Home Chuyên Đề Thách Thức Của Big Bang – Phần 5 và hết: Chúa tạo ra vũ trụ

Thách Thức Của Big Bang – Phần 5 và hết: Chúa tạo ra vũ trụ

by Viethungpham.com
30 đọc

6/ Dưới ánh sáng của Định lý Gôdel

Stephen Hawking thấm nhuần Định lý Gödel đến mức đã có một bài giảng tuyệt vời, đó là bài “Gödel và sự kết thúc của vật lý” (Gödel & The End of Physics), được công bố năm 2002.

Mọi nhận xét về Hawking sẽ sai lệch nếu không đọc bài giảng này. Nguyên bản tiếng Anh nằm trong một trang mạng của chính ông: Stephen Hawking http://www.hawking.org.uk/

Bản dịch tiếng Việt của Phạm Việt Hưng đã đăng trên tạp chí Khoa học & Tổ quốc Tháng 04/2012, và đã công bố trên PVHg’s Home ngày 27/03/2012, dưới tiêu đề “Gödel và sự kết thúc của vật lý (S.Hawking)

Bài giảng đi tới kết luận:

Nhưng chúng ta không phải là thiên thần nhìn vũ trụ từ bên ngoài. Thay vào đó, cả chúng ta lẫn các mô hình của chúng ta đều là một bộ phận của vũ trụ mà chúng ta đang mô tả. Như vậy, một lý thuyết vật lý là một hệ tự quy chiếu, như trong định lý của Gödel. Do đó người ta có thể cho rằng nó hoặc không nhất quán hoặc không đầy đủ. Cho đến nay, các lý thuyết hiện có vừa không nhất quán vừa không đầy đủ”.

Kết luận trên hoàn toàn đúng. Đó là một hệ quả triết học của Định lý Gödel áp dụng vào vật lý học.

Thật vậy, theo Định lý Gödel, mọi hệ tự quy chiếu đều dẫn tới mâu thuẫn. Nói cách khác, một hệ logic tự phán xét chính mình sẽ dẫn tới mâu thuẫn. Đó là trường hợp siêu toán học trong thế kỷ 20.

Bài học của siêu toán học là:

  • Mọi hệ logic không thể tự phán xét mình một cách đầy đủ và không thể tự chứng minh mình là một hệ phi mâu thuẫn.
  • Muốn phán xét một hệ logic đầy đủ hơn và chính xác hơn, phải đi ra ngoài hệ logic đó. Chẳng hạn, muốn chứng minh Hình học là một hệ logic phi mâu thuẫn, không thể không sử dụng đến Số học.

Áp dụng Định lý Gödel vào vật lý, chúng ta nhận thấy:

  • Vũ trụ là một hệ logic, vì nó tuân thủ các định luật một cách xác định. Tập hợp tất cả các định luật vật lý, các lý thuyết vật lý, chính là một hệ logic phản ánh vũ trụ.
  • Theo Định lý Gödel, muốn mô tả vũ trụ một cách đầy đủ và chính xác, chúng ta phải đi ra ngoài vũ trụ. Dường như Thuyết đa vũ trụ cũng muốn đi ra ngoài vũ trụ để mô tả vũ trụ, nhưng họ chỉ có thể đi ra ngoài vũ trụ bằng trí tưởng tượng trên mây trên gió, chứ không bao giờ có thể THỰC SỰ đi ra ngoài vũ trụ. Chính Hawking đã nói, chúng ta không phải các thiên thần để bay ra ngoài vũ trụ. Vậy tất cả các lý thuyết vật lý sẽ không bao giờ có thể mô tả vũ trụ một cách đầy đủ và chính xác. Nói ngắn gọn và dễ hiểu: KHÔNG BAO GIỜ CHÚNG TA CÓ THỂ HIỂU ĐẦY ĐỦ VÀ CHÍNH XÁC VỀ VŨ TRỤ.
  • Vì thế, tất cả các lý thuyết vật lý chúng ta có đến nay, như Hawking đã KẾT LUẬN rất đúng đắn, rằng chúng vừa không nhất quán (có thể mâu thuẫn với nhau) vừa không đầy đủ. Chú ý rằng ông nói điều này trong năm 2002, khi ấy đã có Thuyết đa vũ trụ và Lý thuyết M rồi!

Vậy câu hỏi đặt ra là:

Nếu không thể hiểu rõ vũ trụ thì làm sao có thể hiểu đa vũ trụ? Rõ ràng Thuyết đa vũ trụ chỉ là một giấc mơ hão huyền, tương tự như siêu toán học.

Dựa trên Định lý Gödel có thể tiên đoán Thuyết đa vũ trụ trước sau sẽ thất bại!

Tôi lấy làm lạ rằng tại sao Hawking, đã thể hiện sự thấm nhuần tư tưởng Định lý Gödel đến mức sâu sắc như ông đã thể hiện trong bài giảng “Gödel và sự kết thúc của vật lý” để rồi cuối cùng lại trở về với cách tư duy KHÔNG TƯỞNG của chủ nghĩa tự nhiên, trái với tinh thần Định lý Gödel, như đã thể hiện trong “Thiết kế Vĩ đại”.

Vậy chỉ có thể nghĩ rằng ông thấm nhuần chưa đủ. Nếu thực sự thấm nhuần Định lý Gödel thì phải nhận ra rằng:

Mọi lý thuyết có tham vọng giải thích NGUỒN GỐC của các hệ thống tự nhiên đều là không tưởng, bới vấn đề NGUỒN GỐC của các hệ thống tự nhiên chính là vấn đề TIÊN ĐỀ của các hệ logic, trong khi Định lý Gödel đã khẳng định rằng mọi hệ logic không thể tự nó chứng minh hoặc kiểm tra HỆ TIÊN ĐỀ của nó.

Hệ Tiên đề của một hệ logic chỉ có thể xây dựng dựa trên cơ sở TRỰC GIÁC hoặc dựa trên những nguyên lý đã được chứng minh hoặc thừa nhận trong một hệ logic khác.

Vấn đề giải thích nguồn gốc của một hệ thống tự nhiên chính là vấn đề chứng minh Hệ tiên đề của một hệ logic, vì các hệ thống tự nhiên là những hệ logic. Do đó, BÀI TOÁN GIẢI THÍCH NGUỒN GỐC LÀ BÀI TOÁN BẤT KHẢ!

Kurt Gödel, tác giả của Định lý Bất toàn, tuyên bố:

“TO EXPLAIN EVERYTHING IS IMPOSSIBLE” = Giải thích mọi điều là bất khả!

  • Bài toán giải thích nguồn gốc vũ trụ là bài toán bất khả!
  • Bài toán giải thích nguồn gốc sự sống là bài toán bất khả!

Lý thuyết Big Bang không giải thích được nguồn gốc vũ trụ. Nó chỉ là một lý thuyết MÔ TẢ vũ trụ, đúng như Wittgenstein nói, rằng các định luật vật lý chỉ mô tả vũ trụ chứ không giải thích được vũ trụ. Tham vọng giải thích nguồn gốc vũ trụ bị chặn lại ở thời gian Planck, 10^(-43) giây kể từ Big Bang!

Tham vọng của Thuyết đa vũ trụ là tham vọng vượt qua bức tường Planck, đó là tham vọng không tưởng về khoa học và kém về triết học, tỏ ra thiếu hiểu biết về Định lý Gödel!

Xét về triết học, Hawking đã đi ngược chiều từ chỗ thấm nhuần Định lý Gödel (2002) đến chỗ bất chấp định lý này để viết cuốn “Thiết kế Vĩ đại” (2010).

7/ Kết luận

Nếu Hawking như vậy thì các nhà khoa học theo chủ nghĩa tự nhiên khác cũng vậy. Ngày nay, với công cụ toán học trong tay và trí tưởng tượng có thừa, các nhà vật lý theo chủ nghĩa tự nhiên nhân danh kho học ngày càng SÁNG TÁC ra quá nhiều giả thuyết siêu hình không thể kiểm chứng! “Các lý thuyết chúng ta có hiện nay vừa không nhất quán vừa không đầy đủ!” (Hawking). Với xu thế này, vật lý học có nguy cơ sẽ bị giảm độ tin cậy, nếu nó không tỉnh thức để định hướng lại.

Xin nhấn mạnh một lần nữa ý kiến của George Ellis ở trên: “Việc kiểm chứng có thể quan sát được là đòi hỏi cốt lõi của khoa học, chớ nên từ bỏ“. Chừng nào Thuyết đa vũ tru chưa được kiểm chứng thì chừng ấy đừng nên gọi nó là một lý thuyết khoa học. Hãy gọi nó là GIẢ THUYẾT ĐA VŨ TRỤ.

Chính Hawking nhắc nhở chúng ta: “Kẻ thù lớn nhất của sự hiểu biết không phải là sự ngu dốt, mà là ẢO TƯỞNG HIỂU BIẾT” (The greatest enemy of knowledge is not ignorance, it is the illusion of knowledge).

Khi gọi một giả thuyết “trên trời” là một lý thuyết, chúng ta vô tình đã tạo ra một ảo tưởng hiểu biết, và vô tình làm cái điều mà Ludwig Wittgenstein gọi là “sự lừa dối của chủ nghĩa hiện đại”.

Không chỉ Wittgenstein thấy điều đó. Dường như Kurt Gödel, tác giả Định lý Bất toàn vĩ đại, cũng thấy điều đó. Vì thế ông có một tuyên bố “khó hiểu” nhưng có thể hiểu được:

Tôi không tin vào khoa học kinh nghiệm. Tôi chỉ tin vào chân lý tiên nghiệm

Vậy đã đến lúc phải kết luận: Đến giờ phút này, và có thể mãi mãi, THÁCH THỨC CỦA BIG BANG vẫn là một thách thức còn nguyên vẹn đối với các nhà khoa học vô thần.

Richard Dawkins, nhà vô thần số 1, đã đưa ra một lời khuyên đúng đắn: Nguyên lý Dao cạo Occam nói rằng đứng trước một vấn đề không thể giải thích được bằng lý lẽ, buộc phải đưa ra giả thuyết thì nên chọn giả thuyết nào đơn giản nhất, ít rắc rối nhất. Lý thuyết Big bang đưa ra hai lựa chọn:

  • Chúa sáng tạo ra vũ trụ
  • Đa vũ trụ

Richard Dawkins, một người từng báng bổ Chúa, nói thà ông chọn Chúa còn hơn!

PVHg 10/04/2018

CHÚ THÍCH

[1] Xem “Nan đề Sáng thế / Genesis Problem” https://viethungpham.com/2013/11/13/nan-de-sang-the-genesis-problem/

[2] Stephen Hawking & God, John Lennox http://rzim.org/just-thinking/stephen-hawking-and-god/

[3] “God of the Gaps”, một thuật ngữ do giới khoa học vô thần đặt ra, nhằm bác bỏ việc dùng Chúa để thay thế vào những khoảng trống của khoa học, nơi khoa học không có câu trả lời.

[4] http://www.azquotes.com/quote/1548540

[5] Wikipedia, Multiverse

[6] Như chú thích 5.

[7] http://www.azquotes.com/quote/355945

(Hết)

Nguồn: viethungpham.com

Ảnh: http://christianitymalaysia.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like