Home Chuyên Đề Tình Yêu Của Chúa Giê-xu Trong Nghệ Thuật Sửa Chữa Đồ Gốm Truyền Thống Của Nhật Bản – Kintsugi

Tình Yêu Của Chúa Giê-xu Trong Nghệ Thuật Sửa Chữa Đồ Gốm Truyền Thống Của Nhật Bản – Kintsugi

by Van Anh
30 đọc

Bạn đã bao giờ nghe nói đến một nghệ thuật truyền thống của Nhật Bản gọi là Kintsugi chưa?

Nghệ thuật Kintsugi  (hay còn gọi là Kintsukuroi) trong tiếng Nhật có nghĩa là “lấy vàng để hàn gắn” (kin – vàng ; tsugi – sửa chữa) thường được sử dụng để phục chế các món đồ gốm sứ bị nứt bể.

Nghệ nhân Kintsugi dùng chất liệu chính là sơn mài trộn thêm với bột vàng, bạc hoặc bạch kim để trám lên những vết rạn nứt hay gắn các mảnh vỡ lại theo vị trí ban đầu và làm cho món đồ tăng thêm phần thẩm mỹ. Đây là cách người Nhật dùng để phục chế những món đồ gốm mà họ trân quý. Sau khi những mảnh vỡ được “hàn gắn” lại bằng bột vàng, món đồ không chỉ được ghép lại lành lặn như trước mà còn trở nên đẹp hơn xưa. Vẻ óng ánh của bột vàng làm cho món đồ trông sang trọng và quý giá hơn.

Khi sử dụng đồ gốm, chúng ta biết chắc rằng một ngày nào đó chúng sẽ bị nứt vỡ. Theo quan niệm của người Nhật, dù đã hư hỏng nhưng chúng là những món đồ đã từng đồng hành và mang lại niềm vui cho người sử dụng; với bản tính coi trọng kỉ niệm, trân trọng kỉ vật, người Nhật đã nghĩ ra cách để hàn gắn, giữ gìn bền lâu những món đồ gốm, đồ sứ quý giá; Đặc biệt là những món đồ được tặng, để thể hiện sự tôn trọng với người đã tặng quà cho mình và tấm lòng yêu mến vẫn vẹn nguyên. Có thể đây không chỉ là cách người Nhật phục chế đồ gốm sứ mà còn là cách họ coi trọng các mối quan hệ trong cuộc sống.

Với kỹ thuật Kintsugi, các nghệ nhân có thể tạo ra các tác phẩm nghệ thuật thật sự và chúng luôn luôn khác nhau. Mỗi một món đồ gốm đã qua sửa chữa là độc nhất vô nhị, mỗi tác phẩm có câu chuyện và vẻ đẹp của riêng mình bởi sự ngẫu nhiên của những vết nứt độc đáo hình thành khi các đồ vật bị rơi vỡ; như thể chúng là những vết thương để lại những vết sẹo khác nhau trên mỗi người chúng ta.

Shin Hongo, một học sinh tại Trường Kinh Thánh CFNJ, sau khi nghe về Kintsugi trong lớp của Tiến sĩ Bruce Macdonald, đã viết bài thơ Haiku sau đây. (Haiku là một thể thơ độc đáo của Nhật Bản)

Trong nghệ thuật Kintsugi

Tôi thấy thấp thoáng

Tình yêu của Chúa Giê-xu

Tôi tin rằng chúng ta cũng thấy những ý niệm thoáng qua về tình yêu thương của Chúa Giê-xu, như khi Ngài chữa lành và phục hồi đời sống của chúng ta vậy.

Chúng ta giống như những tác phẩm Kintsugi!

Chúng ta đã bị tan vỡ, tuy nhiên, Chúa đã không ném chúng ta đi. Ngài sửa lại chúng ta. Ngài phục hồi chúng ta. Ngài khiến chúng ta trở nên tốt hơn. Rồi Ngài nhìn chúng ta và tuyên bố, “Bây giờ, những mảnh vỡ trở nên thật lộng lẫy!”

Đức Chúa Trời coi chúng ta như đồ gốm và Ngài có thể sửa lại các món đồ gốm bị vỡ đó.

Rất nhiều lần trong Kinh Thánh Đức Chúa Trời sử dụng hình ảnh người thợ gốm để chỉ về chính Ngài. Ngài là thợ gốm và chúng ta là đất sét trong tay Ngài (Giê-rê-mi 18:1-6 / Rô-ma 9:20-24). Ngài đã biến chúng ta từ những mẩu đất sét tưởng chừng như vô dụng trở nên những cái bình hữu ích và cho chúng ta mỗi người một vị trí trong nhà của Ngài; có bình dùng cho việc sang, cũng có bình dùng cho việc bình thường (2 Ti-mô-thê 2:20)

Trong Thi Thiên 31:12 vua Đa-vít nói, “Tôi giống như một cái bình bể nát.” Không ít người trong chúng ta cũng từng kinh nghiệm sự tan vỡ này. Có những lúc chúng ta cảm thấy bản thân mình khó mà hồi phục và những vết thương này khó mà chữa lành hoàn toàn. Dù thời gian có là phương thuốc quý cho mọi loại vết thương nhưng những vết sẹo để lại thật xấu xí đến nỗi chúng ta chỉ muốn che giấu nó. Nhưng… có điều gì quá khó cho Chúa không?

Thi Thiên 51:17

Tế lễ hy sinh đẹp lòng Đức Chúa Trời là tâm thần tan vỡ.
Đức Chúa Trời ôi, tấm lòng ăn năn tan vỡ Ngài không khinh bỉ đâu.

Chúng ta càng tan vỡ bao nhiêu thì Đức Chúa Trời càng có nhiều việc phải làm trên chúng ta. Chúa yêu thích việc sử dụng những chiếc bình đã vỡ. Bởi vì những vết nứt chính là nơi Đức Chúa Trời có thể chiếu ánh sáng của Ngài vào (II Cô-rinh-tô 4:6-10).

Bạn có phải là một chiếc bình vỡ không? Bạn có tin rằng Đức Chúa Trời có thể phục hồi bạn không? Vấn đề là bạn phải xem bản thân mình là gốm đã bị vỡ và chịu mang tất cả những mảnh vỡ đến cho Ngài.

Ngài làm cho chúng ta trở nên tốt hơn bản thân chúng ta trước đây.

Có ai trong chúng ta từng có suy nghĩ rằng mình chỉ là đồ bỏ đi? Tâm trí chúng ta có khuynh hướng suy nghĩ theo lối mòn và những gì chúng ta đã từng tin. Suy nghĩ tiêu cực dẫn đến cảm xúc tiêu cực và hành động tiêu cực.

2 Cô-rinh-tô 5:17

Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ, thì nấy là người dựng nên mới; những sự cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới.

Những món đồ gốm được trám bột vàng theo nghệ thuật Kintsugi còn được rao bán với mức giá rất cao; một chiếc bát, đĩa được sửa có giá từ vài trăm cho tới hàng nghìn đô la Mỹ; cao hơn nhiều so với giá trị thật của chúng trước đây. Cũng một thể ấy, Chúa nhìn chúng ta giống như những tác phẩm quý giá do chính tay Ngài tạo tác và phục hồi. Hãy nhớ rằng Đấng Tạo Hóa của chúng ta hiểu chúng ta rõ hơn chính bản thân chúng ta. Nếu chúng ta xem thường bản thân mình và hủy hoại nó, chúng ta sẽ làm đau lòng Chúa.

Với những cái bình cứng lòng, Chúa cũng có thể đập bể để không ai có thể sửa được.

Sứ điệp đầy hy vọng này cũng đưa ra một lời cảnh báo. Trong Giê-rê-mi 19 Chúa bảo Giê-rê-mi đi mua một cái bình bằng đất nơi thợ gốm, rồi “đập cái bình trước mắt những người đi với mình”, Chúa phán, “Ta sẽ đập vỡ dân nầy và thành nầy cũng như đập cái bình bằng gốm, chẳng còn làm liền lại được; …” (Giê-rê-mi 19:11)

Ê-sai 30:14

Ngài sẽ đập bể nó như cái bình thợ gốm bị bể ra, bể ra từng miếng, chẳng tiếc gì; đến nỗi trong những miếng mẻ nó, sẽ chẳng tìm được một mảnh nào để lấy lửa nơi bếp hay là múc nước nơi hồ.

Chúa đang nói rằng con người có thể tiếp tục trong tội lỗi của mình cho đến chừng nào đất lòng của họ bị cứng lại. Chúa luôn cho chúng ta cơ hội thứ hai, nhưng có một thời điểm khi mà đời sống của một người đã trở nên quá cứng cỏi bởi tội lỗi thì Đức Chúa Trời sẽ từ bỏ người đó. Bạn sẽ vượt qua giới hạn thời gian của Thiên Chúa, và giống như một chiếc bình đất bị đập vỡ, bạn không thể được phục hồi lại nữa.

Sửa một cái bình bể giá không hề rẻ.

Trong thời cổ đại, có một loại hình phạt rất tàn ác dành cho những người bị kết tội giết người. Xác của người chết sẽ bị trói lại phía sau lưng của kẻ sát nhân. Dần dần, khi sự phân hủy diễn ra, sâu bọ bắt đầu ăn thịt xác chết cùng với người đang sống đó. Đây là một hình ảnh về sự mục nát mà tội lỗi gây ra trên cuộc đời của mỗi con người. Nhiều người không chỉ là tội nhân, họ còn là nạn nhân của tội lỗi. Có một xác chết đã bị buộc vào sau lưng họ. Khi Chúa Giê-xu chịu chôn, Ngài đã mang xác chết đó đi cùng Ngài. Nhưng khi Ngài sống lại từ cõi chết, Ngài đã bỏ cái xác lại trong địa ngục nơi mà nó thuộc về. Đây là ý nghĩa sâu sắc của sự cứu rỗi mà chúng ta nhận được nhờ chiến thắng của Chúa chúng ta trên Thập Tự Giá.

Bởi chúng ta biết rằng chẳng phải bởi vật hay hư nát như bạc hoặc vàng mà anh em đã được chuộc khỏi sự ăn ở không ra chi của tổ tiên truyền lại cho mình, bèn là bởi huyết báu Đấng Christ…(1 Phi-e-rơ 1:18-19)

Sự cứu rỗi của chúng ta có rẻ không? Đức Chúa Trời đã trả một cái giá đắt như thế nào để Ngài có thể phục hồi chúng ta? Bằng chính huyết của Con Trai rất yêu dấu của Ngài.

Mục đích của Kintsugi không phải là để che giấu những vết nứt trên đồ vật mà để cho những món đồ phế phẩm trở thành những tác phẩm nghệ thuật hoàn thiện như trước đó. Chúa cũng không muốn chúng ta che giấu những sai phạm của mình. Đức Chúa Trời sử dụng sự thất bại của chúng ta và đặt các mảnh vỡ lại theo một cách mà sẽ bày tỏ sự vinh hiển của Ngài. Và để chúng ta có thể an ủi những người bị tan vỡ giống như chúng ta bằng cách chỉ cho họ xem những vết thương mà chúng ta có.

2 Cô-rinh-tô 1:4, Ngài luôn an ủi chúng ta trong mọi cơn hoạn nạn để chúng ta, nhờ sự an ủi đã nhận được từ Đức Chúa Trời, có thể an ủi những người khác trong mọi cơn hoạn nạn họ gặp.

Đức Chúa Trời có thể sửa chữa một cuộc đời tan vỡ nếu bạn mang cho Ngài tất cả các mảnh vỡ. Đức Chúa Trời muốn làm cho cuộc sống của bạn mới trở lại, và Ngài có thể làm điều đó ngay hôm nay nếu bạn để cho Ngài làm.

 

Eunice

Nguồn: Sưu tầm

Ảnh: Sưu tầm

Bài vở cộng tác và góp ý xin gởi về tintuc@hoithanh.com

 

 

 

Bình Luận:

You may also like