BL 7: Tôi học được từ bài báo của Mike Adams một số tri thức khoa học rất bổ ích: Không phải loại vaccine nào cũng tuyệt đối an toàn. Không có một chất liệu nào chứa thủy ngân có thể tuyến bố không độc hại, bất kể lượng thủy ngân là bao nhiêu.
Những kết luận đó cũng tương tự như không có một chương trình computer nào là hoàn hảo, không thể đoán trước một chương trình computer sẽ chạy mãi mãi hay bỗng nhiện bị dừng (Sự cố dừng do Alan Turing khám phá năm 1936). Tất cả những kết luận đó đều là biểu hiện của Định lý Bất toàn do Kurt Gödel chứng minh năm 1931.
Nhiều nhà vật lý và nhà sinh học có lẽ vì không biết Định lý Gödel nên mới cố gắng giải thích nguồn gốc của vũ trụ và nguồn gốc sự sống. Nếu thấm nhuần Định lý Gödel thì có lẽ họ đã từ bỏ những tham vọng đó từ lâu, vì định lý này chỉ ra rằng không có một hệ logic nào có thể chứng minh nguyên lý đầu tiên của nó. Theo Gödel, muốn hiểu rõ hơn về hệ tiên đề của một hệ logic, phải đi ra bên ngoài hệ logic đó. Suy rộng ra, không thể giải thích được nguồn gốc của bất kỳ một hệ thống vũ trụ nào, bởi vì chúng ta và các lý thuyết của chúng ta luôn luôn nằm bên trong các hệ thống vũ trụ ấy. Không có cách nào để chúng ta có thể đi ra bên ngoài vũ trụ hoặc bên ngoài sự sống để nhìn vào vũ trụ hoặc nhìn vào sự sống từ bên ngoài.
“Chủ nghĩa tôn thờ khoa học” (Scientism) tự nó chứng tỏ rằng nó thiếu hiểu biết về Định lý Gödel. Nếu biết định lý này, con người sẽ khiêm tốn và từ bỏ thói tự phụ cho rằng khoa học sẽ có thể biết hết mọi thứ. Đơn giản vì Định lý Gödel chỉ ra rằng tư duy logic, tư duy duy lý có giới hạn. Chính Gödel tuyên bố: “Giải thích mọi thứ là bất khả” (To explain everything is impossible). Còn Blaise Pascal từ thế kỷ 17 đã nói: “Chức năng tối cao của lý lẽ là chỉ ra cho con người thấy rằng có một số thứ nằm ở phía bên kia tầm với của lý lẽ” (The supreme function of reason is to show man that some things are beyond reason). Vì thế “chủ nghĩa tôn thờ khoa học” thực ra một chủ nghĩa kém hiểu biết. Ấy thế mà nó lại tự phụ cho mình là hiểu biết nhất. Thật là lố bịch hết chỗ nói.
BL 8: Muốn khôn ngoan hiểu biết để tiến lên, con người không thể không chịu khó học hỏi những bài học sâu sắc về triết học nhận thức rút ra từ lịch sử, bởi “Toàn bộ lịch sử cuộc sống của nhân loại là cuộc đấu tranh giữa sự khôn sáng minh triết với cái vô minh”, như Philip Pullman, một nhà văn nổi tiếng người Anh, đã tổng kết.
Một trong những tấm gương khôn sáng điển hình là Albert Einstein. Ấy vậy mà cậu sinh viên Einstein ngày xưa ở Đại học Bách khoa Zurich, Thụy Sĩ, từng bị điểm 1 môn vật lý, với lời phê của thầy giáo: “Không có khả năng vật lý, nên chọn một ngành nghề khác không cần vật lý”. Cậu cũng từng bị thầy dạy toán là Hermann Minkowski gọi là “con chó lười biếng” (a lazy dog). Năm 1905, Einstein công bố Thuyết tương đối hẹp làm cả thế giới phải sửng sốt ngạc nhiên và thán phục trước những tư tưởng mới lạ đảo lộn thế giới quan khoa học. Riêng Minkowski không tin tác giả của lý thuyết vật lý mới mẻ này chính là “con chó lười biếng” mà ông đã từng mắng mỏ trước đây…
Ngược lại, có nhiều học trò luôn được điểm 10, mang tiếng học sinh giỏi, thậm chí xuất sắc, sau này có đủ các bảng vàng, danh hiệu, giáo sư, tiến sĩ,… nhưng thực ra chỉ giỏi “tụng kinh niệm phật”, thuộc lòng kinh kệ sách vở, cả đời không hề có một lúc nào dám “thanh thản nói ra ý kiến đi chệch khỏi định kiến của chung quanh… thậm chí không đủ sức có được những ý kiến như thế”. Cổ học gọi đám trí thức này là “hủ nho”. Hủ nho thời nào cũng có, thậm chí bây giờ còn đông hơn ngày xưa. Đặc điểm nổi bật của đám hủ nho là ghen tị, đố kị, sợ người có tài, sợ sự thật. Họ thường nhảy dựng lên mỗi khi nghe thấy ý kiến phê phán những kinh kệ mà họ tôn thờ. Thật tội nghiệp, vì Mike Adams gọi họ là những “incompetent thinkers” (những kẻ suy nghĩ bất tài).
Đám hủ nho trên thế giới ngày nay, không ai bảo ai, đều tự động đứng dưới ngọn cờ của “chủ nghĩa tôn thờ khoa học” (Scientism) ─ một trào lưu hoặc một xu hướng tư tưởng tôn thờ khoa học như chúa tể trong thế giới nhận thức, coi khoa học là vạn năng (có thể giải thích được mọi điều) và cái gì không được khoa học thừa nhận thì không đáng tin cậy,… Chủ nghĩa này có thể gọi bằng những cái tên khác như “chủ nghĩa duy khoa học”, “thuyết khoa học vạn năng”, hay thậm chí là “tôn giáo khoa học”.
Chủ nghĩa này đang ngày càng trở thành một vật cản to lớn của chính khoa học, và đó là lý do để Mike Adams lên tiếng phê phán gay gắt. Ông là một nhà khoa học nhiệt thành trong sự nghiệp bảo vệ sức khỏe tự nhiên cho con người, cả sức khỏe thể chất lẫn sức khỏe tinh thần. Muốn cho tinh thần khỏe khoắn, phải làm cho tinh thần sạch sẽ, triệt tiêu những căn bệnh thâm căn cố đế đã ăn vào lục phủ ngũ tạng, mà “chủ nghĩa tôn thờ khoa học” chính là một căn bệnh như thế.
Mike Adams đã làm rất nhiều để lột trần bộ mặt phản khoa học của căn bệnh có cái nhãn mác khoa học này. Ông nêu lên hàng loạt câu hỏi chất vấn, từ Thuyết tiến hóa cho đến Lý thuyết Big Bang, vấn đề Ý thức, và nhiều vấn đề hóc búa khác nữa, mà ông biết các tín đồ của “tôn giáo khoa học” không thể trả lời được. Qua đó ông muốn cảnh tỉnh sự dốt nát của họ và khuyên họ hãy từ bỏ thói tự phụ lố bịch và khiêm tốn lắng nghe sự thật, như thế khoa học mới vượt qua được những rào cản hiện nay để phát triển.
Lý thuyết Big Bang ra đời trong thế kỷ 20 như một hệ quả suy diễn logic trực tiếp từ các phương trình toán học trong Thuyết tương đối tổng quát của Einstein. Được hỗ trợ bởi những quan sát thiên văn của Edwin Hubble, Lý thuyết Big Bang chỉ ra rằng vũ trụ ắt phải xuất phát từ một điểm vật chất ban đầu ─ điểm vật chất cô đặc ở mức lạ thường với kích thước bằng zero, được gọi là điểm kỳ dị. Một vụ nổ lớn đã xảy ra làm cho điểm kỳ dị dãn nở đột ngột (lạm phát), rồi dãn nở dần dần thành vũ trụ ngày nay. Mọi chứng minh toán học của lý thuyết Big Bang là không thể chối cãi được. Các quan sát thiên văn vật lý trong một thế kỷ qua đã và đang cung cấp nhiều bằng chứng ủng hộ Lý thuyết Big Bang. Đó là lý do để lý thuyết này được hầu hết các nhà toán học và vật lý ủng hộ. Bản thân Einstein đã chứng kiến buổi báo cáo đầu tiên của lý thuyết này do George Lemaitre trình bày, và Einstein tán thưởng đến mức cho rằng đấy là một lý thuyết có ý nghĩa nhất kể từ khi Thuyết tương đối tổng quát của ông tìm thấy những ứng dụng thực tế. Murray Gell-Mann, một trong những nhà vật lý lớn nhất giữa thế kỷ 20, ca ngợi Lý thuyết Big Bang như cuộc trường chinh vĩ đại nhất trong lịch sử khoa học… Rất khó để bác bỏ những lập luận khoa học của lý thuyết này, vốn dựa trên logic toán học chứng minh chặt chẽ đồng thời được nhiều quan sát vật lý xác nhận. Nhưng chính tại chỗ khoa học đạt tới đỉnh cao nhất này, nó gặp phải một NAN ĐỀ lớn, gọi là “Nan đề Sáng thế” (Genesis Problem)
Đến đây, Lý thuyết Big Bang bế tắc và không thể tiến thêm một bước nào nữa, bởi không thể nào giải thích được nguồn gốc của điểm kỳ dị và nguồn gốc của Big Bang (vụ nổ lớn). Điểm kỳ dị ấy từ đâu mà ra? Ai hoặc cái gì kích hoạt nó để xảy ra vụ nổ lớn? Chắc chắn khoa học không bao giờ có thể trả lời được những câu hỏi này ─ những câu hỏi thuộc về bản thể luận đã có từ lâu đời trong triết học nhận thức ─ trừ khi nó thừa nhận một lực lượng siêu nhiên hoặc một tác động siêu nhiên nào đó là nguyên nhân của điểm kỳ dị và Big Bang. Nhưng như thế là từ bỏ chính bản thân khoa học, bởi khoa học xưa nay bác bỏ bất kể cái gì siêu nhiên, bất kể cái gì mà nó không thể tiếp cận hoặc không thể chứng minh.
Vậy một là chấp nhận bế tắc; hai là chấp nhận thỏa hiệp với thần học. Tại đây Robert Jastrow, một nhà khoa học của NASA, nhận xét hóm hỉnh: “Đối với nhà khoa học sống bằng niềm tin vào lý lẽ, câu chuyện kết thúc giống như một giấc mơ buồn. Anh ta đã leo lên ngọn núi vô minh; sắp chinh phục được đỉnh cao nhất; nhưng khi trèo lên tảng đá cuối cùng, anh ta lại được chào đón bởi một nhóm các nhà thần học đã ngồi ở đó từ hàng thế kỷ nay”…
Tình trạng bế tắc tương tự cũng xảy ra trong Lý thuyết về nguồn gốc sự sống của Thuyết tiến hóa. Lý thuyết này được gọi là “Abiogenesis” (lý thuyết phi tạo sinh), vì nó chống lại Định luật Tạo sinh (Biogenesis) do Louis Pasteur khám phá năm 1862. Lý thuyết phi tạo sinh đưa ra hàng đống giả thuyết nhằm chứng minh rằng sự sống ra đời một cách tự phát và ngẫu nhiên từ vật chất không sống. Nhưng sau khoảng 150 năm đã trôi qua kể từ ngày Darwin nêu lên giả thuyết về “cái ao nhỏ ấm áp” (a warm little pond) ─ “cụ tổ” của “Abiogenesis” ─ tất cả mọi thí nghiệm của lý thuyết này đều thất bại thảm hại, nhưng các nhà tiến hóa vẫn một mực khư khư ôm lấy cái lý thuyết dựa trên “đức tin tôn giáo” của họ. Hơn ai hết và hơn bao giờ hết, Thuyết tiến hóa chính là một thứ “kinh thánh” của những tín đồ theo “chủ nghĩa tôn thờ khoa học”!
Tóm lại, khoa học hiện đại, như Mike Adams chỉ ra trong bài báo của ông, đã và đang dẫn khoa học tới NIỀM TIN vào sự xuất hiện ngẫu nhiên của những vật chất ban đầu mà không thể nào kiểm chứng được. Nói cách khác, khoa học rốt cuộc cũng phải dựa vào ĐỨC TIN, chẳng khác gì những tôn giáo mà chính khoa học đã tự phụ bác bỏ. Đó là những mâu thuẫn khổng lồ trong tư duy ‘khoa học” mà Mike Adams vạch trần không thương tiếc trong bài báo của ông, để rồi kết luận rằng đã đến lúc phải hạ bệ các “linh mục cao cấp” của thứ tôn giáo đó, trả lại cho khoa tộc tinh thần khoa học đúng nghĩa ─ đó là tôn trọng sự thật khách quan, biết lắng nghe mọi ý kiến trình bày sự thật, lấy thực tế làm thước đo chân lý. Đó mới là con đường mở ra tương lai cho khoa học tiếp tục tiến lên.
PVHg, Sydney 10/02/2018
[1] Đoạn này là một lối nói bóng bẩy ám chỉ những người theo chủ nghĩa tôn sùng khoa học (mà Scientific American là một đại biểu) không muốn mọi người biết những lỗ hổng trong lập luận khoa học của họ, và cách ứng xử đó trái với tinh thần khoa học thực sự.
[2] Một tội phạm nổi tiếng.
[3] Một vị thánh Công giáo nổi tiếng đạo đức.
[4] Albert Einstein, Thế giới như tôi thấy, NXB Tri Thức, 2007, trang 210.
[5] https://viethungpham.com/2013/11/13/nan-de-sang-the-genesis-problem/
Nguồn: Viethungpham.com
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com