“Vì Con người đi, y như lời đã chép về Ngài; song khốn cho kẻ phản Con người! Thà nó chẳng sanh ra thì hơn,” Mác 14:21.
“Nếu bạn không được sinh lại, khi ngày cuối cùng đến bạn sẽ ước rằng bạn chưa bao giờ được sinh ra,” Warren Wiersbe.
Có lẽ chúng ta nên bắt đầu ở phần cuối câu chuyện. Lúc này là chạng vạng ngày thứ Sáu ở Giê-ru-sa-lem – khoảng giữa nửa đêm và bình minh – và người Do thái xong chuyện với Chúa Giê-xu. Họ đã có sẵn tòa án của họ với những lời buộc tội không sai lạc cũng như những nhân chứng giả của họ. An-ne đã kết tội Chúa Giê-xu và Cai-phe cũng vậy. Bản án của họ là rõ ràng – người này là một kẻ báng bổ, là một người đáng bị chết. Những nhà lãnh đạo tôn giáo đã đưa Chúa Giê-xu đến trước Phi-lát, thống đốc La Mã. Bởi vì ông ta là người duy nhất có thể ra lệnh giết Chúa Giê-xu.
Có nhiều sự di chuyển, tiếng ồn ào và lao xao khi nhóm người di chuyển xuống sườn đồi về phía Trường án bên trong thành phố cổ có tường bao quanh. Trong bóng tối có một người đàn ông, bị lãng quên, bị nhòm ngó, khuôn mặt đầy căng thẳng, mắt sưng húp, đầu cúi xuống. Đó là một đêm dài, dài nhất trong cuộc đời của hắn. Đã bao nhiêu tiếng trôi qua kể từ bữa tối trên phòng cao? Sáu, có thể bảy, ai biết được? Sau khi hắn rời đi, hắn ta đã đi thẳng đến thầy tế lễ cả để sắp xếp việc phản Chúa. Sau đó, một đoạn đường ngắn dọc theo khe Xết-rôn và trên sườn núi Ô-li-ve. Toàn bộ mọi việc diễn ra nhanh chóng, không đến năm phút. Mờ mịt, chỉ vài lời nói, một nụ hôn, một số lời nói giận dữ từ Phi-e-rơ cũng như những người sứ đồ khác, thế rồi Chúa Giê-xu bị bắt và đưa đi.
Khi trời sáng thì hắn thay đổi ý định
Trong tay của Giu-đa đang cầm một túi nhỏ chứa 30 miếng bạc. Hắn cũng chẳng còn bận tâm để đếm chúng. Giờ chẳng ai còn chú ý tới hắn. Hắn giống như tin tức của ngày hôm qua. Chẳng ai còn dùng một kẻ phản bội.
Rồi một đêm dài, hắn chờ đợi, lượn lờ ngoài rìa đám đông, nghe ngóng thông tin về sự việc. Liệu đây có phải là điều mà hắn mong chờ? Không ai có thể chắc chắn điều này. Nhưng nếu giữa đêm, hắn muốn thấy Chúa Giê-xu chết thì lúc bình minh, hắn đã thay đổi ý định của mình.
Những ký ức tràn đầy trong tâm trí của hắn. Những điều mà Chúa Giê-xu đã phán, những lời nói đùa giữa các sứ đồ, những câu chuyện mà Chúa Giê-xu đã kể nhiều lần. Những bức tranh được vẽ lại trong bóng tối — nụ cười trên khuôn mặt con gái Giai-ru khi Chúa Giê-xu đưa cô sống lại từ cõi chết, cái nhìn trên khuôn mặt của Phi-ê-rơ khi ông bước trên mặt nước, hình ảnh về 12 giỏ thức ăn còn sót lại sau khi Chúa Giê-xu cho 5.000 người ăn. Ông có thể đã nhìn thấy tất cả, nghe tất cả và những ký ức ùa về quá nhiều để chịu đựng được.
Sau đó tin đồn được lan truyền rằng Chúa Giê-xu đã bị kết án tử hình. Hắn không nên quá ngạc nhiên về điều này, nhưng hắn vẫn ngạc nhiên. Trong một khoảnh khắc, có một sự hỗn loạn ở trong sân và Giu-đa đã thấy Chúa Giê-xu khi Ngài bị dẫn đến Phi-lát. Hắn không thể nhìn thấy Ngài một cách rõ ràng, chỉ nhìn thoáng khuôn mặt của Ngài từ xa, nhưng hắn biết đó là Ngài.
Choáng váng. Đó là một từ duy nhất có thể sử dụng. Giu-đa bị choáng váng bởi suy nghĩ Chúa Giê-xu sẽ chết. Hắn đã mắc một sai lầm lớn, sai lầm lớn nhất trong cuộc đời của mình, một sai lầm lớn đến mức hắn phải tìm cách nào đó để làm mọi việc trở nên tốt hơn.
Quá trễ
Với ý nghĩ đó được lắp đầu trong tâm trí, hắn đã lấy túi tiền và cố gắng để có thể trả lại. Nhưng thầy tế lễ cả cười vào hắn. Họ chẳng còn cần tới hắn hay số tiền của hắn. Họ đã có điều họ muốn.
Trong tuyệt vọng, Giu-đã đã than khóc, “Tôi đã phạm tội vì nộp huyết vô tội” (Ma-thi-ơ 27:4). Mọi lời nói đều đúng. Hắn đã làm điều đó; cái điều hắn đã làm là tội lỗi tệ nhất có thể tưởng tượng; hắn đã phản bội Chúa Giê-xu, một người vô tội, đã phải trả giá bằng chính dòng huyết của Ngài cho tội lỗi của Giu-đa.
Sau đó, hắn đã ném tiền vào trong đền thờ, những đồng tiền vang lên khi chạm vào nền đá. Khi Giu-đa quay mặt đi, 30 mươi miếng bạc vẫn ở đó. Giu-đã không chỉ mất Chúa, hắn cũng mất tiền của mình. Và sau đó không lâu là chính mạng sống của hắn.
Về việc tự tử, được nói đến rất ít. Kinh thánh chỉ cho chúng ta biết ”hắn liền trở ra, đi thắt cổ”. Đó là hành động của một người không thể sống với chính bản thân mình và những ký ức về những gì hắn đã làm. Trong sự mỉa mai vào cái ngày bi kịch đó, Giu-đa chết trước Chúa Giê-xu.
Cách điều đó xảy ra
Nhưng điều đó không phải lúc nào cũng như vậy. Nếu chúng ta xem lại từ ban đầu, chúng ta sẽ nhìn thấy nhiều điều đáng chú ý về Giu-đa:
- Hắn được chính Chúa Giê-xu chọn để trở thành sứ đồ.
- Hắn đã từ bỏ tất cả để theo Chúa.
- Hắn đã dành ba năm rưỡi để đi theo Đấng Christ trên suốt chiều dài và chiều rộng của đất nước Israel.
- Hắn đã chính mắt nhìn thấy nhiều phép lạ của Đấng Christ.
- Hắn đã nghe Đấng Christ giảng những bài giảng nổi tiếng.
- Hắn đã thấy Chúa Giê-xu chữa lành bệnh tật, kêu người chết sống lại và đuổi quỷ.
- Hắn đã cùng với các sứ đồ truyền bá phúc âm.
- Hắn là một trong những người lãnh đạo trong nhóm các sứ đồ.
- Không ai có thể nghi ngờ chính hắn là người phản Chúa.
Xét về kinh nghiệm, những gì mà bạn có thể nói về Gia-cơ, Phi-e-rơ và Giăng, bạn cũng có thể nói về Giu-đa. Mọi nơi họ đi, hắn cũng đi. Hắn ở ngay bên cạnh Chúa Giê-xu. Hắn nghe, thấy và trải nghiệm mọi thứ. Tuy bạn có thể giải thích nhiều lý do về việc phản Chúa của hắn, bạn không thể nào nói hắn trải nghiệm kém hơn những sứ đồ khác.
Nếu có đều gì khác thì hắn là một trong những lãnh đạo. Sau tất cả, những sứ đồ khác đã chọn hắn để giữ tiền. Bạn không thể chọn một người mà bạn nghi ngờ giữ tiền. Điều đó thật điên rồ. Bạn phải chọn người tốt nhất, người mà bạn tin tưởng nhiều nhất, người mà bạn có thể tin cậy. Đó là lý do họ đã chọn Giu-đa.
Điều hấp dẫn nhất trong câu chuyện này là những môn đồ khác chỉ nhìn thấy mặt tốt của Giu-đa. Chỉ đến khi họ nhìn vào việc hắn phản Chúa thì họ có thể nhìn thấy mặt xấu của hắn. Trước khi phản Chúa Giê-xu, hắn được cho là tốt cũng như những người còn lại, và thậm chí là tốt hơn phần lớn những người khác. Trong phần này, hãy nhớ điều này: không ai nghi ngờ Giu-đa. Không một ai.
Hai câu hỏi cho Giu-đa
Có hai điều làm chúng ta không hiểu về Giu-đa. Đầu tiên, tại sao Giu-đa lại làm như thế? Điều thứ hai, tại sao sau khi hắn đã làm, hắn lại cảm thấy tội lỗi? Hắn đã quá tội lỗi khi bán Chúa với giá 30 miếng bạc. Nhưng sau đó, hắn lại cảm thấy hối hận phải tự tử.
Câu hỏi 1: Tại sao Giu-đa phản Chúa Giê-xu?
Tại sao Giu-đa lại làm điều đó? Điều gì đã thúc giục hắn phản bội Chúa? Trong nhiều thế kỷ, nhiều đầu óc vĩ đại đã suy nghĩ câu hỏi này. Nếu bạn muốn nghiên cứu điều này, lấy một cuốn từ điển kinh thánh và đọc về Giu-đa. Bạn sẽ khám phá hàng loạt các giả thuyết về điều này. Các sách phúc âm cho chúng ta rất ít manh mối. Nó dường như cũng không biết câu trả lời. Đến khi Giu-đa tự tử, chỉ vài tiếng sau khi hắn phản bội Chúa, chúng ta đã không còn thấy bất kỳ sự bày tỏ gì về hắn trong câu chuyện. Vì vậy, chúng ta phải suy đoán về động cơ của hắn.
Ba giả thuyết dưới đây được cho là đúng nhất:
- Hắn phản bội Chúa Giê-xu vì tiền. Điều này có vẻ đúng khi Giăng 12:6 nói cho chúng ta biết Giu-đa lấy trộm tiền từ túi tiền. Nhưng nếu hắn phản bội Chúa Giê-xu vì tiền thì tại sao hắn lại bán Chúa Giê-xu quá rẻ. Ba mươi miếng bạc đáng giá tầm 20 đô la ngày nay.
- Hắn phản Chúa Giê-xu vì hắn bị vỡ mộng. Đây là một giả thuyết phổ biến. Nó đưa ra giả thuyết rằng Giu-đa mong đợi Chúa Giê-xu sẽ dấy lên và chống lại Rô-ma. Khi hắn biết Chúa Giê-xu không hề có ý định đó, hắn trở nên giận dữ và phản bội Ngài.
- Hắn phản bội Chúa Giê-xu bởi vì hắn sợ hãi. Hắn nhìn thấy những đe dọa đang kéo tới vào những ngày cuối cùng, hắn phản bội Chúa để cứu chính hắn.
Tất cả những giả thuyết này đều có vẻ đúng, và cả ba điều có thể đóng góp vào câu trả lời. Sau tất cả những thảo luận, chúng ta không thể biết một cách chính xác tại sao Giu-đa đã làm điều này. Nhưng một điều chắc chắn: khi Giu-đa phản Chúa Giê-xu, hắn đã phạm một sai lầm lớn nhất mà hắn từng làm.
Câu hỏi 2: Tại sao hắn cảm thấy hối hận?
Câu trả lời của Giu-đa cũng giống với phần lớn trong chúng ta – đấu tranh với hai tư tưởng đối lập. Có lẽ hắn nên trở nên tốt hơn hay tệ hơn. Nếu hắn là một người tốt, hắn sẽ không bao giờ phản bội Chúa. Nếu hắn là một người tệ hơn, hắn sẽ không cảm thấy khổ sở như vậy. Hắn đã có một cái chết bi thảm – khốn khổ và mặc cảm tội lỗi với dòng huyết của con độc sanh của Đức Chúa Trời.
Một câu hỏi cho Phi-ê-rơ
Giờ Giu-đa đang ở đâu? Hắn đang ở trên thiên đàng hay đia ngục? Kinh thánh đã làm rõ điểm này: Giu-đa đang ở đia ngục. Trong Công vụ 1:25, Phi-ê-rơ nói về Giu-đa rằng hắn đã từ bỏ chức vụ sứ đồ của mình “đi đến chỗ riêng của nó”. Theo lý thuyết, câu Kinh Thánh này có thể được đọc “đi đến nơi thuộc về hắn”. ”Nơi thuộc về hắn” là địa ngục. Nếu điều này khó hiểu, bạn có thể chú ý lời của Chúa Giê-xu trong Giăng 6:70-71 khi Ngài phán, “Ta há chăng chọn các người là mười hai sứ đồ sao? Mà một người trong các người là quỉ! Vả, Ngài nói về Giu-đa con Si-môn Ích-ca-ri-ốt; vì chính hắn là một trong mười hai sứ đồ, sau sẽ phản Ngài”. Ngài không nói theo nghĩa đen rằng Giu-đa là quỷ, nhưng Giu-đa đã hành động (khoảng một năm trước sự thương khó) dưới sự điều khiển của Sa-tan.
Khi các môn đồ đang lắng nghe Chúa Giê-xu cầu nguyện trên phòng cao vào tối ngày thứ năm. Giu-đa đã bỏ ra ngoài để đi dàn xếp việc phản Chúa. Ngay cả khi lính bao vây sẵn sàng ở núi Ô-li-ve. Khi mà điều cuối cùng sắp phải xảy đến. Ngay lúc đó, Chúa Giê-xu đã cầu nguyện cho các môn đồ của mình: “Đang khi Con còn ở với họ, Con gìn giữ họ trong danh Cha, là danh Cha đã ban cho Con. Con đã gìn giữ họ, trừ đứa con của sự hư mất ra, thì trong đám họ không một người nào bị thất lạc, hầu cho lời Kinh-thánh được ứng nghiệm” (Giăng 17:12).
Giu-đa ở dưới địa ngục ngày nay. Hắn đã ở đó 2000 năm và hắn sẽ ở đó mãi mãi. Hắn đã phải trả bản án phạt cuối cùng cho tội lỗi của mình vì đã phản bội con độc sanh của Đức Chúa Trời. Nếu ai đó hỏi, “liệu Giu-đa có mất sự cứu chuộc của mình?” câu trả lời là không. Hắn không mất đi sự cứu chuộc của mình bởi vì hắn chưa bao giờ có. Tất cả những gì bạn có thể nói về hắn, hắn chưa bao giờ là người theo Chúa Giê-xu giống như những môn đồ khác. Hắn chưa bao giờ được cứu để rồi mất đi điều đó. Hắn đã chết mất bởi vì hắn chưa bao giờ được cứu ngay từ đầu.
Nếu ai đó hỏi “Có phải Giu-đa xuống địa ngục bởi vì hắn tự tử?”. Đây là câu hỏi hay, và câu trả lời cũng là không. Tự tử là tội, nhưng nó không phải lý do tại sao Giu-đa đi xuống địa ngục. Giu-đa xuống địa ngục bởi vì hắn chưa bao giờ thật sự dâng đời sống của mình cho Chúa Giê-xu. Sự phản bội của hắn là một bằng chứng cho sự thật này; hắn tự tử chỉ đơn thuần là số phận của hắn.
Một câu hỏi cuối cùng “Kinh thánh nói Giu-đa đã ăn năn phải không?”. Một số bản dịch cũ đã sử dụng từ này trong Ma-thi-ơ 27:3. Một cách chính xác hơn là “tràn ngập trong sự hối hận”. Mặc dù Giu-đa đã đau buồn với những việc làm sai của mình, nhưng hắn chưa bao giờ cầu xin sự tha thứ. Đây là một từ tạo nên sự khác biệt giữa hai điều này. Rất nhiều người họ thật sự cảm thấy hối hận với những tội lỗi của họ nhưng họ không bao giờ đến với Chúa để xin sự tha thứ từ Ngài. Giu-đa đã có gắng đền bù lại việc hắn đã phản bội, nhưng nó đã quá trễ. Tôi không một chút nghi ngờ rằng hắn có thể đã khóc ra những giọt nước mắt đắng cay khi hắn ném tiền vào đền thờ. Nhưng sự hối hận của hắn (ngay cả khi chân thành) thì cũng không phải sự ăn năn thật và nó không dẫn đến sự tha thứ. Nó dẫn đến sự tự tử, đó là bằng chứng cuối cùng cho thấy Giu-đa chết như một người chưa được tha tội.
(Còn nữa)
Dịch: Sam
Nguồn: crosswalk.com