cứu Thế?

Cho dù hoàng đế Hadrian đày tất cả những người Do Thái ra khỏi Giê-ru-sa-lem vào năm 135 SC, các Cơ đốc nhân mà tổ tiên không phải là người Do Thái vẫn có thể tiếp tục được sống tại Giê-ru-sa-lem thời kỳ sau Hadrian. Giáo phụ Eusebius thậm chí vẫn còn lưu giữ được danh sách của những giám mục người ngoại ở Giê-ru-sa-lem.

Đây chính là bằng chứng rõ ràng ủng hộ cho quan điểm những tín hữu Do Thái tin Chúa Cứu Thế tự lưu đày sau khi Giê-ru-sa-lem bị người La mã chinh phục, đã trở về, xây Nhà Hội Chúa Cứu Thế đầu tiên tại chỗ của Phòng Cao trước đó và đặt mặt tiền nhà hội hướng về đồi Gô-gô-tha – nơi khổ hình và là nơi phục sinh của Chúa Giê-xu.

 

Dịch: Alice Hoàng Ái

Nguồn: Charismanews.com

Bình Luận:

You may also like