Việc trở thành một Cơ-đốc nhân trong thế kỷ đầu tiên là phản văn hóa. Các tín đồ Cơ-đốc giáo đã bị bắt bớ, giết hại, và thậm chí bị đem ra làm trò tiêu khiển dưới danh nghĩa một môn thể thao trong đế chế La Mã. Để trở thành một Cơ-đốc nhân, người ta phải sẵn sàng từ bỏ mọi sự vì Đấng Christ. Tuy nhiên, theo thời gian, Cơ-đốc giáo trở nên dễ chấp nhận và thoải mái hơn. Đáng buồn thay, điều này đã sinh sôi và sản sinh ra nhiều Cơ-đốc nhân trên danh nghĩa hoặc những Cơ-đốc nhân theo văn hóa, và Cơ-đốc giáo theo Kinh Thánh phải chịu khổ. Ranh giới giữa hai loại này cũng trở nên rối ren. Vậy, sự khác biệt là gì?
Cơ-đốc nhân trên danh nghĩa là người tự xưng mình là Cơ-đốc nhân nhưng không có sự kết ước đích thực với Đấng Christ. Họ có thể thường xuyên đi nhà thờ cách trung tín và là những thành viên tích cực tham gia vào các công tác của Hội-thánh. Tuy nhiên, Đấng Christ không có ảnh hưởng gì trong đời sống của họ và “đức tin” của họ không vượt ra ngoài khuôn khổ nhà thờ, nhóm tôn giáo hoặc giáo phái. Thế giới quan và giá trị của họ vẫn không thay đổi. Nhiều người trong số họ có tâm trí được hướng dẫn, nhưng tấm lòng của họ không được biến đổi. Chúa Giê-xu chỉ là vị cứu tinh của họ nhưng không phải là Chúa của cuộc đời họ. Đức tin của họ chỉ dừng lại ở mức độ tôn giáo.
Khải-huyền 3:1-5 – “Hãy viết cho thiên sứ của Hội-thánh Sạt-đe rằng: Đây là lời phán của Đấng có bảy linh của Đức Chúa Trời, và bảy ngôi sao: ‘Ta biết các công việc của con; con có tiếng là sống, nhưng lại là chết …”
Hội-thánh Sạt-đe nổi tiếng là có những hoạt động tích cực và sống động nhưng trên thực tế, đã chết về mặt tâm linh. Họ là những cái xác sống trong thuộc linh – không còn sự sống, nhưng bằng cách nào đó cũng không chết hẳn. Họ là những xác chết biết đi. Họ là những người mà chúng ta gọi là “Cơ-đốc nhân trên danh nghĩa”. Họ chỉ mang danh Cơ-đốc nhân nhưng không có được một đời sống thuộc linh lành mạnh. Đức Chúa Trời không quan tâm đến những danh hiệu mà chúng ta gắn cho mình. Mang “danh” Cơ-đốc nghĩa là người thuộc về Đấng Christ thôi thì chưa đủ. Đức tin trên danh nghĩa không phải là đức tin. Cơ-đốc giáo trong Kinh Thánh nhấn mạnh mối quan hệ với Đấng Christ. Những ai theo Chúa trên danh nghĩa đã bỏ lỡ niềm vui đích thực của đạo Chúa: đó là được biết Chúa.
Đáng buồn thay, Phúc Âm ngày nay thường được rao giảng như một sự lựa chọn… do đó, công tác môn đồ hóa đích thực rất hiếm và thường bị bỏ quên. Chúng ta cần được đánh thức tinh thần môn đồ hóa đích thực để Cơ-đốc giáo không chỉ là hư danh.
Môn đồ hóa đích thực là gì?
Ê-phê-sô 4:15 – “…được tăng trưởng trong mọi phương diện hướng đến Đấng Christ, là đầu [của Hội-thánh]”
Ý nghĩa cơ bản của từ được dịch là “đích thực” ở đây có nguồn gốc từ chữ radix trong tiếng La-tinh, có nghĩa là gốc rễ. Do đó, môn đồ hóa đích thực không đề cập đến một số phong trào cực đoan, mà là trở về cội nguồn của Cơ-đốc giáo đích thực, và biết được việc đi theo Chúa Giê-xu thực sự có ý nghĩa như thế nào. Tiên tri Giê-rê-mi trong Cựu Ước gọi đó là các đường lối cũ.
Giê-rê-mi 6:16 – “Hãy đứng nơi các con đường giao nhau, hãy hỏi xem các đường lối cũ như thế nào, hãy tìm cho được con đường ngay lành thiện hảo, rồi bước vào con đường ấy mà đi. Bấy giờ các ngươi sẽ tìm được bình an thư thái cho linh hồn mình…” (BD2011)
Các môn đồ đích thực là những người tuân theo nguồn gốc căn bản của Cơ-đốc giáo, dưới sự kỷ luật của Đấng Christ. Về gốc rễ, điều đó có nghĩa là chúng ta để cho Chúa Giê-xu làm Chủ cuộc đời mình. Chúng ta không chọn làm điều này hay từ chối làm điều kia. Chúng ta không kén chọn những điều thuận lợi và tránh xa những điều mà mình có thể phải trả giá. Nếu Chúa Giê-xu không phải là Chúa của mọi lĩnh vực trong đời sống của chúng ta, thì Ngài không phải là Chúa gì cả. Làm một môn đồ đích thực có nghĩa là tuân theo mọi mệnh lệnh của Chúa Giê-xu, dù là trước mặt người khác hay trong đời sống riêng tư của chúng ta. Nếu Chúa Giê-xu thực sự là Chúa của chúng ta: Ngài gọi, thì chúng ta sẽ đi theo.
Do đó, môn đồ hóa đích thực bày tỏ nhu cầu tái định hướng đối với những lời dạy cốt lõi thiết yếu của Chúa Giê-xu và các giá trị trong vương quốc của Ngài. Điều này cho phép mọi khía cạnh trong đời sống của chúng ta được định hình bởi sự dạy dỗ của Chúa Giê-xu, trở lại với quyền làm Chúa của Ngài và đặt đức tin của chúng ta vào hành động. Là một Cơ-đốc nhân đích thực có nghĩa là từ bỏ mọi thứ vì Đức Chúa Trời. Mặc dù Chúa có thể yêu cầu những điều khác nhau từ những người khác nhau, nhưng Chúa đòi hỏi chúng ta phải đặt Ngài làm trung tâm của đời sống mình. Mọi hành động và suy nghĩ của chúng ta phải bày tỏ lòng trung thành đối với Ngài; Ngài là niềm vui lớn nhất và Đấng duy nhất mang lại cho chúng ta cảm giác viên mãn.
Môn đồ hóa đích thực không chỉ đơn thuần là tham gia nhóm Hội-thánh, kết ước trong một số chức vụ nhất định, trung tín trong việc dâng phần mười, v.v. Lời nói và hành động của chúng ta phải đi đôi với nhau. Nếu chúng ta không chủ tâm làm như vậy, chúng ta sẽ sản sinh ra Cơ-đốc giáo trên danh nghĩa, chỉ tìm cách nuôi dưỡng tâm hồn thích tận hưởng của mình mà thôi. Từ “môn đồ” có thể đã bị giảm đi giá trị của nó trong một số nhà thờ đến mức nó chỉ còn là danh xưng của một số người thuộc thành viên chính thức của nhà thờ mà thôi.
Thiết lập những nhóm nhỏ
Hê-bơ-rơ 10:24-25 – “Chúng ta hãy quan tâm khích lệ nhau về lòng yêu thương và các việc lành. Chớ bỏ sự nhóm lại như mấy kẻ quen làm, nhưng phải khuyên bảo nhau; nếu anh em thấy ngày của Chúa càng gần chừng nào thì càng phải làm như vậy chừng nấy.”
Cùng nhau trân quý những gì thuộc về Đấng Christ là khải tượng bao quát của câu Kinh Thánh này. Câu này cũng cung cấp nền tảng Kinh Thánh về sự chăm sóc duy trì đức tin cho nhau. Sự nhấn mạnh ở đây không phải là những gì xảy ra trong đầu, mà là những gì xảy ra trong lòng. Kiến thức về chân lý không biến đổi chúng ta; chính việc áp dụng chân lý mới biến đổi chúng ta. Hầu hết chúng ta đều được giáo dục vượt quá mức độ vâng lời của mình. Vì vậy, nhiều người được hướng dẫn tốt trong tâm trí , nhưng tấm lòng thì không được biến đổi. Những gì chúng ta biết không thay đổi được thế giới; chính cách chúng ta sống theo Tin Lành cuối cùng sẽ thay đổi thế giới.
Chúng ta không nên tiếp cận mối thông công của Cơ-đốc nhân với tư tưởng rằng mình sẽ nhận được gì, nhưng phải với thái độ cho đi. Từ được dịch là “quan tâm” ở đây có nghĩa là lưu tâm một cách kỹ lưỡng và suy nghĩ cẩn thận. Còn từ “khích lệ” (có bản dịch là “khuyên giục”) có nghĩa là khuấy động để tạo ra một phản ứng mạnh mẽ, thúc đẩy nhau hướng tới tình yêu và các việc lành.
Thông thường, chúng ta có thể trở nên lười biếng hoặc tự mãn trong đời sống Cơ-đốc của mình và có xu hướng mong chờ người khác chăm sóc công việc của vương quốc. Thống kê thông thường cho thấy trong nhiều nhà thờ, 20% dân sự đang làm 80% khối lượng công việc. Điều đó có nghĩa là chúng ta có 80% số người trong các nhà thờ cần được “khuyên giục” để trở nên những môn đồ đích thực.
Nhóm Chúa Nhật tại Hội-thánh là khoảng thời gian tuyệt vời để cùng nhau thờ phượng Đức Chúa Trời, nhưng trọng tâm là sự thờ phượng hơn là sự thông công. Nếu chúng ta muốn thực hiện mạng lệnh quan tâm và khích lệ “nhau”, chúng ta phải có mối quan hệ tương tác trong các nhóm nhỏ để các thành viên có thể gây dựng mối quan hệ gắn bó với nhau.
“Ngày của Chúa càng gần …” ám chỉ ngày Chúa Giê-xu trở lại. Điều đó có nghĩa là thời gian chúng ta dành cho mối quan hệ thông công với các Cơ-đốc nhân khác đã sắp hết. Chúng ta không còn nhiều thời gian hoặc thế giới này sẽ không còn nhiều thời gian nữa, nhưng bằng cách nào đó, chúng ta đã có một khoảng thời gian giới hạn để làm công việc của Đức Chúa Trời ở đây trên đất. Và cách mà chúng ta sống ở đây trên đất sẽ để lại những ảnh hưởng lâu dài trong cõi đời đời. Vì vậy, điều quan trọng là phải chú ý đến mạng lệnh quan tâm và khích lệ “nhau” này và khuyên giục những môn đồ đích thực cho Đấng Christ.
Dịch: Eunice Tu
Nguồn: Adrian Chua
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com