Home Chuyên Đề Thách Thức Của Big Bang – Phần 4: Lý thuyết vũ trụ tự tạo ra nó và thuyết đa vũ trụ

Thách Thức Của Big Bang – Phần 4: Lý thuyết vũ trụ tự tạo ra nó và thuyết đa vũ trụ

by Viethungpham.com
30 đọc

4/ Về những hệ thống tự tạo ra nó

Khi đọc ý kiến của Lennox so sánh tư tưởng của Hawking về “vũ trụ tự tạo ra nó” với tư tưởng của nhà hóa học Peter Atkins về “vũ trụ tự lắp ráp” (cosmic bootstrap), tôi giật mình nhận ra rằng đây chính là những hệ thống tự quy chiếu (self-referential systems) mà Toán học thế kỷ 20 đã phải trả giá!

Thật vậy, đầu thế kỷ 20, David Hilbert và những nhà toán học theo chủ nghĩa hình thức phất cao ngọn cờ xây dựng siêu toán học (metamathematics), với tham vọng tìm ra một hệ thống lý thuyết toán học đầy đủ, phi mâu thuẫn, cho phép phán xét rõ trắng/đen, đúng/sai của mọi sự kiện toán học.

Nhưng chương trình Hilbert đã thất bại tan tành, vì siêu toán học là một hệ tự quy chiếu ─ nó dùng toán học để phán xét toán học. Theo logic, mọi hệ tự quy chiếu đều dẫn tới mâu thuẫn. Điều này đã được biết từ xa xưa, nhưng không ngăn nổi tham vọng của các nhà toán học theo chủ nghĩa hình thức. Phải chờ đến năm 1931, khi Định lý Bất toàn (Theorem of Incompleteness) của Kurt Gödel ra đời thì siêu toán học mới thực sự lộ nguyên hình là một giấc mơ không tưởng (an utopian dream), hoặc một “chiếc chén thánh của toán học” (a Holy Grail of Mathematics).

Dường như các nhà vật lý và hóa học của chủ nghĩa tự nhiên không hay biết gì về bài học của toán học thế kỷ 20, vì thế mới nghĩ đến những hệ thống tự quy chiếu, như “vũ trụ tự tạo ra nó”, hoặc “vũ trụ tự lắp ráp”. Thật là nực cười khi những đầu óc khoa học sáng tác ra những hệ thống phi logic và phản logic như thế.

Nghịch lý Russell cũng cho ta bài học về những hệ thống tự quy chiếu. Nó chỉ ra rằng những tập hợp chứa tập hợp sẽ dẫn tới nghịch lý.

5/ Về giả thuyết đa vũ trụ

Phải nhấn mạnh rằng đây là một giả thuyết. Nhiều người nói đến giả thuyết này nhưng quen gọi nó là lý thuyết, dẫn tới những ngộ nhận đáng tiếc. Cần tỉnh táo để nhận rõ sự thật, tránh rơi vào tình trạng “lừa dối của chủ nghĩa hiện đại” mà Wittgenstein đã nhắc nhở. Vậy hãy lắng nghe ý kiến của những nhà khoa học cất lên tiếng nói nghi ngờ giả thuyết đa vũ trụ:

Richard Dawkins, một nhà sinh học tiến hóa vô thần nổi tiếng của Đại học Oxford, một người từng báng bổ Chúa, lẽ ra phải tán thưởng những học thuyết theo chủ nghĩa tự nhiên, vậy mà ông không thể chấp nhận được với cái gọi là “Thuyết đa vũ trụ”, ông nói: “Nguyên lý dao cạo Occam nói rằng bạn nên chọn sự giải thích đơn giản nhất và không phức tạp rắc rối. Vì vậy nguyên lý dao cạo Occam dẫn tôi tới chỗ thà tin vào Chúa còn hơn là tin vào Thuyết đã vũ trụ, một thuyết dường như hoàn toàn tưởng tượng đến mức phóng đại

Paul Davies, nhà vũ trụ học, viết trên tờ New York Times 2003: “Những lời giải thích cực kỳ phức tạp gợi nhớ lại các thảo luận thần học. Thật vậy, viện đến một số vô hạn các vũ trụ không nhìn thấy để giải thích các đặc điểm không bình thường của cái mà chúng ta nhìn thấy cũng giống như trường hợp viện đến một Đấng Sáng tạo không nhìn thấy. Thuyết đa vũ trụ có thể được trang điểm bằng ngôn ngữ khoa học, nhưng thực chất nó đòi hỏi cùng một bước nhảy vọt của đức tin

Đó là lý do để nhiều nhà khoa học nói rằng Thuyết đa vũ trụ thực chất là siêu hình học.

George Ellis, Giáo sư về các hệ phức tạp tại Khoa Toán, Đại học Cape Town, Nam Phi: “Các nhà khoa học đã đề xuất tư tưởng về đa vũ trụ như một cách giải thích bản chất của sự tồn tại. Rốt cuộc lý thuyết này để lại những câu hỏi không thể trả lời được vì nó là một vấn đề siêu hình không thể giải quyết được bởi khoa học kinh nghiệm. Việc kiểm chứng có thể quan sát được là đòi hỏi cốt lõi của khoa học, chớ nên từ bỏ”

Nhưng một khi thảo luận những vấn đề liên quan đến Nguồn gốc Vũ trụ mà không áp dụng Định lý Gödel thì sẽ là một thiếu sót lớn

(Còn tiếp)

Nguồn: viethungpham.com

Ảnh: synchronicity.org

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like