Home Chuyên Đề Thách Thức Của Big Bang – Phần 1: Chủ nghĩa tự nhiên trong “Thiết kế Vĩ đại”

Thách Thức Của Big Bang – Phần 1: Chủ nghĩa tự nhiên trong “Thiết kế Vĩ đại”

by Viethungpham.com
30 đọc

Lý thuyết Big Bang đặt ra một thách thức rất lớn cho khoa học: Ai đã châm ngòi cho vũ trụ bùng nổ để rồi vận hành? Thay vì đưa ra một câu trả lời đáng tin cậy, cuốn “Thiết kế Vĩ đại” của Stephen Hawking đã để lộ sự bế tắc của chủ nghĩa tự nhiên. Thú vị thay, Giáo sư John Lennox tại Đại học Oxford đã bác bỏ Hawking bằng những luận cứ triết học khoa học sâu sắc.

Ai châm ngòi cho Big Bang? Đó là một câu hỏi KHÓ, rất khó, đặc biệt đối với các nhà khoa học vô thần, trong đó có Stephen Hawking. Có lần Hawking nói đại ý rằng thật là “phiền” vì chính ông và Roger Penrose đã góp phần vào Lý thuyết Big Bang bằng cách chứng minh rằng vũ trụ ắt phải có điểm khởi đầu, và điều này đẩy khoa học đến một thách thức vô cùng lớn là phải lựa chọn dứt khoát một trong hai đáp án sau đây:

  • Đáp án 1: Mọi sự khởi đầu của Big Bang đều do Chúa tạo ra.
  • Đáp án 2: Có một tác nhân vật chất trước Big Bang tạo ra sự khởi đầu của Big Bang.

Đáp án 1 là câu trả lời của các nhà khoa học theo Thuyết Sáng tạo và Lý thuyết Thiết kế Thông minh, đã được trình bày trong bài “Nhan đề Sáng thế / Genesis Problem”[1] trên PVHg’s Home ngày 13/11/2013.

Đáp án 2 là mong muốn của Hawking và các nhà khoa học theo chủ nghĩa tự nhiên. Nhưng hơn nửa thế kỷ qua, họ không tìm thấy và không thể tìm thấy câu trả lời. Đó là tình trạng bế tắc của chủ nghĩa tự nhiên mà nhiều người không hay biết.

Riêng Stephen Hawking, trước đây ông từng nhắc đến “ý Chúa” và tin rằng vũ trụ đã được thiết kế hoàn hảo cho sự sống nẩy sinh. Nhưng cuối đời ông lại ngả theo chủ nghĩa tự nhiên. Những ai đã từng đọc những tác phẩm và những bài báo hoặc bài giảng trước đây của Hawking như “Lược sử Thời gian” (1988), “Gödel và sự kết thúc của vật lý” (2002), “Lý thuyết về mọi thứ, một lý thuyết khó đạt được” (2010)… sẽ thấy Hawking từng tin tưởng mạnh mẽ vào các bằng chứng của thiết kế thông minh trong vũ trụ, coi thiết kế thông minh là nhu cầu tất yếu để giải thích nguồn gốc vũ trụ. Thậm chí khi ấy, Hawking tỏ ra thấm nhuần Định lý Gödel đến mức thấy rằng khoa học sẽ không bao giờ có một lý thuyết đầy đủ để giải thích vũ trụ. Nhưng tiếc thay, với bản chất vô thần, rốt cuộc ông đã cố gắng gạt bỏ Chúa để tự nhào nặn lại bản thân theo chủ nghĩa tự nhiên. Đó là lý do ra đời cuốn “Thiết kế Vĩ đại” năm 2010.

1/ Chủ nghĩa tự nhiên trong “Thiết kế Vĩ đại”

Chủ nghĩa tự nhiên (Naturalism) là chủ nghĩa cho rằng Tự Nhiên là vật chất và chỉ có vật chất, do đó mọi hiện tượng tự nhiên đều có thể và chỉ có thể giải thích bằng các tương tác vật chất. Vì thế, chủ nghĩa tự nhiên không chấp nhận vai trò của Đấng Sáng tạo hoặc Nhà Thiết kế Vũ trụ.

Tên cuốn sách cuối cùng của Hawking, “Thiết kế Vĩ đại”, làm cho nhiều người tưởng rằng nó sẽ chứng minh sự hiện hữu của Nhà Thiết kế Vĩ đại, hóa ra nó phủ nhận. Thật vây, Hawking tuyên bố:

  • Vũ trụ khởi đầu với Big Bang, vụ nổ lớn này đơn giản là tuân thủ định luật tất yếu của vật lý. Vì có một định luật như luật hấp dẫn, vũ trụ có thể và sẽ tự tạo ra nó từ hư không” (The universe began with the Big Bang, which simply followed the inevitable law of physics. Because there is a law such as gravity, the universe can and will create itself from nothing).
  • Sự hình thành vũ trụ tự phát là lý do để có một cái gì đó thay vì không có gì cả, lý do tại sao vũ trụ tồn tại, tại sao chúng ta tồn tại. Không cần phải cầu viện đến Chúa để châm ngòi nổ và đưa vũ trụ vào vận hành” (Spontaneous creation is the reason there is something rather than nothing, why the universe exists, why we exist. It is not necessary to invoke God to light the blue touch paper and set the universe going).
  • Triết học đã chết. Nó không bắt kịp sự phát triển của khoa học hiện đại, đặc biệt là vật lý. Do đó các nhà khoa học đã trở thành những người cầm đuốc trong công cuộc khám phá nhằm thỏa mãn nhu cầu hiểu biết của chúng ta” (Philosophy is dead. It has not kept up with modern developments in science, particularly in physics. As a result scientists have become the bearers of the torch of discovery in our quest for knowledge).

Những phát biểu trên gây ra một phản ứng một phản ứng mạnh mẽ trong cộng đồng khoa học. Giáo sư John Lennox, nhà toán học và triết học khoa học tại Đại học Oxford lên tiếng:

“Thật là một phát biểu lạ lùng kinh dị! Ngoài thái độ ngạo mạn kiêu căng của câu nói này, nó chứa đựng bằng chứng tuyệt vời cho thấy ít nhất có một nhà khoa học, đó chính là Hawking, không chỉ không bắt kịp với triết học, mà dường như còn không hiểu điều đầu tiên về triết học là gì, và câu nói ấy cũng không phù hợp với những quy tắc cơ bản của phân tích logic. Thật vậy, bản thân phát biểu của Hawking là một nhận định triết học. Rõ ràng nó không phải là một phát biểu về khoa học; nó là một phát biểu mang tính triết học về khoa học. Nó nói rằng triết học đã chết, do đó nó mâu thuẫn với chính nó. Đó là một thí dụ kinh điển về tính luẩn quẩn logic”.

Ý kiến nói trên và những quan điểm của GS Lennox được giới thiệu tiếp sau đây là những trích lược từ bài báo của ông nhan đề “Stephen Hawking và Chúa”[2], trên trang RZIM ngày 23/11/2010.

Cuộc đối đáp giữa Hawking và Lennox có thể xem như một biểu tượng của cuộc tranh luận giữa hai trào lưu tư tưởng điển hình trên thế giới ngày nay: Thuyết Sáng tạo (và Thiết kế Thông minh) đối đầu với Chủ nghĩa Tự nhiên. Nếu Hawking từng tuyên bố “Thiên đường là chuyện cổ tích dành cho những người sợ bóng tối” thì John Lennox cũng từng đáp trả: “Chủ nghĩa vô thần là chuyện cổ tích dành cho những người sợ ánh sáng”. Nếu Hawking cho ra mắt cuốn “Thiết kế vĩ đại” để kết luận vũ trụ có thể tự tạo ra nó từ hư không thì ngay lập tức Lennox chỉ ra những khiếm khuyết sơ đẳng về logic trong lập luận của “Thiết kế Vĩ đại”, cả về mặt khoa học lẫn triết học.

(Còn tiếp)

Nguồn: viethungpham.com

Ảnh: medium.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like