Home Chuyên Đề TẠI SAO LÀ Y-SƠ-RA-ÊN?: Cho Đến Khi Con Đa-vít Đến – Con Đường Lên Ngai (Phần cuối)

TẠI SAO LÀ Y-SƠ-RA-ÊN?: Cho Đến Khi Con Đa-vít Đến – Con Đường Lên Ngai (Phần cuối)

by Hong An
30 đọc

CHO ĐẾN KHI CON ĐA-VÍT ĐẾN

Ở hai phần trước chúng ta đề cập đến bối cảnh lịch sử; mối quan hệ giữa Đức Chúa Trời và Y-sơ-ra-ên, cùng giao ước đời đời mà Ngài đã thiết lập với dân Do Thái.

Ngày nay, khi nhìn vào cuộc xung đột đau lòng ở Trung Đông, người ta không khỏi nghĩ đến bối cảnh trong Kinh thánh (sách Sáng thế kí 17:17-22) về cuộc xung đột giữa hai anh em cùng cha khác mẹ: Ích-ma-ên – người được coi là tổ tiên của các quốc gia Ả rập – sinh bởi A-ga người Ai Cập, đầy tớ gái của Sa-ra – vợ Áp-ra-ham; và Y-sác – người được coi là tổ phụ của dân Y-sơ-ra-ên – sinh bởi chính Sa-ra.

Vậy vị trí và quyền lợi của hai anh em cùng cha khác mẹ này là gì? 

Ích-ma-ên – anh cùng cha khác mẹ của Y-sác, tổ tiên của người Ả-rập, con trai khác của Áp-ra-ham, ngoài Y-sác – đã nhận được những lời hứa lớn lao của Đức Chúa Trời (Sáng thế ký 21:18, 17:20-22). Ngài hứa sẽ khiến dòng dõi của Ích-ma-ên kết quả và trở thành một quốc gia vĩ đại.

Ngày nay, có khoảng 200 đến 300 triệu người Ả-rập sống ở hơn 20 quốc gia khác biệt và độc lập tại Trung Đông, trong một khu vực rộng lớn của miền đất đầy dầu mỏ. Đức Chúa Trời đã giữ lời hứa của Ngài với Ap-ra-ham, ban phước cho Ích-ma-ên nhiều đến nỗi Ả-rập thực sự là những quốc gia hùng mạnh và quyền lực.

Còn Y-sơ-ra-ên thuộc dòng của Y- Sac thì sao?

Sau tất cả các vụ tàn sát trong nhiều thế kỷ, hiện chỉ còn sót lại khoảng 15 triệu người Do Thái ở trên thế giới. Tại Y-sơ-ra-ên – vùng đất nhỏ xíu, không dầu mỏ, hiện nay chỉ có khoảng 6 triệu người Do Thái đang sống, khoảng 4-5 triệu người Do thái sống tại Mỹ; 1-2 triệu tại Liên Xô cũ và phần còn lại vẫn rải rác khắp nơi trên địa cầu.

Một người bạn Do thái chia sẻ: “Thật vui khi được làm TUYỂN DÂN của Đức Chúa Trời, vì điều đó đồng nghĩa với quyền được BÀY TỎ & ĐẠI DIỆN cho Ngài trong thế gian này, nghĩa là phải chịu rất nhiều đau khổ!” .

Tiên tri Xa-cha-ri nói rằng: “Trong toàn xứ, hai phần ba sẽ bị dứt bỏ và tiêu diệt, nhưng một phần ba sẽ được để lại.” (Xa-cha-ri 13:8). Trải qua nhiều thế kỉ, số người Do Thái bị tàn sát và bị xóa sổ lên đến 2/3, và số còn lại chỉ còn 1/3. Tuy nhiên, dù phước lành dành cho Ích-ma-ên, nhưng giao ước vĩnh cửu mà Đức Chúa Trời thiết lập với Áp-ra-ham, Y-sác, Gia-cốp vẫn không thay đổi .

Kinh Thánh chép rằng tất cả mọi quốc gia, dân tộc trên thế giới cần phải chúc phước cho Y-sơ-ra-ên, vì họ sẽ được chúc phước khi họ chúc phước và bị rủa sả khi họ rủa sả dân tộc này (Sáng thế ký 12:1-3). Các quốc gia ngày hôm nay dù ở bất cứ đâu, thuộc tôn giáo nào, kể cả Hồi Giáo, đặc biệt là các Cơ Đốc Nhân cần ghi nhớ điều này.

Trước khi Chúa Giê – Xu trở lại trong vinh quang sẽ có một khoảng thời gian tối tăm cực độ ngắn ngủi trên toàn thế giới nhưng sau thời gian đó Vương quốc của Ngài sẽ đến!

Ngày nay, tại sao những sự căng thẳng ở khu vực Trung Đông ngày càng gia tăng? Vì sao quyền lực bóng tối đang cố gắng phá huỷ Y-sơ-ra-ên và dân Do Thái một lần nữa?

Đây là giai đoạn đang được bố trí ở Trung Đông với một Giê-ru-sa-lem sắp tái thiết trong một quốc gia Y-sơ-ra-ên được tái lập và phục hồi. Chúa Giê-xu phán, “Hãy xem cây vả và tất cả các cây khác” (Lu-ca 21:29). Phép lạ của sự hồi sinh là một việc quá lớn đối với các quốc gia láng giềng đang cố tiêu diệt dân Do Thái. Toàn bộ khu rừng Trung Đông đã trở lại vị trí gồm “Y-sơ-ra-ên và các nước thù địch bao xung quanh”. Cây Y-sơ-ra-ên đứng giữa rừng! Mọi thứ đã được thiết lập. Và chúng ta đều đang chờ đợi Chúa Giê Xu – Đấng sẽ đưa giai đoạn lịch sử khủng khiếp của Y-sơ-ra-ên đến với kết thúc vui mừng, hạnh phúc. Ngài sẽ trở lại để chính Y-sơ-ra-ên và tất cả chúng ta – những người sẽ cùng với Y-sơ-ra-ên – hưởng sự an nghỉ!

CON ĐƯỜNG LÊN NGAI 

Khi Chúa Giê-xu tiến vào thành Giê-ru-sa-lem, Ngài đã cưỡi trên lưng một con lừa (con vật của hòa bình), thay vì một con ngựa (vì trong thời đó, ngựa được con là một con thú của chiến tranh). Đám đông đã tung hô Ngài: “Hô-sa-na Con của Đa-vít! Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến! Hô-sa-na trên nơi chí cao!” (Ma-thi-ơ 21:9). Nhưng Ngài đã nhìn xa khỏi đám đông, hướng về Giê-ru-sa-lem và khóc, “Vì sẽ có ngày, ngươi sẽ bị quân thù đắp lũy, bao vây và siết chặt bốn bề. Họ sẽ tiêu diệt ngươi và con cái ở giữa ngươi nữa. Họ sẽ không để cho hòn đá nầy chồng trên hòn đá kia, vì ngươi không biết thời điểm mình được thăm viếng.” (Lu-ca 19:43-44).

Chúa Giê-xu biết con đường đến thập tự giá là lối để Ngài vào Giê-ru-sa-lem, không giống như của Đa-vít – tổ phụ Ngài. Và Ngài sẽ tự giao phó mạng sống mình (Giăng 10:17-18). Ngài cũng biết trước rằng một ngày nào đó trong tương lai, đám đông ở Giê-ru-sa-lem sẽ lại hô lên: “Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến”.

Thập tự giá chính là cách để thiết lập hòa bình giữa Đức Chúa Trời và con người. Chúa Giê-xu đã nhìn thấy điều đó, chịu chết, phục sinh và thăng thiên. Kế đó, vào năm 70, thành Giê-ru-sa-lem sụp đổ hoàn toàn bởi sự tàn phá của quân La Mã, ứng nghiệm lời phán của Chúa trong Lu-ca 19:43-44.

Sau gần hai ngàn năm bị tản lạc khắp đất, một Thành phố Giê-ru-sa-lem sắp được tái lập – một nhà nước Do Thái được phục hồi để ứng nghiệm những gì Chúa Giê-xu phán trong Ma-thi-ơ 23:39. Một ngày kia, Ngài sẽ trị vì giữa Gia-cốp, Y-sơ-ra-ên, như thiên sứ Gáp-ri-ên đã loan báo và hứa hẹn.

Ý NGHĨA CÂU CHUYỆN GIÔ-SÉP 

Trở lại câu chuyện của Giô-sép và các anh em người. Trước khi trở thành tể tướng của Ai-cập, Giô-sép đã từng bị ngược đãi, bị vu oan, bị phản bội bởi chính người thân của mình. Những hình ảnh của Giô-sép đã bày tỏ hình bóng về Chúa Giê-xu. Cuộc sống của Đấng Christ được nhìn thấy trước qua cuộc đời của Giô-sép.

Khi anh em của ông đến với ông tại Ai Cập để xin thức ăn, họ đã không nhận ra người ngồi trên ngai chính là em trai của mình. Một phần vì Giô-sép nói tiếng ngoại quốc: tiếng Ai-cập – không phải Do Thái; cách ông ăn mặc cũng không giống người Do Thái (điều này liên hệ  như Kinh Thánh Tân Ước được viết bằng tiếng Hi Lạp chứ không phải bằng tiếng Hê-bơ-rơ). Sau cùng Giô-sép đã quyết định sẽ tỏ mình cho họ biết. Và trước lúc ấy, ông đã đuổi người Ai cập (người ngoài Do thái – dân ngoại bang ra khỏi phòng) vì đó không phải là chuyện của họ (Sáng thế ký 45:1). Sau đó ông bước khỏi ngai và chứng mình mình là Giô-sép (Sáng thế ký 45:3).

Các anh em Giô-sép đã gặp rắc rối trong việc nhận ra ông là ai. Những người Do-thái hôm nay cũng gặp rắc rối trong việc nhận ra Chúa Giê-xu là ai. Trải qua nhiều thế kỉ, Hội Thánh đã trình bày sai về Chúa Giê-xu cho người Do Thái. Chúng ta đã làm lu mờ gương mặt của Chúa Giê-xu với các anh em Ngài. Nhưng khi thời điểm đến, dân Y-sơ-ra-ên sẽ nhận biết Chúa Giê-xu thực sự là ai và sẽ hết sức mừng rỡ (Sáng thế ký 45:2).

Điều đó sẽ đến, theo cách của Chúa! Xa-cha-ri đã nói tiên tri rằng: “Ta sẽ đổ thần ân điển và nài xin trên nhà Đa-vít và trên cư dân Giê-ru-sa-lem. Chúng sẽ nhìn xem Ta là Đấng chúng đã đâm, rồi chúng sẽ than khóc Ngài như người ta than khóc đứa con một, và sẽ thương tiếc Ngài như người ta thương tiếc con đầu lòng.”(Xa-cha-ri 12:10).

KHI NÀO NGÀI SẼ ĐẾN 

Khi nào điều đó xảy ra?

Cụm từ “cho đến khi” trong Lu-ca 21:24 đóng vai trò quan trọng, hứa hẹn rằng cuộc bức hại sẽ sớm kết thúc. Tình trạng khủng khiếp này sẽ không tồn tại mãi mãi. Bất cứ điều gì, dù là áp lực, khủng bố, tàn sát, tàn ác, đói kém, bệnh tật, chết chóc hoặc các dân ngoại sẽ không có tiếng nói cuối cùng trong thế giới này. Chính Đấng Christ sẽ có tiếng nói cuối cùng, khi Ngài hủy diệt quyền lực của bóng tối và giết chết người vô luật pháp – Anti-Christ, thiết lập Vương Quốc công chính và bình an của Ngài. Ngài là niềm hy vọng duy nhất của Y-sơ-ra-ên, của hội thánh, của thế giới (Giê-rê-mi 31:2b).

Tuy nhiên, sự hòa giải giữa Y-sơ-ra-ên sẽ là chuyện riêng giữa Ngài với họ (anh em của Ngài). Điều này khá rõ ràng trong việc Chúa lặp lại “Ta sẽ” trong Giê-rê-mi 31: 31-35; Rô-ma 11:26-27. Ngài sẽ đến từ Si-ôn và cất những tội lỗi của họ. Chính Ngài sẽ làm điều đó cho thế hệ cuối cùng của Y-sơ-ra-ên – phần dân sót – sau khi họ quay trở về đất Chúa hứa ban cho họ để gặp Ngài. Y-sơ-ra-ên đang đi đến sự nghỉ ngơi của mình, trên con đường được gắn kết vào Giao Ước Mới của mình mãi mãi và làm phước lành cho thế giới (Giê-rê-mi 31:2). Sự tồn tại của Y-sơ-ra-ên và sự hồi hương của dân Do Thái ứng nghiệm lời tiên tri trong Kinh thánh, là dấu hiệu của hy vọng.

Đức Chúa Trời đang tể trị và hướng dòng lịch sử đi đến mục tiêu cuối cùng – sự thiết lập vương quốc vĩnh cửu. Luật pháp sẽ từ Giê-ru-sa-lem truyền ra (Ê-sai 2:2-4, Xa-cha-ri 12:10-14). Quyền lực của Allah và Hồi Giáo sẽ bị vỡ tan. Đức Chúa Trời yêu thương người Ả rập và Palestine, Ngài muốn họ cũng được tự do. Kinh thánh nói rằng một xa lộ sẽ được xây dựng từ Ai cập đến A-sy-ri (nay là I-rắc), người A-si-ri sẽ đi đến Ai Cập, Ai Cập và A-sy-ri, và cả hai sẽ cùng thờ phượng Đức Chúa Trời. Họ sẽ không thờ phượng Allah, nhưng thờ lạy Giê-hô-va – Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Y-sác, và Gia-cốp, Cha của Đức Chúa Giê-xu Christ chúng ta.

Trong ngày đó, Y-sơ-ra-ên sẽ cùng với Ai Cập và A-sy-ri như một phước lành ở giữa trái đất.”Vì Đức Giê-hô-va vạn quân đã ban phước cho họ”. Ngài phán: “Phước cho Ai Cập là dân Ta, A-si-ri là công trình của tay Ta, Y-sơ-ra-ên là cơ nghiệp của Ta” (Ê-sai 19:19-25).Thời kỳ tối tăm sắp xảy ra trên toàn thế giới  bao gồm cả Y-sơ-ra-ên và các tín đồ trong Chúa Giê-xu Christ. Thời kì Hội Thánh sẽ nhanh chóng chấm dứt, và tiếp theo sau là Vương quốc đầy vinh quang! Thành ngữ “cho đến khi” ở đó như là một sự bảo đảm cho giai đoạn mới tuyệt vời của lịch sử thế giới dành cho tất cả mọi người, cả Y-sơ-ra-ên và Giê-ru-sa-lem.

Chúng ta có đang trên đường tới đó không? Bạn và tôi cần phải nhận ra một điều, chúng ta là những Cơ đốc nhân thuộc dòng dõi thuộc linh của Áp-ra-ham và chúng ta đang trên đường tới Đất Hứa để đến vương quốc đời đời của Ngài!

Hồng Ân biên tập

Nguồn: Tại sao là Y-sơ-ra-ên? (Rev. Willem J.J. Glashouwer)

 

 

Bình Luận:

You may also like