Home Chuyên Đề TẠI SAO LÀ Y-SƠ-RA-ÊN? – Phần 1: Y-sơ-ra-ên – Con Trưởng Nam Của Đức Chúa Trời

TẠI SAO LÀ Y-SƠ-RA-ÊN? – Phần 1: Y-sơ-ra-ên – Con Trưởng Nam Của Đức Chúa Trời

by Hong An
30 đọc

THỰC TẾ LỊCH SỬ 

Ngày 14 tháng 5 năm 1948, Đa-vít Ben Gu-ri-on đọc Tuyên ngôn Độc lập – thành lập Nhà nước Y-sơ-ra-ên. Kế đó, cả thế giới kinh ngạc chứng kiến Chúa – là Đức Chúa Trời như trong thời kỳ Cựu Ước – đã chiến đấu cho dân Ngài.

Suốt những năm 1948, 1956, 1967, 1973… dân Y-sơ-ra-ên đã chống lại vô số kẻ thù nghịch có sức mạnh áp đảo gấp nhiều lần. Thời điểm các Liên Minh khác nhau của khối Ả Rập bước ra như muốn nuốt chửng quốc gia nhỏ bé này, thì Đức Chúa Trời đã đứng về phía họ, giúp họ đánh bại kẻ thù.

Tại thời điểm ấy, căn nhà thần học cổ – được Hội Thánh xây dựng từ nhiều thế kỷ trước, đột nhiên sụp đổ. Ngay sau đó, nhiều Hội Thánh Cơ đốc đã phải đối mặt với nhiều thắc mắc về giao ước của Đức Chúa Trời với Áp-ra-ham, Y-sác, Gia-cốp, cùng Môi-se và Giô-suê và hỏi rằng: Liệu giao ước đó có còn hiệu lực với người Do Thái? Liệu Đức Chúa Trời có còn thành tín với tất cả các giao ước mà Ngài đã lập với Y-sơ-ra-ên không, vì phần lớn người Do Thái vẫn không tin Chúa Giê-xu mà? Tại sao Chúa vẫn ban phước cho họ? Nếu Đức Chúa Trời còn giữ giao ước với người Do Thái thì giao ước của Ngài với Hội Thánh Cơ đốc có thay đổi hay không?

Dù Hội Thánh ngày nay và Y-sơ-ra-ên có thể có những quan điểm rất khác nhau về việc Chúa Giê-xu thực sự là ai. Nhưng sự khác biệt về quan điểm này ​​không hề có sự xen lẫn của quyền lực tối tăm, vì những quyền lực đó ghét cả hai dân tộc của Chúa (dân ngoại tin kính và dân tuyển), bởi họ đều là những người cùng đặt niềm tin vào một Đức Chúa Trời. Và trong lịch sử cho thấy khá rõ ràng, quyền lực đó bắt bớ tất cả các Cơ Đốc Nhân tin kính Chúa cũng giống như đã từng bắt bớ người Do Thái và Y-sơ-ra-ên.

Chúng ta tin rằng Đức Chúa Trời không bao giờ quên Y-sơ-ra-ên – tuyển dân của Ngài. Việc Y-sơ-ra-ên lập quốc năm 1948 đã ứng nghiệm lời tiên tri trong Kinh Thánh. Vì vậy, chúng ta nên ủng hộ Y-sơ-ra-ên, vì họ có quyền tồn tại như một quốc gia đã nhận lãnh đất hứa mà Chúa ban cho hậu duệ của Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp.

SUY NGHĨ THEO SỐ ĐÔNG 

Định nghĩa đơn giản nhất của Thần Học Thay Thế ám chỉ tất cả những người tin rằng Hội Thánh đã thế chỗ của Y-sơ-ra-ên trong những Lời Tiên Tri của Đức Chúa Trời. Lý lẽ của điều này phản ánh tình trạng không vâng phục và tội lỗi của Y-sơ-ra-ên khiến họ đánh mất đặc quyền được kể như là một dân tộc nhận lãnh Đất Hứa mà Đức Chúa Trời đã hứa ban cho Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp.

Một số người tin rằng Hội Thánh đã làm ứng nghiệm trọn vẹn những Lời Tiên Tri chỉ về Y-sơ-ra-ên, vì vậy Y-sơ-ra-ên của ngày hôm nay không còn ý nghĩa gì với các Lời Tiên Tri nữa. Số khác lại tin rằng Y-sơ-ra-ên hôm nay là một nhà nước thế tục và đó không phải là Y-sơ-ra-ên thật trong thời kỳ cuối cùng.

Các nhà Lãnh đạo của Hội Thánh thời kỳ đầu tiên cho rằng Hội Thánh đã thay thế Y-sơ-ra-ên trong chương trình của Đức Chúa Trời. Họ kết luận rằng phước hạnh mà Đức Chúa Trời hứa ban cho Y-sơ-ra-ên đã được hoán chuyển sang Hội Thánh (còn sự rủa sả thì không!). Họ giải thích các phần Kinh Thánh liên quan đến Y-sơ-ra-ên chỉ trên ý nghĩa biểu tượng chứ không theo nghĩa gốc ban đầu. Họ thừa nhận người Do Thái đã đóng đinh Chúa Giê-xu và nhầm lẫn giữa những người Lãnh đạo Do Thái gian ác lúc bấy giờ với những người dân Do Thái. Họ bỏ qua những tư liệu lịch sử quý giá về những Thầy Tế-lễ gian ác đương thời, và vài người trong số họ không phải người Do Thái.

Một Cơ Đốc Nhân lớn tuổi đã từng trăn trở rằng: “Có rất nhiều Cơ đốc nhân yêu những người Do thái đã khuất trong lịch sử như Môi-se, Giô-suê, Ê-sai, Giê-rê-mi, Đa-vít, Phao-lô, Phi-e-rơ, Giăng… cùng nhiều người Do Thái khác trong Kinh Thánh. Và nhiều Cơ-đốc nhân yêu mến những người Do Thái chưa ra đời – thế hệ của những người Do Thái sẽ sống trong Lời Tiên Tri mang tính tương lai – khi Y-sơ-ra-ên là trung tâm của thế giới, và Giê-ru-sa-lem là thành phố mà hòa bình sẽ tràn ra và bao trùm trái đất… Nhưng ai sẽ ủng hộ người Do Thái ngày hôm nay? Ai sẽ yêu thương họ trong Danh của Chúa Giê-xu? Ai sẽ đứng bên cạnh họ trong cuộc chiến cô độc khi cả thế giới chống lại họ?” 

Trong chúng ta, ai sẽ cố gắng bắt đầu đọc lại Kinh Thánh một lần nữa để tìm ra mối liên hệ thực sự giữa Y-sơ-ra-ên và Hội Thánh? Những Hội Thánh có nguồn gốc Do Thái thì sao? Mối liên hệ giữa Giao Ước Cũ và Giao Ước Mới là gì? Liệu có hai (hoặc nhiều hơn) các giao ước vẫn còn hiệu lực đồng thời trong một Đức Chúa Trời? Đó có phải là Giao ước dành cho người Do Thái (đa số không tin Chúa Giê-xu) và giao ước thuộc về Hội Thánh (là những người đã tin nhận Chúa Giê- xu)? Có hai dân tộc của Đức Chúa Trời chăng? Lời tiên tri mang tính tương lai của cả hai sẽ thế nào? Và tất cả những điều này sẽ dẫn đến đâu?

Những câu hỏi trên hy vọng sẽ thúc đẩy chúng ta đọc lại cả Kinh Thánh – Tân Ước và Cựu Ước. Là những Cơ đốc nhân, hãy tin rằng Kinh Thánh là Lời đáng tin cậy mà chính Đức Chúa Trời đã bày tỏ cho dân Do Thái.

Y-SƠ-RA-ÊN: CON TRƯỞNG NAM CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI 

Từ Y-sơ-ra-ên xuất hiện trong Kinh Thánh 2566 lần và cũng là một chủ đề lớn nhất của Kinh Thánh bên cạnh chủ đề về Đức Chúa Trời.

Qua việc nghiên cứu Kinh Thánh, chúng ta biết được Chúa Giê-xu là Con độc sanh của Đức Chúa Trời: “Ngôi Lời đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta, đầy ơn và lẽ thật; chúng ta đã ngắm xem sự vinh hiển của Ngài, thật như vinh hiển của Con một đến từ nơi Cha” (Giăng 1:14). Và khi khám phá Kinh Thánh sâu hơn nữa, sẽ dễ dàng nhận ra rằng Y-sơ-ra-ên được Đức Chúa Trời gọi là con trưởng nam (con trai đầu lòng) của Ngài.

Trong thời kỳ Cựu Ước, dân Y-sơ-ra-ên trở thành những nô lệ bị áp bức ở Ai-cập. Pha-ra-ôn đã khước từ không để họ đi thờ phượng Đức Chúa Trời bằng cách gia tăng nhiều gian khổ và làm giảm bớt dân số của họ. Môi-se và A-rôn đã gởi thông điệp của Đức Chúa Trời đến Pha-ra-ôn rằng: “Ngươi phải tâu cùng Pha-ra-ôn rằng: Đức Giê-hô-va có phán như vậy: Y-sơ-ra-ên là con ta, tức trưởng nam ta, nên ta có phán cùng ngươi rằng: Hãy cho con ta đi, để nó phụng sự ta, mà ngươi đã từ chối không cho nó đi. Nầy, ta sẽ giết con trai ngươi, là con trưởng nam của ngươi.” (Xuất 4:22-23). Và đó chính xác là điều đã xảy ra trong tai vạ thứ mười giáng xuống trên Ai-cập (Xuất 12:29).

Hành động khước từ trả tự do cho con trai đầu lòng của Đức Chúa Trời khiến Ai-cập phải trả giá đắt bằng chính các con trai đầu lòng của mình, y như Chúa đã cảnh báo. Mọi con đầu lòng tại xứ Ê-díp-tô, từ thái tử của Pha-ra-ôn ngồi trên ngai mình, cho đến con cả người bị tù, và hết thảy con đầu lòng của súc vật đều bị hành hại giữa đêm (Xuất 12:29). Đức Chúa Trời sẽ giải thoát con trưởng nam của Ngài vì chính Danh vinh hiển Ngài.

Sự khải thị về những phép lạ của Đấng Mê-si đến trên tuyển dân cũng giống như phép lạ dành cho bất kỳ ai đến với Chúa bằng đức tin; và đó là điều kì diệu của Ân Điển. Ê-xê-chi-ên 36:24, chép rằng: “Ta sẽ thâu lấy các ngươi khỏi giữa các dân; Ta sẽ nhóm các ngươi lại từ mọi nước, và đem về trong đất riêng của các ngươi.” Y-sơ-ra-ên sẽ được phục hồi trước hết về phương diện quốc gia, sau đó là phương diện thuộc linh.

Trong nhiều thập kỷ, chúng ta đã chứng kiến điều này xảy ra. Dân Do Thái đang trở về từ hơn 120 quốc gia rải rác khắp nơi trên thế giới. Đây chính là minh chứng rõ ràng cho việc họ được phục hồi về phương diện quốc gia. Và sớm thôi, sự phục hồi về phương diện thuộc linh sẽ xảy ra. Vì Chúa phán rằng cuối cùng họ trở về vùng đất của họ và ở lại đó (Ê-xê-chi-ên 36:25-28).

“Trong ngày đó, ta sẽ dựng lại nhà tạm của Đa-vít, là nhà đã đổ, và tu bổ lại những chỗ rách nát của nó. Ta sẽ dựng lại những nơi đổ nát và xây nó lại như ngày xưa; Ta sẽ lại trồng chúng nó trên đất chúng nó, và chúng nó sẽ không hề bị nhổ khỏi đất mình mà ta đã ban cho, Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời ngươi phán vậy.” (A-mốt 9:11; 9:15). Dân Y-sơ-ra-ên đang trên đường đến sự yên nghỉ của mình. Vì Đức Chúa Trời thực sự yêu họ và Ngài hứa rằng “Ta đi để chúng nó (Y-sơ-ra-ên) được yên nghỉ” (Giê-rê-mi 31:2).

HỘI THÁNH CÓ MỐI LIÊN HỆ VỚI TUYỂN DÂN CỦA CHÚA

Chúa Giê-xu là Con Độc Sanh của Đức Chúa Trời và Ngài cũng là người Do Thái. Nhưng Đức Chúa Trời gọi Y-sơ-ra-ên là con trưởng nam. Kinh Thánh nói rằng, Đức Chúa Trời yêu Y-sơ-ra-ên; Chúa Giê-xu yêu Y-sơ-ra-ên và Ngài cũng yêu chúng ta nữa. Nên khi chúng ta nói yêu Chúa, chúng ta không thể không yêu những người mà Ngài yêu.

Bạn có chắc rằng mình thực sự yêu mến Đức Chúa Trời của Kinh Thánh – Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Y-sác, Gia-cốp và của Y-sơ-ra-ên? Hay bạn đang yêu khái niệm của riêng mình về Đức Chúa Trời? Hoặc chỉ yêu hình ảnh Thần học về Đức Chúa Trời?

Nhiều người đã tự dựng nên hình ảnh về “Đức Chúa Trời” theo suy tưởng của bản thân, và nghĩ rằng “Đức Chúa Trời” đó hành động theo cách họ suy nghĩ. Tuy nhiên, Kinh Thánh cấm chúng ta thờ phượng hình tượng của riêng chúng ta về Đức Chúa Trời (Xuất-Ai-cập-ký 20:4-6); dù là bằng gỗ, đá, đồng, bạc và vàng… hoặc những khái niệm trong tư tưởng con người về Ngài. Vì vậy, chúng ta cần phải nhìn vào Kinh Thánh để tìm câu trả lời chính xác cho bản thân về hình ảnh của Đức Chúa Trời. Vì chỉ khi chúng ta nhìn qua nhãn quan của Chúa, chúng ta mới thấy rõ và hiểu thấu được. Và chỉ Lời Chúa có thể giúp chúng ta làm được điều đó.

Đức Chúa Trời đã bày tỏ chính Ngài vô cùng rõ ràng qua Kinh Thánh. Cho nên mỗi chúng ta cần thích ứng theo ý tưởng của Ngài về chính Ngài, về chúng ta, về Y-sơ-ra-ên, về thế giới xung quanh, về quá khứ, hiện tại, tương lai của con người và sự sáng tạo theo đúng cách Đức Chúa Trời bày tỏ trong Kinh Thánh, thay vì mô phỏng hình ảnh của Ngài bằng những ý tưởng riêng. Đồng thời nhắc nhở chính mình, lưu tâm về những sự kiện căn bản của Y-sơ-ra-ên trong Kinh Thánh.

MỐI QUAN HỆ CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI VỀ TÌNH YÊU VÀ GIAO ƯỚC ĐỜI ĐỐI VỚI NGƯỜI DO THÁI, VỚI Y-SƠ-RA-ÊN LÀ ĐỜI ĐỜI

Giao ước vô điều kiện là một hành động tối cao trong sự cai trị tuyệt đối của Đức Chúa Trời, bởi đó Ngài buộc phải làm trọn những lời hứa và sự chúc phước cho Tuyển dân ở dưới giao ước. Những giao ước vô điều kiện được thực hiện một cách đơn phương, và đặc điểm của những giao ước đó chính là Lời Hứa của Đức Chúa Trời. Sự thành tín của Chúa bảo đảm cho những Lời Hứa của Ngài. Và chắc chắn Chúa sẽ làm chính xác và trọn vẹn những gì Ngài đã hứa.

Vì vậy, chúng ta nên cực kì rất cẩn thận mỗi khi nghĩ và nói về người Do Thái, về dân Y-sơ-ra-ên trong các Hội Thánh hoặc trên các phương tiện truyền thông. Vì chúng ta đang giao thông với Tuyển dân và vùng đất của Đức Chúa Trời. Ngài không bao giờ ngừng yêu dân Do Thái vì Ngài thành tín với chính Ngài. Mọi điều Chúa đã hứa với họ sẽ được làm trọn. Và Chúa cũng sẽ thành tín với mọi điều Ngài đã hứa với Hội Thánh.

Những ai ngày nay đang biện luận rằng Hội Thánh đã thay thế Y-sơ-ra-ên trong chương trình của Đức Chúa Trời, thì rất quan trọng để biết rằng: có 77 lần Y-sơ-ra-ên được đề cập trong bản Kinh Thánh Tân Ước tiếng Hy Lạp với cương vị là một sắc dân, một quốc gia chứ không phải nói đến Hội Thánh. Cho nên chúng ta không nên tạo dựng một hỗn hợp Thần học thái quá như những gì đã xảy ra thường xuyên trong lịch sử của Giáo Hội trước đây.

(Còn nữa)

Hồng Ân biên tập

Nguồn: Tại sao là Y-sơ-ra-ên? –  Mục Sư Willem J.J. Glashouwer

Bài vở cộng tác và góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Tại Sao Lại Là Y-Sơ-Ra-Ên? – Các Giao Ước Với Y-Sơ-Ra-Ên (Phần 2)

Bình Luận:

You may also like